Dòng thơ viết về liệt sĩ: Ám ảnh và xúc động

Thứ Năm, 27/07/2023 15:57

. NGUYỄN HỮU QUÝ
 

Có lẽ, với văn học Việt Nam hiện đại, dòng thơ mang lại nhiều ám ảnh, xúc động là viết về sự hi sinh, mất mát của chiến sĩ và đồng bào trong các cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Mọi cuộc chiến tranh đều rất tàn khốc và dữ dội khi dân tộc ta phải đối đầu với những kẻ xâm lược to lớn giàu mạnh hơn gấp bội. Cuối cùng dân tộc ta đã giành thắng lợi. Tuy nhiên, thời gian càng lùi xa men say khải hoàn càng lắng xuống và sự điềm tĩnh cho ta những suy ngẫm cần thiết về dân tộc và nhân loại. Vinh quang của người chiến thắng không che khuất được mất mát, đau thương khôn xiết mà lớp lớp chiến sĩ, đồng bào ta phải chịu đựng qua ngần ấy cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc. Giá trị chiến thắng nên được nhìn ở góc độ ấy mới thấy hết tầm vóc hi sinh của các thế hệ đã xả thân vì Tổ quốc. Lịch sử minh chứng, trong cuộc đối mặt với các thế lực xâm lược hùng mạnh, dân tộc ta phải gồng mình lên để chiến đấu và chiến thắng bằng sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn, bằng trí tuệ của chiều sâu văn hiến kết tụ lại từ mấy nghìn năm nay. Nói bao nhiêu, viết bao nhiêu cũng không hết, không đủ về sự hi sinh của dân tộc. Điều đó lí giải vì sao trong văn học Việt Nam hiện đại đã có một dòng thi ca tưởng niệm và tri ân chảy suốt hàng mấy chục năm qua nhưng dường như vẫn chưa phủ thấm hết những miền thương đau vời vợi trên dải đất cong cong hình chữ S nhìn ra biển cả mênh mông này. Khi đọc lại những vần thơ bi tráng viết về các liệt sĩ chúng ta không khỏi nhói buốt lòng mình. Bởi nó gợi nhắc cho ta rất nhiều nghĩa trang trùng điệp mộ bia liệt sĩ kéo dài từ Nam ra Bắc, từ biên cương đến biển đảo. Cuộc sống hiện tại dù có bề bộn ngổn ngang bao nhiêu thì sự cảm thương về những chịu đựng mất mát trong quá khứ vẫn chưa hề bị khuất lấp, vơi nhạt. Cũng cần làm sáng rõ hơn điều này, không phải văn học viết về chiến tranh nói chung và thơ ca tưởng niệm tri ân các liệt sĩ của mọi thời đều giống nhau. Khai thác và nhìn nhận cuộc chiến đúng như nó đã từng xảy ra với những năm tháng đầm đìa máu, mồ hôi dân tộc trong ánh sáng nhân văn của loài người là xu hướng sáng tác được các nhà văn quan tâm hiện nay.

Từ cuối năm 1946, nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - Hồ Chí Minh). Sau chín năm kháng chiến, tháng 5 năm 1954 quân và dân ta đã có được một Điên Biên Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng (thơ Tố Hữu) giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Số phận nghiệt ngã lại đặt lên vai dân tộc Việt Nam một cuộc chiến tranh khốc liệt mới kéo dài hai mươi mốt năm (1954 - 1975) chống đế quốc Mĩ xâm lược. Hai mươi mốt năm đất nước thao thức không đêm nào ngủ được, hai mươi mốt năm ngày Bắc đêm Nam, hai mươi mốt năm đánh trận trường kì để có ngày Chiến thắng 30 tháng Tư: Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/ Rau muống xanh như hái tự ao nhà/ Trời còn đầy ắp hoa và pháo/ Nhìn nhau chưa vội mở vung ra/ Mâm xanh - sân cỏ xanh mải miết/ Quây quần đồng đội đến vui chung/ Hàng cây so đũa cùng ta đó/ Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng (Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập - Hữu Thỉnh).

