Những tầng bi kịch trong “Đứa trẻ cát”

Chủ Nhật, 17/09/2023 14:38

Bằng bi kịch của một cá nhân với những biến động lên đến không tưởng, nhà văn người Pháp gốc Ma Rốc Tahar Ben Jelloun đã tạo nên một tác phẩm vô tiền khoáng hậu về câu hỏi “có được là người?”.

Nhà văn Pháp gốc Ma Rốc - Tahar Ben Jelloun.

Lấy bối cảnh những năm 1950, Đứa trẻ cát xoay quanh gia đình của người thợ gốm Hajji Ahmed Suleyman và những lo âu mà ông phải chịu. Là trưởng tộc nhà Suleyman, thế nhưng sau 7 đứa con thì ông vẫn chưa có được con trai nối dỗi. Trong văn hóa Hồi giáo, nếu như một vị huynh trưởng không có thế hệ kế thừa, thì toàn bộ gia sản sẽ thuộc về anh em của họ, trong khi người vợ và các con gái chỉ còn lại 1/3 của cải. Không dừng ở đó, điều này còn khiến những người đàn ông ô danh suốt đời.

Quyết định không chịu khuất phục trước số mệnh mình, Hajji đã đưa ra một quyết định vô cùng táo bạo: đứa con thứ 8 sẽ là con trai, dù cho sinh ra nó là con gái. Cũng chính ở đây bi kịch bắt đầu, từ đó cả một sử thi về cuộc phiêu lưu tìm lại bản năng cũng được khởi phát, mang đến rất nhiều bi kịch và sự tuyệt vọng.

Bản năng che giấu

Xét về chủ đề, dễ thấy Đứa trẻ cát có phần nào đó tương đồng với cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer 2003 là Lưỡng giới của Jeffery Euginedes. Thế nhưng nếu như tác phẩm của nhà văn gốc Hy Lạp thông qua bi kịch về sự thiếu hụt của một enzyme mang tính sinh học khiến cho một người phụ nữ ẩn trong bộ dạng của người đàn ông, thì qua tác phẩm của mình, chính sự áp đặt về mặt tư duy của Hajji mà Tahar Ben Jelloun muốn mang đến một câu chuyện lớn hơn, về truyền thống cố hữu và vai trò yếm thế của phụ nữ.

Ở tác phẩm này, những người phụ nữ vẫn luôn hiện lên như người không có tiếng nói. Họ là cá thể vốn bị gò bó trong một cuộc đời gần như thui thủi, nơi chỉ có bếp núc, dọn nhà, chờ đợi và mỗi lần một tuần thư giãn trong nhà tắm hơi. Hàng ngày họ cuộn mình trong thế giới im lặng, chờ đợi quyền uy và những sai bảo từ vị chủ gia đình. Vì vậy việc tạo ra một nhân vật trái với tự nhiên chính là tiếng nói mang tính phản kháng đến từ tác giả, cho thấy hiện thực cũng như nguyện vọng để thoát li khỏi gông cùm thời đại.

Và liệu việc được nuôi dưỡng như người đàn ông có đủ đặc quyền đặc lợi liệu có thể nào xóa mờ đi được những sự thương tổn từ việc đánh mất bản năng? Qua việc phân tích tâm lí nhân vật vô cùng tinh vi, Tahar Ben Jelloun đã mang đến một quá trình nhận ra sự thật, trong đó những cuộc đấu tranh và sự phân mảnh đã được họa lại khác biệt, độc đáo mà cũng rợn người trước những nỗi đau.

Bìa tiểu thuyết Đứa trẻ cát.

Đi từ một cậu con trai kháu khỉnh cùng sự bảo bọc, Ahmed lớn lên mà không nhận thức được những đớn đau mình sớm phải chịu. Nhưng tiếng chuông mang tính cảnh báo sẽ sớm đến thôi, vào ngày mà cậu chảy máu đầu tiên. Kinh nguyệt vốn luôn vẫn bị khước từ trong văn hóa Hồi giáo, khi chủng tộc này coi đó là sự dơ bẩn và tránh rất xa. Thế nhưng cũng chính điều này, Jelloun đã liên tưởng được cả hai vai trò: việc cắt bao qui đầu của bé trai, và lần chảy máu đầu tiên của phụ nữ. Ở hai quá trình đạt đến trưởng thành đều đang đòi hỏi một cuộc chạy đua và sự đau đớn, thế nhưng qua vượt qua được điểm chạm ấy sẽ là hạnh phúc hay là khổ đau thì vẫn còn chờ chính ta khám phá.

Từ dấu mốc ấy, Ahmed bắt đầu nhận thấy được bản thân mình. Giữa cậu là một câu hỏi luôn luôn rất lớn – sống cho mình hay sống cho người, sống với bản chất hay chọn đặc quyền? Cả hai khía cạnh đều khó lựa chọn, khiến cậu như bị giam cầm trong một lồng nhốt không thấy đường ra. Và sự tuyệt vọng cũng đã nhanh chóng bước đến thế chỗ. Quay quắt trong không gian ấy, cậu sớm phát triển thành con quái vật kiểu Minotaur với những đớn đau mang tính chất chồng. Đó là những sự biến đổi về mặt thể chất, nơi cậu sở hữu “khướu giác của một người mù, thính giác của một người chết còn ấm, thị giác của một nhà tiên tri.”

