Vốn hiểu biết sâu rộng Một vũ khí tranh luận của Nguyễn Ái Quốc

Thứ Năm, 24/08/2023 07:59

. TRẦN MẠNH HẢI


Trong thời gian hoạt động ở Pháp vũ khí chủ yếu của Nguyễn Ái Quốc dùng để đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân là báo chí, trong đó tranh luận, phản biện là biện pháp cơ bản. Như vậy tất nhiên Nguyễn Ái Quốc phải đủ vốn tri thức về xã hội, về chính trị…, phải có bản lĩnh, nhất là phải có một nghệ thuật tranh luận để hạ bệ được đối phương. Bài viết xin đi vào một khía cạnh nhỏ chứng minh một đặc điểm trong văn tranh luận của Người là thật sự nắm vững bối cảnh quốc tế (cái chung), quốc gia (cái riêng), khoét sâu vào nhược điểm đối phương. Nói chung đó là sự vận dụng vốn hiểu biết sâu rộng của mình để hạ bệ (đối thủ), thuyết phục (đối tượng).

Tranh luận, đối thoại luôn là sự “va chạm” về quan điểm. Người đối thoại thường phải là người sắc sảo về lý trí, uyên bác về tri thức, điềm đạm về tính cách, nhạy cảm, linh hoạt trong mọi tình huống. Các nhà đi sứ ngày trước thực ra là những người làm công tác đối thoại văn hóa nên được chọn lựa rất kỹ càng với tiêu chuẩn khắt khe. Nguyễn Ái Quốc có đầy đủ những tiêu chuẩn của một người như vậy. Trước hết là được trang bị một sự hiểu biết thời đại sâu sắc mà cụ thể. Trong bài báo Thơ gửi ông H (TH), Nguyễn Ái Quốc viết:

“Ông muốn nhân dân An Nam làm cách mệnh như người Ai Cập hoặc tiến hành tẩy chay như người Ấn Độ ư? Hay lắm! Nhưng ông quên nói rõ tại sao người Ai Cập lại làm được cách mệnh, người Ấn Độ lại có thể tẩy chay người Anh.

Giả thiết rằng có ba chiếc ô tô: xe thứ nhất là xe Ấn Độ, xe thứ hai là xe Ai Cập, còn xe thứ ba là xe An Nam. Hai xe đầu bánh xe lắp vững vàng, có đủ xăng dầu, máy móc tốt, các xe ấy lại có hai hoặc ba người lái giỏi thay nhau lái xe. Còn xe thứ ba chỉ là một bộ khung (?); bánh xe lắp xộc xệch, lại thiếu xăng dầu và không có người lái; thế mà ông muốn xe thứ ba chạy theo hai xe kia đang bon bon ở phái trước. Làm sao mà xe thứ ba có thể nổ máy được”[1].

Ở mảnh đoạn trên là ý định, là lý thuyết thì mảnh đoạn dưới là mô hình ứng với lý thuyết. Đó là ba mô hình của “ba chiếc ô tô”. Nhìn vào đó thì hiểu ngay cái nào “chạy” được và ngược lại. Chú ý lời nhận xét của Nguyễn Ái Quốc: “Nhưng ông quên nói rõ tại sao người Ai Cập lại làm được cách mệnh, người Ấn Độ lại có thể tẩy chay người Anh”. Đây chính là “gót chân Asin” của “ông” là sự không hiểu biết tường tận, hiểu một cách bản chất vấn đề: “tại sao người Ai Cập lại làm được cách mệnh, người Ấn Độ lại có thể tẩy chay người Anh”, tức lý do, động cơ, mục đích… Làm bất cứ việc gì cũng cần tới các yếu tố đó huống hồ một cuộc cách mạng lớn. Ý tứ bật ra: không thể cắt nghĩa bằng hiện tượng, phải nắm rõ được cái nguồn gốc sâu xa, cái nền móng của hiện tượng sự vật mới có thể cắt nghĩa được. Điều này ngày nay gọi là “triết học biện chứng”!

Một đoạn tranh luận khác:

“Các vua quan, thư lại, thông ngôn, theo chị là những người phản cách mạng. Chị đã nhầm rồi, bạn thân mến, bởi vì một ông vua có thể suy nghĩ và biết cảm thông với những bất hạnh chưa từng thấy đang giáng xuống dân tộc của ông...

Với quan lại, thư ký và thông ngôn, họ miễn cưỡng phục vụ người Pháp. Bị chìm đắm trong bóng tối ngu dốt từ nhỏ... Họ không biết vì sao có kẻ sung sướng, lại có kẻ khổ sở. Họ giống như những con gà què chỉ ăn quẩn cối xay... Vậy nhiệm vụ của chúng ta là phải hướng họ theo lý luận cách mạng”[2].

Đối thoại là “tận dụng” luôn đối phương để tranh biện, tuyên truyền. Ở đoạn trên “xoáy” vào sự khái quát “nhầm” (vua quan, thư lại, thông ngôn, theo chị là những người phản cách mạng) của “người đối thoại” mà tác giả chỉ ra thực tế về “một ông vua có thể suy nghĩ và biết cảm thông với những bất hạnh...”. Và “với quan lại, thư ký... họ miễn cưỡng phục vụ người Pháp” vì nguyên nhân “bị chìm đắm trong bóng tối...”. Tranh luận tỉnh tảo, thuyết phục và rất có tình là đặc điểm tranh luận của Nguyễn Ái Quốc!

