Nguyễn Khắc Ngân Vi sinh năm 1989, là một nhà văn Việt Nam đương đại trẻ tuổi. Nhắc đến Nguyễn Khắc Ngân Vi nhiều người chỉ biết đến cô ở vai trò là nhà báo chuyên mảng văn hóa – xã hội của báo Thanh niên. Tuy nhiên bên cạnh việc làm báo cô còn viết văn và biên kịch. Trước đó, Ngân Vi đã sáng tác nhiều truyện ngắn đăng trên các trang báo mạng nhưng phải đến năm 2016, tác giả mới cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên mang tên Đàn bà hư ảo và sau đó là Phúc âm cho một người (2017) và Vạn sắc hư vô (2022). Điều đó cho thấy, mặc dù chưa có được tiếng tăm lớn trên văn đàn nhưng bút lực của Nguyễn Khắc Ngân Vi rất dồi dào và hứa hẹn sẽ còn nhiều tác phẩm đặc sắc khác.
Các sáng tác của Ngân Vi mang nhiều cảm quan tôn giáo. Bản thân Nguyễn Khắc Ngân Vi là người Công giáo. Gia đình cô vốn từng ở miền Bắc Việt Nam, sau biến cố năm 1954, gia đình đã cùng linh mục và dòng người Công giáo di dân vào miền Nam tìm “vùng đất hứa”. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo “gốc” và xóm đạo toàn tòng, từ thực tiễn cộng đồng đến những việc thực hành tâm linh, tinh thần Công giáo đã ăn sâu vào tâm tưởng của Ngân Vi chính vì vậy những sáng tác của cô luôn mang âm hưởng với những yếu tố đầy màu sắc Công giáo. Trong văn học Việt Nam đã có khá nhiều tác giả đưa sắc thái tôn giáo mà cụ thể là Công giáo vào trong các sáng tác của mình như tiểu biểu là Truyện thày Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, các sáng tác của Hàn Mặc Tử hay gần đây trong dòng văn học đương đại với các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Văn Học… đều để lại những giá trị nghệ thuật lớn cũng như góp phần làm phong phú thêm cho văn học Việt Nam.
Trong bộ ba tiểu thuyết của Ngân Vi, có lẽ Phúc âm cho một người là tác phẩm thấm đẫm cảm quan Công giáo nhất của Ngân Vi. Từ cảm quan tôn giáo của mình, tác giả không chỉ vẽ lên một bức tranh đầy sinh động về đời sống thực tại của thân phận con người mà qua đó còn gửi gắm nhiều mối suy tư và quan điểm của riêng cá nhân. Cảm quan Công giáo đã lan tỏa, ảnh hưởng đến ngòi bút của Ngân Vi với những hình ảnh, biểu tượng, cách xây dựng nhân vật nhân vật, ngôn ngữ cũng như không gian trong cuốn tiểu thuyết.
Cảm quan Công giáo được gợi mở ngay từ chính tên gọi tác phẩm, “Phúc âm cho một người”. Nếu mới chỉ lướt qua tên tác phẩm, chắc hẳn nhiều người dễ bị nhầm tưởng tác phẩm có thể là một cuốn sách giáo lý của đạo Công giáo, hay là một cuốn sách diễn giải Kinh Thánh cho một người tín hữu Ki-tô giáo. Hẳn sẽ có những độc giả không theo tôn giáo sẽ thấy lạ lẫm với cụm từ “Phúc âm”. “Phúc âm” hay còn được gọi là Tin Mừng (bởi Công giáo Rôma) hay Tin Lành (bởi các cộng đồng Kháng Cách), là tên gọi chung để chỉ bốn cuốn sách đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong Kinh Thánh Tân Ước, bao gồm: Phúc Âm Mát-thêu, Phúc Âm Mác-cô, Phúc Âm Luca và Phúc Âm Gioan, trong đó các sách Phúc âm Mát-thêu, Mác-cô và Luca được gọi là các Phúc Âm Nhất Lãm vì cấu trúc và nội dung những câu chuyện được kể của ba sách tương đối giống nhau. Trung tâm điểm của Phúc Âm đó chính là những lời giảng dạy và đỉnh cao là sự cứu chuộc của Chúa Giêsu. Chính vì vậy, trong quan niệm của người Công Giáo, Phúc Âm (Tin Mừng) chính là lời của Thiên Chúa, và các tín hữu phải thực hiện những điều Chúa giảng dạy qua Phúc Âm để giữ đạo cho trọn thì mới được hưởng sự cứu độ ở đời này và đời sau.
