“Chú voi ngồi im” - bông hoa nở từ rạn nứt cuộc đời

Thứ Năm, 24/08/2023 16:49

. TRỊNH KHÁNH HÀ
 

Chú voi ngồi im được hoàn tất năm 2017. Sau cái chết của tác giả, bộ phim trở thành tác phẩm duy nhất của đạo diễn Hồ Ba. Tác phẩm đã chinh phục giải Kim Mã, giải thưởng điện ảnh danh giá của Đài Loan với ba hạng mục: phim xuất sắc nhất, kịch bản xuất sắc nhất và bộ phim được yêu thích nhất năm 2018. Không những thế, vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, bộ phim lập kì tích với giải FIPRESCI (giải thưởng dành cho bộ phim táo bạo và độc đáo) của Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 89. Sau kì tích này, tác phẩm nhận được cơn mưa lời khen từ giới phê bình quốc tế. Nhà báo Justin Chang của Thời báo Los Angeles đã bình luận: Mặc dù bộ phim có “những mối quan hệ trái ngang, những cái chết bất ngờ, những tai nạn đáng tiếc, những cuộc tấn công có cớ và vô cớ...” nhưng bản thân câu chuyện “bằng cách nào đó không bao giờ mất đi cảm giác cân bằng và tiết chế”. Justine Smith của trang phê bình Roger Ebert đã ngợi ca kết phim của Chú voi ngồi im là “một trong những cái kết tuyệt diệu nhất trong lịch sử phim đương đại”. Richard Brody của tờ New York Times đã nhận định: “Tầm nhìn điện ảnh của Hồ Ba đã truyền tải một nỗi tuyệt vọng của toàn nhân loại.” Trang Metacritic đã đánh giá bộ phim đạt đến tầm “xuất chúng” (universal acclaim) với số điểm 86/100 - một số điểm ngang tầm với tác phẩm Con đường ảo mộng của đạo diễn huyền thoại David Lynch và Sự im lặng của bầy cừu của Jonathan Demme. Vậy điều gì đã khiến bộ phim nhận được những đánh giá và sự ghi nhận ở tầm quốc tế như vậy?

Trong ngôn ngữ Anh, “Swan song” là một thành ngữ đầy ám ảnh, chỉ tiếng hót da diết của loài chim thiên nga trước khi lìa đời. Thành ngữ sau đó trở thành phép ẩn dụ để chỉ tác phẩm cuối cùng của một người nghệ sĩ. Quả thực, đối với nhiều nghệ sĩ, lần biểu diễn cuối cùng hay tác phẩm cuối cùng chính là nơi chất chứa những điều tâm huyết nhất mà họ muốn gửi gắm đến công chúng. Điều đó thật đúng với trường hợp Chú voi ngồi im (An Elephant Sitting Still) của đạo diễn trẻ Hồ Ba (1988 - 2017, người Trung Quốc). Nhưng Chú voi ngồi im không chỉ là một “khúc ca thiên nga” đầy bi ai mà còn là một tác phẩm sống còn, và hơn thế, là tác phẩm mà đạo diễn đã dùng cả mạng sống của mình để bảo vệ phẩm chất nghệ thuật của nó trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với xu hướng thương mại của ekip sản xuất. Chú voi ngồi im, vì vậy, là nơi chất chứa tất cả những tâm sự nặng trĩu về nhân sinh, từ đó, chúng ta nhận ra những triết lí sâu sắc về hành trình đi tìm lẽ sống giữa rạn nứt cuộc đời.

 

1. Chú voi ngồi im lấy bối cảnh tại một thành phố công nghiệp mỏ ở Hà Bắc, nơi đối mặt với suy thoái và ô nhiễm môi trường nặng nề. Đất xi măng nứt nẻ, phế liệu rải rác hai bên đường, lớp tuyết bẩn đọng trên những bức tường xỉn màu... làm nên không gian sống đặc trưng nơi đây. Sắc xám xịt, trắng đục bao trùm cả không gian lẫn cuộc sống con người. Trên cái nền ấy, cuộc sống con người tối tăm, ánh sáng lọt vào cũng chỉ khiến cảnh đời thêm trần trụi. Bên trong những ngôi nhà xập xệ, cũ nát, rò rỉ nước, có những cơn giận sủi bọt âm ỉ rồi sôi trào thành tiếng chửi bới, thét gào; có nỗi thống khổ lắng cặn dưới đáy, âm thầm làm đục ngầu lương tâm. Xen vào giữa những cái lườm gằn, những tiếng thút thít không dám vỡ oà là những âm thanh inh ỏi chói tai của máy khoan, tiếng loảng xoảng của giàn giáo rơi... Tất cả vẽ nên một bức tranh tàn tạ, xơ xác về cuộc đời, một cuộc đời nhiều gỉ sét, cáu cặn như cách một nhân vật trong phim phải thốt lên: “Đời là hoang phế!”

