Ông tôi - nhà văn Bùi Hiển

Thứ Hai, 07/08/2023 00:13

. BÙI CẨM HÀ
 

Nhà văn Bùi Hiển (1919 - 2009) vừa vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, giải thưởng trang trọng nhất dành cho những cuộc đời tận tâm cống hiến cho nghề nghiệp và sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam.

Những tình bạn văn chương cao thượng

Đối với gia đình chúng tôi, việc ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là tin vui lớn, nhất là khi những người con của ông đã tuổi bát thập, thất thập, còn thế hệ cháu như tôi cũng đã vào vòng ngũ thập tri mệnh. Ông và nhà thơ Hoàng Trung Thông, đồng nghiệp đồng hương Nghệ An, là hai tác giả lĩnh vực văn học duy nhất được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này (năm 2022). Năm 2018, trong lễ đặt tượng ông tại Bảo tàng Văn học, nhà văn Nguyễn Trí Huân chia sẻ với gia đình và các phóng viên rằng “Bùi Hiển là một nhà văn khiêm nhường” và sự khiêm nhường này khiến ông “chịu nhiều thiệt thòi”.

Nhà văn Bùi Hiển (ảnh chụp năm 1958 -
tư liệu gia đình cung cấp)

Trở lại năm 2000, cách nay 23 năm, trong đợt xét trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần II, trong số hơn 10 nhà văn được Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất đưa vào hồ sơ xét giải, có nhà văn Bùi Hiển và nhà văn Nguyễn Văn Bổng (1921 - 2001), tác giả tiểu thuyết Con trâu. Nhưng trước vòng sơ khảo tại cấp hội đồng cơ sở của Hội Nhà văn, nhà văn Bùi Hiển đã chủ động xin rút khỏi giải. Năm ấy, trả lời phỏng vấn của Báo Tiền phong, ông, khi đó 81 tuổi, khiêm tốn nói: “Trong bữa tiệc văn chương, tôi ngồi chiếu hai, chiếu ba thì hợp hơn.” Câu này được Báo Tiền phong đặt làm tít của bài phỏng vấn đăng ngay sau đó. Hành động rút lui này của ông làm nhiều người ngạc nhiên. Nhà văn Anh Đức, tác giả tiểu thuyết Hòn Đất, một trong 14 nhà văn đoạt giải năm đó, từ thành phố Hồ Chí Minh gọi điện thoại ra thắc mắc: “Sao anh lại rút?” Với nhà văn Bùi Hiển, một người luôn đặt nghĩa tình và sự tử tế lên hàng đầu, sự ẩn mình khiêm nhường này không có gì lạ.

Nhà văn Bùi Hiển và nhà văn Nguyễn Văn Bổng (gia đình tôi quen gọi là chú Bổng), một người từ Khu 4, một người từ Khu 5 ra Hà Nội cùng làm ở Tổ Nông thôn của Báo Nhân dân từ đầu năm 1955. Hai gia đình là hàng xóm kề nhau vài năm trong khu tập thể rất chật hẹp. Vào thời điểm khởi động xét giải, chú Bổng lúc đó đã ốm nặng, tiên lượng không qua khỏi. Tâm sự với gia đình, ông tôi đánh giá rất cao vai trò nhà văn - chiến sĩ của chú Bổng trong kháng chiến chống Mĩ. Chú Bổng không chỉ đi B theo cách thông thường mà còn thâm nhập sâu, sống và sáng tác trong lòng địch. Ông tôi cũng có nhiều đợt đi thực tế chiến trường, lăn lộn dưới làn bom đạn. Nhưng ông không chỉ nghĩ tới sự lăn xả của riêng mình mà còn trọng và thương bạn bè, đồng nghiệp, nhất là những đồng nghiệp đang gặp khó khăn. Theo tôi hiểu, đó chính là lí do dẫn tới quyết định tự nguyện rút lui khỏi danh sách đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm đó của ông, một hành động thiết thực để ủng hộ nhà văn Nguyễn Văn Bổng.

