. NGUYỄN HỮU SƠN
Cách mạng mùa thu tháng Tám 1945 đã mở ra vận hội mới cho đất nước và nền văn hóa, văn học dân tộc. Thực tế di sản văn thơ Cách mạng mùa thu 1945 có nền tảng nguồn cội từ nhiều năm trước đó và nối dài suốt chín năm kháng chiến chống Pháp cho đến ngày nay, được tái hiện trong nhiều bộ hồi kí, truyện kí và sáng tác về đề tài lịch sử…
Trước hết, cần đặc biệt chú ý tới tầm quan trọng của sự ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam và tổ chức Hội Văn hóa Cứu quốc (1943) đã tác động, lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Trên căn bản tinh thần yêu nước, các nhóm văn sĩ, trí thức đã tự phát hình thành các tổ chức báo chí, xuất bản (Hàn Thuyên, Duy tân Thư xã, Thanh nghị, Tri tân, Nam Kỳ tuần báo…) Nói riêng trên tạp chí Tri tân (1941 - 1945), qua chưa đầy 5 năm tồn tại, đã quy tụ gần 300 tác giả với khoảng 1500 mục bài in với những tên tuổi xuất sắc trên văn đàn như Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Hoa Bằng - Song Cối Hoàng Thúc Trâm, Nhật Nham Trịnh Như Tấu, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Đông Hồ, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Mạnh Phan, Chu Thiên, Vệ Thạch Đào Duy Anh, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Khuông Việt Lý Vĩnh Khuông, Biệt Lam Trần Huy Bá, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Thiếu Sơn... Kể từ đầu năm Ất Dậu (1945), càng gần Cách mạng tháng Tám càng xuất hiện thêm nhiều công trình nghiên cứu, sáng tác văn thơ khơi gợi tinh thần yêu nước, hướng tới giải phóng dân tộc như Nguyễn Văn Tố với Những truyện vẻ vang trong lịch sử Đại Việt, Tinh thần thượng võ; Nguyễn Tường Phượng với Người yêu nước chân chính nên thế nào?; Phạm Mạnh Phan với Một đêm lịch sử, mồng 9 tháng 3 năm 1945… Đặc biệt vào giữa những ngày Cách mạng tháng Tám sôi động đã vang lên tiếng nói chính luận yêu nước của Phạm Mạnh Phan với Trước giờ cứu quốc - Toàn thể nhân dân Việt Nam hãy chiến đấu để củng cố nền Độc lập, Nếu có nạn xâm lăng, chúng ta hãy đồng lòng dâng tính mệnh và tài sản cho Tổ quốc, Trước bàn thờ Tổ quốc trong ngày Độc lập; Vũ Bội Liêu với Dân tộc Việt Nam rất đủ tư cách để tự trị; Nguyễn Tường Phượng với Nửa giờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đoàn đại biểu Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ với Cuộc hội đàm giữa cụ Hồ Chủ tịch với ba đại biểu Liên đoàn Văn hóa và Thịnh Quang với bài thơ Ngày Độc lập… Có thể nói các tác phẩm chính luận trên đây mang tính truyền thông báo chí cao, góp phần khơi nguồn cảm xúc cho một thế hệ nhà văn, một giai đoạn văn học mới.