Có thể nói rằng, đây là giai đoạn lịch sử Việt Nam máu và hoa, có bao nhiêu chiến công kì tích lừng lẫy là có bấy nhiêu mất mát đau thương to lớn. Rất nhiều người con ưu tú của Tổ quốc đã dấn thân và ngã xuống trong cuộc chiến đấu giải phóng đất nước. Thơ ca trong giai đoạn đó không thể không đảm nhận vai trò đánh giặc. Theo cách bày tỏ của Chế Lan Viên đó là Ta sống những năm viên đạn nặng hơn người/ Nhiệm vụ thơ nặng hơn trang giấy, các tài thơ. Đây là một cơ sở cho ta lí giải được phần nào vì sao thơ viết về sự mất mát hi sinh trong chiến tranh của giai đoạn này tràn trề lòng lạc quan như thế. Mất mát, đau xót mà vẫn lạc quan, đấy chính là đặc điểm chung dễ nhận ra của thơ viết về liệt sĩ thời chống Pháp, chống Mĩ. Dấu ấn thời đại dường như in vào đó; chiến sĩ đồng bào ta phải vượt lên nỗi đau để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù hung bạo.

Nỗi đau lạc quan thể hiện đậm nét trong những bài thơ nổi tiếng viết về liệt sĩ thời chiến tranh như Viếng bạn của Hoàng Lộc, Tây Tiến của Quang Dũng, Giá từng thước đất của Chính Hữu, Núi Đôi của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam, Mồ anh hoa nở của Thanh Hải, Hãy nhớ lấy lời tôi của Tố Hữu, Bài thơ về hạnh phúc của Dương Hương Ly, Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ, Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân…

Từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Hoàng Lộc đã có bài thơ Viếng bạn rất cảm động với những chi tiết hết sức cụ thể kể lại sự hi sinh của đồng đội: Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ… Nỗi đau không thể nói là nhỏ và nó chất chứa, nén dồn lại trong từng con chữ lâm khốc: Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời/ Mà hàm răng dính chặt. Tuy vậy, nỗi đau xót không phải là âm hưởng chủ đạo của thi phẩm mà vượt lên nó là lòng căm thù ngùn ngụt cùng với niềm tin sắt son vào chiến thắng sắp tới: Mai mốt bên cửa rừng/ Anh có nghe súng nổ/ Là chúng tôi đang cố/ Tiêu diệt kẻ thù chung.

Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, Tây Tiến của Quang Dũng là một trong những bài thơ hay nhất xuất hiện trong thời chống Pháp. Trong đoàn binh không mọc tóc ấy có nhiều người vốn là thanh niên, học sinh Hà Nội tình nguyện đầu quân đánh giặc xâm lăng, đêm còn mơ về những dáng kiều thơm nơi mình ra đi. Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống chốn rừng thiêng nước độc nhưng cái chết của họ vẫn không hề ảm đạm, u ám, trái lại vút cao lên bản tráng ca lẫm liệt: Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Sự hi sinh của những người lính Tây Tiến giống như cái chết của những tráng sĩ nghĩa hiệp vậy, chẳng có mảy may ai oán, bi lụy. Họ hóa thân vào sông núi quê hương, vì thế cái chết của người chiến sĩ đồng nghĩa với sự bất tử linh thiêng.

Nỗi đau lạc quan thể hiện vô cùng đậm nét trong tác phẩm Núi Đôi rất nổi tiếng của Vũ Cao. Bài thơ mang trong nó một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp: Bảy năm về trước em mười bảy/ Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/ Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì anh tới bữa em sang… Cùng với đó là nỗi đau mất mát quá lớn khi cô gái du kích - người yêu của anh bộ đội - hi sinh: Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em… Và đây, lung linh vầng sáng huyền diệu của sự giao hòa bất tử có được từ lòng lạc quan cách mạng bao la: Anh đi bộ đội, sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.