Khi biên soạn sách Bùi Hiển - người đánh thức lương tri công bố hồi kí và tư liệu riêng của ông tôi, ra mắt năm 2019, tôi đã không dưới một lần ngạc nhiên vì sự hết mình của ông với bạn bè, nhất là những người bạn “mắc nạn”. Theo nhà phê bình Nguyên An, người gần gũi ông lúc đương thời, chính nhà văn Bùi Hiển là người không quản ngại rét mướt, mưa nắng, nhiều lần cố đi tìm tung tích nhà văn Phan Khắc Khoan (1916 - 1998), người mà ông cho rằng “giỏi lắm, có công với thể loại kịch thơ Việt Nam”. Những nỗ lực của ông để đưa nhà văn Phan Khắc Khoan trở lại sinh hoạt với anh em trong Hội Nhà văn xuất phát từ việc ông được tin “ông ấy không được như xưa nữa” kể từ khi sa sút do vụ Nhân văn - Giai phẩm.

Năm 1992, nhà văn Bùi Hiển đích thân chuyển giao cho Hội Nhà văn bản tự bạch của ông Ngọc Giao nhằm giải tỏa “án treo” cho nhà văn này. Nhà văn Ngọc Giao vốn là Thư kí tòa soạn tờ Tiểu thuyết Thứ bảy những năm 1930, anh em cọc chèo với họa sĩ Tô Ngọc Vân. Từ sau năm 1954, nhà văn Ngọc Giao hầu như không công bố sáng tác do các vướng mắc ông “chịu đựng suốt bốn thập kỉ mà không hề phân trần biện bạch” (trích nhật kí cá nhân của ông tôi). Tôi từng đôi lần theo ông tới thăm nhà ông Ngọc Giao, một ngôi biệt thự xinh xắn ở khu Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) nhưng nhìn ngoài có phần u uẩn và trầm buồn như phận đời của chủ nhân.

Còn nhiều lắm, nhiều lắm nhà văn tài hoa mà cuộc đời truân chuyên như Hà Minh Tuân, Chu Thiên, Nguyễn Địch Dũng…, ông tôi đều dành cho họ sự trân trọng, sẻ chia tới những phút cuối đời. Các dòng nhật kí của ông lúc nào cũng hướng về bạn bè, quan sát những tâm tư, tình cảm, những thăng trầm trong đời sống của họ. Mỗi khi có người bạn văn chương nào đó qua đời, ông thường ngồi tư lự đọc lại các tác phẩm, rồi dành thời gian viết điếu văn, có khi trắng đêm.

Ở gần ông, tôi đôi lần được chứng kiến những lúc ông “bốc” khi bạn bè tới thăm, nhất là với các văn nghệ sĩ từ miền Nam ra như Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng. Có bạn quý tới nhà, ông hay nhờ mẹ tôi chuẩn bị một mâm nho nhỏ: vài hạt lạc rang, lát cá thu chiên, mấy củ tỏi tươi, bát nước mắm ớt gừng thơm lừng và mấy chén rượu con. Vào thời bao cấp khó khăn, mâm cơm như vậy là sang lắm. Cứ thế, ông và các bạn hàn huyên, tâm sự tới muộn, còn tôi thì thập thò ra vào ngắm các nhà văn lớn của Việt Nam chụm đầu nói chuyện.

