. TÔN PHƯƠNG LAN
16 tuổi đầu, năm 1954, Trần Hữu Tòng từ giã quê hương Nghi Xuân (Hà Tĩnh) - một trong những vùng địa linh nhân kiệt nhưng cũng là vùng đất nghèo khó - gia nhập bộ đội địa phương và trở thành một trong số những chiến sĩ biên phòng đầu tiên xây dựng cửa khẩu Cầu Treo. 15 năm trong sắc phục quân hàm xanh cũng là những năm tuổi trẻ của Trần Hữu Tòng gắn với miền đất giáp ranh ở vùng biên giới Việt - Lào hoang sơ, khắc nghiệt. 20 năm tiếp theo, ông là phóng viên Báo Quân đội nhân dân với những chuyến đi vào chiến trường có rất nhiều kỉ niệm sâu sắc thực sự là vết son còn thắm - như tên một tác phẩm của ông. Mười năm cuối đời công chức làm Cục trưởng, được đến nhiều miền đất xa xôi, nhưng kí ức về những tháng năm trong quân ngũ vẫn không thôi ám ảnh ông. Đó có lẽ là cơ sở để giải thích vì sao Trần Hữu Tòng dành cả cuộc đời cầm bút của mình hoặc cho người lính ở chiến trường và hậu phương của họ, hoặc cho những người quanh năm sống với gió núi mây ngàn, chấp nhận mọi sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần để canh giữ biên cương Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân các miền biên giới. Chúng ta cũng hiểu vì sao ông được định danh là “nhà văn của miền biên ải”, là “người mang hồn biên ải” trong cái nhìn của những người từng đọc và viết về ông.
Nhà văn Trần Hữu Tòng (áo trắng) trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng Việt Nam và công an Lào tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh). Ảnh: Tuệ Lâm
Từ bé thơ, Trần Hữu Tòng được người bác ruột cưu mang đủ đầy nhưng phải đến 18 tuổi ông mới tìm được người mẹ đẻ bao năm trời lưu lạc. Những giọt nước mắt của tình mẫu tử tuôn trào ngày mẹ con gặp nhau thực sự đã gây cho ông nhiều trắc ẩn không chỉ vào thời điểm ấy. Trần Hữu Tòng chăm chỉ học tập rèn luyện ngầm trả ơn công nuôi dưỡng sinh thành của hai người mẹ thân yêu rồi được quân đội cho đi học văn hoá, học báo chí: từ đây cuộc đời ông bước sang một chặng đường mới. Khiêm tốn một cách chân thành, Trần Hữu Tòng vẫn tự nhận mình không phải là người có năng khiếu văn chương bẩm sinh mà có được cái gì đó là do cảm xúc từ đồng đội, từ tình yêu cuộc sống xung quanh. Xuất thân là một người lính biên phòng, trong ông luôn dậy lên niềm khao khát muốn viết về sự hi sinh thầm lặng của họ trong cuộc chiến đấu với bọn phỉ, biệt kích, với đói nghèo, lạc hậu, giữ từng tấc đất cho Tổ quốc, giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân. Ban đầu ông viết báo, sau đó là viết văn...
Có lẽ cũng nên nói kĩ hơn một chút về đường đời và mối lương duyên từ nghiệp báo trở thành nghiệp văn của ông. Năm 1964, Cục Chính trị - Bộ đội Biên phòng phân công ông lên một bản nằm trên ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào thuộc tỉnh Lai Châu để viết về liệt sĩ Trần Văn Thọ - người lính biên phòng vào thời điểm ấy nổi lên như một tấm gương sáng “3 cùng” với công tác vận động nhân dân định canh định cư, học chữ và bỏ thuốc phiện. Trải 14 ngày đi bộ xuyên rừng, vượt đèo, đến nơi, bị sốt rét, ông vẫn làm việc mỗi khi dứt cơn. Sau 3 tháng vừa thu thập tài liệu, vừa viết, khi bản thảo hoàn thành thì ông ngã bệnh nặng. Biết tính nan y của bệnh sốt rét rừng, lúc bấy giờ, Lai Châu không muốn chuyển ông đi vì có thể ông phải “nằm lại” dọc đường. Nhưng Cục Chính trị yêu cầu bằng mọi cách phải chuyển ông về Hà Nội: “Nếu không qua khỏi thì chúng tôi sẽ mai táng anh ấy ở dưới này.” Sau bao ngày vượt đường trường về đến Hà Nội, thể trạng quá yếu, Trần Hữu Tòng được chuyển cấp tốc lên Quân y viện 110. Như có phép màu, ông phục hồi dần trong sự kinh ngạc của chính các y bác sĩ. Bài báo 2 trang in trên tờ Quân đội nhân dân viết về liệt sĩ Trần Văn Thọ của ông được Bác Hồ đọc. Bác yêu cầu gặp người viết bài báo đó. Hiềm một nỗi lúc bấy giờ ông chưa là sĩ quan, chưa phải là đảng viên nên không được phép trực tiếp gặp Bác. Cuối cùng thì Bác cũng nghe được câu chuyện