Tuy nhiên, “Phúc âm” của Ngân Vi lại một câu chuyện khác. Nếu Phúc âm trong Kinh Thánh là dành cho tất cả các tín hữu, tất cả mọi người thì “Phúc âm” của Ngân Vi lại dành “cho một người”. Tiếp cận với lối viết mang cảm quan tôn giáo như một khía cạnh của tư duy nghệ thuật, Nguyễn Khắc Ngân Vi không nhằm kiến giải nguồn gốc cũng như quá trình phát triển của hệ tư tưởng, tôn giáo trong đời sống con người mà chỉ đơn giản dừng lại ở những chi tiết được chi phối bởi cảm quan tôn giáo cũng như cách nhìn nhận của mình về vấn đề này thông qua tác phẩm. Mượn tính chất của Phúc âm, Ngân Vi đã xây dựng nên cho mình một câu chuyện cụ thể, gần gũi nhưng không mang những tư tưởng đạo lí cao sâu.
Có thể thấy, Ngân Vi là người rất am hiểu đạo Công giáo. Tác giả đã dựng lại một bức tranh đầy màu sắc và cực kì đầy đủ với những sinh hoạt thường nhật trong một xóm đạo về đời sống linh mục quản xứ, về cách tổ chức ban hành giáo xứ, sinh hoạt các hội đoàn, việc đi lễ, đọc kinh, thực hành các bí tích,… và hơn thế nữa, tác giả đặc biệt xoáy sâu vào tâm lí nhân vật với những dằn vặt nội tâm đầy những thách thức khi đứng trước những lề luật của Giáo Hội cùng với sự cám dỗ của đời sống thường ngày.
Bìa tiểu thuyết Phúc âm cho một người của Nguyễn Khắc Ngân Vi. Ảnh: Tao Đàn
Nhân vật trong Phúc âm cho một người được bao quanh bởi môi trường đầy tính đạo. Tác phẩm của Ngân Vi kể về những nhân vật mang căn tính theo đạo Công giáo, những nhân vật được xuất thân từ những xóm đạo đạo đức được dẫn dắt bởi những linh mục nhiệt thành với đoàn chiên của mình. Bà Khuê, nhân vật chính trong tác phẩm, một người phụ nữ trung niên bước sang tuổi ngũ tuần. Bà Khuê mang căn cước là một người Công giáo đạo gốc, với ba lần di dân. Lần thứ nhất từ miền Trung vào Sài Gòn và lần thứ hai từ Sài Gòn về khai ấp tại một vùng đất hẻo lánh tại Đồng Nai theo lời kêu gọi của một cố linh mục già và lần thứ ba từ Đồng Nai về Bình Dương để đi làm tuy nhiên ở lần thứ ba, đối với bà Khuê, nó không còn là khái niệm di dân nữa. Việc giữ đạo đối với bà Khuê ban đầu cũng chịu nhiều sự ép buộc. Ở cái xứ nào đó, bà không thân thiết với ai “sở dĩ cũng bởi một tuần bà chỉ đi lễ ngày Chúa nhật” gọi là sống đúng lề luật. Bà không chống đối, nhưng “bà cự tuyệt việc tham dự lễ Misa” và bà cũng không sinh hoạt thêm bất cứ hoạt động nào trong nhà thờ từ việc đọc kinh, cầu nguyện, tham dự gia các hội đoàn.
Bà Khuê có thể coi là một sự “lệch chuẩn” trong một cái xóm đạo đầy sôi động với các sinh hoạt tôn giáo và xung quanh bà đều là những tín hữu sùng đạo. Con gái bà, một cô bé đầy năng động luôn tham gia các hoạt động của giáo xứ, tham dự thánh lễ sốt sắng, tham học hỏi giảo lí và được giáo dân trong xứ yêu mến, “họ cho phép những đứa con của mình qua lại với con bé”. Chồng bà cũng đã bỏ hẳn những công việc linh tinh để tham gia vào công tác giáo họ, đi dọn dẹp nghĩa trang giáo xứ và rồi người ta cũng đã cất nhắc mời ông ra giáo xứ làm việc trong công tác ban hành giáo xứ, ông say mê với nó và luôn thao thức một lần được đi hành hương ở Tà Pao. Chính vì vậy, nhìn thấy thực trạng ở “xứ này, người ta chỉ tập trung vào nhà thờ và những người làm việc cho nhà thờ”, bà Khuê đã có những quan điểm khác riêng cho mình. Bà chán ghét giáo xứ này và muốn xa gia đình, vào Bình Dương làm việc phụ bếp trông trẻ.
