Tờ Le Paria và Tổng biên tập Nguyễn Ái Quốc

Thứ Tư, 30/08/2023 00:38

. QUYÊN GAVOYE
 

Le Paria (Những người cùng khổ)

Cùng với Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước Pháp phải đối diện với nhiều vấn đề cấp bách về nhân sự, cung cấp đủ số lượng quân nhân cho chiến tranh và lượng công nhân lao động tuyến sau để duy trì nền kinh tế cũng như số lượng lính bên ngoài lãnh thổ nhằm duy trì chế độ đế quốc tại các lãnh thổ thuộc địa. Với con số gần 39 triệu dân vào thời điểm đó thì những yêu cầu này là quá xa xỉ, khó có thể được đáp ứng. Lẽ dĩ nhiên họ sẽ sử dụng nguồn nhân lực dồi dào tại các thuộc địa, những người indigènes (bản địa), những kiếp người vốn được coi như tầng lớp hạ đẳng, những nô lệ không đáng một xu đến từ Đông Dương, từ Phi châu, và từ những thuộc địa khác của Pháp. Theo con số ước tính của các sử gia, trong thời gian 1914 - 1918 có khoảng 900 ngàn dân bản địa đã bị đưa sang Pháp, hơn một nửa trong số họ trở thành bia đỡ đạn.

Tranh châm biếm in trên báo Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc vẽ

Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Pháp (tên viết tắt là PCF) bắt đầu hình thành. Ngay từ đầu đã có không ít đảng viên nhìn thấy ở cộng đồng người bản địa cơ hội tạo dựng phong trào đấu tranh chung giữa những người nhập cư và tầng lớp công nhân Pháp để giúp cuộc đấu tranh của họ vươn lên tầm vóc quốc tế gây áp lực trong giới chính trị. Vào tháng 12/1920, tại Đại hội Đảng Xã hội diễn ra ở thành phố Tours, Đảng Cộng sản Pháp chính thức được hình thành và trở thành thành viên của Quốc tế Cộng sản với mục đích ban đầu là “Tố cáo một cách không thương tiếc tất cả những năng lực của các nhà thực dân của đất nước họ tại các thuộc địa. Trợ giúp, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả hành động, tất cả các phong trào giải phóng tại các thuộc địa. Yêu cầu trục xuất về đại lục những tên thực dân. Tạo dựng cho tầng lớp lao động tại Pháp tư tưởng đoàn kết, tương ái cùng với những người dân lao động tại các nước thuộc địa và những đất nước bị đàn áp đồng thời nuôi dưỡng cho họ tư tưởng đấu tranh chống lại tất cả mọi hình thức áp bức nhân dân các thuộc địa.”

Cũng tại Đại hội Tours lần này, một người thanh niên đến từ Đông Dương đã phát biểu. Người đó nói về công cuộc áp bức, bóc lột đang ngày ngày diễn ra ở vùng đất Đông Dương xa xôi - mà rất nhiều trong số những người ngồi đây còn chưa biết chính xác nó nằm ở đâu, về việc đầu độc dân bản địa bằng rượu và thuốc phiện của đế quốc Pháp, về việc Đông Dương là nơi nhà tù nhiều hơn là trường học, nơi tự do ngôn luận không tồn tại... Cuối bài phát biểu, người đó nhấn mạnh: “Đảng phải làm công tác tuyên truyền chủ nghĩa xã hội tại tất cả các thuộc địa.” Người thanh niên với dáng gầy gò và đôi mắt sáng ấy, khi có sự chen ngang gây ồn ào của những đại biểu, đã không ngần ngại cầu khiến: “Im lặng, hỡi các nghị sĩ!” Người thanh niên ấy, sau Đại hội Tours đã được trường chính trị thế giới biết đến dưới bí danh Nguyễn Ái Quốc.

