Văn học Tây Nguyên sau 1975 - bản sắc dân tộc và tính hiện đại

Thứ Sáu, 18/08/2023 00:50

. LÊ DỤC TÚ
 

Từ sau 1975 đến nay, văn học (viết về) Tây Nguyên đã mở rộng biên độ sáng tác. Bức tranh hiện thực được các nhà văn thể hiện trong tác phẩm đa sắc màu. Các nhà văn đã từng bước bắt nhịp vào đời sống mới của đất nước. Họ đi sâu miêu tả thân phận con người miền núi, đặc biệt là của đồng bào dân tộc thiểu số với những hằng số bất biến của tộc người cũng như khát vọng mới, số phận mới trước những đổi thay của đất nước sau giải phóng và thời mở cửa. Sự kết nối giữa dân tộc và hiện đại có thể coi là một nét mới trong văn học Tây Nguyên đương đại, được thể hiện trên những bình diện nổi bật sau:

1. Lưu giữ những nét đẹp của văn hóa tộc người

Ở bất kì một vùng đất nào, văn hóa phong tục luôn là một mảng hiện thực hấp dẫn làm nên nét đặc sắc của vùng miền. Đó là những phong tục tập quán đặc trưng của các dân tộc làm nên những nét riêng, độc đáo. Nhạy bén với điều này, các nhà văn dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có nhiều trang viết đi sâu vào việc thể hiện bức tranh văn hóa phong tục. Điều dễ dàng nhận thấy là khi viết về văn hóa phong tục của tộc người mình, các nhà văn miền núi dường như luôn có những thăng hoa bất ngờ trong cảm xúc. Không phải ngẫu nhiên mà Cao Duy Sơn - một nhà văn dân tộc thiểu số nổi tiếng miền núi phía Bắc - đã từng cho rằng, “viết là một cuộc viễn du về với cội nguồn” và là “một sự giải phóng năng lượng của bản thân”. Nhà thơ Kpa Ylăng (Ba Na) mượn những câu thơ trữ tình lãng mạn với nhiều xúc cảm mênh mang để viết về tiếng chiêng đặc trưng bao đời của buôn làng Tây Nguyên: Tiếng chiêng Xí Thoại vang lên/ Gọi nắng La Hay, nắng soi đồng lúa/ Gọi gió Hà Bằng, gió gọi mùa trăng/ Gọi tháng tư về sương giăng giăng/ Tiếng chiêng Xí Thoại vang lên/ Mang hồn của đất, của mây, của trời/ Của ngọn lửa ấm hùng thiêng/ Ngàn năm còn đó tổ tiên vọng về (Tiếng chiêng Xí Thoại). Nhà thơ H’Triemk’ Nul (Ê Đê) cũng đã ghi lại vẻ đẹp của một già làng Tây Nguyên khi trình diễn những bài khan - di sản văn hóa tinh thần của tộc người mình: Già đang Khan/ Già say lời kể/ Người nghe say lời già. Và cả những nỗi đau khi những giá trị văn hóa tinh thần đang dần bị mai một: Chỉ có già đau/ Khi anh hùng của bài Khan ngủ quên/ Không bảo vệ nhà sàn của anh/ Già bật tiếng khóc/ Khi dân làng của người anh hùng bị bắt làm nô lệ (Người kể Khan).

