. THIÊN SƠN
Từ cuối những năm 80 của thế kỉ trước, hòa trong không khí đổi mới chung của dân tộc, điện ảnh cũng như những ngành nghệ thuật khác đã tìm cách mở ra những cánh cửa của sự sáng tạo. Tính đến nay, chặng đường đó đã trên 30 năm, một khoảng thời gian với đầy ắp thăng trầm, nhiều khó khăn, gian khổ, thất vọng và đau đớn, nhưng cũng là một thời kì phát triển đa dạng với rất nhiều thử nghiệm, có thất bại nhưng cũng có những thành công quan trọng, để lại những tác phẩm đặc sắc, có sức sống lâu dài.
Vốn ra đời trong chiến tranh, phim truyện Việt Nam thời kì đầu (1959 - 1985) phần lớn đều hướng đến đề tài chiến tranh cách mạng. Hình tượng trung tâm trong phim truyện thời kì này chủ yếu là người lính. Cảm hứng chủ đạo là ngợi ca cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, chính nghĩa của nhân dân ta và phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam. Nghĩa là chúng ta đi vào cái chung mà chưa đề cao đầy đủ cái riêng, chưa có điều kiện phản ánh một cách sâu sắc, toàn diện những khía cạnh phức tạp của đời sống con người. Điện ảnh thời kì Đổi mới có trách nhiệm bù lấp những khoảng trống của thời kì trước, hòa nhập với những xu hướng mới của điện ảnh thế giới và đáp ứng những yêu cầu, thị hiếu đang không ngừng thay đổi.
Một cảnh trong phim Lưới trời
1. Từ cảm hứng tụng ca trong chiến tranh, phim truyện Việt đã chuyển sang phản ánh hiện thực bừa bộn, phức tạp thời kinh tế thị trường. Sự chuyển đổi trong cảm hứng chủ đạo đã dẫn đến hệ quả là nội dung chính của phim truyện Việt sau 1986 không phải là phim chiến tranh nữa, các nhà làm phim mở rộng tầm quan sát, suy ngẫm và chuyển đổi mãnh liệt về mặt đề tài và chủ đề. Nhiều vấn đề mới mẻ, vô cùng bức thiết và đau đớn được đưa vào phim.
Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh là câu chuyện xoay quanh kí ức của Nguyệt, một phụ nữ làm nghề làm nghề kĩ nữ trên sông Hương đã từng giúp đỡ, che giấu một chiến sĩ hoạt động nội thành khỏi sự săn lùng của kẻ thù. Cô đã được anh nói về lí tưởng giải phóng người lao khổ và đã cảm động, đem lòng mến thương, chờ đợi anh. Nhưng rồi kết thúc chiến tranh, anh trở thành một lãnh đạo cao cấp của tỉnh. Cô đã tìm thấy anh, nhưng anh kiên quyết từ chối, phủ nhận hoàn toàn mối quan hệ trước đây với cô. Tưởng như là một chuyện thường tình của cuộc đời vốn dĩ nhiều đen bạc, thế nhưng đạo diễn Đặng Nhật Minh đã khéo léo khái quát hóa thành câu chuyện giữa người cách mạng với chính người dân đã giúp đỡ, cứu sống mình; tác giả cũng nói lên một cách kín đáo những thất vọng của người dân đã từng mơ ước về một tương lai được giải phóng, được hạnh phúc và phồn vinh. Bộ phim trở thành lời cảnh tỉnh sâu sắc về tình trạng xa dân, tình trạng bao biện, dối trá, tình trạng suy thoái đạo đức của những người cầm quyền vốn dĩ một thời được nhân dân yêu mến và hết lòng tin theo. Tại thời điểm cuối những năm 80 của thế kỉ trước, bộ phim này như một lời tiên báo, gây sửng sốt cho không ít người. Đấy là một sự phát hiện về đề tài và chủ đề có ý nghĩa xã hội, một tiếng nói dũng cảm, mang tinh thần đổi mới trong nghệ thuật điện ảnh.