"Tội lỗi" và sự tầm thường của cái ác

Thứ Tư, 02/08/2023 00:59

. TĂNG VĂN CHUNG
 

Trong cuốn sách gây tranh cãi Eichmann ở Jerusalem (Hiếu Tân dịch, Bùi Văn Sơn Nam hiệu đính, Nxb Tri thức, 2020), Hannah Arendt biện giải chân dung Eichmann - tên đồ tể Nazi - như một kẻ tầm thường. Người ta vẫn quen nghĩ chỉ có ác quỷ hay quái vật mới giết người khát máu. Nhưng Eichmann trong cảm nhận của Arendt là một kẻ không có gì đặc sắc. Một kẻ giết người nổi tiếng sao trông giống như một ai đó ta vẫn gặp hàng ngày. Mặt khác, cái ác đến từ việc thiếu khả năng suy nghĩ, dễ dàng mọc lan như cỏ khắp nơi. Và, sự chung sống giữa cái ác vô hạn với cái bình thường có thể phá hủy thế giới.

Quan điểm không mới nhưng gây tranh cãi của Arendt có thể tìm thấy tiếng nói tri âm trong tập truyện ngắn Tội lỗi của Ferdinand Von Schirach (Lê Quang dịch, Nxb Hội Nhà văn & Công ti Sao Bắc Media, 2022). Nếu như Arendt bị tấn công bởi cách bà nói về cái ác thì Schirach lại được say mê bởi giọng kể bậc thầy của một người thâm trầm lịch duyệt. Mười lăm truyện ngắn như tập hồ sơ muôn mặt về tội lỗi của con người, về cái ác nấp trong những chân dung không hề đặc sắc, con người thực hành tội lỗi dễ dàng như tham gia một lễ hội.

 

Sự tầm thường của cái ác

Truyện ngắn Lễ hội là âm chồng mở đầu bản giao hưởng hỗn loạn về tội lỗi muôn mặt. Những người đàn ông khả kính, có gia đình ổn định, không gì đáng phàn nàn về lối sống, chơi nhạc trong lễ hội mừng sáu trăm năm ngày thành lập thị tứ. Họ đeo tóc giả, râu giả; các bà vợ đánh phấn trắng và bôi son cho họ. Tất cả giống nhau. Tất cả chếnh choáng trong bia rượu chảy tràn. Và điều đó đã xảy ra. Cô bé lễ tân mười bảy tuổi trượt ngã, bia đổ lên người, đám đàn ông nhìn cô chằm chằm, một người túm lấy cô, màn đóng lại. Khi cảnh sát đến, cô đã bị vứt xuống gầm sân khấu, nhầy nhụa tan nát. Một người trong số đó gọi điện cho cảnh sát. “Do đó phải chấp nhận rằng bất cứ ai trong số họ cũng có thể là người gọi điện. Tám người có tội, nhưng mỗi người đều có thể là một người vô tội nọ.” Một người trong số đó gọi điện cho luật sư mà không nói gì. Chút nhân tính sót lại nhanh chóng bị im lặng dập tắt, để triệt tiêu bằng chứng, để vô tội. Rồi đám đàn ông được thả, họ tiếp tục đóng thuế và cho con đến trường.

Nhờ sử dụng thủ pháp cài cắm chi tiết, để hình ảnh lên tiếng, cắt cảnh đầy dụng ý của điện ảnh, Lễ hội mang chứa tham vọng bao quát các chủ đề xoay quanh trục cái ác. Một là, cái ác tập thể rất đáng sợ. Trong cái ác tập thể, không một ai phải chịu trách nhiệm cá nhân trước sự phán xét của đồng loại. Hai là, ai cũng có khả năng trở thành tội phạm, tội lỗi rình trước cửa. Ba là, nhà nước pháp quyền và sự bất lực trước cái ác, sự hồi quang của nhân tính và khả năng hủy diệt nhân tính rất triệt để ở con người.

Holbercht trong truyện Trẻ ranh có cuộc đời viên mãn. Vợ là giáo viên tiểu học, anh là nhân viên bán đồ nội thất văn phòng. Một ngày, anh bị còng tay với tờ lệnh bắt “Lạm dụng trẻ em trong 24 vụ”, đứa bé tố cáo là học sinh của vợ. Cuộc đời sang trang đen tối. Vợ li hôn, tù ba năm rưỡi. Những ngày thầm lặng làm lại cuộc đời, anh gặp lại cô bé ấy giờ đã là thiếu nữ. Holbercht theo dõi và thủ sẵn dao để đòi món nợ. Người kể chuyện - luật sư - được cô bé trao cho toàn bộ sự thật: hồi tám tuổi, cô đã bịa ra câu chuyện tày trời, chỉ vì cô muốn giữ cô giáo cho riêng mình, cô ghen với Holbercht khi thỉnh thoảng anh đến đón vợ.

Tác phẩm đề cập đến vấn đề nhạy cảm: tội lỗi - tội ác ở trẻ em. Chúng ta thường nghĩ, bọn trẻ mà, làm gì nên tội. Giống ông thẩm phán, chúng ta dễ dàng tin con bé và lời xác nhận của bạn nó. Hậu quả thì khôn lường. Chúng ta phải làm gì đây với sự tầm thường của cái ác?

