. NGUYỄN THỊ NĂM HOÀNG
Sự xuất hiện đông đảo và thành công của một loạt nhà văn nữ đã mang đến cho văn học đương đại Việt Nam những biến đổi đáng kể cả về đội ngũ và diện mạo, chất lượng của sáng tác. Chối từ, kết thúc tình trạng phụ nữ “im lặng” trong văn chương, tiếng nói của các nữ văn sĩ ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, đa dạng và phong phú hơn. Sự trưởng thành của văn học nữ đương đại không chỉ dừng lại ở việc tự do diễn tả, bày tỏ thế giới tâm hồn, khát vọng bình đẳng giới hay những nhu cầu cần được thấu hiểu và đáp ứng cả về tinh thần lẫn thể xác của người phụ nữ, mà còn ở việc xác lập một vị thế mới, một tâm thế mới trong tiếp cận, thể hiện, lí giải và đánh giá những vấn đề vốn thuộc về thế mạnh của nam giới. Truyện vừa Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê và tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai có thể coi như những trường hợp cho thấy dấu ấn nữ quyền của tự sự đương đại trong việc mang lại cho người đọc những ấn tượng mới mẻ về chiến tranh, về lịch sử. Ở đó lịch sử được kiến tạo, kết nối bởi những hình tượng khác nhau, những câu chuyện khác nhau, trong đó có câu chuyện và góc nhìn về lịch sử của những người mẹ. Lịch sử của những người mẹ ấy vừa mang đến cái nhìn “ngược sáng” về một giai đoạn nhất định của lịch sử, vừa nới rộng biên độ về yếu tố nữ quyền trong văn học Việt Nam.
Viết về một tiến trình vận động của lịch sử, cả Lê Minh Khuê và Trần Thùy Mai đều không hướng tới việc bao quát những không gian rộng lớn, kì vĩ, nơi kiến tạo nên chân dung những vị anh hùng hay tội đồ của lịch sử; không đi vào phân tích hành trạng, quá trình hình thành, phát triển tính cách của hình tượng người lính hay các đấng quân vương - những nhân vật đứng ở mặt tiền của tiến trình vận động lịch sử, mà, một cách rất phụ nữ, họ đều chọn gia đình làm lăng kính để nhìn sâu vào lịch sử. Đó là gia đình ông Cơ với những mảnh ghép khi thì văng xa, khi thì nối vào nhau trong cơn bão táp của thời đại; và đó là gia đình hoàng tộc, là hoàng cung với những câu chuyện bếp núc, “chuyện đàn bà” nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ đến diện mạo các triều vua Nguyễn. Mỗi tác phẩm được dệt thêu, kết nối bởi nhiều câu chuyện, song đều chứa đựng câu chuyện của những người mẹ. Dù không đứng ở vị trí trung tâm của lịch sử, không kiến tạo nên lịch sử, nhưng những người mẹ cho người đọc có thêm những góc nhìn mới để giải mã lịch sử.
Với độ dài 95 trang và được in chung trong một tuyển tập truyện ngắn, bằng một dung lượng khiêm tốn nhưng Nhiệt đới gió mùa đã chưng cất, cô đặc tiến trình hiện thực trong nửa sau thế kỉ XX với một lịch sử của xung đột, chấn thương, hận thù và hóa giải. Bắt đầu bằng những trang viết về bối cảnh khốc liệt của chiến trường Quảng Trị, và những chuyện kể liên miên về cách thức tra tấn man rợ đối với những tù binh cộng sản của phía bên kia, tác phẩm dần hướng tâm vào câu chuyện của gia đình ông Cơ. Những xung đột, hận thù của Phong và Hiếu gắn với tiến trình của cuộc chiến thực chất là một biến thể của xung đột giữa bà Việt và bà Hân - mẹ Phong và mẹ Hiếu, nhân tình/ “vợ hờ” và chính thất của ông Cơ - con quan tuần phủ năm nào. Hân đến đánh ghen làm Việt bị ngã, một mắt bị chọc thẳng vào đinh. Phong - con Việt - lại sai tay chân khoét sống một mắt của Hiếu rồi thì thầm nhắn nhủ “Thế là huề nhá, anh Hiếu! Tôi xin một mắt của anh đền cho mẹ tôi!” Như vậy là sự khốc liệt của cuộc chiến không được diễn tả bằng chiến trường, bom đạn, bằng tổn thất của các bên mà được khúc xạ và cô đặc bằng câu chuyện hận thù giữa hai người đàn bà. Nhìn lịch sử dân tộc qua lịch sử một gia đình, trong đó trung tâm là nỗi hận thù của người mẹ cùng sự nung nấu và hành động trả thù thay mẹ của người con, là cách để tác giả phản ánh lịch sử ở chiều sâu, ở từng tế vi của nỗi đau, bởi cuộc chiến vừa có nguyên nhân từ hận thù, vừa là bối cảnh, điều kiện để hận thù được bộc lộ và bùng phát.
