. NGUYỄN THẾ BẮC
Viết được một tác phẩm trinh thám hấp dẫn bạn đọc là công việc không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi nhà văn phải thực sự nắm vững nghệ thuật viết văn, phải tinh thông trong sử dụng các thủ pháp nghệ thuật phù hợp với thể loại. Qua việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật mà nhà văn có thể thổi hồn cho tác phẩm, tạo tính hấp dẫn cho tác phẩm. Khảo sát truyện trinh thám Việt Nam, có thể thấy các nhà văn đã nỗ lực và đạt được hiệu quả nhất định trong sử dụng kết hợp một số thủ pháp nghệ thuật để làm tăng sức hấp dẫn của tác phẩm.
Đặc trưng của truyện trinh thám là đặt ra nghi vấn và quá trình tìm ra bí mật làm lời giải những nghi vấn ấy, tìm ra kẻ phạm tội với hành tung tội ác của chúng. Đồng thời, bản chất tâm lí xã hội của con người là luôn tò mò, hiếu kì, và vì thế, các nhà văn trinh thám Việt Nam luôn luôn bám sát đặc trưng thể loại, tạo ra những nghi vấn xoay quanh vụ án; và truyện trinh thám thường mở đầu bằng một vụ án, một vụ giết người bí hiểm để tạo sự chú ý, gây ấn tượng mạnh đối với bạn đọc. Từ vụ án được nêu ra ngay từ đầu truyện, các nhà văn tiếp tục xây dựng hàng loạt tình tiết để tạo ra những nghi vấn tiếp theo cho bạn đọc như hung thủ gây án là ai, nguyên nhân gây án, động cơ gây ác, cách thức gây án… để thu hút sự chú ý, sự phán đoán của bạn đọc. Sự dẫn dắt người đọc lần theo quá trình điều tra của thám tử/ người điều tra nhằm giải mã những bí mật bằng nhiều tình tiết li kì, bất ngờ, khó có thể đoán trước… khiến truyện trinh thám có khả năng kích thích người đọc “nhập cuộc” cùng khám phá bí mật được đặt ra trong truyện. Truyện Vàng và máu (1934) của Thế Lữ được bắt đầu bằng câu chuyện về hang Thần trên núi Văn Dú chứa những tai họa ghê gớm, ai vào đó cũng chết, người chết treo trên cây ở cửa hang, nhiều người chết trong hang và người Thổ già cũng chết tức tưởi ngay sau khi bước ra khỏi hang. Bao nhiêu bí mật ẩn chứa trong những cái chết ấy mà độc giả muốn biết. Truyện Gói thuốc lá (1940) của Thế Lữ gây ấn tượng mạnh đối với bạn đọc nhờ việc mở đầu bằng cái chết bí hiểm của nhân vật Đường với một con dao cắm ngập tới chuôi ở sau lưng và tấm danh thiếp úp trước mặt cùng dòng chữ bí hiểm X.A.E.X.I.G. Sự bí hiểm ấy đã tạo sự chú ý và cuốn hút người đọc muốn tìm câu trả lời: Dòng chữ ấy có ý nghĩa gì, ai là người giết Đường và giết nhằm mục đích gì? Những cái chết tức tưởi của những cô gái trẻ liên tục xuất hiện và có chung một đặc điểm là trước khi chết thì họ đều lên chiếc xe taxi hãng Hoa Sen đã đặt ra nghi vấn không thể có một sự trùng hợp kì lạ đến thế, khiến người đọc phải chú ý đi tìm lời giải bí mật cái chết của họ trong Câu lạc bộ số 7 (2015) của Di Li. Một vụ tai nạn đáng ngờ xảy ra tại đèo Hốc, km 47 Hà Nội - Lạng Sơn với tang vật ban đầu là “một chiếc xe BMW màu đen to kềnh đang chổng bốn vó lên trời”, một chiếc váy hồng, trong túi chiếc váy là mẩu giấy có dòng chữ “Phan Thị Hà Vi. Tuổi 19. Trú tại L… Thái Hà”, “một chiếc áo trắng phụ nữ rơi sau phiến đá” đã đặt ra một nghi vấn như cảnh sát Long nghĩ “nếu vụ tai nạn đơn thuần người ta sẽ không bao giờ phiền đến cơ quan chống tội phạm (...); nó phải là một vụ án hóc búa và bí hiểm vượt qua khả năng của những cơ quan điều tra khác” cũng là đặt ra sự chú ý cho bạn đọc để kích thích họ cùng tìm lời giải trong Ổ buôn người (2011) của Giản Tư Hải. Tương tự như vậy, những cái chết xuất hiện ngay đầu truyện với những chi tiết, những manh mối ban đầu trong nhiều tác phẩm trinh thám của Phạm Cao Củng, Thế Lữ, Biến Ngũ Nhi, Lê Hoằng Mưu ở đầu thế kỉ XX, và trong truyện của Di Li, Giản Tư Hải, Kim Tam Long, Đức Anh, Nguyễn Dương Quỳnh, Hoàng Yến trong những năm gần đây đã thực sự tạo được sự chú ý của bạn đọc, đặt ra những nghi vấn để cuốn hút người đọc cùng những thám tử/ người điều tra đi giải mã những bí mật về vụ án được nêu trong truyện. Có thể nói, việc tạo nghi vấn, gây sự chú ý, tò mò đối với độc giả là một thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu mà các nhà văn trinh thám Việt Nam sử dụng để tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc.
