. HOÀNG THUỴ ANH
Trước đây, chúng ta đã không ít lần nghe cụm từ “cái chết của báo in” từ các ông trùm truyền thông. “Cái chết của báo in” là cái chết của tư duy làm báo truyền thống, lỗi thời, lạc hậu. Đối diện với kỉ nguyên công nghệ số, các cơ quan báo chí hẳn nhiên cần phải thay đổi, tránh “cái chết của tư duy”, có phiên bản báo điện tử để bắt nhịp với xu thế chung, đảm bảo được số lượng phát hành, thu hút người đọc, hấp dẫn các doanh nghiệp quảng cáo. Đó là lí do ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lí báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg với nội dung “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh” và khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử.
Theo vtv.vn, người Việt dành gần 7 tiếng mỗi ngày để truy cập internet, nếu chậm trễ chuyển đổi số, báo chí sẽ đánh mất độc giả và có nguy cơ bị suy giảm. Thiết nghĩ, để phát triển bền vững, đồng hành xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí phải vào cuộc chơi chung: cùng vươn đến không gian số. Xu hướng mỗi tờ báo, tạp chí có một ấn phẩm điện tử là tất yếu, hợp với xu thế. Hiệu ứng kết hợp nhiều chiều và sự trân trọng những cuộc đối thoại với bạn đọc hứa hẹn sự đổi mới, đi lên của báo, tạp chí điện tử. Hiện tại, nhiều tạp chí địa phương đã có tạp chí điện tử. Theo sggp.org.vn, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí. Trong đó: 142 báo (Trung ương: 68, địa phương: 74; 112 báo có hoạt động báo điện tử); 612 tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92; 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử). Đây là một lợi thế để báo, tạp chí địa phương vươn ra bên ngoài và phủ sóng trong nước lẫn nước ngoài.
Ngày 11/6/2022, Viện Đào tạo báo chí và truyền thông phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - những vấn đề lí luận và thực tiễn” nhằm tìm giải pháp, chiến lược cho sự tồn tại, phát triển của báo chí Việt Nam. Điều này cho thấy tính cấp bách của việc chuyển đổi số báo chí. Theo đó, các báo, tạp chí cũng cần có chủ trương, kế hoạch để bắt kịp quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trên nhiều phương diện, chứ không phải chỉ chăm chắm đầu tư vào công nghệ. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, việc có một trang web, một tờ báo điện tử chỉ mới là bề nổi của quá trình chuyển đổi số. Hay nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Chuyển đổi số một cơ quan báo chí là tất cả mọi người trong cơ quan đó phải có tư duy số, có kĩ năng số, có cách làm số.” Chuyển đổi số mang đến quy trình vận hành mới bắt buộc cả tòa soạn đều phải thay đổi. Như các biên tập viên, ngoài giỏi về chuyên môn phải giỏi về công nghệ thông tin, nắm vững kiến thức chuyển đổi số thì mới có thể theo kịp xu hướng phát triển của thời đại.
Công nghệ số là điểm mấu chốt cấp bách để chuẩn hóa mô hình tòa soạn và đổi mới hình thức kinh doanh ở cả ba mặt: công nghệ, vốn đầu tư và con người. Những thay đổi, chuyển mình sẽ giúp tòa soạn có sự tương thích, đồng bộ, hiện đại, mở rộng, bắt kịp xu thế và là tiền đề cho sự phát triển của báo chí trong tương lai. Công nghệ số cũng không chỉ thay đổi ngay trong cách làm việc của tòa soạn, nhanh, gọn, đổi mới, mà còn góp phần xóa bỏ khoảng cách, sự chênh lệch giữa các cơ quan báo chí.
Công nghệ số tạo ra một sân chơi công bằng, dân chủ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với cơ quan báo chí địa phương. Những eo hẹp về tài chính, cơ sở vật chất, hạn chế về con người… là những nguyên nhân hàng đầu khiến cho hoạt động của báo chí bị co cụm, thu hẹp, thiếu cái nhìn mang tính thời sự, bị công chúng thờ ơ, dẫn đến khó phát hành rộng rãi. Nhiều cơ quan báo chí địa phương đã có phiên bản điện tử song chiến lược phát triển chưa hợp lí, thiếu sự đồng bộ về vật chất, kĩ thuật, nhân lực, gây nên sự lãng phí về mặt đầu tư.
