. PHẠM NGUYỄN NGỌC ANH
“Phi chính trị hóa” quân đội là luận điệu nham hiểm, thâm độc nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch thực hiện chống phá cách mạng nước ta với mục tiêu xóa bỏ bản chất giai cấp công nhân của quân đội, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, việc nhận diện những biểu hiện mới và cơ sở khoa học phản bác các luận điệu này cần được tiếp tục phân tích, làm rõ để có biện pháp ngăn trừ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân uỷ Trung ương cùng Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân uỷ, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và Đại tướng Lương Cường, Uỷ viên thường vụ Quân uỷ Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Quân chính toàn quân 2022
Những biểu hiện mới của các luận điệu “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, đã dạy: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng, lại có hại.” Vì vậy, có thể khẳng định bản chất luận điệu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch là chống phá trực tiếp vào mặt chính trị, mặt “gốc” của quân đội, làm cho quân đội mất phương hướng về chính trị, xa rời về bản chất cách mạng, rệu rã về tổ chức, mơ hồ về bạn thù và dẫn đến tê liệt, mất sức chiến đấu. Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của thông tin, internet cùng các nền tảng của mạng xã hội như facebook, zalo, youTube… trở thành phương tiện để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chuyển tải các thông tin xấu độc, lái thông tin theo chiều hướng có lợi cho chúng. Chúng ta có thể nhận diện các luận điệu “phi chính trị hóa” quân đội rõ ràng hơn trên một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, các thế lực thù địch, phản động tăng cường xuyên tạc, phủ định mục tiêu, lí tưởng chiến đấu của quân đội. Chúng nhận thấy rằng, vấn đề bản chất giai cấp là vấn đề cốt tử của mọi quân đội, chỉ “phi chính trị hóa” quân đội khi đã xóa bỏ bản chất giai cấp công nhân của quân đội ta. Nguy hiểm hơn, chúng đòi xóa bỏ thành tố “cách mạng” của quân đội vì nội hàm “cách mạng” là bản chất, truyền thống “trung với Đảng, hiếu với dân” của quân đội. Nghĩa là, vấn đề căn cốt để xóa bỏ bản chất giai cấp công nhân của quân đội là các thế lực thù địch tăng cường phủ nhận vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động tăng cường phá hoại nền tảng tư tưởng của quân đội. Nền tảng tư tưởng của quân đội là nền tảng tư tưởng của Đảng, đó chính là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các thế lực thù địch đã điên cuồng xuyên tạc, bôi nhọ, công kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng bằng thủ đoạn cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với thế giới phẳng, bất lực trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, các thế lực thù địch, phản động tiến hành bằng nhiều cách can thiệp vào công tác tổ chức, biên chế và xây dựng đội ngũ cán bộ của quân đội. Cụ thể, chúng lợi dụng một số vi phạm kỉ luật, pháp luật được công khai trên các phương tiện thông tin từ đó hoặc tuyên truyền, khuếch đại những yếu kém từ bên trong đội ngũ cán bộ của quân đội hoặc mua chuộc, lôi kéo một bộ phận nhỏ cán bộ quân đội từng bị xử lí kỉ luật để thúc đẩy quá trình chuyển hóa về chính trị, tạo ra lực lượng nòng cốt hòng thực hiện ý đồ nham hiểm.
Thứ tư, các thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách phá hoại bản chất truyền thống tốt đẹp của quân đội, tìm mọi cách để chia rẽ các mối quan hệ thiêng liêng giữa đồng chí, đồng đội với nhau và giữa quân đội với nhân dân. Chúng phóng đại lên rằng hiện tượng “quân phiệt”, “lính cũ bắt nạt lính mới” trong quân đội là phổ biến. Chúng điên cuồng sử dụng các hình thức, biện pháp để phá vỡ mối quan hệ “cá - nước” giữa quân đội với nhân dân, để triệt tiêu cội nguồn sức mạnh vô tận của quân đội.