Những nét tiêu biểu cho bản sắc của từng tộc người thường được biểu hiện qua những đặc tính trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng của con người vùng rừng núi như những tập quán về cư trú, lao động, sinh hoạt, vui chơi, tín ngưỡng, những nét tâm lí riêng. Nếu đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc có các lễ hội dân gian như tung còn, đánh khăng, chơi quay, bắn cung hay phong tục tín ngưỡng như lễ cầu mưa, cầu nắng, cầu mùa, cầu ngư, nhà mới, mừng được mùa, cấp sắc, cúng rừng, cúng nguồn nước... thì Tây Nguyên có các lễ hội bỏ mả, đâm trâu, hội cồng chiêng, hội đua voi, hội trống ginang… Không khí của ngày lễ hội được các nhà văn miêu tả hết sức tươi vui, ấm áp: “người đi tay trong tay, bờ môi nối tiếng cười”. Vẻ đẹp lễ hội được toát lên từ những nghi thức long trọng, những lời ca, tiếng hát, vũ điệu của những cô gái bản làng xinh đẹp mang hình bóng quê hương, làm say đắm lòng người: Êm dịu điệu Biyen Tiong/ Hùng tráng nhịp Tang hok/ Sôi nổi điệu Chel Tathun/ Buồn buồn khúc Atapah (Hồn trống ginang - Trà Ma Hani). Thể hiện những điều này, các tác phẩm không chỉ phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng dân tộc mà còn khơi dậy và nuôi dưỡng những tình cảm, khát vọng xây dựng, giữ gìn nét đẹp văn hoá tộc người của họ. Nhà văn Kim Nhất (dân tộc Ba Na) đã thể hiện khá phong phú những phong tục, tập quán của dân tộc mình qua Chuyện buôn làng, Nối dây, Phát kơ đi. Các tập truyện của Linh Nga Niêkđam (bút danh H’Linh Niê - nhà văn, nhạc sĩ tài hoa Tây Nguyên) như Đi tìm hồn chiêng, Trăng Xí Thoại, Nhân danh ai không chỉ cho chúng ta thấy những trang viết nhiều trăn trở về văn hoá phong tục mà còn mang đến một cái nhìn phong phú, đa chiều về bản sắc văn hóa Tây Nguyên với những đổi thay khi con người nơi đây đối mặt với làn sóng di cư, hòa trộn văn hóa. Các tác phẩm kí của H’Linh Niê thường gắn với những chuyến đi, chủ yếu là những chuyến đi về với cội nguồn, về với Tây Nguyên như Đi hội Tăm Nghét cùng em, Đêm Nam Nung gắn với người Mnông ở Đăk Nông; hay Lời gọi mời của Kon H’Ring, Có một Đăk Hà xanh khi đến các làng Sê Đăng, Srá tại Kon Tum; rồi Diệu kì Plei Ku, Gập ghềnh con đường Krông Pa với các tộc người Ba Na, Gia Rai ở Gia Lai; Chuyện ghi ở Phi Liêng với người K’ho ở Lâm Đồng hay Ban Mê cội nguồn và huyền thoại gắn với người Vân Kiều trên cao nguyên Đăk Lăk… Đọc truyện, kí của H’Linh Niê, người đọc như được ngắm một bức tranh toàn cảnh về văn hóa, con người, cuộc sống Tây Nguyên từ xa xưa cho tới nay, từ cái chung cho tới cái riêng... độc đáo, cụ thể, hấp dẫn. H’Linh Niê đã biết kết hợp hài hoà giữa chất huyền thoại và sử thi khi viết về con người, cuộc sống ở Tây Nguyên. Tác giả giới thiệu kho tàng folklore độc đáo với những ngôi nhà rông, hình hoa văn chim thú được lưu giữ trên nóc các nhà mồ, nghệ thuật ẩm thực kiểu Tây Nguyên, miêu tả sắc nét lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, lễ pơ thi (bỏ mả), những nét hoa văn thổ cẩm phối hợp hài hoà giữa các gam xanh, vàng, đỏ để làm nổi bật hai màu chủ đạo: đen và trắng (Về đâu hỡi thổ cẩm Tây Nguyên, Trăng Xí Thoại). Những trang viết về tục bỏ mả này chúng ta còn gặp lại khá nhiều trong tiểu thuyết Luật của rừng của nhà văn Kim Nhất, hay tác phẩm của các nhà văn người Kinh viết về Tây Nguyên như Giữa cõi âm dương (Thu Loan), Màu rừng ruộng (Đỗ Tiến Thụy) với những sắc màu khác nhau.

Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, những dấu ấn văn hóa phong tục nói trên đang mai một theo thời gian khi cuộc sống mới và vấn đề hiện đại hoá xã hội đang đi vào từng thôn bản làm thay đổi cuộc sống và nếp sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trước tác động ghê gớm của nền kinh tế thời mở cửa, những “người giữ lửa” bản làng hết sức trăn trở, lo âu cho sự bảo tồn những giá trị truyền thống. Họ tìm cách giữ lại những nét đẹp truyền thống của các tộc người thông qua những trang văn. Người con của núi rừng Tây Nguyên đau đớn trước những di sản văn hoá đang bị mai một dần khi “Hàng trăm các nghệ nhân theo dòng thời gian lặng lẽ nằm xuống. Hàng trăm nghề truyền thống lụi tàn, hàng trăm cổ vật như có cánh bay. Hàng trăm công trình sưu tầm, công sức và tâm huyết của bao người bị mối xông thành đất.” Đây không chỉ là lời cảnh báo mà là một hiện thực nhức nhối về sự mất mát, một đi không trở lại của di sản văn hoá dân tộc. Điều mong muốn của nhiều nhà văn dân tộc thiểu số Tây Nguyên là “những phong tục đẹp, những nét độc đáo của văn hóa cổ truyền được bảo tồn, phát huy và truyền lại cho con cháu muôn đời sau, cho tiếng chiêng Tây Nguyên mãi mãi bay cao, bay xa trong xanh cao thăm thẳm của bầu trời cao nguyên bao la” (Lời chiêng Tây Nguyên - H’Linh Niê).

