Thấu hiểu, thấu cảm, quý trọng văn nghệ sỹ - Tấm lòng của Bác Hồ

Thứ Ba, 01/08/2023 10:00

. NGUYỄN THANH
 

Ngày trước các cụ ta dùng khái niệm “liên tài” để chỉ những người tài năng có tấm lòng kính trọng tài năng. Từ góc nhìn chủ thể nghệ sỹ bài viết chứng minh Bác Hồ của chúng ta cũng có tấm lòng “liên tài” ấy.

Là một nghệ sỹ đích thực, Hồ Chí Minh rất hiểu vai trò của cảm hứng sáng tạo. Nhà thơ Tố Hữu không quen uống rượu, một lần được Bác nhắc: “Ngày xuân, chú cũng nên uống một chén cho bật tứ thơ”[1]. Qua câu chuyện của họa sỹ Ngô Tôn Đệ cho biết Bác hiểu và rất quý anh chị em nghệ sỹ: “Một lần họa sỹ trang trí cho một triển lãm. Bác gửi quà, trong đó có rượu nhưng không ai dám mở rượu ra uống. Thấy vậy, ông Vũ Kỳ nói: “Cứ uống rượu đi, Bác bảo là văn nghệ sỹ phải có rượu nó mới vui”... Sau đó, còn bất ngờ hơn, Bác đã điều xe riêng của Bác đưa chúng tôi về... Nhưng chúng tôi không ai dám ngồi xe cả”[2]. Phải rất hiểu đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật, của cá tính nghệ sỹ, Bác mới có lời dặn sâu sắc mà chí tình này cho ông Hà Huy Giáp (tháng 6-1963): “Tiếp xúc với các nhà giáo cũng dễ. Văn hóa, văn nghệ thì không tiếp xúc được tập thể. Họ đòi tình cảm là chính. Phê bình họ, phải lý tình đi đôi với nhau. Làm họ buồn, họ không sáng tác được… Gặp nhà giáo, chú có thể gặp tập thể. Gặp văn nghệ sỹ, chú phải gặp riêng từng người một… Đối với văn nghệ sỹ, phải có tình trước mới đưa họ vào lý… Rốt cuộc, mình hiểu anh em, coi trọng anh em thì anh em coi trọng mình, nghe mình”[3].

Bác yêu quý nghệ sĩ, luôn mong muốn ở họ luôn có những điều vui. Câu chuyện Bác Hồ với cụ Cả Tam cho thấy Người không bao giờ để người khác buồn, dù là nhỏ nhất. Cuối 1960 Bác đến thăm văn công ở Mai Dịch, “Cụ Cả Tam nghệ sĩ chèo liền ứng diễn bài mừng thọ Bác. Sau một đoạn ứng diễn khá suôn sẻ, Cụ Cả kết thúc: Chúc Bác Hồ sống lâu muôn tuổiThờií... ơiniên. Anh chị em đứng xung quanh Bác không nhịn được cười, bởi chữ tuổi thuộc vần tắt không gieo được âm kết của bài. Cụ Cả quýnh một lúc mới chụp được chữ “niên”. Cụ Cả ngượng nghịu ngồi xổm xuống thềm nhà, anh chị em vừa thương vừa tức cười cái việc ép vần tuổi còn niên của Cụ. Bác Hồ đưa tay ra hiệu cho mọi người im lặng và giải thích theo cách gỡ rối cho Cụ Cả: “- Niên là năm, muôn tuổi niên cũng là muôn năm”. Đoạn Bác quay sang nói tiếp: “- Nhưng không ai sống lâu đến thế phải không cụ!”. Cụ Cả rơm rớm nước mắt, miệng lắp bắp: “- Thưa Bác là thế đấy ạ!”[4]. Là vị Chủ tịch Nước mà thấu hiểu từng suy nghĩ của người nghệ sĩ già. Phải nói đó là sự vĩ đại!