 

Phong cách chuyên nghiệp

Nhà văn Bùi Hiển là một người kĩ tính. Từ nhỏ tôi thường xuyên được tiếp xúc với những trang bản thảo chi chít chữ của ông (chữ ông rất đẹp) với nhiều nét gạch xóa. Ông luôn tôn trọng bạn đọc từ mỗi dấu chấm, dấu phẩy, không bao giờ muốn thể hiện bất kì sự nghiệp dư hay cẩu thả nào. Những năm cuối thập niên 1980, việc xuất bản sách bắt đầu cởi mở hơn với sự liên kết giữa tư nhân và Nhà nước, chú tôi ở Đồng Nai đảm trách in ấn một số tác phẩm của ông. Lần nào ông cũng dặn: “Nhớ chú ý khâu chữa bản in, đừng để sai sót, ba rất không thích bản đính chính.” Năm 1979, ông tôi sáng tác truyện ngắn Cái bóng - cọc, có bối cảnh khu tập thể Kim Liên nơi cả đại gia đình sinh sống. Khi đó, vì miêu tả một người đứng tuổi chăm chú tập dưỡng sinh như một cái bóng cọc, nhưng tảng lờ vòi nước công cộng đang chảy xối xả gần bên, ông tôi bị đánh giá “lập trường có vấn đề”. Một số ý kiến suy diễn rằng cái bóng - cọc là cái “bóng - cột”, không phải cột thường mà ám chỉ trụ cột quốc gia. Và cái vòi nước là việc nước, vận nước. Nhưng mọi việc không quá sâu xa như vậy. Điều thôi thúc ông viết truyện được nói rõ ở phần đề dẫn của bản thảo truyện, tới nay nhà tôi còn giữ: “Làm sao cho, trong mỗi người, ý thức trách nhiệm ăn sâu vào máu thịt như một cái gì thường xuyên và tự giác, trong mọi việc lớn nhỏ.”

Khác với hình dung của nhiều người rằng nhà văn thường có xì-tai bụi bặm hoặc hơi lôi thôi, ông tôi luôn giữ phong thái tề chỉnh. Tôi đã quá quen với hình ảnh các bộ quần áo của ông được giặt sạch ủi thẳng và treo mắc cẩn thận, cùng những chiếc khăn mùi soa ông mang theo để thấm mồ hôi. Ông đi làm về, bao giờ bà tôi cũng chuẩn bị một thau nước cho ông rửa tay rửa mặt. Những chiếc khăn mùi soa lại được giặt sạch sẽ, treo lên. Đặc biệt, ông tôi đi đâu cũng giữ thói quen đội mũ, dù là thời bình hay chiến tranh bom đạn, nghe có vẻ hơi cầu kì nhưng thực ra đó là thói quen của người “lo tới sự tề chỉnh trong dáng điệu ngang với sự trong sạch của tâm hồn” như một nhân vật trong tác phẩm Nỗi oan của bác đồ gàn của ông.

Với tư cách hội viên sáng lập, tham gia ba khóa Ban Chấp hành, từng làm Ủy viên Thường vụ, Thường trực và Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Bùi Hiển vừa sáng tác vừa đảm nhiệm trọng trách quản lí văn nghệ. Có lần ông chia sẻ, với cấp bậc của mình, ông có thể yêu cầu đi lại việc công bằng ô tô, hồi ấy là những chiếc Lada của Liên Xô. Nhưng ông không bao giờ đòi hỏi. Ông luôn trung thành với chiếc xe đạp Đức hiệu Đi-a-măng màu xanh cũ kĩ. Tôi nhớ ông có cách lên yên xe mạnh mẽ rất đặc trưng, chân trái trên pê-đan, chân phải lấy đà thật dứt khoát rồi vòng rộng từ sau ra trước. Trên chiếc xe này, ông đã chở tôi tới Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô học múa, lúc lên cầu Chương Dương ngắm lũ sông Hồng lên, khi ra đê Yên Phụ xem cắt gọt các nhà phục vụ mở rộng đê. Tôi ngồi sau chiếc xe đạp của ông, lúc hào hứng, lúc buồn chán, ngây thơ không biết rằng ông đang vô hình gieo vào mình một nếp tư duy vô cùng quý giá: hãy chịu khó quan sát, chịu khó trải nghiệm. Bác Nguyên An kể thường chở ông qua lại một con đường, đến lần thứ ba, ông bất ngờ hỏi: “Nguyên An có thấy con dốc này có gì lạ không?” Bác Nguyên An chưa kịp trả lời, ông tôi nhắn nhủ: “Nhà văn quan sát được mười phần thì nhà phê bình cũng phải cố quan sát được năm phần. Thế mới có thể phân tích được người khác.”