Cơ thể của cậu cũng dần đứt đoạn, mang theo dáng vẻ của kẻ tật nguyền và trú ẩn trong cô lập tuyệt đối. Tại đây cậu cũng bắt đầu tàn sát chính mình, khi cưới Fatima – một cô em họ vốn bị khiếm khuyết và mắc bệnh lao – để coi bản thân như đang mang ơn, và lấy cái khốn khổ chỉ để an ủi cho bản thân mình. Nhưng chính việc ấy cũng đã không thành, khiến cái cung điện thống khổ của cậu ngày càng thêm khó chịu hơn. Cho đến một ngày, cậu đã quyết định ra đi và tìm cho mình một cuộc sống khác, khi ngực thôi đâm vào tim làm cho khó thở, khi những vệt máu mà cậu xả ra không còn trở thành chỉ tay số mệnh cha cậu nắm giữ.

Từ lúc này trở đi, hành trình nhận thức của cậu bắt đầu. Cũng như trong cuốn Lưỡng giới, cả hai nhân vật đều trải qua những đoạn đường tích lũy nỗi đau, nơi họ đến rạp xiếc như thấy gần hơn những người cùng chung tính chất biến dị. Nhưng rồi cuộc đời sẽ đưa chính bản thân họ đến đâu và rồi về đâu? Kết thúc tác phẩm, Tahar Ben Jalloun cho ta manh mối về số kiếp người qua nhiều giọng kể đã từng tồn tại và rồi chứng kiến nhân vật ấy trưởng thành, nhưng cuối cùng cũng không có một lời nào chính xác hoàn toàn. Nhiều năm sau đó ông sẽ viết tiếp số phận của Ahmed, và đoạt giải thưởng Goncourt danh giá cho cuốn Đêm thiêng.

Nghệ thuật viết ấn tượng

Bên cạnh cốt truyện gây nhiều choáng váng, thì phong cách viết của Tahar Ben Jalloun cũng là khía cạnh vô cùng quan trọng giúp nâng tầm tác phẩm. Đồng thời là một nhà thơ cũng như một tiểu thuyết gia, nên các liên tưởng cũng như so sánh của ông được viết bằng các từ ngữ cũng như hình tượng có nhiều sức gợi. Chẳng hạn viết về những nỗi dằn vặt của nhân vật chính, ông đã tỏa bày: “Cơ thể tạo thành từ những sợi cơ tích lũy nỗi đau và sự đe dọa của cái chết”.

Trạng thái cô độc và đầy chông chênh cũng được đặc tả như “Không có chỗ cả trong sự sống lẫn cái chết, không hoàn toàn là đàn ông cũng chẳng hoàn toàn là phụ nữ, không còn sức lực và nghị lực chống đỡ cho hình ảnh của chính mình”. Ở đó Ahmed dần dần trở thành một Frankenstein quái thú trong những ẩn ức của mình với nỗi cô đơn u uất và nặng nề. Anh từng hạnh phúc với sự tràn đầy khi không còn những khiếm khuyết của phụ nữ, nhưng sớm nhận ra chính danh tính ấy như một mặt nạ giờ đã kín khí, không có thể thở và mắt đui mù.

Ở đây Tahar Ben Jelloun đã gợi đến sự phân đôi và rồi mù lòa của J.L.Borges trong một đoạn ngắn. Ông viết: “Bà ta nuôi dưỡng bí ẩn. Bà ta có lẽ là người duy nhất không nói với tôi về những mê cung, những tấm gương và những con hổ”. Ahmed là hai giới tính, là hai con người và hai số phận. Anh cũng đồng thời là hai mặt của một đồng xu được gieo mà cuộc đời đã đưa anh vào trạng thái bất khả vãn hồi, với cơ thể bị đè nghiến dưới sức nặng khủng khiếp và những hình phạt không thể vượt qua. Đó cũng chính là những sự ám ảnh của nhà văn người Argentina về quan hệ tính giao và sự nhân bội con người trong mỗi tấm gương. Cuối đời ông phải sống trong bóng tối bởi căn bệnh di truyền, và có lẽ Tahar Ben Jelloun đã nhìn thấy được một sự tương đồng nào đó.

Tác giả cũng đã chạm khắc vào nền văn hóa những chất liệu dân gian thú vị, về hành trình kể chuyện qua 7 cánh cổng như những điển tích ở trong Kinh Thánh, cũng như truyền thống kể chuyện dân gian tương tự Nghìn lẻ một đêm và nàng Scheherazade. Sâu xa trong cách dùng hình thức này cũng đang ẩn chứa một sự phản kháng riêng về chính trị, khi Ahmed cũng là hình tượng ẩn dụ cho một Marốc dưới sự cai trị của Pháp. Việc dùng rất nhiều khía cạnh mang tính văn hóa riêng biệt cũng như cách thức làm nổi bật thêm sức mạnh và quyền tự quyết. Thế nhưng điều đó không dễ, khi đứng giữa những ngã ba truyền thống – hiện đại, độc lập và bị phụ thuộc.

Qua Đứa trẻ cát, Tahar Ben Jelloun đã dựng nên nhiều bi kịch và các câu chuyện ở nhiều chiều kích ý nghĩa. Đó có thể là một cá nhân chịu sự đè nén của truyền thống lạc hậu, nhưng cũng đồng thời là một quốc gia cất tiếng kêu gào. Bằng ngôn ngữ nên thơ, truyền thống kể chuyện kế thừa từ nghìn xưa, đây là tác phẩm quan trọng, ấn tượng và đầy thách thức, đặt ra câu hỏi về bản chất, động lực và ý nghĩa của cuộc sống khi không được là mình.

ĐOÀN ANH TUẤN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)