. TRƯƠNG THỊ KIÊN
1. Một Việt Nam với quyền tự do báo chí rộng mở
Việt Nam là một quốc gia với quyền tự do báo chí rộng mở. Điều này được chứng minh cả trên phương diện chính trị, pháp lí lẫn thực tiễn.
Đảng ta khẳng định: “Báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể, vừa là diễn đàn của nhân dân”; phải: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông”. Việc đặt báo chí dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng nhằm tạo điều kiện để phát huy tính nhân dân, tính chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, cách mạng, giúp báo chí phát triển và làm tròn sứ mệnh phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Phòng chống tấn công làm tê liệt mạng thông tin thành phố. Ảnh: TTXVN
Từ định hướng của Đảng, Nhà nước Việt Nam ban hành nhiều chính sách đảm bảo tự do báo chí. Điều 25 Hiến pháp ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Như vậy, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của công dân, đã được Nhà nước công nhận và đảm bảo. Luật Báo chí xác định cụ thể: “Công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; Cung cấp thông tin cho báo chí; Phản hồi thông tin trên báo chí; Tiếp cận thông tin báo chí; Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; In, phát hành báo in” (Điều 10, Luật Báo chí 2016).
Theo luật, công dân được tham gia vào tất cả các tiến trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí, tiếp nhận báo chí, ngôn luận trên báo chí theo quy định (Điều 11). Các cơ quan báo chí có trách nhiệm đảm bảo công dân thực hiện quyền tự do báo chí theo quy định (Điều 12). Về phần mình, cơ quan báo chí và nhà báo được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng (Điều 13); được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động nghề nghiệp; không ai có quyền cản trở nhà báo khai thác và thể hiện thông tin theo đúng quy định của pháp luật (Điều 25).
Tất nhiên, cũng như ở mọi lĩnh vực, mọi quốc gia, tự do báo chí phải trong khuôn khổ, không phải là thứ tự do vô giới hạn, đứng ngoài pháp luật. “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân” (Điều 13). Trách nhiệm của nhà báo và công dân trong thực hành tự do báo chí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh (Điều 9).
Thực tiễn đã chứng minh, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, quyền tự do báo chí được đảm bảo. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có gần 41.000 nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, với 18.000 người được cấp thẻ nhà báo; 815 cơ quan báo, tạp chí in và điện tử, gồm 138 báo và 677 tạp chí. Cả nước có 71 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình (báo nói, báo hình), bao gồm: 2 đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), 64 đài phát thanh - truyền hình địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng; tổng cộng có 79 kênh phát thanh, 198 kênh truyền hình với hàng ngàn chương trình được phát sóng mỗi ngày. Tất cả các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và địa phương đều có báo hoặc tạp chí; công dân mọi giới tính, lứa tuổi, vùng miền, nghề nghiệp... đều có tờ báo chuyên biệt dành cho họ.
Nhiều toà soạn báo đã chuyển đổi thành cơ quan báo chí đa phương tiện, đa loại hình. Các loại hình báo chí di động, báo chí mạng xã hội, báo chí trí tuệ nhân tạo… xuất hiện, thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận đa giác quan (nghe, nhìn, đọc) ở mọi lúc, mọi nơi của công chúng. Đồng thời, các hình thức tương tác với công chúng được mở rộng. Mô hình truyền thông hai chiều tạo cơ hội để công chúng được bày tỏ chính kiến, quan điểm, nguyện vọng trước mọi vấn đề, sự việc đang diễn ra trong đời sống xã hội; được tham gia vào tiến trình giải quyết các vấn đề mà xã hội đang đặt ra, như vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ, chống biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, tiêu cực, các quyền và lợi ích hợp pháp khác…
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí cũng rất phát triển. Hiện nay, đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo... Các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và nhiều kênh truyền thông thế giới khác đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kì rào cản công nghệ hay pháp lí nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận tiện nhất để tác nghiệp.
Là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng và sử dụng internet cao nhất trong khu vực và trên thế giới (Việt Nam có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên), là tiền đề thuận lợi cho sự ra đời của hàng ngàn báo điện tử, trang thông tin điện tử, website, blog, facebook, youtube, tiktok… Tự do ngôn luận trên mạng xã hội cũng như internet được đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, dù cơ sở chính trị, pháp lí đã khẳng định và thực tiễn đã chứng minh quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, song, vấn đề này vẫn bị xuyên tạc, bị tấn công một cách phi lí bởi những luồng quan điểm sai trái, thù địch.
2. Những luận điệu sai trái trên không gian mạng về vấn đề “tự do báo chí” Việt Nam
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch và một số cơ quan báo chí truyền thông phương Tây, các phần tử không thiện cảm với cách mạng Việt Nam, bất mãn chính trị… không ngừng xuyên tạc về vấn đề tự do báo chí tại Việt Nam.