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi với Tướng về hưu (do nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của ông) tiến thêm một bước trong việc cảnh báo tính trạng vô luân và sự lên ngôi của đồng tiền. Tướng Thuấn, vốn gần cả đời sống với trận mạc, với những người lính, sau chiến tranh, về hưu và trở lại căn nhà cũ của mình từ thuở nhỏ. Ở đó ông sống bên người vợ bị mất trí, đứa con trai vốn là người làm khoa học nhưng ươn hèn, không có quyền hành gì trong gia đình. Người chủ thực sự của gia đình là Thủy, con dâu ông. Thủy làm ở bệnh viện sản, chuyên phá thai, cuối ngày thường mang các thai nhi bị phá về xay làm thức ăn cho đàn chó. Nhờ nuôi chó quý bán với giá cao mà Thủy trở nên khá giả. Cô thao túng mọi quyền hành trong gia đình, lừa trên, dối dưới, ngoại tình và coi thường cả luân thường đạo lí. Có lần, cô đã dí gói tiền vào mặt ông chú chồng cô mà nói rằng: “Chỉ có cái này mới là quyền lực thực sự, không phải đạo đức, ân nghĩa lại càng không…” Ông Thuấn trở nên lạc lõng, cô đơn, và cuối cùng, không thể chấp nhận nổi hiện thực tàn nhẫn, đã bị đột quỵ và qua đời. Bộ phim phản ánh một hiện thực trần trụi, với những chi tiết kinh rợn, đầy ám ảnh. Nó đặt ra những vấn đề khủng khiếp mà chúng ta phải đối mặt thời hậu chiến: những giá trị sống một thời chúng ta tôn thờ cuối cùng đã bị đảo lộn; sự độc ác, lưu manh và gian manh thắng thế; tình người, luân lí hàng ngàn đời xây đắp bị vứt bỏ.
Một bộ phim khác dấn sâu hơn vào vấn đề nội bộ của những người cầm quyền và lợi ích nhóm mang tính thời sự nóng bỏng là Lưới trời của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Qua một phiên tòa xử các tội phạm kinh tt, tác giả phim đã làm rõ sự chi phối, thao túng phía sau của những nhân vật chóp bu như Hai Phán, Tư Lê và sự câu kết giữa các tổng công ti với các ngân hàng. Sự thao túng phía sau đã mang đến sự thiệt hại cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng. Truyện phim cũng phán ánh những đường dây móc nối có tính mafia, những âm mưu, thủ đoạn, những kiểu ăn chơi trác táng của những kẻ lắm tiền nhiều của, những hành động độc ác giết người giệt khẩu…
Càng ngày, phim truyện Việt Nam càng vươn ra phản ánh những vấn đề đa dạng của đời sống. Thương nhớ đồng quê, Cánh đồng bất tận nói về những phận người bất hạnh ở vùng đồng bằng, với cuộc sống leo lét, thất vọng, không được bảo vệ và xa rời với ánh sáng văn minh. Thung lũng hoang vắng đưa ta về với những phận người nghèo khổ ở vùng miền núi xa xôi. Mùa ổi gợi lại cho ta nỗi hoài tiếc về một thế giới đã mất của Hà Nội thuở xưa. Đời cát nói về thân phận của những người đàn bà thời hậu chiến… Mỗi phim một vẻ, đều là những chuyện đời thấm thía, sâu sắc, phản ánh những vấn đề phức tạp mà đời sống đang đặt ra bi thiết.
Có thể nói, những đề tài và chủ đề được đề cập đến trong phim truyện thời kì Đổi mới là vấn đề then chốt, chưa từng có trong phim Việt thời kì trước. Nó cho thấy, các nghệ sĩ đã cố gắng nắm bắt những chuyển động mới của đời sống, đã lao động nghệ thuật nghiêm khắc và dũng cảm. Những bộ phim tiêu biểu thời kì này có giá trị cảnh tỉnh và giá trị nhân văn sâu sắc.
Một cảnh trong phim Tướng về hưu
2. Hướng đến khán giả, phim truyện thời kì này liên tục đổi mới cách kể chuyện, đa dạng hóa màu sắc thẩm mĩ và thủ pháp thể hiện. Xu hướng hội nhập ngày càng mạnh mẽ, khán giả Việt được tiếp xúc với các nền điện ảnh lớn và các tác phẩm đỉnh cao của thế giới, điều đó đặt các nhà làm phim trong nước vào tình thế phải đổi mới toàn diện tư duy nghệ thuật. Thị hiếu của khán giả được đặc biệt chú ý. Sự quan tâm của khán giả đối với một bộ phim là thước đo cao nhất, là mục tiêu quan trọng nhất đối với một tác phẩm điện ảnh.