Cơ sở khoa học để phản bác các luận điệu “phi chính trị hóa” quân đội
Về mặt lí luận, học thuyết Mác - Lênin về quân đội chỉ ra rằng quân đội là một hiện tượng lịch sử xã hội, ra đời từ nhu cầu của giai cấp và cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội có phân chia giai cấp. Ngay khi ra đời, quân đội đã được dung dưỡng trong mình nó yếu tố chính trị và trở thành công cụ chuyên chính của một giai cấp, một nhà nước nhất định. Không thể và không bao giờ có một quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị. Khi bàn về bản chất chính trị của quân đội, Lênin từng chỉ rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản.” Quân đội và giai cấp luôn có mối quan hệ khăng khít ràng buộc, quy định lẫn nhau không thể tách rời. Ở các nước tư bản với chế độ đa đảng, quân đội thuộc cơ cấu nhà nước, trung lập với các đảng phái, nhưng đó chỉ là trung lập ở mức độ nào đó trong các cuộc xung đột giữa các đảng phái của giai cấp thống trị. Nên dù chính quyền nhà nước được các đảng phái thay nhau nắm giữ về cơ bản và nhất quán thì quân đội đó vẫn là của giai cấp thống trị. Lênin khẳng định: “Hình thức thống trị của nhà nước có thể khác nhau: tư bản biểu thị sức mạnh của nó bằng cách này ở nơi có hình thức này, hoặc bằng cách khác ở nơi có hình thức khác; nhưng thực ra thì chính quyền vẫn ở trong tay tư bản.” Vì vậy, có thể khẳng định dứt khoát rằng, không thể có một quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị và lợi ích của giai cấp thống trị.
Thực tiễn xây dựng quân đội ở các nước trên thế giới đã chứng minh rằng, quân đội là công cụ bạo lực của nhà nước, mang bản chất của giai cấp thống trị, quân đội của nhà nước xã hội chủ nghĩa mang bản chất của giai cấp công nhân đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc bất di bất dịch, nếu xa rời nó là đồng nghĩa với việc âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, phản động trở thành hiện thực. Ở Liên Xô, sau thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, Quân đội Liên Xô luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực sự là quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, phát triển hùng mạnh và giành được nhiều chiến công vĩ đại. Song, từ năm 1985, Liên Xô thực hiện cái gọi là “cải tổ”, “cách mạng” thực chất là phá bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản, điều này đã làm suy yếu quân đội về mặt chính trị. Năm 1991, sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô chấp nhận đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ cơ chế Đảng Cộng sản lãnh đạo đối với lực lượng vũ trang, Quân đội Liên Xô hoàn toàn thất thủ trước âm mưu “phi chính trị hóa” của kẻ thù, đã không bảo vệ được nhà nước Xô viết, chính thể sinh ra mình.
Kiên quyết, kiên trì đánh bại các luận điệu “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta kiên định nguyên tắc: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lí tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh…” Đảng ta đồng thời đề ra mục tiêu: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh. Đến năm 2030, xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội, công an hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ...” Nguyên tắc, mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và quân đội nói riêng được Đảng ta xác định rõ ràng, trong đó chú trọng đến xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, nghĩa là tiếp tục kiên quyết, kiên trì làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, phản động. Trong bối cảnh hiện nay, quán triệt nghị quyết của Đảng chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguồn gốc, bản chất, chức năng của quân đội, từ đó có cơ sở khoa học đấu tranh, phản bác các luận điệu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, phản động. Việc xuyên tạc rằng quân đội ta chỉ cần phục tùng nhà nước, không cần phục tùng Đảng Cộng sản, về thực chất là tuyên truyền cho sự chuyển hóa lập trường chính trị, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội. Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, được Đảng ta khai sinh, tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; vì vậy, không có mục tiêu chiến đấu nào khác là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Hai là, kiên định vấn đề có tính nguyên tắc trong bất luận hoàn cảnh nào Quân đội nhân dân Việt Nam phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghĩa là, phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng quân đội về chính trị và phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội. Nguyên tắc cơ bản này càng phải được tuân thủ nghiêm ngặt trong điều kiện mới, dưới sự tác động mạnh mẽ của xa lộ thông tin internet và mạng xã hội nhằm đảm bảo cho quân đội thực sự vững mạnh về chính trị, có đủ khả năng làm thất bại mọi sự chống phá của các thế lực thù địch. Để thực hiện được, đòi hỏi Đảng phải tự nâng mình lên ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đủ sức lãnh đạo quân đội, lãnh đạo quá trình xây dựng quân đội về chính trị và phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, phản động.
Ba là, nhanh chóng hoàn thiện, triển khai các giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt, không những giỏi đấu tranh vũ trang, mà còn giỏi trong đấu tranh phi vũ trang và tác chiến trên không gian mạng... đáp ứng yêu cầu “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, “ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” của các thế lực thù địch.
Bốn là, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, xây dựng môi trường văn hoá quân sự lành mạnh. Thực tiễn cho thấy, nếu điều kiện đời sống vật chất, tinh thần và môi trường văn hóa quân sự đáp ứng tốt nhu cầu chính đáng của cán bộ, chiến sĩ sẽ thường xuyên tác động đến mọi mặt hoạt động, giúp bộ đội yên tâm công tác, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đó cũng là phương thức tạo sự “miễn dịch”, tăng sức “đề kháng” phòng ngừa sự tác động, xâm nhập của mặt trái xã hội vào môi trường quân đội, góp phần phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm thất bại thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân độI.
P.N.A
VNQD