Từ đại hội này, PCF đã thành lập một tổ chức dành cho những người bản địa đang sinh sống tại Pháp với tên gọi “L’Union intercoloniale” (Liên hiệp quốc tế thuộc địa), viết tắt là UIC, cùng với cơ quan ngôn luận của Liên hiệp - tờ báo Le Paria. Tờ báo này mang sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của các dân tộc thuộc địa, điều này được thể hiện ngay dưới tiêu đề của nó: “Tribune des populations des colonies” (Diễn đàn nhân dân các thuộc địa). Với tư tưởng chính trị này, Le Paria chủ trương hướng tới những đồng bào tại các dân tộc thuộc địa bằng lời kêu gọi: “Compatriotes des colonies, Le Paria est votre journal; Lisez-le et faites-le lire” (Đồng hương các thuộc địa, Những người cùng khổ là tờ báo của các bạn; Hãy đọc nó và hãy để người khác đọc). Sau hai năm hoạt động, tiêu đề này được chuyển thành “Tribune du Prolérariat Colonial” (Diễn đàn giai cấp vô sản thuộc địa), theo đó thì đối tượng “độc giả” cũng mở rộng: “Coloniaux! Le Paria est votre journal. Lisez-le et faites-le lire” (Các ngài thực dân, Những người cùng khổ là tờ báo của các ngài. Hãy đọc nó và để người khác cùng đọc). Tuy nhiên do hoàn cảnh ra đời cấp bách cũng như vai trò chưa được đánh giá đúng mức của PCF lúc bấy giờ, Le Paria gần như phải tự túc tài chính khiến cho việc duy trì sự tồn tại của tờ báo là một thách thức lớn đối với Ban biên tập. Tồn tại từ tháng 4/1922 đến tháng 10/1925 và “tái xuất” 1 số trong năm 1926 trước khi biến mất hoàn toàn, Những người cùng khổ đã cho ra đời tổng cộng 38 số báo (trong đó có vài số báo kép). Hiện nay trên tổng số 38 số, Trung tâm Thư viện Quốc gia Pháp (BNF) chỉ còn giữ 22 số. Nếu tính đúng mỗi tháng một số thì còn thiếu nhiều số báo. Điều này được giải thích rất rõ bằng những thông báo ngắn gọn kèm lời xin lỗi độc giả do tình hình tài chính eo hẹp của tờ báo. Bản báo cáo của mật thám De Villier ngày 7/4/1923 có ghi: “Anh ta (Nguyễn Ái Quốc) cũng nói thêm, bằng mọi giá phải để tờ báo sống sót, việc biến mất của tờ báo lúc này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức và đặc biệt là phong trào tuyên truyền đang ở giai đoạn cấp bách hơn lúc nào hết, giai cấp vô sản thế giới đang vùng dậy chống lại giai cấp tư bản bóc lột.”

 

Le Paria và tư tưởng chính trị của tờ báo

Được in trên một trang khổ lớn gấp làm đôi, Le Paria có giá bán ban đầu là 25 centimes (tương đương với giá của một tờ báo ngày) và 3 phờ răng một năm cho báo đặt, giá này tăng lên là 5 phờ răng vào năm 1925. Phần lớn các bài báo được viết bởi Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí thuộc UIC, những gương mặt tiêu biểu của cuộc đấu tranh chống đế quốc: Samuel Stéfany, Jean Raliamongo, Hadjali Abdelkader (với bút danh Ali Baba và Hadj Bicot), Clainville Bloncourt, Nguyễn Thế Truyền, Lamine Senghor… và cả những người không xuất thân từ các nước thuộc địa như Robert Louzon.

Trung thành với đường lối hoạt động được hoạch định trong thời gian đầu, Le Paria tập trung vào việc phơi bày tình hình xã hội tại các nước thuộc địa Pháp và tố cáo những hành động đàn áp của thực dân:

“Dưới tiêu đề Bọn cướp thực dân, người đồng chí của chúng ta Victor Merie đã kể lại sự tàn ác ghê tởm của gã thực dân, kẻ đã đổ nhựa cao su vào bộ phận sinh dục của một phụ nữ da đen bất hạnh. Sau đó hắn còn bắt người đó đội lên đầu một tảng đá khủng, dưới trời nắng nóng, cho đến khi người này gục chết.

Kẻ công chức bạo dâm này vẫn tiếp tục sự nghiệp với cùng chức vụ tại một nơi khác.”

