Được lòng dân – Tư tưởng lớn của Bác Hồ

Thứ Hai, 07/08/2023 09:12

. TRẦN HẢI OANH

 

Nước Đại Việt ta trong lịch sử đất không rộng người không đông nhưng luôn phải chống lại các cuộc xâm lăng của lũ giặc mạnh nên phải đoàn kết thành một khối thống nhất để tạo ra lực lượng. Các cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung… đều toát lên bài học tướng sĩ “một lòng phụ tử” cùng sống chết, cùng hưởng thụ “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”… Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo đã nói rất thấm thía về điều này: “Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”. Tất cả phải coi nhau như trong một nhà cùng hướng về ngọn cờ lý tưởng giải phóng đất nước không chịu làm nô lệ cho ngoại bang. Cách mạng tháng Tám là bài học sáng ngời, quý giá về sự tiếp thu, kế thừa các giá trị truyền thống. Khi mà “Lòng muôn dân rần rật lửa căm hờn/ Máu giải phóng đã sôi dòng nhân loại!” (Tố Hữu – Huế tháng Tám) bởi đã bị phong kiến đè nén hàng ngàn năm, thực dân bóc lột tám mươi năm nên khát vọng giải phóng là khát vọng lớn nhất, mãnh liệt nhất của dân tộc yêu hòa bình, giàu tinh thần tự chủ này. Đúng lúc ấy Đảng giương cao ngọn cờ đại nghĩa nên nhanh chóng thu phục được lòng người. Ý Đảng gặp lòng dân sẽ làm thay đổi lịch sử: “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời” (Tố Hữu – Huế tháng Tám). Niềm vui vỡ òa, chói lóa. Người người kết thành sức mạnh vô địch “Người lên như nước vỡ bờ” (Nguyễn Đình Thi – Đất nước). Nhờ có sự tổ chức, lãnh đạo khoa học, chặt chẽ, Đảng đã hướng sức mạnh ấy vào mục đích đánh đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, đem lại độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân nên cách mạng nhanh chóng thành công. Ngày vui lớn nhất, đẹp nhất, kỳ vĩ nhất khai sinh ra nước Việt Nam mới cũng là ngày biểu dương sức mạnh ngút trời của dân tộc: “Biển sống trào lên thành đại hội/ Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng” (Tố Hữu – Vui bất tuyệt).

Những hình ảnh đoàn người ào ạt, hồ hởi đi giành chính quyền cũng đi luôn vào lịch sử để sống mãi trong ký ức thiêng liêng của dân tộc: “Người cuốn lôi ta, ta cuốn lôi người/ Đi đi hoài, đi mãi, anh em ơi!” (Tố Hữu - Vui bất tuyệt). Người người lôi cuốn nhau vì có Đảng dẫn đường, vì họ tin vào Đảng. Hạt nhân của khối đoàn kết toàn dân là niềm tin. Trong Cách mạng tháng Tám và sau này Đảng lãnh đạo toàn dân bằng niềm tin, kiến tạo mọi thắng lợi trên cơ sở niềm tin ý Đảng lòng dân là một. Tin nên nghe theo và làm theo. Đảng lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám nói riêng và các cuộc cách mạng khác nói chung là một tất yếu lịch sử!

Ở ngày hôm nay cần làm gì để tiếp tục phát huy bài học tập hợp quần chúng tạo nên sức mạnh trong công cuộc đổi mới?

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ví sức mạnh của dân cũng như nước, cách ví của Người luôn ở thế tích cực: “ ...ý chí của nhân dân – một ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực – một ý chí còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, cuối cùng sẽ khoét hổng dần và đánh bật cái tảng đá bề ngoài có vẻ vững chắc là sự áp bức và bóc lột kia đi”[1]. Chúng ta thấy quan điểm của Bác về sức mạnh của dân thật nhất quán. Đó một bản lĩnh vĩ đại!

Mở đầu Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã tuyên bố đường lối chính nghĩa “yên dân”: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Hồ Chí Minh tiếp thu đạo lý lớn lao ấy của Nguyễn Trãi: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề...là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ bị áp bức”[2]. Từ quan niệm coi con người cao hơn tất cả mà nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh rất trọng hoà bình. Khi cả nư­ớc chuẩn bị phải b­ước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ tuyên bố với thế giới: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh...Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Như­ng cuộc chiến tranh ấy, nếu ngư­ời ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm...”[3]. Rõ ràng để trở thành nhà quân sự kiệt xuất là ngoài ý muốn của Ngư­ời, không hề muốn chiến tranh, như­ng cần thiết thì Người cùng cả dân tộc buộc phải cầm súng để giành độc lập, tự do để cho xứ sở này luôn tràn ngập ánh trăng hoà bình nh­ư trong những áng thơ của Ngư­ời vậy.

Khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh thì trong quan niệm của Người là làm sao để tránh được tổn thất cả cho ta cả cho địch. Từ quan niệm thực sự nhân văn này đã hình thành một chiến lược quân sự đánh địch “chủ trương bằng mưu, không dùng đến binh mà thắng được địch nhân”. Tư tưởng của Người ở ngày hôm nay vẫn đậm tính thời sự, không chỉ phù hợp với chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng ta mà còn phù hợp với xu thế chung của bối cảnh toàn cầu hoá, con người ở mọi quốc gia hiểu biết nhau, gần gũi, thân thiện nhau hơn: “Phép dùng binh, giữ toàn nước địch mà ta thắng lợi là khéo nhất. Phá tan nước địch chỉ là khéo thứ hai. Giữ toàn quân đội địch mà ta thắng, là khéo nhất. Phá tan quân đội địch mà ta thắng, chỉ là khéo thứ hai.

Cho nên đánh hơn trăm trận, không phải là giỏi nhất. Giỏi nhất là không phải đánh mà quân địch phải thua.