Nếu Hiếu và Phong luân phiên nhau trả thù, trừng phạt nhau theo diễn biến chiến cuộc, thì vị thế và ứng xử của Việt và Hân trong mối quan hệ “tay ba” cũng thay đổi gắn với những biến động lịch sử của dân tộc. Khi chiến tranh kết thúc, Việt tìm ra Bắc để gặp ông Cơ và Hân thì mối quan hệ tam giác đã được hóa giải và vị thế của hai người đàn bà đã hoàn toàn khác trước. Người vợ lạnh lùng, khắc nghiệt năm xưa nay âu sầu giữa bối cảnh nghèo nàn, xơ xác của một xã hội hậu chiến ngổn ngang nhiều vấn đề; còn người vợ phụ tủi hổ ê chề năm xưa nay là người đàn bà tháo vát, thức thời, có của ăn của để, lặn lội đi tìm đứa con đang bặt vô âm tín mà thực chất đang bị anh mình trừng phạt bằng án tù khắc nghiệt: bị loài người lãng quên. Mỗi người phụ nữ, mỗi người mẹ mang một nỗi khổ riêng, và trong cuộc gặp gỡ ấy, hận thù, chia cắt đã tan biến, họ xích lại gần nhau. Đặc biệt, việc bà Việt đưa ba cây vàng cho bà Hân để phòng khi cấp bách giữa lúc cuộc sống của ông Cơ, bà Hân đang thiếu thốn, khó khăn, và bà Hân cảm kích nhận món “quà quý” đã phản ánh rõ nét câu chuyện của từng người, khúc xạ hành trình họ đã đi qua trong bối cảnh chung về đời sống kinh tế - xã hội hai miền suốt mấy chục năm đằng đẵng. Từ định kiến và hận thù, những người mẹ qua cơn bão táp lịch sử đã hoà hợp, “thân ái”, và nhờ đó, các mâu thuẫn trong tác phẩm được hóa giải theo cách hết sức bao dung, hiền hoà. Hân và Việt - hai bà mẹ - đã mang tinh thần hòa giải, khép lại quá khứ để ứng xử với nhau. Có thể nói, Nhiệt đới gió mùa, ở thời điểm ra đời, đã góp thêm một tiếng nói mới mẻ về chiến tranh, về một giai đoạn dài trong lịch sử hiện đại của dân tộc.
Nếu Nhiệt đới gió mùa là câu chuyện về xung đột, chấn thương, hận thù và hóa giải gắn với chiến tranh khốc liệt, thì Từ Dụ thái hậu là câu chuyện về lịch sử “cung đấu” và những cuộc chuyển giao quyền lực phong kiến. Lịch sử triều Nguyễn qua các đời vua Gia Long - Minh Mạng - Thiệu Trị - Tự Đức được tái hiện từ góc nhìn phi truyền thống: góc nhìn từ hậu cung, với cuộc tranh giành ảnh hưởng tới triều chính, tới các bậc đế vương; sự cọ xát những tính cách; sự phơi bày những thân phận phụ nữ hoàng cung, đặc biệt là chân dung của hai thái hậu Từ Khánh và Từ Dụ. Nhà văn đã dùng thủ pháp “đòn bẩy”: tuy tác phẩm có nhan đề Từ Dụ thái hậu, nhưng để làm nổi bật chân dung và những phẩm chất của Từ Dụ thái hậu thì một số trang rất lớn được dành để tả, để kể về vị thái hậu tiên triều là Từ Khánh thái hậu Trần Thị Đang. Chân dung Từ Khánh thái hậu hiện lên sắc nét, đó là một người phụ nữ giỏi giang, sắc sảo, cơ mưu, nham hiểm, nhiều tính toán và thường xuyên sắp đặt, chi phối việc triều chính từ khi còn là nhị phi của vua Gia Long đến khi là thái hậu của vua Minh Mạng và hoàng thái hậu đầu triều vua Thiệu Trị. Người mẹ, người bà cơ mưu ấy đã thường xuyên đoán định, tính toán và ra tay sắp đặt mọi chuyện cả ở hậu cung lẫn trong triều chính theo ý mình, hàm ơn cho nhiều người và cũng hàm oan cho không ít người, sẵn sàng hãm hại triều thần để đạt được mục đích cá nhân, xoay chuyển nhiều tình thế, kiến tạo nên nhiều câu chuyện khốc liệt chốn hậu cung, nhưng vẫn không bằng lòng với quyền lực mà mình có được và ân hận vì “Để cho con trai ta xưng trẫm với mẹ, đó là sai lầm lớn nhất của ta. Nó đã xưng trẫm thì ta là bề