. KIM MAI
“Trại sáng tác”, chỉ riêng cụm từ nhỏ thôi cũng đủ làm cho những người ngoại giới tò mò. Nó như thế nào? Hoạt động ra sao? Mục đích là gì? Sự tò mò không chỉ dành cho các độc giả Việt Nam mà ngay cả các độc giả ở các nước khác trên thế giới. Sau tò mò sẽ ao ước. Ai cũng mong một lần được tham gia. Lí do không hẳn vì để khẳng định danh tiếng mà còn vì rất nhiều lợi ích cũng như thử thách đi kèm.
Lấy ví dụ đơn giản ở một đất nước được coi là “cường quốc văn chương”, nước Pháp. Nước Pháp sở hữu hàng trăm giải thưởng văn học lớn nhỏ trên thế giới trong đó phải kể đến giải Nobel văn học. Theo thống kê của nhà tổ chức, nước Pháp hiện đang đứng đầu danh sách các tác giả được trao giải, bỏ xa các nước đứng thứ hai và thứ ba.
Thông báo tuyển trại viên năm 2022
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta: Lẽ nào các nhà văn Pháp giỏi hơn các nhà văn trên thế giới?
Câu trả lời chắc chắn sẽ là “không”. Chẳng có giới văn nào giỏi hơn giới văn nào trong làng văn học thế giới. Nước Pháp cũng không phải là ngoại lệ. Họ có được con số ấn tượng đó là vì một lí do rất đơn giản: Chính phủ Pháp đã có những chính sách ưu đãi hợp lí dành cho giới văn nghệ sĩ. Hàng năm, Chính phủ Pháp hỗ trợ cùng các đơn vị địa phương mở hàng trăm trại sáng tác văn học, hội họa, điêu khắc, kịch, âm nhạc, phim ảnh… Mỗi trại một thể loại, một hình thức tổ chức, một đối tượng tác giả được nhắm đến và đương nhiên một mục đích tồn tại, một chủ đề sáng tác. Tuy vậy, trại sáng tác văn học vẫn là chủ yếu.
Ở Pháp, trại sáng tác văn học - “résidence d’auteurs” hay “résidence d’écriture”, theo định nghĩa là “chương trình hỗ trợ sáng tác giúp các nghệ sĩ, tác giả và dịch giả có được một khoảng thời gian đặc quyền để sáng tác hoặc cũng có thể thực hiện một dự án diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, trên một lãnh thổ nhất định”. Như vậy về mặt hình thức, các trại sáng tác dù ở châu Âu hay ở Việt Nam đều giống nhau, đều chung nhau mục đích chính: “tạo điều kiện cho các tác giả sáng tác”. Tuy nhiên nếu nhìn sâu hơn sẽ thấy những nét khác biệt. Trại sáng tác ở Pháp không phải là các hoạt động tập thể mà chỉ dành cho một hoặc vài ba tác giả (không trong cùng một khoảng thời gian) bởi mục đích của hoạt động này là cung cấp cho nhà văn một môi trường làm việc phù hợp với nhu cầu nghiên cứu và viết lách. Thời hạn cư trú dành cho mỗi tác giả ở mỗi chương trình là khác nhau, dao động giữa một vài tuần đến một vài tháng hoặc cả năm. Trong khoảng thời gian đó, tác giả sẽ được cung cấp một cách đầy đủ các nhu cầu tối thiểu (thu nhập, nơi ở, đồ ăn và có thể cả phương tiện đi lại) cho phép họ “đắm mình” vào công việc sáng tác mà không cần bận tâm đến bất cứ điều gì đang diễn ra xung quanh. Một số dự án còn cho phép tác giả dành thời gian gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng bản địa nhằm thu thập các yếu tố tài nguyên (văn hóa, kinh tế, du lịch…) phục vụ cho tác phẩm của họ. Là hoạt động đặc thù, mỗi trại sáng tác đều phải có kế hoạch và chủ đề cụ thể trước khi kêu gọi ứng viên. Mỗi địa phương một loại hình trại sáng tác. Với số lượng vài trăm trại sáng tác trải rộng khắp các địa phương, các văn nghệ sĩ có rất nhiều sự lựa chọn để gửi đơn ứng tuyển.
Câu hỏi tiếp theo đặt ra ở đây: Mục đích của những trại sáng tác đó là gì? Chắc chắn câu trả lời được đưa ra đầu tiên chính là cho ra các tác phẩm được công chúng thừa nhận. Nhưng ẩn sau mục đích chung chung đó, mỗi trại sáng tác đều có một mục đích sâu xa hơn.