Tình huống truyện là một yếu tố quan trọng để xây dựng cốt truyện và góp phần làm nên thành công trong sáng tác tự sự của nhà văn. Chẳng những góp phần khắc họa tính cách nhân vật mà tình huống truyện còn phản ánh được hơi thở cuộc sống, mang đến những cảm giác đặc biệt cho người đọc. Đối với truyện trinh thám, tình huống truyện càng trở nên quan trọng để tạo kịch tính, tạo sự bất ngờ - một yếu tố quan trọng để làm nên sự thành công của truyện trinh thám. Chính vì thế mà các nhà văn viết truyện trinh thám Việt Nam rất dụng công và cũng thành công trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện. Người đọc đã thực sự bị lôi cuốn vào tình huống truyện độc đáo trong những sáng tác truyện trinh thám. Chẳng hạn, trong Vàng và máu, tình huống được đẩy lên cao trào khi quan châu Nga Lộc dẫn thuộc hạ vào hang tìm kho báu. Ai cũng hồi hộp lo sợ, quan châu và ngay cả bạn đọc cũng thế, vì trước đó chưa ai thoát chết khi vào hang. Với truyện Mai Hương và Lê Phong (1937), Đòn hẹn (1937), Thế Lữ lại tạo một tình huống nhầm lẫn, phóng viên Lê Phong phải lừa, và người đọc cũng phán đoán sai, để đi đến một cái kết bất ngờ. Ở Mai Hương và Lê Phong, cái chết của bác sĩ Trần Thế Đoàn gắn với manh mối và sự ẩn hiện của Mai Hương khiến Phong tập trung hướng điều tra vào Mai Hương. Cuộc điều tra như một trò chơi ú tim mà Lê Phong là người bị động, sự chủ động thuộc về Mai Hương. Không chỉ Lê Phong mà cả bạn đọc, ai cũng nghĩ thủ phạm là người con gái kiều diễm Mai Hương. Liên tiếp những tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc điều tra, để rồi kết thúc truyện, hung thủ lại là Lương Hữu, người giết Đoàn vì muốn chiếm pho sách y học mà trong đó chứa mật mã nơi cất giấu của. Ở Đòn hẹn, tình huống đẩy sự gay cấn lên cao trào chính là tình huống Lê Phong bị sập bẫy của đảng Tam Sơn. Anh bị bắt, bị giam giữ và chứng kiến cái uy quyền cũng như sự tàn ác đến lạnh lùng của người đứng đầu đảng này. Anh không thoát được và ai cũng nghĩ Lê Phong sẽ bị thủ tiêu. Nhưng kết thúc truyện lại là một điều khiến ai nấy đều “ngã ngửa người ra” vì quá bất ngờ: hóa ra, đó là đảng Tam Sơn giả do Mai Hương dựng nên màn kịch để bảo vệ Lê Phong thoát khỏi sự ám sát của đảng Tam Sơn thật. Truyện Gói thuốc lá dẫn dắt người đọc đến những tình huống xoay quanh cái chết của Đường bên một tấm thiếp mang những con chữ bí mật X.A.E.X.I.G. Những chứng cứ đẩy những người điều tra như Mai Trung, Kỳ Phương và ngay cả bạn đọc đều hướng đến Nông An Tăng. Sự gay cấn được đẩy lên cao trào khi Nông An Tăng đấm Bình tối mặt để bỏ chạy. Đến đây, ai cũng như khẳng định chắc chắn hung thủ không ai khác là Nông An Tăng. Nhưng chỉ có Lê Phong, với tài quan sát và óc phân tích khoa học, vẫn không tin hung thủ là Tăng. Từ đó nhà văn tiếp tục dẫn dắt và hấp dẫn người đọc bằng tình huống độc đáo giàu kịch tính, đầy gay cấn, bất ngờ khi Lê Phong lên kế hoạch bắt hung thủ ở nhà thương Phủ Doãn. Anh đóng vai người sẽ bị