cụ thể hơn về liệt sĩ Trần Văn Thọ từ vị Chính uỷ của Bộ đội Biên phòng - người được cấp trên phân công đến gặp Trần Hữu Tòng - kể lại. Đó là năm 1965. Cùng năm, cuốn Trung với Đảng, hiếu với dân viết về Trần Văn Thọ ra đời rồi được tái bản hai lần đã như một lời nhắc nhở, tiếp sức đối với ông và những người lính trên các nẻo đường công tác. Sau sự kiện này, liệt sĩ Trần Văn Thọ được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trần Hữu Tòng được kết nạp Đảng, được phong sĩ quan. Ông lấy vợ, sinh con, được phân nhà ở Ngọc Hà; 3 năm sau, chuyển sang Báo Quân đội nhân dân. Là phóng viên quân đội thời chiến nên thường có những chuyến đi công tác xa, vào mặt trận phía Nam, đến những nơi có chiến sự ác liệt..., hết chiến tranh, ông trở về lành lặn. Vợ ông một nách ba con thơ vẫn chỉn chu công việc gia đình và cơ quan. Các con ông sinh ra trong chiến tranh chịu đựng những thiếu thốn, khó khăn thời bao cấp, bố thường xuyên xa nhà, nhưng từ nhỏ đã tỏ ra có khả năng tự lập, học hành giỏi giang. Cả ba đều tốt nghiệp đại học ở nước ngoài và trở thành những doanh nhân thành đạt có đóng góp cho xã hội.
Sinh thời Trần Hữu Tòng từng nói với tôi rằng, có thể vì luôn thành tâm, tận tình với vong linh liệt sĩ Trần Văn Thọ và những người lính đã hi sinh nên ông được người âm phù trợ. Nhiều năm gần đây, khi các con ông có điều kiện giúp, kể cả khi tuổi đã cao, ông tìm về quê Anh hùng Trần Văn Thọ, xây mộ và từ đường cho gia đình, thăm lại những vùng sâu vùng xa nơi có những đơn vị bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ, về nghĩa trang Đồng Lộc, lên nghĩa trang Vị Xuyên hoặc làm từ thiện. Ông coi đó như là trách nhiệm của một người lính may mắn hơn nhiều người. Làm những việc đó, ông đã có thêm những nguồn sống mới cho công việc viết lách mà ông rất đỗi đam mê.
Về cuộc sống của những người chiến sĩ biên phòng, ít ai biết rằng “tối trải lớp lá còn xanh, sáng ra từng đám lá đã nhuộm đỏ máu bởi sên, vắt cắn đốt, và dưới lớp lá ấy những chú trăn đất, rắn xanh tìm đến tìm hơi ấm”; “những trận sốt rét tóc rụng hết, đầu trọc lốc như quả bưởi rừng”; là động xai: những vết nứt sâu hoắm trong hẻm núi hoặc lưng chừng núi sinh ra khi gió chướng nghịch mùa, không liền ngay và lại được cỏ dại cùng cây lá mục phủ lên, trở thành cái bẫy cực kì nguy hiểm đối với người đi rừng. Những cái chết không ai ngờ có thể đến bất cứ lúc nào với những người chiến sĩ hằng ngày phải đi tuần tra, truy kích kẻ địch đột nhập, bọn buôn hàng quốc cấm... Đương nhiên cũng ít người biết rằng “...những đêm khuya, lúc trăng chỉ còn là một quầng vàng nhạt trên đầu núi, sương đậu trắng trên các vòm cây, con chim từ quy nỉ non, thì mùi thơm của trầm hương thao thức quẩn quanh bên chòi canh, theo chân người lính tuần tra trên dốc núi. Hương thơm của trầm tựa hồ như từ dưới lòng đất sâu thẳm giữa rừng tỏa ra bốn phương, tám hướng. Hương thơm của trầm như khói đá, như mây ngàn, như hơi sương, hơi nước, phập phồng, phảng phất, quấn quýt lấy cành cây, núi đá cả năm tháng, bốn mùa.” Những bí ẩn của tự nhiên cùng với kinh nghiệm đi rừng được đan cài trong nhiều truyện của Trần Hữu Tòng đã đưa người đọc đến với vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên mà không phải nơi nào cũng có. Trần Hữu Tòng đã tạo nên sức hấp dẫn cho những ai muốn hiểu hơn về cuộc sống vừa nguy hiểm vừa lãng mạn của những chiến sĩ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh ở miền biên giới. Những ai thân quen và hiểu Trần Hữu Tòng có thể tìm thấy bóng dáng ông trong một số truyện như Cây kim giao đầu ngọn gió, Ngọt lành xóm núi... Trong nhiều năm gần đây, ông thường xuyên cộng tác với Tạp chí Hồn Việt trong loạt bài viết về thế giới của những con vật sống trong rừng sâu, núi cao và tiếp tục mạch viết về cảnh sắc thiên nhiên ở những miền biên viễn. Những bài viết đó phần lớn đã được in trong các tập Non vàng kì thú, Chuyện non thiêng biên ải, Bóng vàng chóp núi.