Để trả lời câu hỏi này một cách đầy đủ, chúng ta có thể tìm hiểu về lịch sử ra đời của các trại sáng tác tại Pháp. Trại sáng tác đầu tiên ra đời tại thành phố Seine-Saint-Denis năm 1986 mang tên “Các nhà văn ở Seine-Saint-Denis”, tức là gần bốn năm sau Luật Phân quyền ở Pháp (1982 -1983) được ban hành và đưa vào thực thi. Luật Phân quyền quy định: “Sự giám sát của nhà nước đối với chính quyền địa phương bị bãi bỏ. Việc điều hành các đơn vị hành chính địa phương được giao cho các hội đồng dân cử. Thẩm quyền nhà nước được chuyển giao cho chính quyền địa phương.” Theo điều luật này, mục đích của việc phân quyền nhằm đảm bảo “tính tiệm cận” giữa nhà nước với dân, đảm bảo cho người dân được quan hệ trực tiếp với giới chức mà không bị rào cản địa lí gây phiền hà. Hệ quả của nó là việc chuyển giao trách nhiệm quản lí kinh tế, văn hóa và các hoạt động xã hội khác từ chính phủ cho các đơn vị hành chính địa phương, buộc các địa phương phải tìm cách để phát triển các thế mạnh của vùng trong cuộc đua phát triển kinh tế, văn hóa.
Trong bối cảnh đó, trại sáng tác “Các nhà văn ở Seine-Saint-Denis” là một trong những phương tiện “địa phương hóa” để thực hiện các chính sách văn hóa và thiết lập mối quan hệ mật thiết với cộng đồng bản địa.
Trại viên được tuyển chọn năm 2022
Trại sáng tác - công cụ quảng bá văn hóa địa phương
Bằng tinh thần khai thác tất cả tiềm năng địa phương, trại sáng tác văn học đáp ứng mục tiêu kép là “hỗ trợ sáng tác và dân chủ hóa”. Đó là nơi giao thoa giữa các dự án sáng tác và việc đơn giản hóa đời sống chính trị của địa phương thông qua những tác phẩm văn học gần gũi với đời sống của người dân. Qua đó nhiệm vụ của các nhà văn cũng thay đổi đáng kể, thông qua các tác phẩm họ can thiệp vào đời sống văn hóa, du lịch, kinh tế và chính trị của địa phương nhằm nâng cao giá trị của không gian trại sáng tác trong chính tác phẩm văn học để tác phẩm trở thành đại sứ quảng bá hình ảnh địa phương. Một cách “ma lanh”, trại sáng tác văn học của các địa phương là công cụ marketing hữu hiệu nhất vừa không mang tính thương mại vừa đủ yếu tố nhân văn và tri thức để đi vào lòng người. Lẽ dĩ nhiên, tác phẩm tạo ra phải là một tác phẩm có chất lượng. Do đó ngay từ đầu các trại viên được lựa chọn đã phải là các cây bút có uy tín trên văn đàn.
Trở lại với trường hợp của trại sáng tác “Các nhà văn ở Seine-Saint-Denis”, đây là một trường hợp rất đáng quan tâm bởi đó là một trong những trại sáng tác lâu đời nhất và bền vững nhất ở Pháp. Mỗi trại viên ngoài việc được cung cấp nơi ăn chốn ở trong vòng một năm còn được nhận một khoản thù lao là 15.000 euros (tương đương với gần 400 triệu đồng). Từ nơi đây đã có rất nhiều tác phẩm viết về con người và thành phố Seine-Saint-Denis được xuất bản và được đông đảo công chúng đón nhận như trường hợp của Olivier Liron - tác giả của các tiểu thuyết Điệu nhảy của các nguyên tử vàng (Nhà xuất bản Alma, 2016), Einstein, tình dục và tôi (Nhà xuất bản Alma, 2018), Cuốn sách của tuyết (Nhà xuất bản Gallimard, 2022). Năm 2022, Liron là một trong những trại viên của “Các nhà văn ở Seine-Saint-Denis” đảm nhận đề tài xã hội bằng cuốn nhật kí viết về sức mạnh giải phóng xã hội của các thư viện, vị trí của thư viện trong văn học và trí tưởng tượng tập thể, trong đó bối cảnh được lấy từ thư viện Louis Aragon ở Rosny-sous-Bois, một phường trực thuộc thành phố Seine-Saint-Denis. Để thực hiện dự án này, Olivier Liron được toàn quyền tổ chức các hội thảo viết lách, các cuộc gặp gỡ độc giả để mang đến cho cuốn tự truyện khuôn mặt đa sắc của thành phố Seine-Saint-Denis. Cuốn sách sẽ được in và phát hành trên toàn quốc như bất cứ một tác phẩm văn học nào trước đó của ông.
Sau thành công của những trại văn học địa phương, các trại văn học cũng trở thành một trong những hành động chiến lược ở tầm vĩ mô dùng để quảng bá hình ảnh của đất nước ra trường quốc tế và ngược lại.