Mảnh đoạn tiếp theo là sự thuyết phục làm cách mạng bằng tấm gương cách mạng sẽ hơn rất nhiều sự “hô hào suông”: “Hãy xem người Nga, họ cũng bị áp bức như anh em. Nhưng từ khi có cách mạng, họ là người sung sướng nhất trần gian. Hết thảy mọi người đều có ruộng, có nhà, mọi người đều được học hành và bỏ phiếu bầu cử.

Nếu chúng ta làm cho công nông hiểu được điều này thì hết thảy họ đều giúp chúng ta làm cách mạng.”[3].

Với kẻ thù thực dân, Nguyễn Ái Quốc dùng phép nhại văn bản để tranh luận:

“Trong mọi bài diễn văn, trong mọi bản báo cáo, ở mọi nơi, cứ có cơ hội được mở miệng và có kẻ đi nghe, là những nhà chính khách của chúng ta không ngừng khẳng định rằng: chỉ có nước Đức man rợ là đế quốc và quân phiệt. Còn nước Pháp, cái nước Pháp yêu hoà bình, nhân đạo, cộng hoà và dân chủ này, cái nước Pháp được họ đại diện này, chẳng hề đế quốc lẫn quân phiệt. Ôi! đâu phải như vậy. Nếu cũng chính những vị chính khách này gửi binh lính - con cái của công nhân và cả bản thân những người công nhân nữa - đi tàn sát công nhân của những nước khác thì chỉ đơn giản là được để dạy cho họ biết sống tốt. Chỉ có thế thôi”[4].

Đoạn văn này trích ra từ bài báo Sự quái đản của công cuộc khai hoá in trên báo Le Libertaire, ngày 30/9/ 1921, thời kỳ hai nước Đức và Pháp là kẻ thù nên trong nhiều báo cáo diễn văn của các chính khách Pháp luôn có xu hướng đề cao nước mình và mỉa mai Đức. Các từ xin phép in nghiêng chính là được tác giả nhại từ các báo cáo diễn văn ở nước Pháp thời đó, để mỉa mai giễu cợt các vị chính khách Pháp chỉ biết theo đuôi dư luận, rỗng tuếch.

“Bước chân đến Cadablanca, thống chế Liôtây gửi cho binh sĩ của đạo quân chiếm đóng Marốc một bản nhật lệnh như sau:

Bản chức có vinh dự được Chính phủ nước Pháp cộng hoà phong quân hàm cao nhất là nhờ, trong chín năm nay, các người đã hiến dâng lòng trung thành và máu xương của các người mà không hề tính toán.

Chúng ta sắp mở một chiến dịch để hoàn thành công cuộc bình định xứ Marốc, vì lợi ích chung của dân chúng trung thực trên đất nước này, cũng như vì lợi ích của quốc gia bảo hộ, v.v.

Nhưng, cũng trong ngày ấy (ngày 14 tháng 4), lại có bản thông cáo sau đây:

Trong một cuộc giao chiến với bọn Bơni Bude ở Bápen Hácbe, bên ta đã có 29 binh sĩ hy sinh và 11 bị thương”[5]. Bản nhật lệnh của thống chế tán dương “công trạng” của binh lính Marốc: “các người đã hiến dâng lòng trung thành và máu xương của các người” và nói rõ mục đích của “chúng ta” là: “Chúng ta sắp mở một chiến dịch để hoàn thành công cuộc bình định xứ Marốc, vì lợi ích chung của dân chúng trung thực trên đất nước này, cũng như vì lợi ích của quốc gia bảo hộ, v.v”. Điều này lại hoàn toàn mâu thuẫn với bản thông báo cũng trong ngày ấy (ngày 14 tháng 4) là: “Trong một cuộc giao chiến với bọn Bơni Bude ở Bápen Hácbe, bên ta đã có 29 binh sĩ hy sinh và 11 bị thương”. Cadablanca là một hải cảng lớn của nước Marốc. Bơni Bude (Beni Bouzert) là một đội quân khởi nghĩa do Apden Crim, lãnh tụ phong trào chống Pháp của Marốc lãnh đạo. Sự mâu thuẫn của hai văn bản này đã làm bật ra ý: người Pháp đến xâm lược Marốc, xây dựng đội quân tay sai là người bản địa để rồi họ phải chết bởi chính những đồng bào của mình (tức những người khởi nghĩa chống Pháp). Chỉ cần nhại lại hai bản thông báo mà sức mạnh tố cáo thật lớn: chính thực dân Pháp là kẻ đã đẩy người dân Marốc vào thảm cảnh nồi da nấu thịt lẫn nhau!

Nhưng để “nhại” được đối phương phải hiểu biết được bối cảnh văn hóa lịch sử, chính trị của vấn đề, phải nắm được bản chất của đối phương là gì và gửi vào văn bản ấy ý đồ chính trị gì. Quả là không dễ nhưng Nguyễn Ái Quốc đã làm điều đó một cách xuất sắc bởi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên.

T.M.H


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 175.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 505.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 506.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 66.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 35.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)