Ông Bùi Quang Tú, con trai nhà văn Bùi Hiển, thay mặt gia đình nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh truy tặng cho nhà văn tại lễ trao giải thưởng ngày 19/05/2023 tại Hà Nội

Mạnh mẽ và khoan dung

Trong điếu văn tại lễ tang của ông tôi, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét nhà văn Bùi Hiển “là người có đời sống nội tâm phong phú nhưng luôn giữ được sự tĩnh tại, an nhiên, nêu một mẫu mực về sự nghiêm cẩn, mực thước, tin cậy và ấm áp trước những công việc vô cùng tinh tế và nhạy cảm”. Với tuổi đời, tuổi nghề của ông, trong mắt các thế hệ sau, ông là một nhà lãnh đạo văn nghệ, một nhà văn thế hệ đàn anh trên văn đàn Việt Nam hiện đại. Nhưng kí ức mà bạn bè, đồng nghiệp nhớ về ông thường là những câu chuyện đầy ắp sự chia sẻ và lòng vị tha, những nâng đỡ tinh thần trước một đời sống văn học luôn sôi động và không ít sóng gió.

Tháng 11 năm 2019, gia đình chúng tôi tổ chức ra mắt sách Bùi Hiển - người đánh thức lương tri do gia đình biên soạn nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Tại sự kiện này, nhà văn Lê Minh Khuê kể, cô may mắn được trò chuyện với ông khi bị một số bậc đàn anh nghi ngờ về tài năng, bị óc trọng nam khinh nữ gạt sang một bên của đời sống văn chương và thậm chí đứng trước nguy cơ có thể bị tước đoạt tự do trong thời kì văn học nhiều nỗi niềm trước Đổi mới. Ông đã động viên, khích lệ cô Khuê qua những buổi trò chuyện bằng những tâm tình giản dị, ấm áp nhưng mạnh mẽ: “Cháu yên tâm, bác và các chú ở đây sẽ bảo vệ cháu. Những ai cho rằng truyện của cháu là ám chỉ này nọ, chính họ mới có vấn đề.”

Với việc gia đình công bố nhật kí, thư từ cá nhân xuyên suốt sự nghiệp văn chương bền bỉ kéo dài tới 60 năm của nhà văn Bùi Hiển, nhiều nhà nghiên cứu, độc giả đã mong tìm thêm được một góc nhìn khác về các biến cố lớn của đời sống văn học nghệ thuật hoặc các tiết lộ cá nhân động trời. Nhưng trung thành với phong cách sống và làm nghề của ông, chúng tôi đã để các chi tiết chắt lọc nói lên tất cả, xin dành sự suy ngẫm sâu xa cho bạn đọc. Đây là các dòng nhật kí của ông sau sự kiện Nhân văn - Giai phẩm: “10-07-1958: Những ngày đấu tranh đã qua. Nói cho rõ hơn, đấu tranh đợt đầu. Không khí có sáng sủa hơn nhiều. Tuy vẫn còn tồn tại một số thắc mắc. Và giữa anh em văn nghệ chưa đoàn kết mạnh, có đôi khi còn giữ miếng. Nhớ lại lớp học đảng viên. Những ngày đầu nặng nề, có đêm nằm chiêm bao thấy những chuyện kinh hoàng giật mình thức dậy. (…) Tiếp đến, lớp học về thời kì quá độ ở Phố Huế. Những ngày thảo luận khá vui. Bài bạn đọc của báo Nhân dân, đọc trong khi đi dự Đại hội Liên hoan Chiến sĩ Công nghiệp. Sau đấy nói chuyện với Bổng. Bài báo có những điểm không chính xác, còn thái độ thì không công bằng đối với mức sai lầm. Sau đấy lại nói chuyện với Hoài Thanh. Nhắc lại Bổng lời yêu cầu của mình: Trình bày sự việc trước Tiểu ban (đảng viên có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, nhưng Đảng cũng cần bảo vệ cho đảng viên).”