2. Hội nhập vào cuộc sống, văn hóa đương đại

Xã hội miền núi đương đại trong đó có Tây Nguyên đang chuyển mình đi lên cùng đất nước với những cơ hội và thách thức, cả mặt phải và mặt trái của nó, đã trở thành trung tâm chú ý của các cây bút dân tộc thiểu số. Luồng gió đổi mới và tinh thần dân chủ sau 1975, đặc biệt từ sau 1986, cho phép nhà văn nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, phản ánh những nét đẹp của đời sống trong dựng xây và phát triển, cả những tiêu cực, tồn đọng của xã hội cổ truyền, đồng thời cảnh báo những hệ lụy đến từ tác động của nền kinh tế thị trường. Sự xâm nhập của đời sống kinh tế thị trường đã không chỉ làm xáo trộn đời sống của người dân miền xuôi mà còn phá vỡ sự yên tĩnh ngàn đời của núi rừng, làng bản. Nhiều bức tranh hiện thực được thể hiện trong tác phẩm của các nhà văn cho thấy các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng cũng như các dân tộc thiểu số cả nước nói chung đang chuyển mình để vận động và phát triển. Nhưng bước chuyển ấy không hề dễ dàng. Nó đầy đau đớn, dằn vặt, e dè. Nỗi trăn trở về thân phận con người và bản sắc dân tộc day dứt trong nhiều trang viết. Tiểu thuyết Ngược chiều cái chết của Trung Trung Đỉnh, Giữa cõi âm dương của Thu Loan đã đề cập đến những khó khăn trong quá trình xây dựng cuộc sống mới của người dân bản địa. Người dân Ê Đê, Gia Rai, Ba Na đã quen làm nương rẫy, trồng trọt trên những triền núi dốc, nên việc vận động họ đào mương làm lúa nước không phải dễ dàng. Trong Ngược chiều cái chết, nhà văn đã cho thấy việc ông Kơ So Kơ Mik bị dân làng phản đối khi phát động họ từ bỏ tập quán sống cũ, thực hiện thói quen mới: hạ khố mặc quần áo, cấm lễ đâm trâu, lễ thông bến nước, ăn mừng nhà mới, tục bỏ mả… Nhiều nhà văn (đặc biệt là các nhà văn của thế hệ 8x) đã chú ý nhiều hơn trong khắc hoạ một lớp người trẻ mới của núi rừng, những người quyết định tương lai của buôn làng. Trong tác phẩm của họ, ta thấy chân dung của những người ở lại và cả những người nhất quyết dứt áo từ biệt quê hương bản quán để ra đi tìm “miền đất hứa”. Những tác phẩm ấy cũng đem đến hình dung về một Tây Nguyên đang thực sự vật lộn từng ngày với hiện tại để vươn tới tương lai. Truyện ngắn Nối dây của Kim Nhất đã phản ánh sự uất ức trong lớp trẻ có học của Tây Nguyên khi họ nhận thức được sự vô lí của các hủ tục. Không dám chống lại luật tục vì sợ sẽ bị giết, bị đuổi khỏi làng, cô gái trẻ Hơ Giang đã phải lên núi để tự cứu mình, cho thấy lớp trẻ hôm nay của các dân tộc Tây Nguyên đang có một cuộc sống khác. Cô gái H’Leng trong Đi qua mùa đêm của Niê Thanh Mai đã chống lại những quan niệm cổ hủ của người cha, của xã hội cũ để hòa nhập vào cái hiện đại, cái mới. Với chi tiết “H’Leng cởi áo cho người ta chụp hình ngoài suối”, nhà văn đã cho thấy rõ nét một quan niệm, lối sống mới, phóng khoáng và không dè dặt của lớp trẻ Tây Nguyên hôm nay. Truyện ngắn Về bên kia núi của nhà văn là lời tâm tình của cô em gái nhỏ - một “người ở lại” của buôn làng. Cô tâm sự về gia đình mình, về người chị gái xinh đẹp, về chàng trai mình yêu thương và về quê hương mình. Cô hiểu được nỗi khao khát cháy bỏng mà người chị gái hằng đêm từng theo đuổi. Dù phải “đối diện với ánh mắt cháy bỏng của người tình hay cái nhìn buồn thương của mẹ”, Xuân - người chị - vẫn dứt khoát ra đi, bỏ lại tất cả vì “làng mình nghèo”. Chị Xuân đã ra đi để được... “đổi đời”. Nhưng đau đớn hơn cả, người em gái biết rằng chị mình đã trở thành con người khác, trở thành “người dưng”, vĩnh viễn dứt bỏ và đoạn tuyệt, không bao giờ trở lại quê hương. Cuộc sống phố thị phù hoa ồn ào và náo nhiệt đã cuốn hút và làm mù quáng những con người trẻ tuổi đến mức sẵn sàng tuyệt giao, thậm chí bội phản lại quê hương bản quán và những tấm lòng yêu thương chân thành dành cho mình. Chi tiết cô gái H’Linh nhổ bức tượng khỉ trên nhà mồ để làm vừa lòng thú chơi đồ cổ của ông chủ cho thấy sự quay lưng lại với những gíá trị truyền thống của một số người trẻ chạy theo lối sống thực dụng (Giữa cơn mưa trắng xóa). Tất nhiên không phải cuộc ra đi nào cũng là bội phản. Thảo trong Nhìn về hướng mặt trời mọc lại là người ra đi để tu chí học hành. Nhưng chuyến về trở cội nguồn đã đánh thức sự đồng cảm và thấu hiểu trong cô. Thảo hiểu hơn về quê hương bản quán và mảnh đất chôn nhau cắt rốn, yêu thêm gia đình và những người hàng xóm thân thương. Đại diện cho một lớp người trẻ tuổi, trong những sáng tác của mình, Niê Thanh Mai mong muốn đưa đến cho người đọc một Tây Nguyên đương đại, một Tây Nguyên đang không ngừng vận động theo xu hướng hiện đại hoá trong bối cảnh mới: “Tôi muốn mọi người thấy phần lớn người dân Tây Nguyên bây giờ đã có cuộc sống tốt hơn, họ có nhà cửa đẹp, có các phương tiện vật chất hiện đại hơn, và quan trọng là họ đang hội nhập với cuộc sống hiện đại mà không đánh mất đi bản sắc của mình” (tác giả trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam). Tác phẩm Ngược chiều cái chết của Trung Trung Đỉnh và Giữa cõi âm dương của Thu Loan cũng đã đề cập đến những khó khăn, cản trở trong quá trình xây dựng cuộc sống mới của người dân Tây Nguyên. Chủ trương của đường lối mới là vận động bà con xóa bỏ tình trạng du canh du cư để ổn định cuộc sống. Chủ trương tốt đẹp nhưng thực hiện không dễ dàng khi phải phá bỏ những phong tục tập quán đã có từ ngàn đời như đơn giản là chuyển từ việc ở nhà sàn làm bằng gỗ tự nhiên sang nhà xi măng, chuyển bếp lửa ở giữa nhà ra phía sau nhà. Trong Ngược chiều cái chết, ông Kơ So Kơ Mik đã thất bại, vấp phải sự phản đối của dân làng khi đi vận động thực hiện xây dựng nếp sống mới.