Các loại quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí Việt Nam trên không gian mạng có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, quy kết Việt Nam không có tự do báo chí thông qua “Bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí” thường niên. Theo những tiêu chí tự đặt ra, Tổ chức phóng viên không biên giới (RFS) tung ra cái gọi là “Bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thế giới”. Trong bảng xếp hạng này, báo chí Việt Nam luôn ở vị trí áp chót bảng. Ví dụ, năm 2013, Việt Nam xếp thứ 172/180; năm 2019, 2020 và 2021, Việt Nam lần lượt xếp thứ 176/180, 175/180 và 174/180…
Bảng xếp hạng vô căn cứ này lập tức được một số hãng thông tấn, báo chí phương Tây thiếu thiện chí với cách mạng Việt Nam như BBC, RFA, VOA, RFI dẫn lại, phân tích, bình luận theo kiểu “té nước theo mưa”. Trên các diễn đàn mạng, nhiều facebooker cũng lợi dụng tình hình để công kích, bình luận mang tính hằn thù, kích động, xuyên tạc về tự do báo chí Việt Nam.
Thứ hai, xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam “quản” báo chí theo chế độ “đăng ký”, “bị kiểm duyệt”, “một màu”, “hà khắc”, không cho tự do lập hội báo. Tổ chức Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) xuyên tạc: Chính sách quản chế tự do báo chí của Chính phủ Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm khắc. Đài VOA, BBC và hàng chục trang mạng, hàng trăm bài báo của các thế lực phản động liên tục rêu rao: Việt Nam cần một nền báo chí tự do; Việt Nam không thể có tự do báo chí vì “tất cả phải tuân thủ theo định hướng tuyên truyền của Đảng cầm quyền, khác hẳn với các nền báo chí trên thế giới”.
Từ việc xuyên tạc sự nghiệp lãnh đạo, quản lí đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam về báo chí, các tổ chức và cơ quan báo chí, trang mạng xã hội phản động kêu gọi thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chính sách với những luận điệu xảo trá: “Thể chế hiện nay không tạo môi trường để thay đổi báo chí được, mà phải thay đổi thể chế sâu rộng”; “Nhà nước phải cho phép báo chí tư nhân hoạt động”, “Phải có báo chí tư nhân thì mới có một nền báo chí hoàn toàn tự do”…
Thứ ba, xuyên tạc Việt Nam bắt bớ, cầm tù, hạn chế nhà báo, blogger. Tổ chức Phóng viên không biên giới, Người Việt yêu nước, các cơ quan truyền thông BBC, RFI, RFA, VOA, các hội nhóm và cá nhân phản động trên youtube, facebook… thường xuyên rêu rao rằng: Việt Nam là “một nhà tù lớn nhất trên thế giới dành cho các nhà báo và blogger”; “Nghề báo bị “chặn” tại Việt Nam”; “Số nhà báo bị giam giữ đạt kỉ lục trong năm 2022”; “Số nhà báo bị cầm tù tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm”…
Thứ tư, cổ xúy, bảo vệ các cá nhân vi phạm pháp luật bị Nhà nước Việt Nam tuyên phạt, kết án. Không gian mạng tồn tại hàng trăm bài viết, phát ngôn cổ xúy cho những tổ chức, cá nhân có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ đã bị Việt Nam kết án và xét xử theo đúng pháp luật hiện hành. Điển hình là các tổ chức HRW, RSF, CPJ. Đài RFI còn lập ra cái gọi là “Giải tự do báo chí” để trao giải tự do báo chí cho những đối tượng bị Nhà nước Việt Nam kết án, phạt tù. Ủy ban Bảo vệ kí giả (CPJ) ngoài việc suy tôn, cổ vũ, bênh vực… còn cấp kinh phí, hướng dẫn các đối tượng những thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Thứ năm, thành lập trái pháp luật và cổ xúy thành lập, hoạt động trái pháp luật các “hội nhóm nhà báo” hòng chống phá và gây mất an ninh trật tự xã hội Việt Nam. Với sự giúp sức của các tổ chức thù địch, một số đối tượng phản động trong nước tự đứng ra thành lập các hội nhóm phi pháp nhân danh cái gọi là “tự do báo chí”, “xã hội dân sự” theo mưu đồ của chúng nhằm đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá chế độ và gây mất trật tự an ninh, chẳng hạn, lập ra báo Độc lập Việt Nam, Hội nhà báo độc lập Việt Nam…
Thứ sáu, quy kết Việt Nam không có tự do internet. Từ nhiều năm nay, CPJ luôn xuyên tạc Việt Nam ngăn chặn mọi trang web. Tổ chức Freedom House (FH) vu cáo Việt Nam “không có tự do internet”. Ngày 18/10/2022, FH ra báo cáo “Tự do internet 2022”, xếp hạng “Việt Nam là một trong năm quốc gia kém tự do internet nhất trên thế giới”, xuyên tạc rằng “Tự do internet của Việt Nam chỉ đạt 22/100 điểm, theo 3 tiêu chí: “Trở ngại truy cập internet”, “Giới hạn về nội dung” và “Vi phạm quyền người dùng internet””.