Mạch phim chậm chạp, những biến cố liên tục không châm ngòi cho sự thay đổi mới mà là vòng lặp thường nhật của thói bạo lực, sĩ diện và đạo đức giả. Một nhóm giang hồ dồn ông lão vào góc tường, thầy phó hiệu trưởng thản nhiên thông báo trường sắp đóng cửa để học sinh phải bán hàng vỉa hè... Con người ăn hiếp, chà đạp, thao túng, chỉ muốn ăn tươi nuốt sống lẫn nhau như loài thú ngấu đói ăn thịt lẫn nhau ngay giữa ban ngày ban mặt. Người ngoài cuộc giương mắt nhìn những cuộc hành hung, như ông thầy giáo hả hê nhìn cậu học sinh từ từ ném đá một con mèo đến chết.

Nơi địa ngục trần gian ấy, bốn con người, bốn mảnh đời đang vùng vẫy. Cậu học sinh cá biệt tên Wei Bu vô tình đẩy một tên bắt nạt trong trường xuống cầu thang. Ngay hôm ấy, bà ngoại cậu ra đi. Yu-Cheng, anh trai của tên bắt nạt, cũng là người cầm đầu một băng đảng máu lạnh, có nghĩa vụ phải đi tìm kẻ đã khiến em mình nằm viện. Bạn thân anh tự tử khi phát hiện anh qua đêm cùng vợ mình. Cô học trò Huang Ling mâu thuẫn với người mẹ độc địa, chỉ biết dựa dẫm vào thầy phó hiệu trưởng đã có gia đình. Đoạn video clip từ chiếc điện thoại bạn thân Wei Bu trộm bị phát tán, khiến mối quan hệ giữa hai người vỡ lở. Ông liền ruồng bỏ cô. Cuối cùng, ông già Wang-jin bị con dâu, con rể đẩy vào viện dưỡng lão để có tiền cho con đi học. Ông lão mất đi con chó con, người bạn tâm tình và cũng là sợi dây duy nhất trói buộc ông với gia đình.

Trong một xã hội tha hoá, người ta có hai lựa chọn: một là chết, hai là sinh tồn. Những người muốn chết thì dứt áo ra đi, không một chút gì lưu luyến. Khi thấy Yu-Cheng trong phòng vợ, bạn thân anh chỉ lặng người, ôm mặt một lúc lâu, như nén mọi thứ trong lòng, rồi chạy vụt đến ban công, chôn vùi tất cả những uất hận vào sâu trong lòng đất. Bạn thân Wei Bu, người đã quen với cảm giác bị bắt nạt, thèm khát được người khác quy phục nhưng lại ghê tởm chính mình, ghê tởm cuộc sống này, để rồi khẩu súng cậu lăm le trong tay, vốn định dùng để khống chế người khác, lại xuyên thủng cổ họng mình. Họ không muốn sống trong thế giới này thêm một phút nào nữa. Bốn cái chết nhẹ tựa lông hồng, nếu so sánh với bi kịch để lại cho người sống.

Với những người quyết định sống, vô cảm trở thành một lá bài sinh tồn, ích kỉ là tôn giáo được vạn người sùng bái. Có lẽ vì vậy mà cả bốn người họ, Wei Bu, Huang Ling, Yu Cheng và ông lão Wang-jin, đều tìm đến con voi ở rạp xiếc Mãn Châu Lý, một sinh vật thần thoại, quanh năm ngồi trơ lì như một tảng đá bất chấp mọi phiền nhiễu, chòng ghẹo của nhân gian. Dẫu những bi kịch cá nhân chằng chịt, chồng chéo lên nhau, mỗi con người trong số họ đều tự dấn thân trên hành trình tìm kiếm đơn độc. Cho đến tận phút cuối cùng, chặng đường của họ mới giao hoà tại một điểm kết thúc mơ hồ, buồn man mác.