(Nguyễn Ái Quốc, Le Paria, số 4, tháng 7/1922)

Ngoài những bài báo lên án sự tàn bạo của thực dân, Le Paria còn tập trung vào cuộc chiến chống sự đàn áp kinh tế. Lamine Senghor đã viết về những luật lệ hà khắc áp dụng đối với những lao động tại lục địa Phi châu dưới tiêu đề Lao động áp bức dành cho những người bản địa. Những người lao động buộc phải kí những hợp đồng lao động bằng tiếng Pháp trong khi hệ thống giáo dục của thực dân không hề dạy họ tiếng Pháp. Senghor cay đắng viết:

“Những người bản địa có chút ít học hành hay như một số rất hiếm người thực dân tử tế sẽ không được quyền cảnh báo những kẻ bần cùng về việc phải xem xét hợp đồng trước khi kí.”

(Le Paria, số 36 + 37, tháng 9 + 10/1925)

Trong tư cách của một cơ quan ngôn luận, Le Paria đối thoại trực tiếp cùng tầng lớp vô sản. Với tư tưởng này, tờ báo giữ vai trò tiên phong về công tác tuyên truyền tại các thuộc địa tư tưởng đấu tranh chống đế quốc.

“Hỡi những người anh em tại thuộc địa, điều cần thiết bây giờ là các bạn phải ý thức được chẳng có sự chào đón nào dành cho các bạn ngoài sự lựa chọn là thu phục tầng lớp chính trị châu Âu bằng sức mạnh của quần chúng lao động.”

(Max Clainville - Bloncourt, Le Paria, số 6 + 7, tháng 9 + 10/1922)

Le Paria cũng không bỏ qua vai trò nòng cốt của những người bản địa nhập cư tại Pháp. Hàng loạt bài báo tố cáo sự bất công mà chính quyền Paris dành cho họ. Không chỉ có sự đối xử bất công mà còn có cả sự lạm dụng. Dưới tiêu đề PARIS… thành phố ánh sáng!, Ali Baba viết:

“Thực tế thì vẫn có những người Algéria ở Paris. Họ đông tới hàng nghìn, hàng nghìn đang bị bóp chết trong những nhà máy, những người đang bị hủy hoại trong các khu phố Grenelle, trên những đại lộ dẫn về nhà ga, trong thành phố thu nhỏ…

(…) Họ chẳng có khuôn mặt của những con người sống trên mặt đất, xanh xao, những động tác mệt mỏi, cơ thể co quắp của những người công nhân đã quá mệt mỏi bởi lao động. Vậy đấy, họ đã trở thành những con bệnh hủi lậu, những con chó ốm nhách cần phải bị tống cổ bằng những cú đòn roi. Nhưng cũng chẳng có cơ hội trốn đi, giới tư bản cần đến họ. Cần phải vắt kiệt họ bằng những công việc nặng nhọc.”

(Ali Baba, Le Paria, số 22, tháng 1/1924)

Thậm chí theo Georges Chennevière, một trong những cộng tác viên của báo không có xuất xứ thuộc địa, người sinh ra và lớn lên ở Pháp:

“Nước Pháp hẳn đã chẳng rất tự hào khi tham gia vào cuộc chiến năm 1914 vì quyền lợi và giới chủ Pháp hẳn đã chẳng rất hạnh phúc vì đã tìm thấy những người Algéria với mức lương bèo bọt để thay thế những nhân công Pháp, những người từ chối làm việc nếu không được trả đúng mức lương?”

(G. Chennevière, Le Paria, số 20, tháng 11/1923)

 

Nguyễn Ái Quốc - chân dung một nhà báo của Le Paria

Khi nói về Le Paria, bất cứ ai cũng nghĩ ngay đến Nguyễn Ái Quốc với cương vị của một Tổng biên tập, nhưng ít ai biết rằng người Tổng biên tập đầu tiên chính là Samuel Stéfany. Tuy nhiên, Stéfany chỉ giữ cương vị này trong vòng vài tháng (từ tháng 4/1922 đến đầu năm 1923) trước khi tờ báo được bàn giao lại cho Nguyễn Ái Quốc.