Gắn kết và trực diện làm nên thành tựu dòng văn học chủ lưu trong Cách mạng mùa thu 1945 là các sáng tác thơ ca của Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi… Ngay từ ngày 26/8/1945, nhà thơ chiến sĩ cách mạng Tố Hữu sớm có bài thơ Hồ Chí Minh ngợi ca lãnh tụ gắn với tình đồng bào, đất nước, dân tộc: Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng/ Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc/ Trăm thế kỉ trong tên Người: Ái Quốc/ Bạn muôn đời của thế giới đau thương!/ Chúng tôi đây/ Lớp con cháu trên đường/ Gươm tuốt vỏ, súng cầm tay, xốc tới/ Ngọn cờ đỏ sao vàng bay phấp phới/ Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca…; tiếp đến bài Huế tháng Tám là tiếng reo ca mừng ngày đất nước giành quyền độc lập, tự do: Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!/ Nước mắt ta trào, búp mí, tràn môi/ Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!... Nguyễn Đình Thi, thành viên Hội Văn hóa Cứu quốc, hân hoan ngày vận nước đổi thay: Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước)… Khác biệt hơn, thi sĩ lãng mạn Xuân Diệu đã mau chóng nhập cuộc và hoàn thành sớm hai bài thơ trường thiên/ sử thi/ trường ca/ tráng ca. Thi phẩm Ngọn quốc kì gồm 6 phần viết xong tại thành Hoàng Diệu (Hà Nội, ngày 30/11/1945) cho thấy phong cách Thơ mới đang chuyển dần sang lối diễn đạt mới, kết hợp lớp từ ngữ đời thường, thể hiện niềm hân hoan xoay quanh biểu tượng quốc kì: Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo/ Gió nước Việt biết bao là thỏa chí/ Vì đã được một lá cờ hùng vĩ/ Đẹp mà vui, giòn giã lại vinh quang/ Để sáng xuân đem đỏ lẫn cùng vàng/ Để trưa hạ gió pha thành ánh lửa/ Để thu tới dội sắc đào chan chứa/ Thổi cờ bay, thấy ấm cả lòng không/ Để dù cho sương lạnh những chiều đông/ Gió nghe máu chuyển một dòng chẳng tắt/ Để gió phất phơ, hay là hiu hắt/ Để sương u ẩm, hay nắng tưng bừng/ Để mưa êm hay sấm dữ đùng đùng/ Sao vẫn sáng, máu xây nền vẫn đỏ!...; ngay đầu năm sau kịp thời có Hội nghị non sông với trên 300 câu thơ nhân kì tổng tuyển cử (tháng 2/1946) với ý thức chính trị cao và niềm tin tất thắng: Tuyển cử hân hoan! Tuyển cử linh thiêng!/ Khí sông núi bừng bừng lên Bắc Đẩu/ Qua buổi sương vây, xong ngày gió xấu/ Thùng phiếu cười mang mẻ cả lòng dân…
Cách mạng mùa thu tháng Tám 1945 đã khơi rộng nguồn thơ, định hình chủ đề mới, kiểu tác giả mới, lối văn mới. Trên các báo Cứu quốc, Sự thật, Quyết thắng, Vì nước, Tiên phong, Cờ giải phóng, Tiếng gọi phụ nữ… có nhắc đến đóng góp của nhiều văn nghệ sĩ như Huy Cận, Thao Thao, Trần Huyền Trân, Đoàn Phú Tứ, Nam Hương, Quỳnh Dao, Ngân Giang, Hằng Phương, Vân Đài… Đó là việc Kịch đoàn Duy tân diễn vở kịch lịch sử Sĩ khí của Thao Thao trong suốt hai tháng 9 và 10/1945(1); Ban Tuyên truyền Bắc Bộ chú trọng cả xây và chống, vừa ra thông cáo kêu gọi: “Mời các nhà soạn kịch và các nhà nghệ thuật của sân khấu đến liên lạc tại Ban Tuyên truyền Bắc Bộ để góp ý kiến vào việc sân khấu làm phương diện giáo hóa”(2), đồng thời định hướng phê phán, bãi bỏ các loại kịch hát và ca nhạc “có tính cách thoái hóa”, “lãng mạn”, “quá trớn”, “chia rẽ lực lượng dân tộc”, “trái với chính thể dân chủ cộng hòa”(3)… Lại như nhà thơ Trần Huyền Trân tham gia “Hai buổi dạ hội” tại Nhà hát Lớn (ngày 3-4/11/1945) với chương trình cụ thể: “1) Trống chiêng khai mạc; 2) Bởi là chính trị; 3) Cách mạng thành công; 4) Đầu quân vào Nam; 5) Lối sống; 6) Lửa thiêng bế mạc (Trần Huyền Trân trình bày sân khấu)”(4)… Khác biệt hơn, thi sĩ Quỳnh Dao tổ chức triển lãm tranh: “Trung tâm Tinh hoa - Mở cửa từ 4-11-1945 đến 10-11-1945 do thi sĩ Quỳnh Dao trưng bày tại 55, phố Hàng Trống”(5)…
Trên một tầm mức cao, nữ sĩ Hằng Phương với niềm kính yêu đã gửi tặng thơ và cam tới Hồ Chủ tịch và câu chuyện nhận quà, họa thơ thi vị này đã được kể lại đầy đủ trên báo:
“Bà Hằng Phương gửi biếu tôi một gói cam, kèm theo một bài thơ. Vì bà không [cho] biết chỗ ở, tôi không biết gửi thơ cảm ơn đến đâu. Nên tôi nhờ báo Tiếng gọi phụ nữ đăng mấy lời cảm tạ của tôi như sau:
Thơ bà Hằng Phương kính gửi Hồ Chủ tịch:
Cam ngon Thanh Hóa vốn giòng
Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu
Đắng cay cụ nếm đã nhiều
Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây
Cùng quốc dân hưởng những ngày
Tự do, Hạnh phúc tràn đầy trời Nam
Anh hùng mở mặt giang sơn
Lưu danh thiên cổ, vẻ vang giống nòi
Tháng Giêng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm thứ hai (2-1-1946). Hằng Phương kính bút.