Cho nên dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới đánh bằng binh. Vây thành mà đánh là kém nhất”[4]. Như vậy điểm quan trọng nhất trong phép dùng binh được Người đánh giá “khéo nhất”, “giỏi nhất” mà là “không phải đánh mà quân địch phải thua”. Ba mảnh đoạn này cấu trúc theo lối nhân quả, hai mảnh đoạn đầu thực ra chỉ là một nguyên nhân, sự có mặt của tất cả các câu trên để dồn vào ý câu cuối: Giỏi nhất là không phải đánh mà quân địch phải thua. Từ nguyên nhân ấy dẫn đến kết quả: “Cho nên dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới đánh bằng binh”. Đánh bằng mưu là đánh như thế nào? Là kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông: Mưu phạt tâm công. Xét đến cùng như thế cũng là vì trọng dân, thương dân, không muốn dân đổ máu.

Bác Hồ xây dựng một biểu tượng Nhân Dân thật cao quý, vĩ đại: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[5]. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp Bác Hồ viết 6 điều không nên và 6 điều nên làm giáo dục cán bộ, mở đầu bài báo là một lẽ phải “Nước lấy dân làm gốc” có ý nhắc làm bất cứ điều gì thì trước tiên cũng mục đích vì dân. Trên báo Nhân dân số 191, ngày 4-6-1954 Người viết bài Bắt rễ xâu chuỗi ký bút danh C.B, nói rõ “muốn có rễ, chuỗi tốt thì cán bộ phải dựa vào nhân dân”[6]. Người đồng tình với “Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng: Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”[7].

Trong Chiếu về việc làm bài Hậu tự huấn để răn bảo thái tử Nguyễn Trãi yêu cầu nhà vua phải “hoà thuận tông thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân”. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi thể hiện thật sâu sắc ở phương châm giản chính, khoan hình: “có khi dùng đến uy pháp, nhưng không nên lâu la phải chóng trở về với nhân nghĩa”, nếu phải dùng quyền mưu thì “chỉ dùng để trị gian tà. Cốt nhân nghĩa gìn giữ thì thế nước mới yên ổn”. Hồ Chí Minh học tập kế thừa tinh thần nhân nghĩa của Nguyễn Trãi. Tư tưởng khoan nhân của Bác Hồ rất gần với Nguyễn Trãi, dĩ nhiên được mở rộng hơn, cụ thể hơn: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ”[8].

Người khẳng định: “Ai được lòng dân, được thiên thời địa lợi, có tướng giỏi, theo đúng phép dùng binh, quân đội mạnh hơn, binh lính luyện tập hơn, thưởng phạt công minh hơn – thì bên ấy thắng. Ngày nay cần có 3 điều nữa:

1.Vàng bạc ai đầy đủ hơn.

2. Sinh sản ai nhiều hơn.

3. Ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng”[9].

Binh pháp Tôn Tử nói: Thiên thời địa lợi nhân hoà, nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất là Thiên, đến Bác Hồ, vẫn coi trọng ba yếu tố quyết định ấy nhưng nhấn mạnh trước hết đến Nhân, “Ai được lòng dân...”. Một bước tiến vượt bậc coi con người là yếu tố quyết định trong chiến tranh. Ba điều cần có mà Người đưa ra, soi vào ngày hôm nay - những ngày đầu thế kỷ XXI này, quả là một tầm nhìn chiến lược vĩ đại đi trước thời gian, sáng suốt vô cùng. Yếu tố 1. Vàng bạc ai đầy đủ hơn, là vật chất, phải có tiền để trang bị vũ khí hiện đại... Yếu tố 2. Sinh sản ai nhiều hơn, là tốc độ phát triển, càng phát triển càng có cơ hội hiện đại hoá quân đội... Yếu tố 3. Ngoại giao ai thuận lợi hơn, là sự ủng hộ của dư luận, của các nước trên thế giơí, trong bối cảnh toàn cầu hoá thì yếu tố này càng trở nên cấp thiết. Nhiều lần Bác nhắc cán bộ chiến sĩ: “Ông Khổng Minh nói: trước nhất cốt lấy lòng dân, thứ hai mới cốt lấy thành trì của địch”[10]. Tức coi dân là trước hết, trên hết.

Từ tư tưởng của Bác, từ thực tế lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha, hôm nay chúng ta rút ra bài học gì về sự tập hợp sức mạnh của dân?

Đó là bài học coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền giác ngộ, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần cách mạng của dân. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng luôn là nguyên lý. Ngày nay càng phải thế. Công cuộc chống “giặc Covid 19” vừa qua chứng minh với chủ trương vì dân nên Đảng tập hợp được mọi ngành nghề, mọi tôn giáo, mọi tầng lớp… tham gia một cách tích cực, hiệu quả. Bác Hồ từng căn dặn dân ủng hộ nhiều thì thắng lợi nhiều. Muốn vậy các cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở phải đi sâu để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt những phát sinh kịp thời giải quyết những bức xúc, vướng mắc của dân. Tiếp tục nâng cao dân trí, chú trọng công ăn việc làm, chăm lo sức khỏe vật chất và tinh thần cho dân. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Chở thuyền là dân. Lật thuyền cũng là dân. Bác Hồ đã tổng kết một nguyên lý vàng của cách mạng: “Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

T.H.O


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 119.

[2] Nhà nước và pháp luật Việt Nam- Nxb Pháp lý, 1990, tr 174. Chuyển dẫn từ sách Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, 2003, tr 378.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 526.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3. Sđd, tr 562.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Sđd, tr 453.

[6] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5. Sđd, tr 457.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 280.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Sđd, tr 130.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3. Sđd, tr 559.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3. Sđd, tr 580.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)