Có thể khẳng định, thông tin sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí như những mũi kim tiêm tẩm độc làm thay đổi quan điểm, nhận thức của nhiều người. Một bộ phận quần chúng nhân dân hoài nghi, bi quan về vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung và sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí nói riêng. Thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể làm chia rẽ, li gián lòng người, làm phân tâm trong các giai tầng xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…
Quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí Việt Nam còn tạo nên cái nhìn thiên lệch, thiếu thiện cảm của cộng đồng quốc tế về Việt Nam; rộng hơn, có thể ảnh hưởng xấu đến đánh giá của các tổ chức quốc tế, các quốc gia về vấn đề nhân quyền và trình độ phát triển xã hội Việt Nam nói chung, từ đó, hạn chế nguồn đầu tư, quan hệ hợp tác ở nhiều lĩnh vực…
3. Trách nhiệm của nhà báo
Để phản bác hiệu quả quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí, việc tăng cường trách nhiệm của nhà báo là tất yếu.
Trước hết, nhà báo phải đặc biệt gương mẫu thực hành tự do báo chí. Các nhà báo phải tận dụng mọi quyền được pháp luật công nhận để lao động, sáng tạo, cống hiến, đồng thời giám sát, quản lí xã hội, phụng sự Tổ quốc, nhân dân, như Bác Hồ đã từng căn dặn: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhà báo đặc biệt phải phát huy trí tuệ, bản lĩnh, chính kiến để phản biện, góp ý cho Đảng, Nhà nước về những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, quản lí, giúp chủ trương, đường lối, chính sách ngày càng hoàn thiện, tránh hiện tượng thờ ơ, đứng ngoài chính trị và công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thứ hai, nhà báo tạo điều kiện và dẫn dắt công chúng phát huy quyền tự do báo chí, coi việc đảm bảo quyền tự do báo chí của công dân là trách nhiệm chính trị. Quyền tự do báo chí của công dân không chỉ là quyền được nói, được viết, được bày tỏ ý kiến phản hồi về thông tin, được xuất hiện trên báo chí, mà còn là quyền được nhà báo hỗ trợ, đồng hành, đảm bảo thực thi quyền lợi thực chất, toàn diện. Trong cuộc sống, còn rất nhiều người dân cần trợ giúp về pháp lí để giải quyết những mâu thuẫn, bất công. Nếu không được giải quyết, họ dễ rơi vào tâm lí bất mãn, bất an. Đây chính là cơ hội để các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng hòng lôi kéo, kích động. Nhà báo phải “đi sâu vào quần chúng” (lời Hồ Chủ tịch), gần dân, hiểu dân, nắm bắt kịp thời mọi tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của dân, phản ánh trên công luận, tháo gỡ giúp dân.
Thứ ba, nhà báo phải mài sắc ngòi bút thành “vũ khí sắc bén” để đấu tranh trực diện, không khoan nhượng với những quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Không chỉ có các tuyến bài chính luận đanh thép, hùng hồn; không nhất thiết lúc nào cũng phải hô hào khẩu hiệu “xây dựng”, “chỉnh đốn”, “đấu tranh”, “bảo vệ”…, mà những dạng bài theo hình thức “nhận diện sự thật”, “kiểm chứng”, “tôi nghĩ”, “thời sự và suy ngẫm”, “tin giả - tin thật”, những infographics phản bác, đấu tranh bằng con số và biểu bảng, biểu đồ cụ thể, những long-form giàu hình ảnh chân thực, sinh động… cũng rất dễ đi vào lòng người. Mỗi thể loại báo chí có một sức mạnh riêng trong việc đấu tranh với luận điệu sai trái, thù địch. Nhưng cần tránh lối viết hô hào khẩu hiệu suông. Nhà báo phải nói bằng con số, dẫn chứng, nói qua nhân chứng, nói bằng hình ảnh, bằng lời nói chân thực.
Tóm lại, tự do báo chí tại Việt Nam là không thể phủ nhận, xuyên tạc - đó là một mục tiêu xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, là đường lối lãnh đạo nhất quán của Đảng ở mọi kì đại hội, được đảm bảo bằng hệ thống hiến pháp, pháp luật, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Với thực tế đó, nhà báo có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lí và thực tiễn để đấu tranh hiệu quả trong việc chống luận điệu xuyên tạc về vấn đề tự do báo chí trên không gian mạng, chỉ cần mỗi nhà báo luôn phát huy trách nhiệm, kiên định bản lĩnh chính trị, trui rèn đạo đức nghề nghiệp, mài sắc ngòi bút và thực sự gần dân.
T.T.K
VNQD