giết, nằm trùm khăn trên giường trong bệnh viện để chờ sự ra tay của hung thủ. Một nhát dao đâm mạnh trúng ngực Lê Phong khiến bạn đọc thót tim vì nghĩ Lê Phong đã bị sát hại. Nhưng bạn đọc thở phào và thán phục: Lê Phong không chết vì anh đệm trong ngực tệp giấy bản dày ngót một gang tay; hung thủ bị bắt và đó không phải là Nông An Tăng mà là Đinh Võ Thạc - người bạn thân thiết cùng ở với Đường, vì muốn chiếm đoạt tấm vé số trúng giải độc đắc mà Thạc đã giết Đường. Số của tấm vé trúng thưởng là 015097 được mã hóa bằng chữ X.A.E.X.I.G mà Lê Phong giải mã để tìm ra hung thủ. Ở Trại Hoa Đỏ (2007) của Di Li, những cái chết liên tiếp xảy ra nơi trại Hoa Đỏ của vợ chồng Diên Vĩ, trong đó có cả cô gái trinh cuối cùng của nhà họ Quách, những tình tiết về truyền thuyết lời nguyền của dòng họ Quách, tâm lí và hành vi của Sương, ngay cả tâm lí và cử chỉ của Diên Vĩ đã tạo nên một tình huống truyện và đánh lạc hướng cảnh sát Bách cũng như bạn đọc: ai cũng nghĩ Sương, có lúc hướng đến Diên Vĩ là hung thủ, nhưng kết thúc truyện mới rõ hung thủ lại chính là Lưu - chủ trại Hoa Đỏ. Ổ buôn người bắt đầu với tình huống là một vụ tai nạn trên đèo Hốc khiến một người chết là người lái xe và một người mất tích cùng với bộ đồng phục ở hiện trường và một mẩu giấy ghi tên tuổi, địa chỉ để trong túi áo của nạn nhân mất tích Hà Vi. Tình huống vụ án đã đánh lạc hướng người điều tra và cả bạn đọc. Tình huống ấy ban đầu hướng người điều tra và bạn đọc nghĩ đến đó là một vụ tai nạn giao thông. Bằng sự thông minh và kinh nghiệm, đại úy Trần Phách đã bắt tay điều tra để lần ra sự thật: đó không phải là vụ tai nạn xe bình thường mà là vụ án buôn người qua biên giới, nạn nhân là những cô gái trẻ và thủ phạm là những kẻ buôn người như Han, Mãnh và Ken. Chính tình huống đó đã tạo nên kịch tính, bất ngờ, khiến cho truyện trở nên hấp dẫn. Ở Mặt nạ trắng (2018) của Kim Tam Long, tình huống hai vợ chồng người thợ rèn bị giết chết dã man, rồi ba người đàn ông giết vợ chồng người thợ rèn cũng bị giết chết bằng những nhát búa đập nát đầu sau đó mấy ngày, gắn với lời đồn có một người đeo mặt nạ trắng là hồn vợ chồng người thợ rèn quay lại trả thù… tạo nên sự li kì, kịch tính cho quá trình giải mã cái chết của họ: Ai là hung thủ? Ở tác phẩm truyện trinh thám nào của các nhà văn Việt Nam, chúng ta cũng có thể tìm thấy những tình huống truyện độc đáo, tạo ra sự li kì, sinh động cho tác phẩm, kích thích được trí tò mò và khơi gợi được cảm xúc của độc giả, làm cho truyện trinh thám có sức hấp dẫn đối với bạn đọc, nhất là những người ưa khám phá.
Để tạo ấn tượng, tăng cảm giác rùng rợn, li kì, truyện trinh thám Việt Nam còn sử dụng các thủ pháp nghệ thuật khác như: chọn chi tiết gây hiệu quả nghệ thuật đắt giá; tăng cường các yếu tố kì ảo, kinh dị; miêu tả không gian, thời gian; miêu tả âm thanh, ánh sáng... để vừa làm mềm hoá, làm chậm nhịp độ truyện kể, vừa tạo cảm giác hồi hộp, rùng rợn, tăng xúc cảm cho người đọc.