Đối với văn nghệ sĩ Bác dành một tình yêu thương riêng của mình, cách của một trái tim nghệ sỹ đến với tấm lòng nghệ sỹ. Nhà văn Nguyễn Công Hoan nhớ lại năm 1946 được gặp Bác để báo cáo về tình hình báo chí. Theo tình cảm thông thường nhà văn nói suy nghĩ của mình là “tờ báo viết kém sẽ đình bản ngay”. Thật không ngờ Bác nói: “- Phải giúp họ tiến bộ mà sống chứ!”[5]. Chỉ một câu nói ngắn gọn nhưng cho thấy một tâm hồn yêu thương vĩ đại!

Nghệ sĩ Hoàng Châu Ký kể, cuối 1955 một số nghệ sĩ được mời lên biểu diễn phục vụ khách nước ngoài. Sau khi khách về hết, các diễn viên mới thu dọn hậu trường. Bỗng Bác xuất hiện, nói: “- Lúc nãy Bác được ăn mà các cháu không được ăn, nên Bác ra thăm lại, sợ các cháu tủi. Nhưng ăn ngoại giao ấy mà, không ngon đâu”[6]. Đấy là điều “áy náy” chỉ có ở những bậc đại nhân!

Các anh chị em nghệ sĩ xiếc còn nhớ mãi kỷ niệm một lần biểu diễn ở Hội trường Ba Đình, Bác vào tận hậu đài sân khấu, thăm hỏi, động viên mọi người. Đột nhiên, Bác quay sang hỏi đồng chí phụ trách tổ chức đêm diễn hôm đó: "Chú đã chuẩn bị bồi dưỡng cho các cháu sau buổi diễn chưa?". "Thưa Bác, chúng cháu đã chuẩn bị ạ!". "Thế chú định bồi dưỡng cho các cháu món gì?". "Dạ thưa Bác, bánh mì patê và nước chanh ạ!". Nghe vậy, Bác tỏ vẻ không vui, Bác nói: "Xiếc là môn lao động nghệ thuật rất nặng nhọc, nếu là chú sau khi làm việc mệt nhọc, chú có muốn ăn bánh mì không? Bác đề nghị chú cho các cháu ăn món ăn có nước..."[7]. Nghệ sỹ ưu tú Tú Lệ nhớ một lần kể cho Bác nghe những buổi diễn dưới tầm pháo địch hoặc dưới những trận mưa rào, nhưng khán giả vẫn ngồi xem rất đông. Tưởng được khen, nhưng Bác nghiêm giọng nói: “- Làm như vậy không tốt, không đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho nhân dân cũng như cho diễn viên...”[8].

Nghệ sỹ Tuyết Nhung, diễn viên cải lương khắc sâu kỷ niệm một lần được Bác đỡ dậy khi ngã trong lúc biểu diễn thời trẻ. Đó là khóa cải lương đầu tiên của Trường Nghệ thuật sân khấu biểu diễn màn cải lương “Trần Quốc Toản ra quân”. Diễn viên Tuyết Nhung đóng vai Quốc Toản chẳng may trượt chân bị ngã, “bỗng nhiên, tôi nghe thấy tiếng nói đầm ấm của Bác, giản dị, yêu thương, trìu mến làm sao: “- Nào! Bác đỡ anh hùng dậy!”. Tôi bàng hoàng mở mắt ra, mà ngỡ mình đang trong giấc chiêm bao: Bác đã đến bên tôi lúc nào không biết. Nhanh như tia sáng, nhẹ như làn gió ấm, Bác đỡ tôi lên, độ lượng, hiền từ. Vừa nói, vừa cười, vòng tay Người dang rộng: “- Nào ! Bác đỡ anh hùng dậy!”[9]. Nay-hơ-vin, dân tộc Giơ-rai, diễn viên hát, tự hào về món quà mỗi người của đoàn văn công Tây Nguyên một chiếc áo dạ rất đẹp. Nhưng nhớ nhất là lời dặn của Người: “- Các cháu mặc ngay áo bông vào không thì bị sưng phổi đấy!”. Khi đoàn mới trình diễn được nửa chương trình thì Bác lại bảo nghỉ. Bác nói: “- Diễn như vậy là đủ, các cháu mới ra tập kết chưa quen chịu lạnh, nếu làm nữa sẽ ốm đấy!”[10].