Bằng lối viết kiệm lời, triệt tiêu cảm xúc, chỉ để hình ảnh và sự việc cất tiếng nói, Ferdinand Von Schirach điềm tĩnh kể với chúng ta về những động cơ không ngờ vẫy gọi con người nhúng tay vào tội lỗi, những chân dung tội phạm bất ngờ. Khai sáng chỉ rõ tham vọng của bố mẹ đẩy con mình vào cô độc, hoàn cảnh sống khắc nghiệt và những trò đùa tai ác làm con người xô lệch. Người kia cảnh báo trò đùa với lửa, đánh mất kiểm soát. Áp lực phác thảo một gia đình có vẻ yên ả: người chồng sở hữu những câu sáo mòn; người vợ ăn cắp vặt để bị bắt bị xử lí, như cần một biến cố đập toang cái trống rỗng. Nhưng rồi số phận lại nhấn chìm vụ cô bị bắt, như mọi thứ trong đời cô đã từng lắng xuống…

 

Tư pháp và nhân tính

Ferdinand Von Schirach là luật sư hình sự. Năm bốn lăm tuổi ông mới bắt đầu sáng tác. Văn chương Đức và thế giới may mắn được góp thêm tiếng nói sắc sảo, giàu kiến thức và kinh nghiệm sống. Những câu chuyện trong Tội lỗi mang dấu vết nghề nghiệp trước đó của tác giả. Từ trải nghiệm, người viết biết phải chọn câu chuyện và điểm nhìn nào để thiết lập một thế giới riêng, mà ai lạc bước vào sẽ bị cuốn hút, không thôi suy tư. Con người có thể mãi mãi là kẻ vô tội trong cõi đời này không? Tại sao lại phải nhận diện cái ác tầm thường? Chúng ta phải làm gì với tội lỗi của đồng loại?

Mở đầu truyện Tư pháp là một đoạn thuyết minh về mức độ hoành tráng của tòa án hình sự nằm ở quận Moabit của Berlin. “Mỗi năm tòa án này xử lí khoảng 60.000 vụ hình sự.” Thế nhưng, gã Turan tật nguyền bị xử lí hình sự vì bị bắt nhầm. Tìm không ra hộ khẩu Tarun phạm tội, chỉ thấy Turan, viên cảnh sát “cho rằng người ta viết lộn chữ cái, thực tế phải là Turan chứ không phải Tarun. (…) Công tố viên xin xuất lệnh phạt và thẩm phán hạ bút kí. Nếu không đúng, người đó sẽ đến giải trình, viên thẩm phán nghĩ bụng.”

Toà án địa phương trong truyện Lễ hội là “…một tòa nhà tân cổ điển với cầu thang hẹp ngoài trời, tôn vinh sự hùng hậu của nhà nước pháp quyền. (…) Tất cả tỏa ra một vầng hào quang trang trọng và liêm khiết.” Nhưng phiên tòa xử vụ hiếp dâm tập thể “sẽ kết thúc ở đây, và tội lỗi là một chuyện khác hẳn”. “Tòa không có bằng chứng gì vì các bị can im lặng.” Đám đàn ông được thả. Họ lại sống cuộc đời khả kính. Hôm ấy, cha cô gái ngồi ở bậc tam cấp tòa án, mắt đỏ ngầu vì khóc, vùi đầu vào giữa hai cánh tay.

Nhà văn am hiểu luật thâm trầm chỉ ra sự đối lập giữa hình thức với thực chất khiếm khuyết của nền tư pháp, ẩn giấu thái độ phê phán. Chúng ta phải làm gì trước tội lỗi của con người? Chúng ta trông chờ vào đâu để con người bớt tội lỗi, khi chính nền tư pháp đôi khi cũng bất lực? Hay là phải chấp nhận, một khi con người còn sống thì còn gây ra tội lỗi, luật pháp do con người làm ra thì cũng chính con người vô hiệu hóa? Chúng ta phải chấp nhận “sự đời như chúng vẫn thế” (Aristotles) hay sao? Đấy là khoảng trống dành cho bạn đọc. Văn chương khiến con người không ngừng suy tư về đời sống.

Giữa muôn vàn tội lỗi và những điều khó lường, nhân tính vẫn lấp lánh đâu đó. Một trong số kẻ phạm tội ở Lễ hội gọi điện cho cảnh sát đến, gọi điện cho luật sư nhưng không nói gì. Dù rằng anh ta không thắng nổi chính mình, nhưng chúng ta còn biết làm gì hơn khi trông chờ vào khả năng thức tỉnh, biết sám hối ở mỗi người? Cô bé là đứa trẻ ranh bịa chuyện gây tội ác lúc tám tuổi, đã ghi vào nhật kí nỗi dằn vặt qua bao nhiêu năm. Đôi vợ chồng trong Dấu vết giã từ quá khứ nghiện ngập giết người, hòa nhập xã hội rất tốt. Nhưng khi câu chuyện bị xới lại, họ thú nhận hết và cùng tự sát ở hồ cát. “Họ không muốn làm việc đó ở nhà mình. Căn hộ mới được quét sơn trước đó hai tháng.”

Nỗi dằn vặt của con người sau tội lỗi là tín hiệu vui mừng còn sót lại. Có khi thoát khỏi pháp luật, nhưng không thể trốn được tòa án lương tâm. Nhận thức cái ác tầm thường để không vướng vào cũng quan trọng như nhận thức sự cần thiết thực hành cái tốt bình thường. Bởi vì, Thượng đế vắng mặt, con người là dự tính của chính mình, chịu trách nhiệm về hành động của chính mình, trong quãng đời ngắn ngủi.

T.V.C

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)