Đặc trưng hình ảnh hoán dụ trong tác phẩm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 10/08/2023 08:26

. NGUYỄN THANH AN
 

Hoán dụ là biện pháp gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi cảm, gợi hình cho sự diễn đạt. Một ví dụ tiêu biểu: “Áo nâu liền với áo xanh/ Nông thôn cùng với thị thành đứng lên” (Tố Hữu). Hình ảnh “áo nâu” để chỉ người nông dân, hình ảnh “áo xanh” chỉ người công nhân, qua đó nhằm làm bật ra cái ý đề cao sức mạnh đoàn kết của hai giai cấp. Cách nói này rất hay được dân gian sử dụng để tăng cường tính biểu cảm. Ví như để nói về sự quý giá, thiêng liêng của thân xác con người, của tình người, từ vựng tiếng Việt có nhiều thành ngữ tục ngữ dùng hình ảnh máu, máu mủ, ruột, thịt…: “Quý như máu”; “Giọt máu đào hơn ao nước lã”; “Tay đứt ruột xót”; “Máu chảy ruột mềm”; “Xót tình máu mủ thay lời nước non” (Kiều)... Hồ Chí Minh cũng thường dùng những ẩn dụ, hoán dụ quen thuộc của nhân dân. Những hoán dụ này đi vào trong lời văn Hồ Chí Minh đậm một sắc thái biểu cảm về tình thương, về lẽ phải, lương tâm của con người:

Một biểu tượng ám ảnh: “Khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, thì những lời tuyên bố tình tứ của các ngài cầm quyền nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép lạ, và cả người Nêgrô lẫn người Annamít mặc nhiên trở lại “giống người bẩn thỉu...”[1]. Văn trào phúng vẫn phải có gốc là tình thương yêu con người sâu sắc, cháy bỏng, và như một hệ quả của tình yêu thương ấy là sự căm ghét cái ác, căm ghét đến tận cùng những gì đi ngược lại cái nhân tính của con người. Với sự mỉa mai là cảm hứng chủ đạo cùng sự đa dạng các phép tu từ gây hài, mảnh đoạn trên là một thí dụ rất tiêu biểu ở cả phương diện nội dung và hình thức. Là ẩn dụ trào phúng: đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, tức là chiến tranh đã chấm dứt. Nếu chỉ nói ý mà không dùng ẩn dụ thì không thể làm bật ra được sự vô nghĩa những cái chết của người dân thuộc địa châu Phi (thịt đen), châu Á (thịt vàng). Trong lời văn còn có nỗi đau, nỗi thương xót cho số kiếp con người chẳng khác gì con vật. Còn là phép lặp cú pháp kết hợp với câu hỏi tu từ: chẳng phải, chẳng phải… như đay đả, cật vấn về tội ác, về sự phản bội niềm tin của “các ngài thực dân” với các “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do”. Là sự nói ngược, “để ghi nhớ công lao người lính An Nam” mà lại bằng cách “đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỷ niệm đủ thứ”… Nhất là phép tương phản. Tương phản trong hình tượng “các ngài cầm quyền nhà ta”, trước chiến tranh thì có “những lời tuyên bố tình tứ”, sau chiến tranh thì đúng là cả một lũ “cạn tàu ráo máng”: “Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!”.

Tác giả vạch trần bản chất đểu cáng, xỏ lá của chủ nghĩa thực dân bằng cách nêu ra hiện tượng có một vẻ bề ngoài hào nhoáng bóng bẩy nhưng thực chất bên trong lại là “vô liêm sỉ”: “Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi ta thấy rằng văn minh dưới nhiều hình thức khác nhau, như tự do, công lý, v.v. - được tượng trưng bằng hình ảnh một người đàn bà dịu hiền và được một hạng người nổi tiếng là hào hoa phong nhã ra sức điểm tô - lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người đàn bà bằng xương bằng thịt và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ”[2].