Bác chăm sóc các nghệ sỹ thể hiện ở cả những hành vi nhỏ nhất. Phạm Văn Khoa, đạo diễn điện ảnh nhớ về “Hôm đến làm việc với Bác, một cử chỉ rất thân mật của Bác làm tôi xúc động, nước mắt cứ trào ra. Bác để tay lên vai tôi, và một tay Bác cài chiếc khuy cổ áo sơ-mi cho tôi”[11]. Từ những chi tiết này khiến chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Bác hay tặng quà, dù nhỏ cho mọi người. Tháng 9-1953, gặp và hỏi chuyện bà Tôn Nữ Lệ Minh, vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư, Người gửi ba quả táo cho bà: “- Bác gửi cô cầm về cho các cháu mừng”[12]. Nghệ sỹ Chu Thúy Quỳnh kể về một kỷ niệm thật hạnh phúc năm 1966, một lần được ăn cơm với Bác. “Thường vào sau các bữa ăn bao giờ Bác cũng cho ăn quả. Hôm ấy, sau khi ăn cơm xong Bác cho tôi thêm một quả táo. Bác nói: “Cháu ăn đi, Bác cho quả này để cháu mang về cho “cái nhà biết đi” của cháu nhé”. Tôi ngượng nhưng trong lòng thì âm ỉ một niềm vui sướng”[13].

Câu chuyện vui “Các cháu muôn năm” không chỉ để mà vui mà còn ẩn chứa một quan niệm của Bác Hồ: rất quý văn nghệ sỹ. Tháng 2-1969 Đoàn văn công Công an nhân dân vũ trang được vào Phủ chủ tịch biểu diễn. Mọi người hô: Hồ Chủ tịch muôn năm. Bỗng Bác giơ tay và hô to: - Các cháu muôn năm!

Bất ngờ quá! Nhiều đồng chí đã giơ tay lên nhưng rồi kịp sực tỉnh, đứng im lặng, ngẩn người ra. Tất cả lặng đi sung sướng.

Bác bảo: “- Sao các chú không hô đi?

- Thưa Bác, các cháu… Một vài diễn viên ấp úng trả lời.

Bác nói: “- Đúng đấy, các cháu muôn năm!”[14]. Bổ sung cho điều này là lời của Người nói với một diễn viên Trung Quốc - Đỗ Lệ Hoa: “Diễn viên như các cháu là tài sản quý báu của đất nước, phải hết sức giữ gìn sức khỏe đấy”[15].

Chỉ vài dẫn chứng nhỏ ở trên cho thấy Một Tấm Lòng bao la biển trời về tình thương, về sự “liên tài” của Bác Hồ thể hiện ở sự thấu hiểu, thấu cảm, trân trọng, quý mến văn nghệ sĩ. Nó khác xa với những sự ghen tỵ, đố kỵ của một số văn nghệ sỹ đời nay kém tài nên hay nói xấu, nói “sau lưng” những điều không hay về đồng nghiệp!

N.T


[1]. Nhiều tác giả - Bác của chúng ta. Nxb Quân đội Nhân dân, 1985.tr 120.

[2]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr 370.

[3]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 411.

[4]. Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990.tr 145.

[5]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995. tr 34.

[6]. Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 50.

[7]. Duy Nam kể- Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh. Sđd, tập 1, tr 312, 313.

[8]. Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 113.

[9]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 294.

[10]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 265, 266.

[11]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995, tr 8.

[12]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 375.

[13]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh. Sđd, tập 1, tr 296.

[14]. Nguyễn Ngọc Châu (biên soạn) - Đưa Bác về Pắc Bó. Nxb Lao động Xã hội, 2007 tr 146.

[15]. Đặng Quang Huy (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc Nxb Chính trị Quốc gia, 2012. tr 69.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)