Bước sang giai đoạn chống Mĩ, ta càng thấy rõ hơn chất lạc quan trong những bài thơ viết về sự hi sinh. Trong Quê hương của Giang Nam ta đọc được sự cao cả từ những cái chết vì Tổ quốc: Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi. Cái chết của cô gái mở đường trong bài thơ Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ cũng trở nên huyền ảo lạ kì: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh/ Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong/ Đã hóa thành những làn mây trắng?… Không thể nói khác được, hi sinh cho đất nước trở thành hạnh phúc của người ra trận. Cái chết vinh quang là cách diễn đạt thường thấy ở nhiều bài thơ viết về liệt sĩ thời bấy giờ. Trong Nấm mộ và cây trầm, Nguyễn Đức Mậu đã cảm nhận rất rõ điều này: “Chết - Hi sinh cho Tổ quốc” Hùng ơi/ Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất/ Hi sinh lớn cũng là hạnh phúc/ Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng… Sự hi sinh của người chiến sĩ trên đường băng Tân Sơn Nhất năm 1968 được nâng lên thành hình tượng kì vĩ “dáng đứng Việt Nam” như thơ Lê Anh Xuân khắc tạc: Tên Anh đã thành tên đất nước/ Ôi anh Giải phóng quân!/ Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân…

Xin nhắc lại, khi chiến tranh kết thúc và lùi xa, chúng ta có điều kiện nhìn nhận hiện thực từng xảy ra một cách điềm tĩnh, toàn diện, sâu sắc hơn. Trong thơ ca, yêu cầu cổ vũ, động viên nhường chỗ cho sự tưởng niệm, tri ân những người ngã xuống vì Tổ quốc. Nhiều bài thơ về liệt sĩ ra đời với niềm đau thương thăm thẳm, sự hồi tưởng day trở khôn nguôi một thời bi tráng khốc liệt. Tưởng niệm và tri ân là âm hưởng chủ đạo của thi ca viết về liệt sĩ sau chiến tranh chống Mĩ. Có thể kể đến các bài thơ Phan Thiết có anh tôi của Hữu Thỉnh, Bài thơ người đi tìm phần mộ em trai mình của Dương Kỳ Anh, Viếng chồng của Trần Ninh Hồ, Gió đất của Lê Đình Cánh, Cô tôi của Nguyễn Văn Hiếu, Cánh rừng nhiều đom đóm bay của Nguyễn Đức Mậu, Cái roi ngày ấy của Đinh Phạm Thái, Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của Vương Trọng, Đám cưới một linh hồn của Vũ Bình Lục, Khát vọng Trường Sơn của Nguyễn Hữu Quý… Các thi phẩm ấy theo dấu chân những đội quân đi tìm đồng đội, theo thân nhân liệt sĩ đến các nghĩa trang trong cả nước. Chân thực, xúc động là cảm nhận chung khi ta đọc những bài thơ đầy chất tưởng niệm tri ân như thế. Về nghệ thuật thơ, chúng ta nên/cần chú ý tới yếu tố thực hòa trộn với yếu tố ảo, chất liệu đời thường quyện chặt với cảm nhận tâm linh. Sự khác biệt dễ nhận ra trong thơ viết về liệt sĩ trước và sau chiến tranh có lẽ nằm ở đó. Yếu tố lạc quan dường như không còn cần thiết nữa mà thay vào đó phải là sự chân thực của tâm trạng, cảm xúc được đẩy đến tận cùng. Từ sự hi sinh bật lên số phận dân tộc, số phận quê hương, số phận dòng họ, gia đình, số phận của mỗi con người trong bão táp chiến tranh.