Ngân Vi luôn phô bày những chi tiết giáo lí Công Giáo được giảng dạy qua Phúc Âm trong tác phẩm của mình. Trước mỗi trường đoạn bước vào một phân cảnh khác, Ngân Vi thường dẫn vào bằng những câu Kinh Thánh. Những câu Kinh Thánh đó như những gợi mở cho nội dung của đoạn tiếp theo, tuy nhiên đó cũng là những giáo huấn để người đọc đối chiếu vào câu chuyện đang được kể. Ngân Vi đã đặt ra một phép so sánh đầy tinh tế với giáo lí đạo Công giáo và đời sống của giáo dân trong câu chuyện của mình. Ở xóm đạo của bà Khuê, người ta đánh giá cha mẹ qua con cái của họ. Con cái đạo đức thì phải được dạy dỗ bởi cha mẹ nhiệt thành và ngược lại. “Con cái chính là họ, là quá khứ và tương lai của họ”. Điều này tương đồng với những lời giảng dạy của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai… Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu” (Mt 7,16). Người ta không biết việc đứa con trai của ông bà đánh bạc nên người ta vẫn luôn nhìn đứa con gái của ông bà mà cho rằng ông bà là những người đạo đức sáng ngời. Bên cạnh đó, tuy là một xứ đạo toàn tòng, tự cho mình là đạo đức nhưng có những sự phân biệt với một gia đình ngoại đạo trong chính giáo xứ của họ. Chính vì vậy Ngân Vi đã khéo léo dùng chính những lời giáo lí giảng dạy để phản biện lại đời sống đạo ở xóm đạo nơi đây, “Đức tin không có việc làm là đức tin chết…”. Cùng với đó, qua nhân vật linh mục Thương, từ những lời giảng đạo cụ thể từ Kinh Thánh cho bà Khuê, những quan điểm về tội lỗi, cách hòa giải với tội lỗi đã được Ngân Vi thể hiện một cách trực tiếp mang đậm màu sắc tôn giáo.
Ngoài những chi tiết cụ thể, trong Phúc âm cho một người, Ngân Vi còn cài cắm những chi tiết vừa mang cảm quan Công giáo nhưng cũng vừa mang quan điểm cá nhân của chính tác giả. Trường đoạn miêu tả đoạn đối thoại trong giấc mơ của bà Khuê với đứa con bị chết yểu (thai nhi) cho thấy một sự đau đớn, dằn vặt trong nội tâm của bà Khuê, bà không muốn mất đứa con này chút nào. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, vì sợ hoàn cảnh không nuôi nổi con, bà và chồng bà đã quyết định phá đứa con này. Giáo lí Công giáo không cho phép tín hữu của mình phá thai hay tự sát, bởi phá thai hoặc tự sát chính là một hành động giết người và sự sống hay cái chết của con người là do Thiên Chúa an bài. Phá thai là một hành động đi ngược lại với thiên ý của Thiên Chúa và là một hành là việc vượt quyền, thể hiện tính kiêu ngạo của con người. Chính vì vậy theo giáo lí đạo Công Giáo, ai phá thai và có can dự vào việc phá thai sẽ ngay lập tức bị vạ tuyệt thông (bị tách khỏi sự hiệp thông với Giáo hội, không được tham gia vào các cử hành phụng vụ, ngoài việc tham dự thánh lễ; đây là hình phạt cao nhất trong đạo Công giáo). Đồng quan điểm này với giáo lí Công giáo, trong một cuộc phỏng vấn, Nguyễn Khắc Ngân Vi chia sẻ “Tôi theo đạo Thiên Chúa, tôi không ủng hộ tự sát. Nhưng tôi muốn đi xuyên mọi cấm kị: tình dục, chất kích thích, và cả tự sát, như đi xuyên qua bóng tối. Con người ta cần soi mình qua bóng tối, chứ không phải ánh sáng, mới nhìn trở ngược vào bên trong mình được.”
Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi. Ảnh: TL
Đúng như vậy, mượn cảm quan Công giáo, bối cảnh trong Phúc Âm cho một người của Nguyễn Khắc Ngân Vi đặt tình thế của nhân vật với những xung đột nội tâm trên những luật lệ được quy định sẵn trong đạo Công giáo, để từ đó, nhân vật trải nghiệm qua tội lỗi và rồi nhận ra giá trị của chính mình. Trường đoạn miêu tả cuộc ngoại tình của bà Khuê với bác sĩ Chinh trên thành phố, đặc biệt là cảnh làm tình của hai nhân vật, là một trường đoạn có thể gây bất an đối với cảm quan đạo đức và thẩm mĩ của nhiều người đọc. Trong khi làm tình với bác sĩ Chinh, không phải chồng mình, bà Khuê nghĩ đến tòa giải tội, bà đối chiếu hành động của mình với Mười điều răn Đức Chúa Trời với Sáu điều luật Hội Thánh. Bà chi li như vậy chỉ vì không muốn đi xưng tội với linh mục, không muốn nói ra điều bí mật này với người nào khác vì khi nói ra với ai đó thì chính là việc công khai và thừa nhận việc làm tội lỗi của mình. Tuy nhiên, sau cùng, bà và bác sĩ Chinh, một người từng là chủng sinh, có thể nói là một người được học hiểu và nắm rất rõ về đạo và giáo luật, dù biết được hành vi tội lỗi ngoại tình của mình nhưng vẫn tham gia vào cuộc khoái lạc một cách đầy phấn khích.
Tôn giáo là hiện tượng xã hội mang tính lịch sử. Cách thể hiện cảm quan Công giáo của Ngân Vi trong Phúc âm cho một người đưa cho người đọc lật lại vấn đề rằng tôn giáo chỉ là một sản phẩm được kiến tạo, và liệu rằng những người tín hữu có đang quá bị chi phối bởi những diễn ngôn mà tôn giáo dùng để định hình nên nó? Cảm quan tôn giáo là một đặc điểm tư duy nghệ thuật của nhà văn. Nhìn nhận đánh giá triết lí tôn giáo, nhà văn muốn khẳng định, mỗi tôn giáo là một thực thể vừa mâu thuẫn vừa thống nhất. Chính vì vậy, cảm quan Công giáo có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng tư tưởng nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Ngân Vi. Trong tác phẩm của mình, nhà văn đã thể hiện rõ tính chất hai mặt của tôn giáo đồng thời đi tìm một sự thay đổi về ý thức của chủ thể với mối quan hệ với tôn giáo.
Tôn giáo có những sự ràng buộc khắt khe, những quan điểm khắc kỉ mà mỗi tín đồ đều phải nép mình dưới cái bóng “uy quyền ẩn danh”. Bà Khuê cũng chịu những sự ràng buộc của thứ quyền lực đó, ngay từ bé, bà luôn bị mẹ ép đi lễ, đi nhà thờ đọc kinh. Theo miêu tả của tác giả, bà Khuê cũng muốn vượt qua khỏi những sự ràng buộc đó tuy nhiên bà không thể cưỡng lại được áp lực từ phía mẹ của mình, từ phía cộng đoàn. Chính con gái của bà sau này, đứa con gái hồi nhỏ được miêu tả là một cô bé đạo đức thì sau này lại trở thành một “người con hoang đàng”, cô cắt đứt liên lạc với gia đình, giáo xứ, và có thể là sống đời sống hôn nhân không có phép đạo nữa. Đứa con gái trong tác phẩm luôn là hình ảnh đối nghịch với bà Khuê ở từng phân đoạn. Khi bà lạnh nhạt với đạo thì cô bé lại là một con chiên ngoan, nhưng rồi sau này khi bà có “cảm giác” trở về đạo thì cô bé lại trở thành một người xa rời đức tin. Đứa con vắng mặt này giống như một bản thể khác của bà Khuê, nó luôn làm bà phải suy nghĩ. Nó làm bà đứng giữa hai thái cực luôn song song trong con người bà, một mặt bà muốn thoát ra nhưng một mặt bà lại muốn bám víu vào như là sự cứu rỗi cuối cùng trong cuộc đời bà. Và rồi sau cùng, bà Khuê đã chọn cách tìm đến vị linh mục, xin được xưng tội, một cách trút hết những suy nghĩ, những gánh nặng mà bà vẫn luôn day dứt cho một đấng siêu nhiên gánh vác thay mình.
Đúng như tinh thần Phúc âm được nhà văn nêu ra ở cuối tác phẩm “Ta đến không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi...”, bà Khuê đã trở lại thành một con chiên ngoan đạo, bà tin Phúc âm, bà trở về lối sống siêng năng tham dự thánh lễ, năng đọc kinh tối. Bà luôn mang trong mình tâm tưởng “hãy ăn năn và tin phúc âm” như lời của linh mục chỉ bảo. Bà bám víu lấy Phúc âm, vào đạo như bám víu vào một chiếc phao cứu sinh, hi vọng nó sẽ cứu rỗi cuộc đời bà. Cứu rỗi bà khỏi day dứt ăn năn về một khoản “quỹ đen” giấu chồng, về cuộc tình vụng trộm với ông bác sĩ, khỏi nỗi đau do bệnh tật mang lại... Người đàn bà ấy sống cùng một ông chồng nhàm chán, nhu nhược, một đứa con trai không tương lai, vô công rồi nghề, cờ bạc, tán gia bại sản, một cô con dâu trầm lặng, cam chịu, một cô con gái nổi loạn thách thức. “Con có những đứa con, nhưng chẳng trông chờ được gì”. Vậy bà còn gì? Còn gì ngoài niềm tin vào Chúa trời trên cao.
