Nhân vật “tôi”, “chúng tôi” trong các tác phẩm văn xuôi tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc

Thứ Hai, 14/08/2023 12:30

.HẢI VĂN


Tự sự học quan niệm khi nhân vật xưng “tôi”, “chúng tôi” trong diễn ngôn tức là nhân vật tự kể lại chuyện của chính mình hoặc gián tiếp thông báo nội dung sự kiện xảy ra do mình tham gia hoặc trực tiếp chứng kiến. Như vậy đây là cách “bảo hiểm” cho sự thật được kể, ở hai lẽ: Một, “Tôi”, “Chúng tôi” là người trong cuộc tự kể lại câu chuyện cho độc giả nghe nên khoảng cách giữa nội dung kể được rút ngắn nhất. Hai, sự kiện được kể khi đến với bạn đọc cũng được rút ngắn nhất, vì khoảng thời gian “tôi”/“chúng tôi” chứng kiến vừa mới xảy ra, do vậy tính thời sự vẫn mới mẻ, tươi nguyên. Nắm vững được thế mạnh này, trong các tác phẩm văn xuôi tiếng Pháp dùng vào mục đích lật tẩy mặt trái của chế độ thực dân ở chính trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc rất hay sử dụng thủ pháp nhân vật xưng “tôi”, “chúng tôi” ngôi thứ nhất trong văn bản. Dưới đây chúng tôi xin được bước đầu chứng minh.

1. Chính sách cai trị của thực dân Pháp là bóc lột là ngu dân, là cấm đoán, là tìm mọi cách để đưa dân tộc An Nam trở về thời nô lệ. Nguyễn Ái Quốc mỉa mai chính sách tàn bạo ấy qua một giả thiết - giả thiết nghịch lý để nói về một sự thật nghịch lý ở Đông Dương:

“Một khi chúng tôi là người Pháp, lập tức chúng tôi sẽ gửi một đoàn khai hoá đến khắp nước Pháp. Chúng tôi sẽ làm cho đất nước người Gôloa ngập lụt rượu và thuốc phiện. Ở đây, chúng tôi sẽ đánh thuế muối, thuế nhập thị, sẽ cho bắt giam theo lệnh hành chính, phạt tiền tập thể, sẽ cho mở những toà án đặc biệt để đàn áp, hoạt động thường xuyên, lập kiểm duyệt, v.v. và v.v... Nói gọn lại, chúng tôi sẽ làm lại ở đây tất cả những gì mà những kẻ nguyên là bề trên của chúng tôi đã làm trên đất nước chúng tôi, cho chúng tôi hoá ra là người Pháp”[1].

Nguyễn Ái Quốc đã đối thoại một cách suồng sã nhất với chế độ thực dân. Vì với kẻ giết người, có gì mà phải kính trọng, tôn trọng. Chỉ trong một mảnh đoạn 4 câu mà có tới 8 lần chủ ngữ “chúng tôi” được nhắc lại để đay đả, chỉ trích cái giả dối của thực dân pháp. Ngay cách nói cho thấy đây là phép giả định: “Một khi chúng tôi là người Pháp, lập tức chúng tôi sẽ”. Phép giả định này cho phép lật ngược một thực tế: gửi một đoàn “khai hoá” đến khắp nước Pháp. Để làm gì? Để làm những gì mà người Pháp đã làm trên đất An Nam:

  • sẽ làm cho đất nước người Gôloa ngập lụt rượu và thuốc phiện.
  • sẽ đánh thuế muối, thuế nhập thị,
  • sẽ cho bắt giam theo lệnh hành chính, phạt tiền tập thể,
  • sẽ cho mở những toà án đặc biệt để đàn áp, hoạt động thường xuyên, lập kiểm duyệt, v.v. và v.v...
  • Khái quát lại, thì: “sẽ làm lại ở đây tất cả những gì mà những kẻ nguyên là bề trên của chúng tôi đã làm trên đất nước chúng tôi, cho chúng tôi hoá ra là người Pháp”.

Như vậy nhờ thủ pháp “giả định” này, nhất là nhờ cách dùng ngôi trần thuật “chúng tôi” đã làm bật ra một thực tế: không hề là “khai hóa” mà là đầu độc: Người Pháp bắt dân An Nam uống rượu và hút thuốc phiện. Là bóc lột: đánh thuế, phạt tiền. Là đàn áp: mở những tòa án đạc biệt…

2. Nhằm mục đích lột trần tội ác giết người của chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Ái Quốc để cho những nhân vật - người lính thực dân tự kể về quá trình và “hành vi” giết người. Để cho những người lính kể? Vì họ là những người trực tiếp thi hành. Đúng hơn họ là “đao phủ”! Đây là những câu chuyện của người kể tự kể lại chuyện của mình, hoặc mình trực tiếp chứng kiến nên các sự kiện kể ra được “bảo hiểm” bằng cái “tôi” với những trải nghiệm thực tế.

Cố nhiên đây là lời kể lại của nhân vật nhờ có sự tham gia trực tiếp hoặc tận mắt chứng kiến các biến cố của câu chuyện. Chuyện tàn phá, chém giết… không ai đủ tư cách kể hơn những người lính trực tiếp làm những chuyện ấy: “Một người lính khác kể: “Trong thời kỳ tôi ở đó (Bắc Kỳ) không có tuần nào là không có vài cái đầu rơi.