Khi hỗ trợ VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện bộ phim về nhà văn Bùi Hiển có tên Nhà văn của niềm tin và khát vọng, phát sóng tháng 9 năm 2018, tôi tình cờ thấy một nhà phê bình nhận xét rằng, với bản tính mực thước của mình, các tác phẩm của nhà văn văn Bùi Hiển có vẻ thiếu cá tính và sự gào thét, kể cả trong chiến tranh khốc liệt hay trong thời kì văn học đổi mới. Khi đọc nhật kí của ông, hiểu hơn những tâm tư sâu kín, tôi càng khẳng định điều bấy lâu tôi cảm nhận được từ việc đọc tác phẩm của ông: Khi con người đủ mạnh mẽ, họ sẽ khoan dung; khi người ta đủ từng trải, họ sẽ độ lượng. Ông lựa chọn lối sống khỏe khoắn cho tâm hồn, là điển hình của một “tinh thần Việt Nam” luôn lạc quan, luôn bước tới. Ông không lựa chọn cách xát muối lên những vết thương để tìm kiếm danh vọng cho mình.

Nhà văn Bùi Hiển, với ngòi bút của mình, đã song hành cùng những sự kiện lịch sử quan trọng bậc nhất của Việt Nam và của cả thế giới trong thế kỉ XX. Từ một chàng thư sinh giỏi tiếng Pháp, một viên chức “vui đời, hơi lười biếng” như ông tự nhận, năm 1941, với tập truyện ngắn Nằm vạ do Nhà xuất bản Đời nay ấn hành, ông được đánh giá là “đã đưa vào văn học Việt Nam buổi đầu hiện đại một giọng điệu văn chương mang tên Bùi Hiển”. Sau đó, ông dấn thân vào hai cuộc chiến tranh, trở thành một thành viên tích cực của nền văn học nước nhà, trở thành trụ cột của một gia đình đông thành viên. Khi lần giở những dòng ghi chép, đọc lại những bức thư ông gửi cho gia đình và bạn bè, chúng tôi có ý tìm xem có khi nào ông bày tỏ sự mỏi mệt hay thất vọng. Tuyệt nhiên không. Năm 1967, gần 50 tuổi, ông vẫn xung phong đi vào chiến trường để có thêm tư liệu thực tế cho sáng tác. Ở tuổi trên dưới 80, ông vẫn hoạt động tích cực, dịch sách, sáng tác, thăm viếng bạn bè. Đối với ông, các sự kiện của đời sống, mọi hỉ nộ ái ố của con người, mọi chông chênh của thời cuộc... là những trải nghiệm quý giá, là vốn sống, là sự mở rộng tầm mắt và kĩ năng. Ông viết trong nhật kí: “Người ta, cuộc đời chỉ có một lần bốn mùa... Còn cây cối lặp đi lặp lại cái vòng tuần hoàn ấy nhiều lần.” Hơn ai hết, ông tôi hiểu rằng mỗi năm qua đi, con người sẽ càng tiến gần tới giới hạn của đời người trong cái vô tận của không gian và thời gian. Nhưng chúng ta vẫn sẽ bước tới, mạnh mẽ hơn nhờ sự trưởng thành trong tâm hồn và niềm hi vọng vào sự kế thừa. Di sản tâm hồn là điều quý giá nhất mà con người có đặc quyền được hưởng, để phân biệt với các giống loài khác trên trái đất này. Nhớ về ông, tôi thêm trân trọng những điều tuyệt vời nhất, tốt đẹp nhất mà cuộc sống này ban tặng cho mỗi chúng ta: tình thân gia đình, tình bạn, niềm vui lao động và sự tiếp nối của các thế hệ.

B.C.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)