tôi, không khống chế được ông vua. Ta không bao giờ phạm vào sai lầm đó lần nữa. Mãi mãi đương kim hoàng thượng sẽ vẫn là cháu nhỏ của ta.” Đặt bên cạnh người đàn bà cơ mưu, quyền lực ấy, Phạm Thị Hằng - tức Từ Dụ thái hậu - là một bức chân dung hoàn toàn khác: một người con gái hiếu thảo, đoan trang, tháo vát, nhu mì; một người yêu, người vợ chí tình, tận tụy, thủy chung; một người mẹ nhân từ, bao dung, mẫu mực. Nếu Từ Khánh luôn bí mật trù tính và hành động trong bóng tối, thì Từ Dụ đem tất cả những nghi kị, đồn đại ra xử lí công khai trong ánh sáng; nếu Từ Khánh tìm cách hãm hại những ai không tuân thủ để được việc của mình, thì Từ Dụ dùng lòng khoan dung để đối đãi với kẻ chống đối; nếu Từ Khánh xem sự thoả mãn quyền lực của bản thân là hàng đầu, thì Từ Dụ quan niệm triều chính là việc của đấng quân vương; nếu Từ Khánh đến trước lúc qua đời vẫn uất ức vì hoàng đế Thiệu Trị nghe lời Trương Đăng Quế hơn nghe mình, thì Từ Dụ chọn từ biệt Đăng Quế, lui vào hậu cung để ông có thể an tâm sát cánh giúp nhà vua Tự Đức trong việc triều chính. Trên phương diện lịch sử, nếu người vợ, người mẹ, người bà Trần Thị Đang luôn muốn xoay chuyển triều chính theo ý mình và bóp méo sự thật lịch sử để phục vụ cho những âm mưu, toan tính cá nhân, thì người vợ, người mẹ Phạm Thị Hằng tôn trọng sự vận hành của vương triều theo yêu cầu của tình hình đất nước, dùng sự ngay thẳng, minh bạch để bảo vệ sự thật lịch sử, và lòng khoan dung, nhân hậu, đạo đức Nho giáo để xử lí mọi tình huống. Lịch sử trong toan tính của Trần Thị Đang là cuộc tranh giành, tước đoạt quyền lực, thâu tóm, chi phối triều đình, còn lịch sử với Phạm Thị Hằng là nỗ lực hòa hợp, là yêu thương, độ lượng, là hi sinh cá nhân vì lợi ích của triều đình. Nếu trước nhân vật Trần Thị Đang, độc giả đi từ nể trọng đến rùng mình sợ hãi, thì nhân vật Phạm Thị Hằng mang đến cho người đọc sự an tâm, tin tưởng, cảm giác xót thương, trân trọng và kính phục. Thông qua hai bức chân dung về hai người phụ nữ, tiểu thuyết của Trần Thùy Mai cung cấp một góc nhìn hết sức hấp dẫn, lí thú về triều Nguyễn. Chân dung, phẩm chất và những câu chuyện xoay quanh những người phụ nữ hoàng cung, đặc biệt là hai thái hậu Từ Khánh, Từ Dụ trong tác phẩm chính là một trong những chìa khóa quan trọng để giải mã tư chất, tính cách các đấng quân vương và sự vận động của vương triều, của lịch sử đương thời.
Có thể nói, cùng với những người lính từ chiến trường đến cuộc sống hậu chiến và hồi ức về quá khứ tiền chiến; cùng với các bậc quân vương và các chính khách thời phong kiến như là những chủ thể của lịch sử, câu chuyện về những người mẹ trong hai tác phẩm chính là những tiểu tự sự, là cách để các tác phẩm mở rộng đường biên cho sự trình hiện của văn chương viết về lịch sử: lịch sử cuộc chiến nhìn từ câu chuyện của những người mẹ ở hậu phương, lịch sử triều đình nhìn từ câu chuyện của những người mẹ ở hậu cung, hay nói cách khác, đó là những “vi lịch sử” được nhìn qua chiếc “kính hiển vi” gia đình, dòng họ, hoàng tộc - với tất cả tính chất phức tạp, khốc liệt và tế nhị của nó. Đó chính là ưu thế của tự sự nghệ thuật, của văn học khi trao cho người đọc cơ hội được nhìn sâu vào lịch sử bằng những câu chuyện, những tâm tư, khát vọng để thấy một lịch sử gần gũi hơn, phong phú hơn, hấp dẫn hơn.
Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê và Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai là những trường hợp cho thấy cách nhìn, cách thể hiện của các nhà văn nữ về lịch sử. Dẫu không đề cập đến một nhân vật lịch sử cụ thể, một sự kiện được ghi rõ tháng năm nào, nhưng Nhiệt đới gió mùa là kiến giải của Lê Minh Khuê về cuộc chiến tranh trong giai đoạn chia cắt của đất nước và những chấn thương mà nó mang lại, cùng với đó là những suy ngẫm về cuộc cải cách ruộng đất, về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội giai đoạn này…, tất cả được khúc xạ qua câu chuyện gia đình ông Cơ. Với Từ Dụ thái hậu, dù được cộng hưởng với nhiều chi tiết, sự kiện hư cấu, nhưng những nhân vật có thật trong lịch sử triều Nguyễn và một loạt sự kiện, biến cố thăng trầm trong giai đoạn này đã được tái hiện, phân tích trong tinh thần nhận thức ở chiều sâu về lịch sử. Hai tác phẩm chính là tiếng nói của hai nhà văn về một đề tài vốn không phổ biến trong sáng tác của các cây bút nữ. Như đã nói ở trên, sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học nữ đương đại thường gắn với việc thể hiện ý thức về vẻ đẹp thể chất và tâm hồn phụ nữ, bày tỏ những khát khao trong tình yêu, hôn nhân, gia đình của nhân vật nữ, đặc biệt là những khát khao nhục cảm vốn là điều hiếm thấy trong văn chương các giai đoạn trước. Đề tài lịch sử đã thu hút một loạt cây bút, tạo nên nhiều thành tựu trong văn học Việt Nam đương đại, nhưng dường như đó vẫn là mảnh đất tương đối lạ lẫm với các nhà văn nữ. Tiếng nói của nhà văn nữ về các vấn đề, sự kiện, nhân vật, giai đoạn lịch sử vẫn còn khiêm tốn. Trong bối cảnh như vậy, những tác phẩm có quy mô lớn hoặc có chiều sâu của sự nhận thức và tinh thần đối thoại về lịch sử như Nhiệt đới gió mùa và Từ Dụ thái hậu, cùng với một số tác phẩm khác như Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương, Thiên hạ chi vương, Hồ Dương, Vũ tịch của Trường An… chính là nỗ lực “kháng cự lại tình trạng mất tiếng nói” của các nhà văn nữ về lịch sử, đồng thời cũng cho thấy sự nới rộng nội hàm của khái niệm “chủ nghĩa nữ quyền” trong văn xuôi đương đại. Bên cạnh “chủ nghĩa nữ quyền hiện sinh” của văn xuôi nữ miền Nam trước năm 1975, “chủ nghĩa nữ quyền sinh thái” của một số tác giả có sự gắn bó chặt chẽ giữa tinh thần nữ quyền với tinh thần “tưởng nhớ Trái Đất”, tìm về với mẹ thiên nhiên, thì phải chăng trong tự sự đương đại cũng đang dần hình thành một dấu ấn, một cảm quan, một tinh thần của “chủ nghĩa nữ quyền lịch sử” với các tác phẩm tái trình hiện về lịch sử từ góc nhìn của giới nữ, qua/ xoay quanh các nhân vật nữ, tạo nên tiếng nói và góc nhìn lịch sử riêng, bên cạnh những tiếng nói của nam giới.
Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê và Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai là tự sự về những giai đoạn đã qua trong lịch sử dân tộc. Những tiểu tự sự về lịch sử của những người mẹ trong các tác phẩm đã phản ánh điểm nhìn và quan niệm của các nhà văn đối với quá khứ, đồng thời thông qua “ôn cố tri tân” đã khơi gợi trong người đọc suy nghĩ về những giá trị nhân văn, những hằng số vững bền mà mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dân tộc luôn hướng tới trên chặng đường phát triển của lịch sử: sự khoan dung, nhân hậu, tinh thần hòa giải, hòa hợp và phẩm chất cao thượng. Trên một phương diện khác, những câu chuyện đậm chất nữ tính, mẫu tính ấy cũng cho thấy âm hưởng nữ quyền, tính chất dân chủ của tự sự trong bức tranh chung của văn học Việt Nam đương đại.
N.T.N.H
VNQD