Trong thơ Tây Nguyên đương đại, Jalau Anứk (Trương Đăng Ái), nhà thơ trẻ của dân tộc Gia Rai, cũng đã thể hiện những dòng xúc cảm chân thành của người con rời xứ sở ra đi: Thuở ấy tôi đi/ Với/ Hào quang trước mắt ngỡ được tắm trong thế giới diệu kì/ Ngỡ hái trọn bao trái cây mơ ước.../ Tôi loay hoay tìm về/ Dòng nước đục ngầu ơi!/ Quê ơi!/ Tha thứ cho con vì không đọc được con chữ/ Mà tổ tiên để lại/ Dẫu hôm nay con mang danh “trí thức” (Tạ lỗi). Phá bỏ những rào cản cũ để hướng về cái mới, xây dựng và phát triển để làm cho buôn làng ngày càng giàu đẹp và no ấm, là mong mỏi của mỗi người con dân tộc thiểu số nói chung, Tây Nguyên nói riêng. Song đi đôi với sự mong mỏi đó còn phải có những hành động, hiểu biết đúng đắn mới mang đến những kết quả tốt đẹp, nếu không, tác dụng sẽ ngược lại.

Từ bao đời nay, Tây Nguyên là nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc như Ê Đê, Ba Na, M’nông, Gia Rai, K’ho, Kinh… Theo thống kê mới đây, do quá trình di dân tự nhiên, trên địa bàn Tây Nguyên và Nam Trung Bộ gần như có mặt hầu hết các dân tộc thiểu số Việt Nam. Một bộ phận dân cư thuộc các dân tộc miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Thái, H’mông, Mường… đã đến Tây Nguyên, Nam Trung Bộ để sinh sống. Đó là khi vấn đề bản sắc dân tộc trở nên phức tạp hơn, gợi nhiều băn khoăn hơn chứ không chỉ là “một quy phạm cố định và bất biến”. Sự hòa trộn và du nhập văn hóa này cũng đặt ra cho các nhà văn vấn đề làm thế nào giải quyết được bài toán về sự hòa nhập văn hóa, giữa một bên là văn hóa hiện đại, có nhiều yếu tố văn minh cần phải tiếp thu, một bên là văn hóa truyền thống, tuy có những điều đã lạc hậu nhưng vẫn còn những nhân tố tốt đẹp, cần phải bảo tồn. Sự trăn trở này chúng ta đã bắt gặp trong các tiểu thuyết Màu rừng ruộng (Đỗ Tiến Thụy), Lạc rừng, Ngược chiều cái chết (Trung Trung Đỉnh)...

Từ sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong sáng tác về Tây Nguyên, ta thấy các nhà văn đã cố gắng bám sát thực tiễn, phản ánh những vấn đề thiết thực trong đời sống của đồng bào các dân tộc từ trước đến sau 1975 và Đổi mới. Tuy vậy, cũng phải thấy rằng ngòi bút của các nhà văn dân tộc thiểu số nói chung, Tây Nguyên nói riêng vẫn chưa thật theo kịp thực tiễn phát triển của đất nước, chưa có nhiều tác phẩm thật sự nổi bật mang được hơi thở của cuộc sống đương đại như những suy ngẫm về chiến tranh và thân phận con người, về cuộc sống đời thường nhưng không bình thường trong thời kinh tế thị trường, đổi mới và hội nhập.

L.D.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)