Trả lời:
Cảm ơn bà biếu gói cam
Nhận, thì không đặng. Từ, làm sao đây!
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng “khổ tận, đến ngày cam lai”(6)
Giữa những ngày muôn vàn gian khó, chống thù trong giặc ngoài, diệt giặc đói, giặc dốt, Hồ Chủ tịch vẫn có thơ chúc Tết gửi chị em phụ nữ Việt Nam kêu gọi tạo dựng cuộc sống mới, phẩm chất con người mới:
Năm mới Bính Tuất
Phụ nữ, đồng bào
Phải gắng làm sao
Gây “Đời sống mới”
Việc thành là bởi
Chúng ta siêng mần
Vậy, nên chữ Cần
Ta thực hành trước
Lại phải Kiệm ước
Bỏ thói xa hoa
Tiền của dư ra
Đem làm việc nghĩa
Thấy của bất nghĩa
Ta chớ tham thèm
Thế tức là Liêm
Đã Liêm thì khiết
Giữ mình làm việc
Quảng đại công bình
Vì nước quên mình
Thế tức là Chính
Cần, Kiệm, Liệm, Chính
Giữ được vẹn mười
Tức là những người
Sống “Đời sống mới”(7)
Hồ Chí Minh còn có thư và thơ gửi tới các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống ngoại xâm trên báo Cứu quốc và cùng trang, cùng số báo Tết Tiếng gọi phụ nữ nêu trên:
“Hỡi các chiến sĩ yêu quý!
Trong khi đồng bào đốt hương trầm để thờ phụng tiền nhân, thì các bạn đốt thuốc súng để giữ gìn Tổ quốc. Trong khi đồng bào đốt pháo mừng xuân, thì các bạn nổ súng chống địch. Các bạn hăng hái chống địch, để cho đồng bào được an toàn mừng xuân. Vậy nên đồng bào quyết không bao giờ quên công lao các bạn.
Trong ba ngày Tết, đồng bào ai cũng đoàn tụ sum vầy chung quanh những bình hoa, mâm bánh. Còn các bạn thì chịu ăn gió nằm mưa lạnh lùng ở chốn sa trường. Song hình dung các bạn thì ấm áp trong lòng thân ái của mỗi một quốc dân.
Tôi thay mặt Chính phủ và toàn quốc đồng bào chúc các bạn năm mới mạnh khỏe và thắng lợi.
Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy!”(8)
Điều đặc biệt là thư được viết theo kiểu tư duy thể tài “biến văn” (vốn phổ biến trong văn học thuyết giảng Phật giáo thời Lý - Trần, tiêu biểu với tác phẩm Thiền uyển tập anh), nghĩa là có đoạn văn xuôi để bày tỏ tình cảm, chúc tụng, giảng giải nội dung và phần thơ có ý nghĩa chưng cất, đúc kết bằng lời thơ lục bát tinh tế, bình dị, dễ nhớ, dễ thuộc.
Lại nói thêm, đồng thời trên báo Cứu quốc cùng số Tết trên còn có Bài chúc Tết của Hồ Chủ tịch ngày Nguyên đán gửi chung “đồng bào cả nước”, bên cạnh lời văn xuôi cũng có tích hợp bài thơ ngũ ngôn ngắn gọn:
Trong năm Bính Tuất mới
Muôn việc đều tấn tới
Kiến quốc chóng thành công
Kháng chiến mau thắng lợi(9)
Cũng ngay vào dịp Tết này, Hồ Chí Minh còn có thơ Mừng báo Quốc gia (cơ quan ngôn luận của một nhóm nhân sĩ yêu nước tại Hà Nội):
Tết này mới thật Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Muôn nhà chào đón xuân dân chủ
Cả nước vui chung phúc cộng hòa
Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc
Những người chiến sĩ ở phương xa
Hà Nội - Tết Độc lập Bính Tuất, 1946(10)
Nhìn rộng ra, các nhiệm vụ cách mạng mang tính thời sự lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân và xuất hiện các loại tranh cổ động, hò vè, ca dao, chẳng hạn ca dao hưởng ứng Tuần lễ Vàng:
- Đeo hoa chỉ tổ nặng tai/ Đeo kiềng nặng cổ, hỡi ai có VÀNG/ Làm dân một nước vẻ vang/ Đem VÀNG cứu nước, giầu sang nào tầy?(11)...