Nhiều lắm những thương tiếc, ngậm ngùi, thổn thức trong các thi phẩm viết về liệt sĩ. Nhân vật trong thơ đôi khi là người thân của tác giả như trong bài Phan Thiết có anh tôi của Hữu Thỉnh: Không nằm trong nghĩa trang/ Anh ở với đồi anh xanh cỏ/ Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình/ Đồi ở đây cũng là con của mẹ/ Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em; hay Bài thơ người đi tìm phần mộ em trai mình của Dương Kỳ Anh: Trước gió bão cuộc đời trôi dạt/ Giờ em nằm nơi đâu trong đất lành Tổ quốc/ Anh đi tìm phần mộ em suốt mười mấy năm trời/ Anh đi tìm nắm - đất - cuộc - đời - em, chỉ gặp toàn kỉ niệm… Khói hương ngàn ngạt nơi nghĩa trang liệt sĩ cũng làm trào dâng bao lớp sóng tiếc thương, tưởng chừng nghe được những thầm thì xao xác từ cõi miền xa thăm thẳm nào đấy: Khói hương như thể mây mù/ Trắng trời lớp lớp lau gù đội tang/ Xạc xào gió lá ngụy trang/ Gió từ cõi đất gió sang cõi người! (Gió đất - Lê Đình Cánh)…

Sự tri ân liệt sĩ thể hiện ở nhiều khía cạnh trong đó không thể không kể tới các cuộc đi tìm đồng đội gian lao vất vả. Ở nhiều bài thơ, sự rung động từ trái tim người viết nhanh chóng truyền tải qua bạn đọc trong sự đồng cảm và chia sẻ vô cùng lắng đọng: Xin cho đau nỗi đau rừng/ Cánh cò trắng cả một vùng trời xa/ Đón em về lại quê nhà/ Với thầy mẹ, với ông bà tổ tiên (Đưa em về - Nguyễn Văn Hiếu). Tri ân còn thể hiện ở sự thấu hiểu những “tâm tư” của người nằm dưới mộ. Yếu tố tâm linh được đưa vào thơ rất hợp lí và giàu sức truyền cảm như trường hợp bài thơ Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc của Vương Trọng: Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều/ Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang… Trong bài Bông huệ trắng, Nguyễn Hữu Quý lấy giấc mơ trở về nơi mình đã ra đi của các liệt sĩ làm “điểm tựa” cho thi tứ, thi ảnh bài thơ: Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/ giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/ những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/ giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/ những người lính trở về đánh rạ dọn rơm/ giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng/ những người lính trở về cười ngượng nghịu/ giấc mơ người bật dậy tiếng oa oa…

Cũng cần phải nhắc tới những bài thơ viết về liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975. Đó là các bài thơ Gặp lại các em của Nguyễn Đình Chiến, Tôi đã gặp anh của Nguyễn Trọng Tạo, Những ngọn sóng tỏa hương của Trần Mai Hường, Tổ quốc đón anh về của Phan Vỹ… Anh linh những người lính ngã xuống nơi biên cương, biển đảo vẫn tỏa thơm giữa lòng đất nước: Nơi các anh ngã xuống/ Máu đã thắm san hô/ Anh linh hòa sóng biếc/ Cứ tỏa hương từng giờ (Trần Mai Hường)…

Tháng bảy, những bài thơ, khói hương và lòng người hướng về các liệt sĩ. Một cõi xa xôi thăm thẳm nhưng cũng quá đỗi gần gũi với dân tộc Việt Nam - cõi bất tử hội tụ những anh linh hi sinh vì Tổ quốc - sẽ mãi còn trong thơ như sự thương tiếc biết ơn không bao giờ vơi cạn. Thơ mang câu chuyện về những người ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước, vì thống nhất hòa bình cho non sông, vì hạnh phúc của nhân dân. Thời gian càng lâu những bài thơ viết về liệt sĩ càng lắng đọng. Đó là sự biết ơn vĩnh hằng của nhân dân dành cho những người đã hi sinh vì Tổ quốc thân yêu

N.H.Q

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)