Bộ phim được thực hiện với những cú quay cận, mỗi nhân vật cùng khổ đều giành vị trí “độc tôn” trong từng cảnh quay, nhưng cũng bị giam hãm trong khung hình bí bách đến ngạt thở. Ngay cả khi bi kịch ập đến, máy quay vẫn bám riết lấy biểu cảm khuôn mặt, hay đuổi theo bóng lưng chạy vội của nhân vật, bỏ lại thảm cảnh trước mắt vỡ nhoè, mờ ảo. Con người bàng quan, buông xuôi, không la hét, chống chọi, tách lìa khỏi thực tại. Tên giang hồ chứng kiến bạn mình nhảy lầu, chỉ biết đứng tê liệt chỗ góc tường, nhắm chặt đôi mắt chờ tử thần đi qua. Bà mẹ ngước lên ban công nơi con mình nhảy xuống, phả một hơi thuốc dài rồi thốt lên: “Toà nhà cao thật!” Đó phải chăng là biểu hiện của một thế giới đang mất dần nhân tính?

Cái chết của nhân tính không phải là một vấn đề xa lạ trong phim ảnh và văn học. Trong Nhân gian thất cách, Dazai Osamu cũng không chỉ phơi bày mà còn trình hiện về cái ác một cách thản nhiên, như cách ông để cho nhân vật Oba Yozo đứng bất động khi chứng kiến vợ mình bị một gã người quen cưỡng hiếp ngay trước mặt. Thay vì xông ra cứu, anh ta coi “...đây chỉ là hành vi bản năng của động vật. Không có gì đáng ngạc nhiên.” Lòng ngây thơ, trong trắng của vợ, điều anh hằng tìm kiếm giữa thế gian phi nhân đã trở thành một miếng mồi ngon của dâm ô và dục vọng. Bi kịch ấy khiến anh “dần mất hết sự tự tin, nghi ngờ toàn thể nhân gian, rũ bỏ những hi vọng vào cuộc đời, cũng như niềm vui và sự thông cảm, tất cả đều tiêu tan hết cả”.

Trên một mảnh đất đã suy sụp nhân tính, lòng trắc ẩn là món hàng đắt đỏ. Trong những cuộc “giao thương”, cán cân giữa “cho đi” và “nhận lại” luôn chênh vênh, trắc trở: Người ta lấy hận thù để đáp trả yêu thương, lấy bội phản để chà đạp niềm tin, lấy thất vọng để vùi dập hi vọng. Nếu thật là như vậy, thà rằng họ cứ là những “Chú voi ngồi im”, điếc lác, u mê trước mọi tội ác, tai hoạ và bất công. Dõi theo Chú voi ngồi im, người xem bị ám ảnh bởi một thế giới u ám, tàn khốc, không lối thoát. Liệu đó là cuộc đời như cách Hồ Ba đã nhìn thấy, hay đó chính là điều vị đạo diễn trẻ đã tin?

 

2. Nhưng lẽ nào cán cân cuộc sống lại chỉ nghiêng về sự phi nhân và máu lạnh? Chú voi ngồi im dẫu u ám vẫn không hoàn toàn chỉ là một màn đen dày đặc. Trong khi phơi bày những tàn khốc của đời, đạo diễn Hồ Ba vẫn điểm xuyết những khoảnh khắc lóe sáng của tình yêu và nhân tính. Đôi lúc, những niềm thôi thúc kì lạ của con tim gần như lấn át thực tại nghiệt ngã.

Trong bộ phim, dù biết tình dục chỉ là niềm khuây khỏa thoáng chốc, gã giang hồ Yu Cheng vẫn thầm để ý đến người tình của mình qua những lời bâng quơ: “Khi em hút thuốc, miếng da rớm máu dính vào tàn thuốc.” Hắn đổ hết nỗi uất ức lên tình nhân (“Vì em ngoại tình với tôi mà cậu ấy chết”, “Vì em từ chối tôi mà cậu ấy chết”) để lòng mình bớt nặng trĩu. Hoá ra tên giang hồ máu lạnh ấy cũng có mặc cảm tội lỗi, cũng khao khát sự kết nối, sẻ chia. Ông lão Wang Jin có con chó con bị thú cưng nhà khác cắn chết, vẫn kiên nhẫn lặn lội đi tìm địa chỉ nhà của người chủ, có lẽ cầu mong phép màu của công lí, hoặc chí ít là một lời xin lỗi. Dẫu biết ông thầy hiệu phó định đóng cửa trường học, đẩy học sinh ra đường để mình nhận việc lương cao, ngồi phòng điều hoà, Huang Ling vẫn tìm đến thầy để nghe ông ta triết lí. Bởi sau khi bị người mẹ vô tâm bỏ bê, cô bé quá lạc lối, chỉ cần ai đó cho cô một phương hướng, một nơi neo đậu bình yên.

