Quan niệm về sinh tồn trong tiểu thuyết “Phải sống” của Dư Hoa

Thứ Tư, 16/08/2023 13:16

Là tác giả tiêu biểu cho trường phái văn học tiên phong, một trường phái sáng tác được hình thành và phát triển vào những năm 80 ở thế kỉ XX tại Trung Quốc, khi những vết thương sau cách mạng văn hóa dần đóng vảy, Dư Hoa cùng những tác phẩm của ông đã đưa đến cho độc giả những góc nhìn mới mẻ, đa chiều về con người, cuộc đời. Tiểu thuyết Phải sống, với trọn vẹn những nghiệt ngã khi đặt con người vào trạng thái sinh tồn khắc nghiệt, đã thể hiện rất rõ tính tiên phong đó.

Trường phái văn học tiên phong và nhà văn Dư Hoa

Hình thành sau thời kì Cách mạng văn hóa, các tác phẩm thuộc trường phái văn học tiên phong luôn thể hiện sự hoài nghi với tinh thần khai sáng và nhân tính, phá vỡ các quy phạm văn học truyền thống, thể hiện khả năng tồn tại của một lối viết mang đậm sắc thái cá nhân hóa, phương thức mĩ học cực đoan hóa. Trên phương diện nghệ thuật, các sáng tác tiên phong thể hiện qua ba phương diện: cách tân trong phương thức tự sự, các thử nghiệm về ngôn ngữ tiểu thuyết, phương thức biểu hiện về trạng thái sinh tồn.

Trào lưu văn học này được đánh dấu bằng sự ra đời tác phẩm Sự mê hoặc của núi Cương Đề Tư của nhà văn Mã Nguyên đăng trên tạp chí Văn học Thượng Hải kỳ 2 năm 1985. Và trong suốt tiến trình phát triển, trào lưu văn học tiên phong đã quy tụ những tiểu thuyết gia đầy tài năng gồm Mã Nguyên, Mạc Ngôn, Tàn Tuyết... thuộc thế hệ đầu và lớp kế cận có Cách Phi, Tôn Can Lộ, Tô Đồng, Dư Hoa...

Với cương vị là một trong những tác gia tiêu biểu của văn học Trung Quốc thời kì đổi mới nói chung, cho trào lưu văn học tiên phong nói riêng, Dư Hoa sáng tác trên nhiều thể loại. Riêng tiểu thuyết được coi như một cách nhìn, cách thể nghiệm đầy tính “khai sáng” của ông về con người và xã hội Trung Quốc mà Phải sống với quan niệm về sinh tồn là tác phẩm thể hiện rất rõ điều đó. Đây cũng là sáng tác có vị trí quan trọng trong văn nghiệp Dư Hoa, giúp ông thu được nhiều thành công đồng thời khẳng định được vị trí vững chắc trong tiến trình văn học Trung Quốc đương đại. Đồng thời cũng đánh dấu sự “tiên phong” sự nghiệp sáng tác của ông.

Bởi vốn chịu ảnh hưởng từ quan niệm “nhân chi sơ tính bản ác” của Tuân Tử, tác phẩm Dư Hoa viết lên gần như đều rất lạnh và tàn nhẫn. Như thực tại về con người trong truyện ngắn Có một loại hiện thực hay cảnh người ăn thịt người trong truyện ngắn Tình yêu cổ điển. Nhưng tới Phải sống, dường như chính sự tàn nhẫn đó như được đổi mới. Khi giờ đây, Dư Hoa đi sâu vào miêu tả hiện thực con người nhỏ bé thế nào trước thực tế cuộc sống và mô tả trạng thái sinh tồn của con người trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, nghiệt ngã nhất của cuộc đời. Và dù có trải qua cay đắng thế nào, người ta vẫn sống, tiếp tục sống. Để từ đấy độc giả như thấy được, dẫu chất tiên phong trong nhìn nhận, đánh giá con người không thay đổi thì tác phẩm này vẫn có những đổi mới về cách viết trong cách Dư Hoa tiếp cận đề tài.