Tại sao Nguyễn Ái Quốc trở thành Tổng biên tập cho dù lúc đó đã mang rất nhiều nhiệm vụ? Đây chính là lí do gây hiểu lầm (cũng có thể là cố ý) của rất nhiều người khi cho rằng chính Nguyễn Ái Quốc đã đẩy Stéfany đi để nắm giữ chức Tổng biên tập. Trên thực tế, chức vị đó không phải do Nguyễn Ái Quốc tự đứng vào.

Lần tìm trong tập hồ sơ Nguyễn Tất Thành, bí danh Nguyễn Ái Quốc, bí danh Hồ Chí Minh hiện đang được lưu giữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (ANOM - Archives Nationales d’Outre Mer), bản sao chép báo cáo của cơ quan tình báo và bảo an của Chính phủ toàn quyền Đông Dương ngày 27/3/1923 của mật thám De Villier có đoạn viết:

“Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Ái và Bloncourt đã họp theo lời triệu tập của Bloncourt tại nhà ông này ở đại lộ Port Royal vào tối thứ sáu ngày 23 tháng này.

Hadjali đã gửi thư xin lỗi vì không thể tham gia.

Bloncourt mong muốn cảnh báo các đồng chí của mình nâng cao cảnh giác với Tổng biên tập tờ Những người cùng khổ Stéfany. Theo ông ta, người này đã gian lận quỹ báo thông qua việc ăn chặn tiền của các bài quảng cáo.

Ông ta cũng đề nghị Nguyễn Ái Quốc đảm nhận những chức vụ hiện thời thay cho Stéfany và trong tương lai họ sẽ bỏ quảng cáo, giảm số lượng báo in từ 2000 bản xuống còn 1000 bản rồi từ từ sẽ chuyển báo thành một tờ tin đơn giản, điều này sẽ giúp họ tiết kiệm được chi phí một cách đáng kể.

Trước đó họ đã thương lượng với nhà in về số báo tháng 3, báo sẽ được giao vào cuối tuần này. Trong tương lai, tòa soạn sẽ chỉ trả tiền cho nhà in sau khi đã nhận báo. Về số nợ còn lại, vào khoảng 1300 phờ răng, họ sẽ trả góp theo tháng.

Kí tên: De Villier

Stéfany đã được đại diện tổ chức thông báo về những quyết định trên.”

Tuy nhiên dù với cương vị Tổng biên tập hay chỉ đơn giản là ở trong Ban biên tập thì chỉ cần đọc các số báo cũng thấy, Nguyễn Ái Quốc là một trong những cây bút chủ chốt của tờ Le Paria. Gần như ở số báo nào, Nguyễn Ái Quốc cũng có một bài viết, thậm chí là hơn một bài viết. Trào phúng nhưng vô cùng sâu sắc chính là phong cách báo chí của nhà báo Nguyễn Ái Quốc.

Ví dụ điển hình mà rất nhiều nhà nghiên cứu về Nguyễn Ái Quốc đã kể ra, bài báo Động vật học in trên Le Paria, số 2, tháng 5/1922. Mở đầu bài viết, Nguyễn Ái Quốc mỉa mai:

“Tiêu biểu là ngài Joseph Caillot cựu chủ tịch hội đồng bộ trưởng (...) một buổi sáng nọ, ngài vò đầu (...) gãi tai, đồng thời tự hỏi và hỏi người khác: Châu Âu rồi sẽ đi tới đâu? Nước Pháp rồi sẽ đi tới đâu? Câu hỏi tuy có vẻ rất giản đơn, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải đáp được, trừ phi…

Này ngài chủ tịch, xin ngài cho tôi biết chân của châu Âu và của nước Pháp ở đâu, tôi sẽ nói cho ngài chúng sẽ đi tới đâu!”

Hóa ra bấy lâu châu Âu cũng như đế quốc Pháp thực ra chỉ là loài động vật không chân chưa kịp tiến hóa, một loài tầm gửi sống nhờ vào việc hút máu và bóc lột những dân tộc khác. Hình ảnh này chắc chỉ có Nguyễn Ái Quốc mới nghĩ ra.

