Kí ức là hữu hạn nhưng tình người luôn còn mãi

Thứ Bảy, 07/10/2023 00:37

Toán học và văn chương, hai thái cực tưởng chừng đối lập vậy nhưng đã cùng hòa quyện trong cuốn tiểu thuyết Giáo sư và công thức toán của tác giả Yoko Ogawa, nhà văn từng đoạt giải Akutagawa và là “một trong những tiểu thuyết gia đương đại lớn nhất Nhật Bản.” Một câu chuyện chứa đựng hàng loạt con số, công thức toán học khô khan được bao bọc trong những liên tưởng, so sánh đầy thú vị với một giọng văn, tấm lòng, xúc cảm ấm áp tình người.

Về cuộc gặp gỡ và mối dây liên kết kì lạ song bền chặt giữa một giáo sư toán học tuổi ngoài 60 sau vụ tai nạn thảm khốc, trí nhớ chỉ còn lưu trữ được trong 80 phút với một người phụ nữ làm nghề giúp việc sớm trở thành mẹ đơn thân khi 18 tuổi cùng đứa con trai 10 tuổi có cái đầu bẹt như dấu căn bậc hai. Rằng có lẽ, giữa dòng chảy cuộc sống ồn ã “ngoài kia”, trong căn nhà ngang chật hẹp thiếu hơi ấm của giáo sư, những con người cô đơn, đơn độc hay đang chìm dần vào quên lãng đã vô tình tìm thấy nhau mà dần chiếm được một vị trí “tồn tại” trong cuộc sống mỗi người.

GIÁO SƯ

Dưới ngòi bút của tác giả Yoko Ogawa xây dựng, chiếu theo thời gian sự kiện của tác phẩm vào những năm 90 của thế kỉ XX, “giáo sư” là một người đàn ông tuổi 64 mắc hội chứng trí nhớ chỉ được trong 80 phút sau vụ tai nạn thảm khốc xảy đến với ông vào năm 1975, khi ông 47 tuổi. Ngần ấy thời gian, vật đổi sao dời, biến động xã hội, xoay vần thời cuộc, nhưng tất cả đã như ngừng lại với vị giáo sư thiên tài tốt nghiệp Đại học Cambridge, tiến sĩ giảng dạy về lí thuyết số tại trường đại học “với tấm bằng tiến sĩ (một tiến sĩ đích thực)”, ở dấu mốc thời gian đầy tàn khốc kia.

Công việc của ông, kí ức của ông, cuộc sống bình nhật của ông, bỗng chốc thu nhỏ lại trong tờ giấy nhớ “Trí nhớ của mình chỉ duy trì được 80 phút” được đính ngay nơi dễ thấy nhất trên bộ comle ông mặc hàng ngày. Định nghĩa về quá khứ hay tương lai, rộng hơn là cả ý thức thời gian, không gian, xã hội… trong giáo sư đã ngưng trệ lại, trong cái năm 1975 đó.

Nhà văn Yoko Ogawa.

Kí ức của ông đã trở thành “một cuộn băng” ngắn hạn chỉ lưu trữ được 80 phút. Nhưng dẫu cuộn băng ấy chẳng thể ghi đè thêm bất kì sự kiện, con người thậm chí là nỗi đau nào sau 1h20’ qua đi; thì với giáo sư, vẫn có những thứ bất biến chẳng hề liên quan đến bi kịch hay tai nạn. Là những kí ức trước năm 1975, là bộ não vĩ đại của một tiến sĩ toán học yêu các con số hơn hết thảy, là tình yêu thương vô hạn với con người và đặc biệt là những đứa trẻ.

Tất cả tạo nên tính tương phản mãnh liệt trong bóng hình vị giáo sư già kí ức hữu hạn ấy. Rằng sự xuề xòa, lối sống tù đọng trong một căn nhà ngang oi nồng thiếu vắng hơi ấm, ánh sáng, trong vòng lặp vô tận những câu hỏi của ông về ngày sinh, số điện thoại, cỡ giày… khi đối diện với cô giúp việc mới mỗi lần cô đến gõ cửa vào ngày hôm sau hay mỗi khi cô ra khỏi nhà quá 80 phút. Cũng không thể che lấp sự vĩ đại trong kiến thức, ở tình yêu thương ông gửi gắm vào khoảng kí ức ông luôn trân trọng, tình thương ông dành cho đứa trẻ, con trai cô giúp việc mang biệt danh Căn. Đặc biệt là khoảng chân trời rộng mở được giáo sư mở ra đằng sau ý nghĩa của những con số, phép toán. Về thứ mang tên giai thừa, cặp số tình bạn, số nguyên tố, số tam giác, công thức của Euler…

