Lịch sử nhìn từ bi phận giai nhân

Thứ Sáu, 20/10/2023 12:24

(Trường hợp Vũ tịch, tiểu thuyết lịch sử của Trường An, Nxb Phụ nữ, 2017)

. LÊ THỊ HƯỜNG
 

Lịch sử thì cố định (“chiếc đinh” theo cách nói của Dumas) còn tiểu thuyết lịch sử thì đa dạng, chủ yếu do điểm nhìn và sự lựa chọn “câu chuyện” của nhà văn. Giữa những tên tuổi đã thành “bút hiệu”, các nhà văn trẻ trình hiện một lối viết khác về lịch sử. Tập trung viết về triều Nguyễn (là một sự lựa chọn), Trường An đã “treo” được những bức tranh lịch sử có giá trị. Sự tuyệt diệt của các dòng họ vương triều (Thiên hạ chi vương); cuộc nội chiến tàn khốc giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn, tình yêu và binh biến, công và tội (Hồ Dương); những cuộc hôn nhân chính trị và bi kịch của những giai nhân lịch sử (Vũ tịch). Nhìn lịch sử từ thế giới tâm hồn, trong tiểu thuyết của Trường An, những câu chuyện lịch sử không đơn giản là sự kiện mà là những luận giải, đối thoại với quá khứ và suy ngẫm về hiện tại. Nó như một vệt khác giữa rất nhiều tiểu thuyết lịch sử hiện nay.

Luận giải lịch sử từ số phận hồng nhan

“Trên đời này người đẹp tuy không phải là vô số nhưng cũng nhiều không kể xiết. Giai nhân duy nhất khiến ta “ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc” phải như thế nào? Tôi nghĩ, đó là một nhan sắc khiến người khác phải cảm động. Đó là một điều nằm ngoài nhan sắc”. Đây là lời của tiết chế Quang Thuỳ (con trai của hoàng đế Quang Trung) khi nghĩ về nàng công chúa cuối cùng của triều Lê, nàng công chúa có cuộc đời và hôn nhân kì lạ nhất trong lịch sử Việt Nam (Gái đâu có gái lạ lùng/ Con vua lại lấy hai chồng làm vua).

Vũ tịch là câu chuyện lướt qua mấy đời vua từ tâm trạng của một giai nhân có số phận oái oăm là Ngọc Bình - con Lê Hiển Tông, em của công chúa Ngọc Hân, mẹ là một cung nhân thất sủng, bị bỏ rơi giữa dòng thời cuộc. Từ bé, công chúa đã trở thành “thứ để giành giật và trao đổi”. 16 tuổi, Ngọc Bình bơ vơ giữa hoàng triều, bị gán lấy Cảnh Thịnh - con trai Quang Trung. Khi Gia Long tiêu diệt Tây Sơn, từ vợ của vị vua triều trước, Ngọc Bình lại thành vợ của kẻ thù đã giết chồng mình, thành đức phi của Gia Long. Trong lịch sử, các mối quan hệ oái oăm, ngược đời khiến Ngọc Bình bị đàm tiếu. Với Cảnh Thịnh - “Cha lấy chị, con lấy em, phong hoá gì thế này”; “Công chúa Ngọc Hân vừa mất, triều đình đã tìm ngay một công chúa nhà Lê khác về”. Với Gia Long - “Chúa công mê muội hay sao mà thu nạp một kẻ táng gia khuynh quốc, vô đức thất tiết này?”; “Danh dự của vương tộc, của nhà vua không thể chịu một nỗi nhục đến thế”; “Quỷ mị, loại phụ nữ này làm nước mất nhà tan không phải là một cái phúc để giữ lại bên mình”. Trong tiểu thuyết của Trường An, nàng công chúa bị người đời bêu riếu được “chiêu tuyết’’ một cách nhẹ nhàng. Trong các mối quan hệ chằng chịt giữa hai triều đại đối địch tàn khốc, tâm trạng Ngọc Bình được nhà văn lí giải thấu tình đạt lí.