Tình thế “tay đôi”, song hành giữa báo in và báo điện tử, buộc các tòa soạn không ngừng kiếm tìm giải pháp, cách thức thích nghi, vừa đảm bảo sự tồn tại của báo in vừa phát huy hiệu quả của báo điện tử. Bởi lẽ, giữa báo in và báo điện tử nhiều khi thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, ảnh hưởng không nhỏ đến nội dung, chất lượng của tờ báo. Báo điện tử so với báo in có nhiều lợi thế hơn, đáp ứng được nhu cầu nhanh, tiện lợi. Sự “thoải mái” về màu sắc, đường nét, giao diện, âm thanh… của báo điện tử khiến các bài viết được bù đắp tính hiện đại, tươi mới, bắt mắt, ấn tượng, đảm bảo 3 tiêu chí nghe, nhìn và đọc. Vì vậy, nếu để báo điện tử trở thành cái máy photocopy của báo in sẽ không tránh khỏi sự nhàm chán, quay lưng của độc giả. Báo điện tử cần được khoác một tấm áo khác với tấm áo của báo in để thực hiện có hiệu quả 3 tiêu chí trên.
Nói gì thì nói, mô hình tòa soạn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của báo điện tử. Từ tổng biên tập đến phóng viên cần bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao kĩ năng làm báo điện tử, nếu cứ giẫm chân tại chỗ, giữ tâm thế “ếch ngồi đáy giếng”, thiếu sự phối kết linh hoạt, thì việc tạo dựng báo điện tử chẳng thu được lợi ích gì, chẳng mấy chốc mà tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Trong bối cảnh công nghệ thông tin thay đổi chóng mặt, barie toàn cầu bị tháo bỏ, nhu cầu và đòi hỏi của độc giả ngày càng cao, mỗi độc giả đều có thể trở thành một nhà báo… thì việc báo chí phải nỗ lực cạnh tranh, tạo niềm tin, thu hút đội ngũ độc giả yêu thích, trung thành là điều tất yếu.
Thu hút quảng cáo trên báo điện tử cũng là một chiến thuật giúp tòa soạn tăng thêm doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, áp lực về chi phí, thu nhập nhiều khi dẫn đến sự phù phiếm về quảng cáo. Nhiều tờ vì lợi nhuận của tin tức, quảng cáo thương mại mà dần dần đánh mất độc giả. Cần thấy rằng, thước đo cho sự tồn tại của báo điện tử không phải chỉ tìm cách bám vào quảng cáo mà là chất lượng nội dung. Nếu chất lượng nội dung tốt, chuyên sâu, báo điện tử sẽ giữ được bạn đọc. Việc trông chờ duy nhất vào một nguồn thu quảng cáo dễ dẫn đến độ rủi ro, khi tài chính eo hẹp, giảm sút, các doanh nghiệp tất yếu phải thắt lưng buộc bụng. Cho nên, bản thân các báo, tạp chí điện tử phải kiếm tìm cách thức tăng thêm nguồn thu, không ngồi chờ doanh thu từ quảng cáo, ví dụ như hình thức đọc trả tiền. Để duy trì hình thức thu phí trực tuyến, lấy tiền từ túi độc giả, đòi hỏi tòa soạn phải có sự đầu tư bài bản, hấp dẫn.
Như vậy, chuyển đổi số là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội đối với báo chí. Sự vận động, phát triển của báo chí Việt Nam trong dòng chảy báo chí thế giới là đòi hỏi tất yếu. Nếu chỉ dừng chân một chỗ, an phận, chúng ta sẽ xơ cứng, lỗi thời, tụt hậu và bị bỏ quên. Mong rằng, các báo, tạp chí hãy vượt qua nỗi sợ công nghệ thông tin, chuyển đổi cách thức vận hành tòa soạn, cạnh tranh, hợp tác với các loại hình báo chí và sớm vận dụng chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập báo chí hiện đại.
H.T.A
VNQD