Cái danh “giáo sư” được nhân vật “tôi”, cô giúp việc đặt cho vị tiến sĩ toán học thiên tài “danh xứng với thực” nhưng định danh của ông lại hoàn toàn bị khuất lấp, biến mất trên trang văn. Thậm chí, ngay cả mẩu báo đề cập tới tai nạn xảy đến với ông, cũng bị tác giả tô đen cả danh tính người bị nạn lẫn thời gian, địa điểm tai nạn diễn ra.

Nhưng “giáo sư” vẫn ở đó, với tất cả sự hoang mang của một con người mỗi lần sau 80 phút, cuộc đời “ngoài kia” lại là sự biến đổi mới mẻ, một kẻ cô độc trong căn phòng vắng song hành quyện hòa cùng sự thông thái, lòng bao dung, tình thương lẫn khát khao, giao cảm thương yêu. Mà khi đó, những con số, công thức toán trở thành phương tiện, để một người gần như cô lập với thế giới bên ngoài như giáo sư, giao tiếp với con người, cuộc đời.

TÔI VÀ CĂN

Tôi

Trước hết, cần phải nói rằng, trong câu chuyện hơn 200 trang này của tác giả Yoko Ogawa, điểm nhìn trần thuật được đặt ở ngôi thứ nhất, vào cô giúp việc tới nhà giáo sư sau chín dấu sao phàn nàn ở thẻ quản lí khách hàng do Nghiệp đoàn Akebono phát hành. Cô xưng “tôi”, kể về quãng thời gian cô đến làm việc tại căn nhà ngang bí bách nơi vị tiến sĩ toán học với trí nhớ ngắn hạn trú ngụ. Cái danh “giáo sư” cũng là từ cô dành để gọi ông, người chủ căn nhà cô tới, giúp việc mỗi ngày.

Nhưng với người phụ nữ giúp việc mẫn cán ấy, suốt quãng thời gian làm việc trong ngôi nhà ngang, chăm sóc một con người “có vấn đề về trí nhớ”, dẫn đến toàn bộ trở ngại trong sinh hoạt; thì hẳn, đây đã dần không còn là công việc hay trách nhiệm. Mà hơn cả, là nỗi niềm người phụ nữ khao khát được thấu hiểu, gắn kết, bất kể, định danh của cô với người giáo sư đó, chỉ là “cô giúp việc mới”, có lẽ đều giống với bao người giúp việc khác, đã từng xuất hiện trong không gian thiếu đi hơi ấm kia.

Ảnh minh hoạ.

Bởi tới tận cùng, “tôi” cũng chỉ là một cá thể bình thường đầy cô độc với những bi kịch sâu kín như mang tính truyền đời đã khát khao yêu và trao gửi yêu thương như thế nào. Con người đó, như chính mẹ ruột của cô, trở thành mẹ đơn thân rồi lập tức rời nhà khi tuổi mới thành niên; mạnh mẽ, kiên cường mà sinh tồn, nuôi dưỡng đứa trẻ họ sinh ra khôn lớn. Họ bình dị, lặng lẽ và có lẽ sẽ mãi sống như thế.

Cho đến khi, “tôi” hiểu được, bất kể những con số liên quan đến cô, đều mang mang theo một ý nghĩa kì diệu tới thế nào. Ý nghĩa đó, như sự khẳng định, cô đang sống và cô, cũng có thể trở nên đặc biệt.

“Tôi” là chủ thể tự sự, là người giúp việc, giúp đỡ giáo sư trong cuộc sống nhưng trong khoảng thời gian cô bên vị giáo sư mang vấn đề về trí nhớ đó, cô cũng được người đàn ông cùng thế giới số học người đàn ông ấy vẽ ra trước mắt cô, chữa lành và cứu rỗi. “Cặp số của tình bạn. Một cặp số cực kỳ hi hữu. […] Chúng tôi nhìn mãi xuống cái mảnh giấy chỉ là một tờ gấp quảng cáo. Những con số của giáo sư, và những con số của tôi biến thành một dòng chảy uốn lượn không ngừng, giống như đang kết nối những vì tinh tú lấp lánh để vẽ nên các chòm sao giữa khoảng trời đêm.”