Nhiều chi tiết được sử dụng trong truyện trinh thám Việt Nam như chìa khoá mở bức màn bí mật của câu chuyện, tạo sức thuyết phục cao bằng sự logic, khoa học, hợp lí. Chẳng hạn, chi tiết “vết tay” trong Vết tay trên trần (1936) của Phạm Cao Củng giúp Kỳ Phát phát hiện cái chết của Nùng Cao là âm mưu trả thù của Lâm Nục; chi tiết những hòn đá tẩm thuốc độc trong Vàng và máu giải thích về cái chết của những người vào hang Thần trên núi Văn Dú; chi tiết Đinh Võ Thạc giật mình khi Lê Phong đòi gói thuốc lá mặc dù Thạc không cầm của Lê Phong trong Gói thuốc lá đã làm lộ ra kẻ giết Đường chính là Đinh Võ Thạc chứ không phải Nông An Tăng như ban đầu nhiều người nghĩ; chi tiết tìm hiểu được về lai lịch của Trần Hoàng Lưu đã giúp Phan Đăng Bách hoá giải cái chết của nhiều người bởi chính chồng của Diên Vĩ - tên Trần Hoàng Lưu trong Trại Hoa Đỏ; chi tiết những con số và chữ mật mã đã giúp Kỳ Phương giải mã được mật chỉ thời Minh Mạng giúp anh và cả đội tìm ra kho báu, thoát khỏi hang trong Minh Mạng mật chỉ (2018) của Giản Tư Hải; chi tiết phân tích logic về động cơ gây án cùng những dấu hiệu phát hiện bằng chứng từ việc livestream của Hoàng đã khiến Quân và Nguyên dù yêu quý và kính trọng tài năng, lòng tốt của bạn mình là bác sĩ Hoàng đã tìm ra hung thủ giết chết Vương chính là Hoàng, hoá giải lời nguyền, sự đồn đoán về sự báo thù, báo oán truyền kiếp của kẻ mang mặt nạ trắng trong Mặt nạ trắng…
Thủ pháp nghệ thuật sử dụng các yếu tố kì ảo, kinh dị, ma mị; miêu tả không gian, thời gian; miêu tả âm thanh, ánh sáng… đã được sử dụng triệt để trong các tác phẩm trinh thám Việt Nam. Điều này phát huy được hiệu quả nghệ thuật cao trong việc tạo ra những cung bậc cảm xúc của người đọc. Bạn đọc sẽ cảm thấy rùng rợn đến ớn lạnh khi âm thanh vọng vào vách núi giữa nơi thâm u hoang vắng được phát ra từ người phát hiện xác chết và chỉ tay về một xác chết treo cổ, mặt thâm đen, lưỡi thè ra thật kinh khủng trong Vàng và máu. Bạn đọc sẽ cảm thấy quay cuồng, hoang mang, lo sợ với cảm giác bị rượt đuổi khi lọt vào mê cung và không tìm ra lối thoát cùng với nhân vật Diên Vĩ, hay những âm thanh lách cách trong hang động, hình ảnh con chó mực chết giữa đường trong lúc chập choạng tối nơi núi rừng heo hút mà chồng Diên Vĩ lái xe va phải trong Trại Hoa Đỏ; cảm thấy sợ hãi với hình ảnh kẻ sát nhân mặt nạ trắng thoắt ẩn thoắt hiện nơi miếu hoang cạnh nghĩa địa gắn với những câu chuyện giết người báo thù nhiều kiếp trong Mặt nạ trắng; cảm thấy khủng khiếp, rùng rợn trước hình ảnh một thi thể cụt đầu và một bộ não đỏ hon hỏn trong bể dung dịch thí nghiệm mà giáo sư Tôn Thất Sắc dẫn kẻ mặt nạ vào coi ở phòng thí nghiệm ngột ngạt thâm u trong Âm mưu thay não (2011) của Giản Tư Hải; cảm thấy rùng mình trước căn bệnh lạ cướp đi hình hài, sinh mạng của nhiều người trong Đảo bạo bệnh (2020) của Đức Anh…