Một buổi gặp gỡ của trại viên với học sinh trường quốc tế M. Duras tại thành phố Hồ Chí Minh
Trại sáng tác - nơi giao lưu, quảng bá văn hóa quốc gia và quốc tế
Những ngày gần đây, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra các trại sáng tác văn học và nghệ thuật dành cho các nghệ sĩ và tác giả người Pháp do Đại sứ quán Pháp phối hợp với Viện Pháp ngữ tại Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ của chương trình “Lộ trình sáng tác” (La route des résidences). Đây là một trong những hoạt động nòng cốt của Viện Pháp ngữ tại Việt Nam đã có lịch sử ba mươi năm. Mục đích của các trại sáng tác nhằm khẳng định vai trò của văn học nghệ thuật trong đời sống ngoại giao giữa các dân tộc.
Về hình thức tổ chức, các trại sáng tác ở nước ngoài không khác so với các trại sáng tác trong nước trừ chuyện các trại viên phải dịch chuyển ra nước ngoài thay vì ở lại trong nước. Nhưng cũng chính vì nét đặc biệt đó mà các trại sáng tác ở nước ngoài thường thu hút số lượng ứng viên đông hơn mọi trại sáng tác truyền thống khác. Tuy vậy, số lượng trại viên vẫn phụ thuộc vào chủ đề, tinh thần của trại. Chẳng hạn, trại sáng tác mang tên “Villa Saigon - Biệt thự Sài Gòn” mỗi năm đón chào từ 8 - 10 nghệ sĩ ở mọi lĩnh vực nghệ thuật: biên đạo múa, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, kiến trúc sư, nhà văn... đến và lưu trú tại Việt Nam. Trại mang tên “Villa Marguerite Duras - Biệt thự Marguerite Duras” lại chỉ dành cho 3 tác giả. Họ sẽ đến lưu trú tại hai đất nước Việt Nam và Campuchia trong vòng 12 tuần (8 tuần ở Campuchia và 4 tuần ở Việt Nam).
Các trại sáng tác được tổ chức với nhiều mục đích. Đầu tiên là giới thiệu đến địa phương nơi đặt trại sáng tác các gương mặt văn nghệ sĩ cùng các ý tưởng nghệ thuật độc đáo mang những nét văn hóa Đông - Tây. Nước Pháp gửi các văn nghệ sĩ của họ, những người sẽ truyền tải hình ảnh của văn hóa Pháp đến với người dân bản địa. Ngược lại cũng chính thông qua các cuộc giao lưu, các văn nghệ sĩ sẽ tìm hiểu văn hóa của mảnh đất đó và phát triển nó trong các tác phẩm của mình. Cùng với các tác phẩm họ sẽ trở thành những đại sứ truyền bá văn hóa thế giới về với người dân Pháp. Có thể hiểu đây chính là một trong những cách marketing văn hóa nghệ thuật sâu rộng nhất vừa mang văn hóa của Pháp đến Việt Nam vừa đề cao văn hóa bản địa nhằm phát triển ngoại giao giữa hai nước, một mũi tên với hai đích ngắm. Do đó, trong những ngày các tác giả sáng tác, trại phải tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ có nơi cư trú tại các thành phố cũng như về các vùng nông thôn Việt Nam và Campuchia, khuyến khích các cuộc gặp gỡ với dân chúng địa phương, tạo dựng mối liên hệ mật thiết, đồng thời tìm hiểu bối cảnh nghệ thuật đa dạng của địa phương và đưa nó vào tác phẩm, tôn vinh con người của mảnh đất đó. Những tác phẩm được khuyến khích bao gồm tất cả các thể loại văn học: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện tranh, thơ, dịch…
Với các mục đích như trên, trại viên thường phải là những tác giả có tầm ảnh hưởng lớn. Cũng giống như ở Việt Nam, các trại viên được lựa chọn trên tiêu chí chất lượng sáng tác. Đó phải là các tác giả đã thành danh và có các tác phẩm in ấn phát hành rộng rãi. Ngoài ra, đó còn phải là các tác giả người Pháp. Lẽ dĩ nhiên, họ sẽ trở thành những đại sứ văn hóa. Mỗi trại viên được hỗ trợ vé máy bay khứ hồi Pháp - Việt Nam, được nhận trợ cấp 400 euros mỗi tuần (tương đương với 10 triệu tiền Việt), được cung cấp chốn ăn ở và đi lại miễn phí trong thời gian lưu trú. Tác phẩm của trại viên khi hoàn thành sẽ được xuất bản và được trả quyền tác giả. Với những điều kiện và ưu đãi trên đủ để thấy chất lượng cũng như những kì vọng mà các trại sáng tác đặt lên vai trại viên.