- Này bà! VÀNG giữ làm chi?/ VÀNG và ĐỘC LẬP, thứ gì quý hơn?/ Chẳng đeo VÀNG, chẳng thoa son/ NƯỚC còn là đẹp, VÀNG son đấy rồi...
- NƯỚC nhà ĐỘC LẬP là vui/ Không cần VÀNG bạc, cần đời TỰ DO/ “TỰ DO” đắt mấy cũng mua/ Máu xương đổi lấy cũng chưa đắt gì... Này cô! VÀNG giữ làm chi?(12)
- Em còn bốn lạng hồi môn/ Với hai chiếc nhẫn đính hôn chạm rồng/ Đôi ta thuận vợ thuận chồng/ Đem dâng Tổ quốc một lòng như nhau/ VÀNG giúp nước mất đi đâu?/ TỰ DO, ĐỘC LẬP về sau hưởng nhiều(13)...
Bên cạnh sự nở rộ dòng văn chính luận, nghị luận kiểu như kiệt tác Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh và các loại văn hiệu triệu, lời kêu gọi, truyên truyền, thư thăm…, giữa những ngày Cách mạng mùa thu 1945 còn xuất hiện thêm dòng văn phác thảo chân dung(14), gương chiến sĩ với sự kiện quan trọng, cụ thể, chi tiết: “Tin điện từ Mỹ Tho đánh ra ngày 17-10 cho hay rằng: Một chiến sĩ Việt Nam đã tẩm dầu vào mình, tự làm mồi lửa hi sinh thân mình, chạy vào kho dầu Xi-mông Pi-ê-tờ-ri (Simon Piétri) của địch. Lập tức, kho dầu bị bắt lửa. Và lửa đã bốc cháy dữ dội suốt hai ngày hai đêm”(15); thể tài ghi chép, phóng sự chiến trường in nhiều kì ở Bắc Bộ (trận đánh Đồng Mư, Đèo Khế, Tam Đảo)(16), ở Nam Bộ (“Đây là những chiến công oanh liệt, những gương hi sinh sáng chói, những cuộc khủng bố dã man của giặc Pháp và còn là những sự hèn nhát của quân địch trước những sự tấn công dũng mãnh của quân ta”)(17)…
Âm hưởng Cách mạng mùa thu 1945 trong đời sống thơ văn nối dài suốt thời kì mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Niềm tự hào của người dân một nước độc lập và niềm vui lần đầu được tham gia bầu cử Quốc hội đan xen trong tinh thần kiến quốc và chống giặc xâm lăng. Vì thế mà ngay trên báo Tiếng gọi phụ nữ số Tết vừa nêu đã kịp thời xuất hiện các bài thơ Các bạn và tôi (tặng Ban kịch Tuyên truyền xung phong) của nữ sĩ Ngân Giang, Chinh phụ ngâm tân khúc của Hải Khách Trần Huy Liệu, Gửi người chiến sĩ của nữ sĩ Vân Đài, vở kịch Biệt li một hồi (tặng một nữ chiến sĩ) của Đoàn Phú Tứ; truyện kí Tết biên thùy của Vân Đài; khảo cứu Phong trào phụ nữ Trung Quốc trong thời kì Ngũ Tứ vận động của học giả Đặng Thai Mai. Điều này xác định các trí thức, văn nghệ sĩ lớp trước đã đồng lòng hướng về Cách mạng mùa thu tháng Tám… Đến đây cũng cần chú ý thêm, bên cạnh những văn nghệ sĩ - chiến sĩ lên chiến khu kháng chiến vẫn còn đội ngũ những người yêu nước và hoạt động bí mật ở lại vùng đô thị tạm chiếm “viết trong Hà Nội” (cũng như Huế, Sài Gòn), tiếp tục đề cao tinh thần dân tộc, đấu tranh trực diện, công khai với giặc thù. Riêng ở Hà Nội có thể kể đến tên tuổi các nhà văn Băng Sơn, Giang Quân, Hoài Việt, Ngân Giang, Vân Long, Vũ Bằng, Hoàng Công Khanh…, xoay quanh các cơ quan ngôn luận báo chí như Tiểu thuyết thứ bảy (Tục bản), Tia sáng, Dân ý, Thế kỷ, Quê hương…, với đủ các thể loại bút kí, phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ và kịch thơ, lí luận, phê bình...(18)
Khảo sát chặng đường văn học gắn với Cách mạng tháng Tám 1945 cần chú ý cả nền tảng tiền đề, sự phản ánh cập nhật, trực diện cũng như âm hưởng quán tính nối sang thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Ở đây cần phân biệt rõ những sáng tác làm nên thực tại đời sống văn học gắn với Cách mạng tháng Tám và như một đối tượng của đề tài lịch sử còn tiếp nối đến hôm nay và mãi mãi sau này. Trên nhiều phương diện khác nhau, có thể hình dung chặng đường văn học Cách mạng tháng Tám 1945 có ý nghĩa bản lề, vừa có kế thừa, tiếp nối, vừa “giã từ” quá khứ, vừa chuyển hóa về chất, xác lập cái mới, chuẩn bị cho quá trình “nhận đường” và phát triển trong thời gian tới. Trên phương diện văn học sử, với ý nghĩa của sự chuyển tiếp, giao thời, chặng đường văn thơ Cách mạng tháng Tám xứng đáng được sưu tập và nghiên cứu như một bộ phận trong tổng thể niên giám văn học 1945.