Nhưng đâu chỉ có châu Âu và nước Pháp là “động vật”. Một loài khác cũng không kém phần đáng thương, ấy chính là loài động vật bị “thuần dưỡng”:

“Một khi bị thuần dưỡng, thì tự nó sẽ để cho người ta hớt lông như một con cừu, chất đồ nặng lên lưng như một con lừa, và đưa vào lò sát sinh như một con bê. Một điều đáng ngạc nhiên đến cùng cực: nếu người ta bắt đi một con, con to và khỏe nhất của đàn, buộc vào cổ nó một vật lóng lánh, tựa như một đồng xu bằng vàng hay một cây thánh giá, nó sẽ trở nên vô cùng dễ bảo, khi đó người ta có thể bắt nó làm bất cứ điều gì, bắt nó đi bất cứ nơi nào và những con còn lại của đàn sẽ theo nó… một cách ngu ngốc.”

Khỏi phải phân tích thì ai cũng biết “...loài động vật này có tên gọi chung là Bản Địa tại Thuộc Địa. Nhưng tùy theo từng lãnh thổ, người ta đặt lại cho nó những tên gọi khác: người An Nam, người Madagascar, người Algéria, người Ấn Độ…”

Thoạt nghe thì thấy có một sự mỉa mai châm biếm của tác giả khi so sánh người bản địa với loài vật bị thuần dưỡng. Chỉ khi đọc hết bài và suy ngẫm mới thấy được sự sâu cay và càng thấu hiểu cho hoàn cảnh những người “cùng khổ” tại các thuộc địa. Tác giả rõ ràng đã chỉ cho họ thấy tình trạng cuộc sống tồi tàn của họ, cuộc sống của những loài động vật bị thuần dưỡng, để từ đó đánh thức lòng tự trọng của họ và thúc đẩy họ đấu tranh để sống cuộc sống xứng đáng của một con người.

Khi không viết báo trào phúng, Nguyễn Ái Quốc còn tự vẽ tranh biếm họa. Cũng tại trang nhất của Le Paria, số 3, tháng 8/1922, phía cuối trang có một bức minh họa với một quý ngài to béo, đội trên đầu chiếc mũ quen thuộc của giới thực dân, miệng phì phèo mẩu thuốc, nằm ngả ngớn trên chiếc xe tay lôi và được một người An Nam gầy còm, rách rưới kéo đi. Người đàn ông to béo nói: “Mau-lên (từ này viết bằng chữ Quốc ngữ), kẻ vô danh tiểu tốt! Hãy cho ta thấy người là một kẻ trung thành!! Thay mặt Chúa!!!” Chưa hết, trên sáu nan của bánh xe, chúng ta có thể đọc những chữ sau: Văn minh, Đàn áp, Hội đoàn, Đồng hóa, Bảo hộ, Bóc lột. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng đủ để thay một bài báo dài phản ánh tình hình các nước thuộc địa dưới ách thống trị của đế quốc và đủ để cho thấy rõ phong cách báo chí cũng như mục đích viết báo của Nguyễn Ái Quốc.

Với tầm vóc của một tờ báo nhỏ, thiếu kinh phí, Le Paria chỉ có thể in được tối đa (vào thời sung mãn nhất) 3000 bản trong đó phần lớn được gửi về các nước thuộc địa, chỉ khoảng 500 tờ để lại Paris. Tuy nhiên trong tổng số những tờ được gửi về, bao nhiêu tờ đến được tay người đọc vẫn còn là một bí mật chưa có lời giải đáp bởi sự thật là, Le Paria bị liệt vào danh sách những mặt hàng cấm lưu thông tại các thuộc địa nên dĩ nhiên các nhà chức trách thực dân không dễ gì để chúng qua mặt. Dầu vậy tờ Le Paria với sự cộng tác đầy nhiệt huyết của Nguyễn Ái Quốc vẫn tạo dựng được những ảnh hưởng không hề nhỏ. Tờ báo đã mở ra cho trường chính trị quốc tế một con đường mới trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ thực dân tàn bạo bằng việc tuyên truyền thông qua báo chí cách mạng.

Q.G

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)