Trong tất cả những cảnh tượng đó, tôi chỉ còn nhớ được một điều, là chúng ta còn tàn bạo, còn dã man hơn cả những tên cướp biển. Tại sao lại có những hành vi quái ác đến thế đối với một kẻ bị kết án sắp phải chết? Tại sao lại có những cuộc hành hạ thể xác, tại sao phải giải những đoàn tù đi bêu khắp xóm làng?”[2]. Đây là lời kể khách quan về sự “tàn bạo, dã man” của chính họ. Nhưng trong lời kể vẫn đậm ấn tượng chủ quan: “chúng ta còn tàn bạo, còn dã man hơn cả những tên cướp biển”. Sự khách quan tạo nên độ trung thực của lời kể, ấn tượng chủ quan góp phần đưa lời văn nghiêng về sự cật vấn, tự thú. Hai câu hỏi liên tiếp nhau như làm rõ hơn tính cật vấn, tự thú này. Cả lời kể cho thấy một chủ thể kể còn có tính người, do vậy mà lời kể càng đáng tin hơn.

Trong các thể loại văn học, nhật ký là thể “phi hư cấu” tôn trọng sự thật vì nhật ký viết ra cho chính người viết đọc, suy ngẫm. Người phương Tây có thói quen viết nhật ký, nhất là đối với những người đi xa, Nguyễn Ái Quốc đã tận dụng thế mạnh của thể loại này để phơi bày sự thật, một sự thật tàn bạo, mất tính người của thực dân Pháp: “Chúng tôi xin trích trong nhật ký đi đường của một anh lính thuộc địa, sự việc sau đây: “Ngay bên dưới tôi, một người An Nam bị giội nước sôi, bỏng từ đầu đến chân, phát điên lên muốn nhảy xuống biển. Người anh của anh ta, quên cả nguy hiểm, bỏ chèo, ôm lấy anh, bắt anh nằm xuống lòng thuyền. Cuộc vật lộn chớp nhoáng vừa chấm dứt thì một thùng nước sôi khác do một bàn tay thành thạo lại giội xuống; thế là đến lượt chính người đi cứu, bị luộc chín. Tôi trông thấy anh ta giẫy giụa trong thuyền, da bị lột ra tròi thịt đỏ rói gào rống lên như một con vật. Thế nhưng cảnh đó lại làm cho chúng tôi cười, chúng tôi cho là rất ngộ nghĩnh. Quả thật chúng tôi đã có tâm hồn thực dân!”[3].

Đây là lời kể của “một anh lính thuộc địa” kể lại câu chuyện “thường ngày” của chính những người lính thuộc địa. Nội dung lời kể toát lên những ý sau:

- Một là, sự lừa đảo, một hành vi vô giáo dục: “đáng lẽ trả tiền, thì người ta lại có nhã ý bỏ vào giỏ đủ thứ như sau: ống điếu, khuy quần, mẩu tàn thuốc”.

- Hai là, sự tàn bạo, phi nhân tính: “Đôi khi để đùa vui, một anh sốp phơ hắt một thùng nước sôi xuống lưng những người bán hàng khốn khổ”. Sự tàn bạo, phi nhân tính này được nhân đôi khi “trò vui” tiếp diễn: “thì một thùng nước sôi khác do một bàn tay thành thạo lại giội xuống; thế là đến lượt chính người đi cứu, bị luộc chín”. Đây không hề là “trò vui” của người mà là của quỷ, quỷ dữ.

Một câu kết luận mang tính “tự thú”: “Quả thật chúng tôi đã có tâm hồn thực dân!”. Bạn đọc tự thấy một “định nghĩa” rất sinh động, rõ ràng, cụ thể về “tâm hồn thực dân”, là: lừa đảo, vô giáo dục, là tàn bạo, là giết người, là không tính người. Thì ra “tâm hồn thực dân” là “tâm hồn” của quỷ!

Tác giả để cho một tên thực dân tự kể lại tội ác của chính họ: “Nhật ký hành quân của một tên thực dân kể lại với chúng ta: “Sau khi chiếm được chợ Mới, vào buổi chiều, một sỹ quan của tiểu đoàn lính Phi trông thấy một người châu Á bị bắt làm tù binh, còn sống, không có thương tích gì. Buổi sáng ngày hôm sau, người sỹ quan nhìn thấy người ấy chết, bị đốt cháy, đã chín, mỡ chảy ra, da bụng trương phồng lên, sém vàng. Bọn lính đã thức suốt đêm để quay chín con người đã bị tước mất vũ khí, trong khi những tên khác hành hạ một phụ nữ.

Một tên lính muốn bắt một phụ nữ An Nam phải hiến thân cho con chó của nó. Người phụ nữ ấy không chịu, liền bị đâm chết bằng một nhát lưỡi lê vào bụng”[4].

Đáng chú ý là lời tự thuật trong “nhật ký hành quân” không có chủ ngữ xưng “tôi”, “chúng tôi”. Vì sao? Vì ở ngay thể tài “nhật ký hành quân”, đúng với quy định “bí mật quân sự” người kể phải giấu mình đi chỉ để nổi lên sự kiện. Qua đây cho thấy Nguyễn Ái Quốc đã rất tinh tế khi kiến tạo diễn ngôn!

Đúng với lời của Nguyễn Ái Quốc để nhận xét và khẳng định bản chất xấu xa của chính sách thực dân: “Người ta thường nói: “Chế độ thực dân là ăn cướp”. Chúng tôi xin thêm: là hiếp dâm và giết người”[5].

Trong tự sự học người ta khái quát trần thuật kiểu này là “kịch hóa trần thuật”, “tôi” nhảy vào câu chuyện giành quyền kể chuyện mình biết cho độc giả nghe, vừa “phơi bày” cái “tôi” vừa “bóc mẽ” một sự thật. Đây là một thủ pháp nghệ thuật được nhiều tác giả hôm nay sử dụng!

H.V


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 202.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 70.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 62.

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 374.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 115.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)