Bà cứ mãi hi vọng, cứ mãi kì vọng vào một tương lai xa thẳm nào đó tốt đẹp hơn, nhưng thực tế lại dội cho bà Khuê những gáo nước lạnh buốt đến tỉnh người. Mọi thứ bà có dường như được xây bằng cát và giờ đang đổ sụp dần dần dưới những con sóng xô dạt của cuộc đời vốn chưa bao giờ ngơi nghỉ. Bà cố gắng hết sức để chống lại sóng nước, để níu lại đứa con gái, để cố cứu vớt đứa con trai, để hòa hợp được với chồng, để cho cái tâm mình được an yên nhưng sức bà liệu có đủ? Bả vai bà cứ đau mãi, đau mãi - nỗi đau mà chẳng ai có thể hiểu thấu. Và liệu cơn đau vai đó phải chăng đến là một chặng đàng “vác thánh giá” trong cuộc đời của bà Khuê? Cơn đau vai như một hình ảnh ẩn dụ để chỉ chính những gồng gánh mà bà Khuê đang gánh chịu bởi sự gánh gồng thay chồng làm lụng lo các công việc về kinh tế và cuộc sống của con cái, và hơn thế là sự gánh gồng bên trong với những tâm trạng đầy rắc rối. Đối với Ngân Vi, đó chính là những gánh nặng chung của những người phụ nữ hiện đại. Và trong Phúc âm cho một người, cũng như ở mỗi tác phẩm của mình, Nguyễn Khắc Ngân Vi đều đã triệt để thể hiện cái tôi - là một phụ nữ phức tạp và tự đấu tranh với những bản thể của mình. Một lối viết mang đầy tính nữ quyền hiện sinh.
Ngân Vi viết sách vì cảm thấy mình có một câu chuyện để kể. Khi nhìn xung quanh và thấy thế giới đang dần mất kết nối, Ngân Vi rất muốn viết về nó. Và đó là tiền đề của Phúc âm cho một người. Tác phẩm của Ngân Vi đưa đến những sự mất kết nối của con người với con người, con người với thế giới những thực thể khác để rồi từ sự mất kết nối đó, con người trở lại bám víu với những gì còn sót lại như một cách tìm lại niềm vui hay sự cứu rỗi cho chính mình. Mất kết nối với những đứa con, với chồng, và với đạo, bà Khuê đã có một cuộc chiến nội tâm đầy khốc liệt. Tuy nhiên, sau một thời gian sinh hoạt cùng Loan và Mai tại giáo xứ ở Bình Dương, bà Khuê đã có một cuộc lột xác đầy ngoại mục. Bà tham gia giới Hiền Mẫu của giáo xứ, bà tham gia làm từ thiện, những hoạt động hội đoàn để tìm lại kết nối với mọi người. Và ở cuối tác phẩm, bà khăng khăng tìm cách để xin được cha xứ hướng dẫn và giải tội cho bà, giúp bà giao hòa với Thiên Chúa sau thời gian sa ngã. Đó như là một sự kết nối cuối cùng với đấng siêu nhiên để tìm lại sự bình an trong chính tâm hồn bà Khuê.
Mượn cảm quan tôn giáo, Nguyễn Khắc Ngân Vi đã khắc họa nên những con người thế tục đậm chất hiện sinh trong Phúc âm cho một người. Khi bất lực, con người tìm đến tôn giáo. Thế giới của tôn giáo là thế giới của lòng tin và đức tin nên tôn giáo cần ở con người một lòng tin tuyệt đối, thanh sạch và tận hiến. Bằng cảm quan tôn giáo, nhà văn đã tạo ra những hình ảnh đẹp đẽ, cao cả, tràn đầy tinh thần hướng thiện và hướng thượng, là điểm tựa để con người lấy lại niềm tin về những điều tốt đẹp vẫn còn tồn tại trong cuộc đời. Đó là những thông điệp sâu sắc mà Ngân Vi đã gửi đến bạn đọc khi mượn những chuyện nói về đức tin của tôn giáo để làm sáng tỏ hơn những vấn để của con người.
NGUYỄN VĂN TRƯỜNG
VNQD