Với bản chất xỏ lá nhưng lại khéo tạo ra một hiện tượng bề ngoài tốt đẹp nhưng cái đạo đức giả này của chủ nghĩa thực dân đã bị tác giả mượn biểu tượng “ruột thịt, xương máu” để phơi bày qua cách nói mỉa mai (nói ngược): “Trong cuộc chiến tranh vì công lý để bảo vệ chính nghĩa, văn minh, v.v., người ta đã động viên 10 vạn người Tuynidi đi lính, và 60% trong số đó đã không trở về nữa. Thời đó, người Tuynidi được vuốt ve và trìu mến. Người ta đã ca ngợi rất là thắm thiết tình anh em ruột thịt giữa Pháp và Tuynidi, “mối tình ruột thịt đã đời đời gắn chặt vào trong xương máu và quang vinh”. Người ta đã thực hành cả một chế độ kiểm duyệt để cấm báo chí dù thế nào cũng không được làm phật ý người bản xứ”[3]. Cái căn tính vô nhân, đểu cáng của lũ “ăn thịt người” bị phanh phui trơ ra một cách thảm hại.

Nói chuyện với những đồng bào chẳng may hoặc bị lừa gạt hoặc vì nhẹ dạ mà theo địch, lời Bác thật thấm thía: “…tôi thiết tha kêu gọi những đồng bào vì một cớ gì mà lầm đường lạc lối hãy kịp trở về với Tổ quốc. Dù sao các người cùng là ruột thịt. Tôi tin rằng các người không thể nỡ lòng giúp địch làm cho đồng bào Việt Nam ta khổ nhục mãi; tôi rất đau lòng thấy cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn” [4].  Lời văn sâu nặng về tình, thuyết phục về lý.

Ví dụ sau cho thấy chỉ biểu tượng “ruột” mới diễn tả được một cách chân thành, sâu sắc tấm lòng yêu thương lớn lao, nỗi đau xé ruột của người cha mất con: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột[5]. Sự so sánh cái trừu tượng với cái cụ thể (là một biểu tượng hoán dụ) làm cái ý yêu thương đoàn kết sinh động hơn, cụ thể hơn: “Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”[6].

Trong cách nói/viết của Bác Hồ thường có xu hướng cụ thể hóa cái trừu tượng. Cái cụ thể ấy thường sử dụng theo nguyên tắc hoán dụ: “Các chiến sỹ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước”; “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”. Ở ví dụ trước hai chữ “máu mủ” thật đắt vì đó là những gì quý giá nhất, thiêng liêng nhất của con người (ở cả phương diện tinh thần: máu mủ - gợi về quan hệ ruột thịt thiêng liêng và phương diện vật chất: máu - gợi về sự sống, tồn tại). Cấc chiến sĩ đã hy sinh cái quý giá nhất, thiêng liêng nhất vì đất nước. Ở ví dụ 2 Bác nói “Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột” là theo cách nói dân gian “ruột già” (anh em ruột già, anh em ruột thịt) chỉ sự gần gũi về huyết thống hay sự đoàn kết keo sơn như một.

Chỉ sự quý giá thì hoán dụ “máu” là gợi cảm nhất: “Máu Pháp và máu Việt chảy đã nhiều…”.

Chỉ sự hy sinh vì độc lập thì “xương máu” là đích đáng nhất: “Trên đống xương máu, trên đống tro tàn, thanh niên ta, con cháu ta, sẽ xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

Chỉ sự đau xót vì mất mát thì thành ngữ “máu chảy ruột mềm” thật đúng:

“Thân ái gửi đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam,

Vừa qua, mấy tỉnh miền Nam bị bão lụt dồn dập. Hàng nghìn đồng bào bị hy sinh. Hàng vạn nhà cửa bị đổ nát. Làng mạc xơ xác, vườn ruộng tơi bời.

Máu chảy ruột mềm, được tin tức đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót như muối xát vào lòng”.

Như vậy, ngôn từ cũng là tư tưởng, là tình cảm để biểu hiện rất rõ một Nhân cách!

N.T.A


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 32.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 114.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 136.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 249.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 49.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 435.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)