Tình yêu liệu có phải là một phép màu sẽ hóa giải tất cả? Nếu đây là một bộ phim thương mại chiều lòng khán giả, tình yêu dễ được viện đến như một thứ gia vị ngọt ngào, là “bùa phép” hoá giải mọi bi kịch, sai lầm. Nhưng Chú voi ngồi im, hay nói chính xác hơn là Hồ Ba không dễ dàng đến thế, cũng bởi vậy mà bộ phim trở nên đời hơn, chân thật hơn. Đối với Hồ Ba, tình yêu trở thành tiếng kêu cứu bất lực không một lời an ủi vọng lại. Khi bị bỏ lại một mình cho tội lỗi giày xéo, gã giang hồ Yu Cheng đã phải gọi điện cho mẹ người bạn thân đã mất để thú nhận: “Con đã ở đó khi cậu ấy nhảy xuống.” Khi ông lão tìm được nhà người chủ, cái ông nhận được chỉ là sự lạnh lùng: “Bằng chứng đâu ra mà ông nói con chó nhà tôi cắn chết con chó nhà ông?” Và không những thế, còn là sự xúc phạm, phỉ báng: “Người ta đâm vào xe tôi, tôi còn không đòi tiền. Con chó chết yểu này đáng giá bao nhiêu chứ.” Khi mối quan hệ giữa Huang Ling và người thầy bị bại lộ, ông ta quát tháo, đổ lỗi: “Em huỷ hoại tôi rồi, giờ tôi không thể chuyển đến ngôi trường nào nữa.” Rồi ông ta thẳng tay vứt cặp cô xuống khi cô định rời đi: “Mang theo cả đồ của em nữa!” Tình yêu không đem lại sự giải thoát, mà chỉ dẫn đến sự hổ thẹn, nỗi tủi nhục, bất hạnh, và dù sớm hay muộn, con người sẽ phải đối diện với thực tế lạnh ngắt. Đó chính là nghịch lí của tình yêu cuộc sống.

Để diễn tả sâu sắc và ám ảnh tính chất đa diện, nghịch lí của khát vọng sống, đạo diễn Hồ Ba đã sáng tạo một biểu tượng nghệ thuật ám ảnh: hình tượng Chú voi ngồi im, như tiêu đề tác phẩm. Chú voi thực ra chưa từng xuất hiện trong bộ phim, mà chỉ được nhắc đến ở đầu phim, vừa như một thực thể xác định lại vừa mơ hồ với biết bao điều huyền hoặc vây quanh: “Trong rạp xiếc ở Mãn Châu Lý có một con voi. Suốt cả ngày nó ngồi ở đó. Có lẽ một vài người liên tục đâm nó bằng nĩa. Hoặc có lẽ nó chỉ thích ngồi đó. Rất nhiều người tề tựu xem con voi. Họ cho nó ăn, nhưng nó không để ý.” Chú voi ngồi im là một sinh vật bí ẩn, gợi cho người xem nhiều sự tò mò. Chú voi có thật hay không? Điều gì ở chú voi ấy thu hút họ đến vậy? Nếu bị người khác hành hạ như vậy thì tại sao nó lại ngồi đó?

Hồ Ba có dụng ý khi mở đầu bộ phim bằng câu chuyện về Chú voi ngồi im qua lời kể bâng quơ của Yu-Cheng. Không ai biết truyền thuyết về con voi bắt nguồn từ đâu, hay từ bao giờ. Chỉ biết con voi đã tồn tại trong tâm thức của những người dân, trong những cuộc hội thoại thường ngày, có lẽ từ khi cái khổ bắt đầu. Phải chăng chú voi được sinh ra để làm một phương thuốc chữa trị mọi khổ đau, hay một phép màu khiến vận mệnh thay đổi? Thế nhưng, mỉa mai thay, khi cả bốn con người khốn khổ càng đi tìm con voi thì đường sống của họ càng hẹp lại: án giết người treo lơ lửng trên đầu Wei Bu, ông lão sắp bị tống vào viện dưỡng lão, Huang Ling cũng chẳng còn nơi nào để đi. Dù họ có tìm thấy con voi hay không, thế gian bất nhân vẫn sẽ dồn đuổi họ đến bước đường cùng.