Tiểu thuyết Phải sống của Dư Hoa.

Quan niệm về sinh tồn thể hiện ở hoàn cảnh nhân vật trải qua

Trước hết, cần nói rằng, tiểu thuyết Phải sống như một cuốn biên niên về cuộc đời con người Từ Phú Quý theo dòng chảy lịch sử Trung Quốc từ những năm còn tầng lớp địa chủ, qua thời kì khói lửa nội chiến giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản, đến tháng năm Trung Hoa trải qua thời kì đen tối của những cuộc Đại nhảy vọt hay Cách mạng văn hóa. Vì thế, qua ánh nhìn của người trong cuộc, kinh qua bao giai đoạn lịch sử thăng trầm, dường như, không có sự khắc nghiệt nào, bản thân Từ Phú Quý không từng chứng kiến hay trực tiếp trải qua.

Đó là cảnh một chàng công tử, có trong tay tất cả nhưng rồi đánh mất tất thảy. Mất từ cuộc sống giàu sang đến mất cha, mất mẹ, mất con, mất vợ, cả đứa cháu trai duy nhất rồi cũng ra đi. Và trong suốt quãng thời gian gần trọn một kiếp người gánh đủ mất mát ấy, Từ Phú Quý thấm thía nỗi khó khăn lẫn sự bất lực khi lần lượt chứng kiến từng người thân, trước lúc từ giã cõi đời, chưa nổi một ngày bình yên hạnh phúc. Khi buông xuôi mà nhìn đồng đội ra đi trên chiến trường. Hoặc chỉ biết hòa mình vào những năm tháng Cách mạng văn hóa cuồng loạn…

Và với một con người, còn gì nghiệt ngã hơn trước những giày vò, thử thách cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng cuối cùng đổi lại, thứ nhận về lần lượt, chỉ là sự trơ trọi giữa cõi đời, với một con trâu già.

Tuy nhiên, sau tất cả, dù khắc họa con người chịu sự đọa đầy cuộc đời ra sao thì tới tận cùng, tác giả Dư Hoa vẫn hướng con người ta tới khát vọng “phải sống”. Bởi, với họ, có sống, có sinh tồn mới tìm thấy được ánh sáng, mới nhìn thấy được tương lai, hi vọng.

Quan niệm sinh tồn thể hiện ở những nguy cơ rình rập

Nhà văn Dư Hoa.

Pascal từng nói: “Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa nhưng là một cây sậy có tư tưởng.” Và qua mỗi nguy cơ rình rập cướp đi mạng sống con người Dư Hoa thể hiện trong tiểu thuyết Phải sống, người đọc như càng thêm thấm thía sự “mềm yếu” kia. Rằng trên những trang viết sắc lạnh như một cuốn biên sử, cái chết luôn lẩn khuất, thường trực nơi những nguyên nhân bình thường, thậm chí là tầm thường. Cha của Phú Quý mất bởi thói quen đi vệ sinh hàng ngày, người con trai thứ ra đi vì bị rút quá nhiều máu, người con gái cả mất vì băng huyết khi sinh, vợ ông mất do mắc chứng thiếu canxi vì ăn uống thiếu dinh dưỡng, người con rể mất do bị hai tấm bê tông chèn nát người, người cháu trai duy nhất cuối cùng cũng chết do bội thực.

Bên cạnh đó, còn biết bao cái chết khác, đồng đội, bạn bè đã lướt qua cuộc đời Từ Phú Quý. Thật sự, trọn một kiếp người, con người này đã thấu hiểu lắm đau thương của một kiếp đời yếu đuối trước sinh lão bệnh tử, trước bản tay tử thần, trước cuộc sống vẫn luôn chẳng thể lường trước ngày mai.

Tuy nhiên, dù hiểm nguy rình rập, một lí do giản đơn nhất cũng có thể cướp đi tính mạng con người, thì người ta vẫn sống, và vẫn nghĩ đến sự sống của người khác như Đại Hỉ chết, những tiếng cuối cùng anh còn thốt ra được là nhắc tên cậu con trai: “Khổ Căn”. Bởi thế, với Dư Hoa, thật sự con người yếu đuối, kiếp người bé mọn thì bản năng sinh tồn vẫn luôn mạnh mẽ, để được sống, dù chỉ là ánh lửa vụt sáng lên trước lúc lụi tàn.