N.H.S
------------------------
1. C.Q, “Kịch đoàn Duy tân diễn vở kịch lịch sử Sĩ khí của Thao Thao”, Cứu quốc, số 51, ngày 26/9/1945, tr.3; số 58, ngày 4/10/1945, tr.2.
2. TTBB, “Mời các nhà soạn kịch”, Cứu quốc, số 71, ngày 19/10/1945, tr.2.
3. TTTTBB, “Kịch hát và ca nhạc”, Cứu quốc, số 84, ngày 6/11/1945, tr.2.
4. C.Q, “Hai buổi dạ hội”, Cứu quốc, số 82, ngày 3/11/1945, tr.2.
5. C.Q, “Triển lãm Tinh hoa”, Cứu quốc, số 85, ngày 7/11/1945, tr.2.
6. Hồ Chí Minh, “Thơ Hồ Chủ tịch trả lời bà Hằng Phương”, Tiếng gọi phụ nữ, số 11, ngày 8/1/1946, tr.2.
7. Hồ Chí Minh, “Thơ của Hồ Chủ tịch gửi cho chị em Việt Nam”, Tiếng gọi phụ nữ, số 15, Xuân Bính Tuất, ngày 22/1/1946, tr.2.
8. Hồ Chí Minh, “Thơ của Hồ Chủ tịch gửi cho các chiến sĩ”, Tiếng gọi phụ nữ, số 15, Xuân Bính Tuất, ngày 22/1/1946, tr.2. Hồ Chí Minh, “Gửi cho các chiến sĩ”, Cứu quốc, số Tết Bính Tuất, ngày 5/2/1946, tr.6.
9. Hồ Chí Minh, “Bài chúc Tết của Hồ Chủ tịch ngày Nguyên đán”, Cứu quốc, số Tết Bính Tuất, ngày 5/2/1946, tr.1.
10. Hồ Chí Minh, “Mừng báo Quốc gia” (in lại), Nhân dân, số 9459, ngày 7/5/1980, tr.1. Tuyển in trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV (Trương Tấn Sang Chủ tịch Hội đồng), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.198.
11. Nam Hương, “Ca dao”, Cứu quốc, số 40, ngày 11/9/1945, tr.2.
12. S.D, “Ca dao”, Cứu quốc, số 47, ngày 19/9/1945, tr.1.
13. X, “Ca dao”, Cứu quốc, số 50, ngày 24/9/1945, tr.2.
14. T.C, “Đời cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp”, Cứu quốc, số 36, ngày 5/9/1945, tr.2.
15. Mỹ Tho, “Một gương hi sinh dũng cảm oanh liệt”, Cứu quốc, số 71, ngày 19/10/1945, tr.1.
16. H.H, “Những trận đánh oanh liệt của đoàn quân Giải phóng” (3 kì), Cứu quốc, từ số 42, ngày 13/9/1945, tr.1-2.
17. Công Dân, “Những mẩu chuyện về cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ” (28 kì), Cứu quốc, số 78, ra ngày 30/10/1945, tr.1.
18. Nhiều tác giả, Viết trong Hà Nội, Nxb Văn học, Hà Nội, 2014.
VNQD