Rõ ràng việc thực hiện các trại sáng tác ở nước ngoài là vô cùng tốn kém và khó khăn nhưng Đại sứ quán Pháp vẫn tổ chức thường niên cho thấy kết quả phản ánh được những mong đợi của nhà tổ chức. Đặc biệt một vài năm trở lại đây, Chính phủ Pháp không chỉ tổ chức trại sáng tác dành cho các tác giả người Pháp mà còn tổ chức các trại sáng tác tại Pháp dành cho các tác giả người Việt theo phương thức “có đi có lại”. Đây là cơ hội để các tác giả Việt Nam tham gia và quảng bá nền văn học của nước nhà ra thế giới.
Tuy nhiên, nếu nói trại sáng tác chỉ để quảng bá văn hóa thì sẽ rất bất công và mang tính gán ghép thương mại làm mất đi vẻ “thánh thiện” của văn học bởi đó chỉ là một trong những mục đích của trại.
Trại sáng tác - công cụ gắn kết giáo dục
Hằng năm vào dịp đầu năm mới, Bộ Giáo dục Pháp sẽ phát động chương trình tìm kiếm các trại viên văn học là các nhà văn người Pháp đã thành danh với các tác phẩm dành cho giới trẻ để cùng thực hiện các trại sáng tác văn học thanh thiếu niên diễn ra trong trường học vào đầu tháng chín của năm.
Về hình thức, trại sáng tác văn học thanh thiếu niên có nhiều nét khác biệt so với trại sáng tác văn học truyền thống. Trại sáng tác trong các trường học được xây dựng như một dự án trải dài ít nhất một tháng hoặc có thể lên tới một kì học, bao gồm các cuộc gặp gỡ trò chuyện giữa trại viên (có thể là nhà văn, họa sĩ minh họa hay dịch giả), đồng thời cùng học sinh xây dựng những dự án sáng tác với mục đích sử dụng trong việc học tập ngay tại lớp. Để hoàn thành dự án, Bộ Giáo dục sẽ trả thù lao cho các trại viên dưới dạng “học bổng của trại sáng tác”. Học bổng này cho phép các tác giả có thể dành toàn bộ tâm huyết sáng tạo cùng với học sinh.
Một trong những trại viên nổi tiếng với rất nhiều dự án thành công là Bernard Friot, người đã làm nên những dự án sách với sự kết hợp của các học sinh thuộc mọi lứa tuổi được đông đảo độc giả trẻ đón nhận. Trước khi trở thành nhà văn, Bernard Friot là giáo viên trung học cơ sở trong nhiều năm và có khá nhiều kinh nghiệm làm việc với học sinh. Sau này, với tư cách là tác giả văn học và trại viên hợp tác với Bộ Giáo dục, Bernard Friot càng có nhiều cơ hội để làm việc và nắm bắt được những yêu cầu văn học của trẻ. Kết quả mang lại của các dự án là rất nhiều serie truyện thiếu nhi “best-seller”, trong đó phải kể đến serie mang tên “Những mẩu chuyện kể nhanh”, “Vẫn là những mẩu chuyện kể nhanh”, “Truyện một phút”. Đó là những serie bao gồm các mẩu truyện ngắn được viết cho “những độc giả bất đắc dĩ” (độc giả không có nhiều thời gian để đọc và những độc giả không thích việc đọc), cố gắng mang đến cho trẻ những xúc cảm, nụ cười hay một điều ngạc nhiên càng nhanh càng tốt. Những serie truyện này đã trở thành cẩm nang cầm tay của trẻ, bất cứ một đứa trẻ Pháp nào cũng đã từng đọc ít nhất một trong những cuốn của các serie đó. Rất nhiều mẩu truyện đã được lựa chọn để dạy trong chương trình các cấp, thậm chí các diễn viên hài kịch, nhà viết kịch sân khấu, nhà làm phim thiếu nhi và cả nhạc sĩ cũng dùng đến các mẩu truyện của ông. Từ thành công của các serie truyện, Bernard Friot đã cho ra đời các dự án “Những bài thơ nhanh” và “Vẫn là những bài thơ nhanh”. Lần này cũng không ngoại lệ, các tác phẩm của ông được đông đảo độc giả trẻ và các nghệ sĩ đón nhận.
Với sự đa dạng về loại hình trại sáng tác, sự quan tâm và đầu tư đúng hướng, chúng ta có thể hiểu được lí do nước Pháp trở thành một cường quốc văn học với nhiều tác giả đoạt giải thưởng văn học lớn trong đó phải kể đến giải Nobel văn học (16 tác giả Nobel tính đến năm 2023, đứng đầu thế giới). Chẳng có nền văn học nào xuất sắc hơn nền văn học nào, nhưng, làm sao để phát huy được nội lực, tài năng, tâm huyết của các tác giả, đó là câu chuyện mà nước Pháp đã làm được. Có thể, đây là một kinh nghiệm hữu ích cho việc tổ chức các trại sáng tác ở Việt Nam.
K.M
VNQD