Quan niệm về sinh tồn thể hiện ở việc ca ngợi sự sống con người

Như đã nói, số phận Từ Phú Quý quá đỗi nghiệt ngã. Bản thân con người này cũng luôn tự ý thức, một kẻ như ông đáng lí nên chết đi từ lâu: thời thanh niên phá gia chi tử, vũ phu với người vợ Gia Trân khi bà đang mang thai. Nhưng rồi, Phú Quý lại là người sống đến cuối cùng, lần lượt chứng kiến, lần lượt tiễn đưa những người xung quanh ông về nơi an nghỉ.

Và dường như, càng ngày thái độ của Phú Quý với những người đã khuất càng trở nên bình thản. Nỗi bình thản khi người ta đã chạm đến vạch đích cuối cùng của đau thương. Nên họ đau khổ mà chấp nhận, khổ đau mà tiễn những người ra đi về với cha mẹ, tổ tiên dòng họ Từ. Và giây phút con người đã trải qua quá nhiều biến cố, chịu quá nhiều vết thương đến cùng cực thì đứng trước nỗi đau, người ta mới có thể lần hồi sống qua ngày, thay cả phần người đã khuất.

Tràn ngập tiểu thuyết Phải sống là dư vị cái chết, bên sự sống bền bỉ trước mọi biến cố của gã đàn ông tên Từ Phú Quý kia. Trước đây, trong thời nội chiến, Phú Quý cố gắng sinh tồn để trở về với gia đình; sau này còn mỗi thằng cháu Khổ Căn, Phú Quý sống vì cháu; để rồi cuối cùng Khổ Căn cũng ra đi, Phú Quý sống nốt những ngày cuối cùng để trọn vẹn một kiếp người. Dù sườn dốc phía sau cuộc đời ấy, có lẽ chẳng dễ dàng hơn còn người ta, chỉ là đang tồn tại với nỗi cô độc thăm thẳm.

Khác với nhiều tác phẩm vẫn trăn trở kiếm tìm ý nghĩa con người tồn tại; thì với Dư Hoa, qua sự sống bền bỉ của Từ Phú Quý, phải chăng, ông như ngầm khẳng định rằng, cuộc đời con người đầy những khó khăn, khắc nghiệt; và con người tồn tại, sinh tồn, trước hết là để sống. Sống ở trong chính đời sống hiện thực còn nhiều bất hạnh, khốn khó này.

Quả tình, tiểu thuyết Phải sống như một bước chuyển mình trong sự nghiệp sáng tác của Dư Hoa. Ông không nhằm tái hiện bản chất con người mà ông tập trung chú ý đến hoàn cảnh sinh tồn và phương thức con người sinh tồn. Để từ đó, ông nêu lên giá trị sinh mạng một cá nhân trong cuộc đời.

Nên có thể nói, với Phải sống, Dư Hoa không cốt truy cầu ý nghĩa con người tồn tại mà điều ông quan tâm là giá trị sinh mạng. Bởi thế, ông có thể nhìn nhận con người đúng với một bản thể yếu đuối, bất lực nhất. Cũng vì vậy, ông chỉ ra được sự hoang đường và vô lí tính song cũng lại rất công bằng của thế giới, tạo hóa. Rằng tạo hóa sẽ không vì bất cứ lí do nào mà thiên vị cho bất kì ai. Cho nên, giá trị sống, lại càng thêm ý nghĩa.

Với trọn vẹn giá trị đấy, Dư Hoa đã đưa quan niệm sinh tồn, quan niệm sự sống trên trang viết Phải sống về gần hơn với tính nguyên bản, nguyên thủy. Từ đó, hướng tới những phạm trù, cơ tầng văn hóa thấp hơn, dân gian hơn trong chính tác phẩm, thuộc trường phái tiểu thuyết tiên phong này.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)