Để cho câu chuyện li kì, làm tăng sự thu hút, hấp dẫn và gợi cảm giác hồi hộp cho người đọc, tác giả truyện trinh thám Việt Nam còn sử dụng nhiều không gian bóng tối, không gian bí ẩn, những âm thanh tạo cảm giác trong nhiều tác phẩm. Đó là không gian rậm rạp nơi cửa hang tối om và tiếng những giọt nước tí tách nhỏ giọt vọng ngân trong hang Thần trên núi Văn Dú (Vàng và máu); không gian dò xét của Lê Phong trong Mai Hương và Lê Phong với “những căn buồng đóng ván lên tới trần, kín mít và tối om” hay không gian sào huyệt của đảng Tam Sơn với “một căn phòng kín đáo hiện đang là nơi giam giữ Lê Phong” cùng tiếng “kẹt kẹt” của cánh cửa từ phòng hầm này sang phòng hầm khác đầy vòng vo ngóc ngách; không gian mênh mông hoang vu lặng lẽ trong đêm tối mờ ảo với những bóng người Mán lủi thủi ẩn hiện ở trại Hoa Đỏ khi gia đình Diên Vĩ về nghỉ cuối tuần nơi núi rừng miền sơn cước trong Trại Hoa Đỏ; không gian lắt léo, bí hiểm trong Mật mã Champa (2016) của Giản Tư Hải; những không gian kì bí lúc tranh tối tranh sáng nơi miếu hoang, nơi nghĩa địa trong series “truyện trắng” của Kim Tam Long… Tất cả những không gian ấy đã kích thích trí tò mò, khiến bạn đọc bị cuốn hút theo diễn biến câu chuyện.
Không chỉ không gian nghệ thuật, các nhà văn trinh thám Việt Nam còn chú ý đến việc xây dựng thời gian nghệ thuật rất hiệu quả: chủ yếu là thời gian ban đêm, gắn thời gian khách quan với thời gian tâm lí để gợi cảm xúc của các nhân vật. Đặc biệt, thời gian tâm lí không chỉ diễn tả sự hồi hộp chờ đợi từng giây, từng phút của nhân vật mà nó khiến độc giả cũng hồi hộp, lo lắng, ngóng chờ theo từng bước đi của thời gian. Thời gian ấy đã tạo nên kịch tính để thu hút độc giả, khiến độc giả được sống với số phận, với tâm trạng và diễn biến tâm lí của nhân vật. Bạn đọc có cảm giác thời gian chậm chạp trôi trong sự nín thở, rón rén chờ đợi hung thủ xuất hiện như chính cảm giác của Lê Phong chờ đợi hung thủ xuất hiện ở nhà thương Phủ Doãn trong Gói thuốc lá, hay thời gian rất chậm diễn tả sự chần chờ của Phan Đăng Bách khi chưa tìm được manh mối phá án trong Trại Hoa Đỏ và Câu lạc bộ số 7; thời gian gấp gáp, dồn dập như cuộc rượt đuổi của Lê Phong bám theo Mai Hương trong Lê Phong phóng viên (1937) của Thế Lữ; hay thời gian nhanh gấp trong Ổ buôn người và Âm mưu thay não…
Thủ pháp xây dựng thời gian nghệ thuật độc đáo kết hợp với bối cảnh không gian nghệ thuật độc đáo đã tạo ra một thế giới không-thời gian cho nhân vật bộc lộ phẩm chất và tính cách, tạo nên kịch tính, gợi nên những xúc cảm phong phú, đồng thời tạo nên một sức hút, sức lôi cuốn đối với bạn đọc.
Việt Nam không có truyền thống về truyện trinh thám, thể loại này mới xuất hiện trong nền văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX và trải qua những giai đoạn phát triển thăng trầm: sau sự xuất hiện và phát triển mạnh ở nửa đầu thế kỉ XX, trở nên chìm lắng và biến đổi dạng thức trong nửa cuối thế kỉ XX; hồi sinh, phát triển trở lại từ đầu thế kỉ XXI và đặc biệt là phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Khái quát một số thủ pháp nghệ thuật của truyện trinh thám Việt Nam để thấy sự nỗ lực của các nhà văn trong việc tiếp thu và Việt hoá một thể loại văn học xuất phát từ phương Tây. Bằng việc sử dụng kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật truyền thống và hiện đại, sử dụng tổng hợp các yếu tố nghệ thuật, các nhà văn đã làm cho truyện trinh thám Việt Nam trở nên hấp dẫn, gần gũi, dễ tiếp nhận, phù hợp với tâm lí bạn đọc Việt Nam.
N.T.B
VNQD