Để thu hút khán giả, từ những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước, Canh bạc của Lưu Trọng Ninh đã chú ý lạ hóa đề tài. Truyện phim kể về một cô sinh viên tên Mai, vì nghèo khó đã quyết định rời bỏ Hà Nội lên miền núi tìm một người thân với hi vọng có việc làm thêm để kiếm tiền. Cô quen một người lái xe hào hoa, rồi dần dần thâm nhập vào thế giới của những kẻ cờ bạc, buôn lậu. Bộ phim đưa người xem về cảnh rừng núi, chứng kiến thế giới của những kẻ du thủ du thực. Tại thời điểm những năm 1990, đó là một mảng đề tài lạ, còn nhiều bí ẩn và được người xem chú ý.
Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng là bộ phim đánh một dấu mốc trong việc hình thành dòng phim thị trường ở nước ta. Kể về những phận đời, và đặc biệt hé lộ những cảnh thầm kín vốn dĩ từ trước không được nói đến trong cuộc sống và sinh hoạt của những cô gái nhảy, đạo diễn Lê Hoàng đã tạo nên một cơn sốc trên thị trường phim Việt, dù báo chí thời kì đó có nhiều ý kiến cho rằng chất lượng nghệ thuật của bộ phim không cao, trong phim có sự lạm dụng các yếu tố câu khách như xã hội đen, vũ nữ, mại dâm, tình dục, ma túy... Dù vậy, khi được công chiếu vào dịp Tết 2003, bộ phim đã đạt doanh thu kỉ lục (12 tỉ - một con số đặc biệt ấn tượng thời kì đó).
Sau Gái nhảy, phim Việt có sự chuyển hướng ngày càng mạnh mẽ theo hướng thị trường. Cùng với sự ra đời của các hãng phim tư nhân, dưới áp lực thu hồi vốn, càng ngày càng nhiều phim đi sâu vào đề tài cấm kị một thời với những yếu tố hành động, thậm chí bạo lực, các đề tài về những cô gái nhảy, những mối tình đồng tính. Những bộ phim này ít nhiều thu hút được khán giả, nhất là khán giả trẻ, nhưng ít để lại những ấn tượng sâu sắc.
Một cảnh trong phim Gái nhảy
3. Trong những năm gần đây, khi dòng phim thị trường lên ngôi và phim ngoại nhập ngày càng mạnh mb, bức tranh điện ảnh đã ít nhiều có sự mất cân đối giữa các dòng phim. Nếu tính về số lượng phim ngoại nhập lớn gấp khoảng gần 5 lần phim sản xuất trong nước mỗi năm (trung bình khoảng 40 phim nội và 200 phim nhập), dòng phim thị trường tư nhân thiên về giải trí chiếm phần lớn, trong khi phim chính luận, nói về các đề tài lớn liên quan đến những vấn đề đạo đức, lối sống, lịch sử dân tộc… đang sụt giảm về số lượng. Chất lượng phim nhìn chung có chững lại. Tính nghệ thuật và giá trị nhân văn trong phim Việt gần đây không được như mong đợi.
Sự thăng trầm của từng giai đoạn cụ thể là điều khó tránh khỏi và chúng ta phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục những điểm yếu, phát huy những điểm mạnh. Có một điều đáng nói là, ngay giai đoạn đầu tiên của thời kì Đổi mới, trong điều kiện làm phim khó khăn hơn ngày nay rất nhiều, các nhà làm phim vẫn sáng tạo nên những bộ phim thành công, có giá trị nghệ thuật rất cao. Điều đó nói lên rằng, tài năng, lí tưởng nghệ thuật, tư tưởng nhân văn, sự dụng công trong lao động và sự táo bạo, dám đột phá trong sáng tạo là nhân tố cốt lõi mà chúng ta cần khuyến khích, tôn trọng.
Điện ảnh của chúng ta đang gần với đời thường hơn, đang phản ánh ngày càng đa dạng những khía cạnh phức tạp của đời sống; về mặt kĩ thuật, công nghệ đang được nâng lên không ngừng. Điện ảnh Việt cũng đang tìm mọi cách vươn lên trong một môi trường cạnh tranh nghiệt ngã, với yêu cầu ngày càng cao. Một đội ngũ các nhà làm phim trẻ, được đào tạo trong và ngoài nước đang đưa vào các tác phẩm của họ những cái nhìn mới, những cách thể hiện mới. Đó là lí do để chúng ta hi vọng, dù khó khăn vẫn chất chồng và con đường đi lên phía trước không ít gập ghềnh, gấp khúc.
T.S
VNQD