Căn

Trong tiểu thuyết Giáo sư và công thức toán, “căn” là một từ mang nhiều lớp nghĩa. Vừa là một kí hiệu toán học, vừa là định danh giáo sư đặt cho đứa con trai 10 tuổi của “cô giúp việc mới”, cũng vừa là biểu tượng cho chiếc đầu bẹt như dấu “căn” của thằng bé. Và cậu bé được gọi tên “căn” kia, còn như một dấu gạch nối, nối kết hai người lớn trong ngôi nhà ngang nhỏ bé.

Cậu bé Căn, thiếu vắng hơi ấm của cha, thiếu vắng cả những cái ôm hay sự quan tâm thường nhật của mẹ, sớm quen với cuộc sống một mình, tự lập, lần đầu hiểu thế nào là có một người bạn lớn tuổi, được trải nghiệm cảm giác được nũng nịu với người lớn, được người lớn quan tâm, được yêu thương, cả xúc cảm được bảo bọc, tin tưởng gần như vô điều kiện.

Giữa không gian lẩn quất mùi ẩm mốc, dòng thời gian như ngưng đọng; giữa tập sách gần như chỉ toàn những người lớn chất chứa ưu tư; cậu bé Căn là một tồn tại trong trẻo, mang tới làn gió mới đầy nhiệt huyết. Ở độ tuổi của Căn, cậu bé hồn nhiên hơn bất cứ ai, cũng ham chơi và muốn được đòi hỏi. Nhưng đời sống, đã tạo nên một cậu bé Căn như già dặn hơn trước tuổi, tinh tế, thấu hiểu hơn hết thảy.

Với góc nhìn một đứa trẻ, Căn học hỏi đồng thời cũng mở ra những điều người lớn như “tôi”, khó lòng nhận thấy hoặc họ, như cố lãng quên. Về hai tiếng “cô đơn”, về hai chữ “tin tưởng.” “Tại mẹ không tin giáo sư. Mẹ tỏ ra nghi ngờ khi giao con cho giáo sư trông nom. Điều đó là không tha thứ được.”

“Tôi” và “Căn”, cũng chỉ là một đại từ hay một biệt danh thay cho định danh, như danh xưng “giáo sư” họ dùng để gọi vị tiến sĩ toán học mắc vấn đề trí nhớ trong căn nhà ngang vậy. Nhưng chính nơi không gian hẹp, những con người thiếu vắng “tên gọi”, đã gặp gỡ mà phần nào, khỏa lấp sự đơn côi ẩn sâu trong tâm thức mỗi người. Bất kể là một ông lão tuổi 64, một người mẹ đơn thân chưa đầy 30 tuổi hay một đứa trẻ mới 10 tuổi đi chăng nữa. Họ học hỏi lẫn nhau, cùng nhau “chữa lành” thương tổn, và cùng nhau, trưởng thành.

CÔNG THỨC TOÁN

Là một vế trong tựa đề tác phẩm Giáo sư và công thức toán, “công thức toán”, ở sáng tác này của tác giả Yoko Ogawa thật sự là một biểu tượng vừa mang tính hữu hình, vừa mang tính trừu tượng.

Hữu hình, bởi đó thực sự là các công thức toán mang đầy sự chính xác, lí tính và cũng vì quá lí tính mà ngỡ rằng, chúng rất mực khô khan. Song, dưới ngòi bút của Yoko Ogawa, những công thức đấy lại chứa đựng muôn vàn giá trị, thế giới trừu tượng. “Bằng văn phong giản dị thấm đẫm chất thơ”, trường liên tưởng phong phú về ý nghĩa mỗi công thức toán mở ra, công thức toán bỗng trở thành sợi dây nối kết con người với con người, những ai vẫn mãi ngày ngày, đằm mình trong cuộc sống mưu sinh.

Những người vốn là người thân sống chung dưới một mái nhà mà vì guồng quay đời sống, họ chẳng có đủ thời gian, ở bên nhau thật nhiều. Những người những tưởng xa lạ, mà rồi lại gặp gỡ nơi giao điểm cô độc và yêu thương gửi trao.

Công thức toán, rõ ràng, cụ thể như đối lập với tính bất định trong mỗi định danh của các nhân vật trên trang sách: “giáo sư”, “bà quả phụ”, “tôi”, “Căn”… Nhưng nối kết thứ cụ thể, hữu hình với những điều trừu tượng, có lẽ chăng, như cách, tác giả Yoko Ogawa hướng con người tới một tương lai mới, vĩnh hằng như thế giới toán học chăng?

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)