Vậy cớ sao chỉ vì một con voi ngồi im, một ông già lú lẫn sẵn sàng bắt cóc đứa cháu gái của mình để chạy trốn đến Mãn Châu Lý, cớ sao cô gái dám dùng gậy sắt đánh ngất hai vợ chồng thầy hiệu trưởng để chạy thoát, cớ sao cậu trai nhừ đòn vẫn đòi vé đi tàu từ bọn buôn vé lừa đảo? Có lẽ vào một lúc nào đó, họ đã tin rằng con voi ấy là một tín hiệu của sự đổi thay. Có lẽ họ lặn lội ra đi để lí giải một ẩn số. Hoặc con voi ấy sau cùng cũng chỉ là một thứ thức ăn tinh thần để họ khỏa lấp sự hư vô, trống trải trong lòng, hay một nỗ lực của họ nhằm bám víu lấy chút hi vọng rơi rớt bên lề đời. Hiểu theo cách nào đi nữa, con voi kì quái ấy đã đánh thức một niềm thôi thúc không tên của trái tim, làm trỗi dậy ý chí phản kháng trong bốn con người tê tái, bất động. Họ không mong cầu một con đường thoát nạn, chỉ khao khát một giây phút vụt sáng trước giờ lụi tàn. Vậy nên, Hồ Ba đã trao cho những nhân vật của mình một cái kết không trọn vẹn, nhưng xứng đáng.

Đó là phân cảnh cuối, khi mọi người tụ họp ở vùng đất mới, cùng nhau đá cầu lúc trời nhá nhem, dường như quên mất lí do họ đến đây. Khi tiếng voi hú lên vang dội khắp không gian, tất cả chợt quay đầu lại nhìn. Tiếng voi đó có ý nghĩa gì? Là tiếng thần chết gõ cửa hay tương lai gọi mời, hay chỉ là một tiếng gầm rú vô nghĩa của loài vật hoang dã? Không ai biết câu trả lời, nhưng dường như điều đó chẳng còn quan trọng nữa. Chỉ còn lại một khoảnh khắc rực sáng chốc lát giữa bóng đêm im bặt, khi những con người giữa thế giới phi nhân chợt tìm thấy sự kết nối ngắn ngủi. Chừng ấy con người đã giãy giụa, giành giật đến từng hơi thở cuối, chỉ để kịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngoạn mục nơi tận cùng thế giới.

Chú voi ngồi im, bởi thế, không chỉ là câu chuyện của bốn con người đi tìm một sinh vật thần bí. Đó còn là câu chuyện về một “con voi ngồi im” trơ lì, lạnh lẽo, không hồi đáp những mong mỏi của bốn con người cùng khốn. Con voi ấy là hiện thân cho thế gian vốn vô cảm, bất tuân theo những luật lệ, trật tự, hay bất kì ý nghĩa nào mà con người gán lên nó.

Vũ trụ chẳng cho ta trí tuệ để lí giải hết sự phi lí của nó, cũng không cho ta sức mạnh để hóa giải nó, chỉ cho ta một con tim bất chấp mọi ngang trái để yêu thương và tự tìm ra lối đi của mình. Bộ phim Chú voi ngồi im của Hồ Ba cổ vũ chúng ta hãy cứ sống, hãy cứ trải nghiệm tận cùng tất cả những ngang trái, những phi lí, hãy đi tận cùng những cùng quẫn để thấu hết nhân sinh, và trên hết “hãy theo đuổi con voi vô nghĩa của bạn đi”, miễn đó là điều bạn muốn. Ta cứ sống hết mình, sống thật trọn vẹn với đam mê, đừng kì vọng điều to tát. Ta cứ đấu tranh, nhưng đừng vì chiến thắng. Ta cứ đặt ra những luật lệ để phá vỡ chúng. Hãy yêu để bị phản bội, và bị phản bội để yêu lại từ đầu. Hãy khóc để cười, và cười để khóc. Bởi vì, nếu vũ trụ là một khối phi lí, tại sao ta không dám điên rồ?

T.K.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)