Trong sáng tác, Trần Hữu Tòng luôn tìm cách thoát ra khỏi ảnh hưởng của người làm báo lâu năm. Tuy nhiên không phải lúc nào ông cũng làm được điều đó một cách dễ dàng. Hình ảnh người lính biên phòng với những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn vẫn là đối tượng mà ông dành trọn tâm sức của mình để khám phá. Với ông, đấy là mỏ vàng để ngòi bút của mình khai thác và chỉ có viết về họ, gắn bó với họ, ông mới tìm thấy sở trường và sự đồng cảm trong sáng tạo. Ngoài tập truyện đầu tay Trung với Đảng, hiếu với dân in lần đầu năm 1965, cho đến nay, Trần Hữu Tòng đã ra được mấy chục đầu sách gồm nhiều thể loại (thơ, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết) như: Bầy cọp núi, Tín hiệu bình yên, Sau màn sương lạnh, Ngôi sao biên cương, Bí mật cây thập tự vàng, Mùa bông điệp, Mùa chim cu làm tổ, Cánh rừng hai vầng trăng, Phiên gác trăng tà. Những năm gần đây, ông viết như một sự hối thúc về thời gian và cho xuất bản thêm 3 tập viết khác. Đó là chưa kể đến hàng trăm bài báo ông viết về người lính và hậu phương của họ trong chiến tranh. Trần Hữu Tòng đã thể hiện nét đẹp của người lính Cụ Hồ khi đặt họ trong mối quan hệ với đồng đội, với gia đình, trong tình yêu, và cho chúng ta hiểu hơn, quý hơn những hi sinh thầm lặng của người lính. Rừng thiêng, giải Nhất cuộc thi do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức, có thể coi là truyện ngắn thành công nhất trong những sáng tác của ông. Xung quanh việc truy tìm sự mất tích bí hiểm của một chiến sĩ, Trần Hữu Tòng đã tạo dựng lại chân dung của người chiến sĩ biên phòng trong tình cảm của đồng đội, của nhân dân. So với những truyện khác, Rừng thiêng gọn nhưng tầng nghĩa sâu. Truyện cho thấy ông đã trăn trở để vượt lên mình trong ý thức tìm tòi cách tân nghệ thuật. Tôi nghĩ chỉ có thể là người lính chiến, thông hiểu cuộc sống của những người chiến sĩ nơi vùng biên ải và yêu thương họ đến độ nào mới có những trang văn ấy - những trang văn cô đặc vốn sống, chiêm nghiệm của một đời gắn cuộc sống và tình yêu của mình với những miền đất xa xôi, hiểm trở.
Đối với bạn bè, Trần Hữu Tòng là người sống chân tình. Đối với nghề, ông là người bền bỉ, chịu khó. Những gì mà ông có được trong cuộc đời và nghề viết của mình, có thể coi như những sự tưởng thưởng của đời và nghề, trong đó có những giải thưởng như: 4 giải của các năm 2001, 2002, 2003 và 2004 viết về nghìn năm Thăng Long Hà Nội; giải Nhì đề tài biên phòng năm 2004 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; giải thưởng của Báo Quân đội nhân dân năm 2005 viết về hồi ức Đại thắng mùa xuân. Năm 2006, ông đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Vì hạnh phúc tuổi thơ của Hội Nhà văn và Ủy ban Bảo vệ chăm sóc gia đình và trẻ em.
Những tưởng Trần Hữu Tòng còn tiếp tục thực hiện nhiều dự định khi vừa bước qua tuổi 85 trong điều kiện tốt của cuộc sống gia đình với sức khỏe bình thường, nhưng vào một ngày tháng 6 vừa qua, Hà Nội nóng và oi bức, ông vĩnh viễn ra đi sau hơn một tuần cấp cứu khiến cho gia đình dầu đã tổ chức xong tang lễ cho ông rồi vẫn ngỡ ngàng “không tin được dù đó là sự thật”. Đồng nghiệp, bạn bè nghe tin ông khuất núi, không khỏi cảm thấy đột ngột, tiếc thương... Vĩnh biệt ông, nhà văn Trần Hữu Tòng, người mang hồn biên ải, người đã dành cả đời mình để sống và viết về những người lính.
Quan Nhân - Hà Nội, tháng 6 năm 2023
T.P.L
VNQD