Ngọc Bình xuất hiện trong màn mưa Phú Xuân “đẹp và u tịch như mưa”. Mưa dự báo mịt mù u uẩn kiếp người, mưa gắn liền với số phận. Những cơn mưa ướt đẫm đêm, mắt, môi của các mĩ nhân mà cuộc đời họ như những quân cờ trong lịch sử. Cuộc đời Ngọc Bình dẫu phủ ngập trong gấm vóc lụa là nhưng luôn chìm đắm trong cõi u tịch, cô đơn. Chọn một góc mờ khuất, Trường An đã nêu được những vấn đề lớn lao của các vương triều một thời xa bóng nhưng thân phận con người thì vương luỵ ngàn năm. Từ tâm điểm là Ngọc Bình, nhà văn đã kết nối, tái hiện, luận giải một thời kì lịch sử đau thương. Đó là giai đoạn suy tàn của Tây Sơn và công cuộc “phục quốc” của Nguyễn Phúc Ánh. Nhà Lê suy vong, Quang Trung băng hà, bỏ con trưởng là Quang Thùy, chọn Quang Toản kế vị. Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, chấn hưng đất nước… Đây là một thời kì lịch sử nhiều biến động, sử sách ghi lại còn nhiều khoảng trống, người đời sau có nhiều đánh giá khác nhau. Trường An đã luận giải quá khứ theo trường nhìn và nhận thức riêng để làm rõ những khoảng mà sử sách ít đề cập một cách tường minh. Trước những biến động ngai vàng, dẫu mang dòng máu vương tộc, dẫu là “công chúa của Đại Việt đẹp đẽ hoa lệ, của một triều đại huy hoàng” thì sự tồn tại của cô công chúa cuối cùng triều Lê “cũng trở thành vô nghĩa”. Sống trong tủi nhục, Ngọc Bình luôn muốn chết. Thật ra nàng đã chết từ sau cái chết của mẹ và phải vá víu sống nhờ nơi Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền (mẹ của công chúa Ngọc Hân); chết từ đêm tân hôn lẽ ra với Quang Toản nhưng lại với Quang Thuỳ. Chết thầm lặng nơi nội cung. Và sẵn sàng chết khi Nguyễn Ánh tiếp tục muốn biến nàng thành một quân cờ chính trị. Ngọc Bình không có quyền lựa chọn. Biết bao bà hoàng trong các vương triều không có quyền lựa chọn. Trong lịch sử, từ Huyền Trân công chúa, An Tư công chúa thời Trần, đến công nữ Ngọc Vạn thời Nguyễn, nhìn chung đều là thảm kịch hồng nhan. Họ là quân cờ trong những bàn cờ chính trị. Ngọc Bình chỉ có một lần lựa chọn. Đó là cái đêm nàng đóng giả thị nữ để trao thân cho Quang Thuỳ, xuất phát từ lòng thù hận và tình yêu sâu thẳm bên trong. Phải chăng đó là sự lầm lạc hữu lí của nàng, nó khiến Quang Thùy suốt đời mang theo tình yêu say đắm lẫn mặc cảm loạn luân; nó lại khiến cho nàng suốt đời đau đớn trong tình yêu duy nhất và vĩnh viễn. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra, về tình yêu đối với Quang Thuỳ, về nghĩa tình đối với Cảnh Thịnh, về bổn phận đối với Gia Long. Với nàng, không còn hận thù, phe phái, kể cả lầm lạc, phi lí. Chỉ có nỗi buồn, niềm u uất dồn nén làm nên vẻ đẹp khuynh thành. Một đời nàng được những người đàn ông yêu quý, ngưỡng mộ nhưng chưa bao giờ được hạnh phúc. Nàng chẳng của ai, thân xác thuộc về hai con người danh giá nhất, quyền lực nhất nhưng tình yêu thầm vọng thì chỉ dành cho Quang Thuỳ.

Lịch sử và giai nhân là những trang đời lật mãi chưa xong. Số phận hồng nhan, bi kịch ở nhiều góc khuất nội cung luôn là vấn đề lựa chọn của các nhà văn khi viết về lịch sử. Thật ra binh biến triều đại luôn xáo trộn mọi thân phận nhưng số phận quả là khắc nghiệt với những giai nhân. Họ, những bà hoàng của vương triều, đều là nạn nhân của các trò chơi quyền lực. Họ chính là “nạn nhân, là chứng nhân mà cũng có thể là mắt xích có thể làm thay đổi cả một triều đại”. Trong chiến tranh, sau những hào quang quyền lực là cái chết, sự tiêu diệt đẫm máu. Tây Sơn tiêu diệt nhà Nguyễn. Gia Long lên ngôi, trả mối hận thù một cách tàn độc. Còn lại là nỗi đau của những hồng nhan. Phận bạc. Mệnh yểu. Như Ngọc Hân công chúa triều Lê, “mười sáu tuổi nàng đi qua bến sông trên con thuyền sơn son thếp vàng, đi mãi, không bao giờ trở lại”; là bắc cung hoàng hậu rồi thái hậu, nàng sống trên cõi thế chỉ được 28 tuổi với bao đắng cay hạnh phúc đan xen. Cách luận giải của nhà văn về lịch sử, về thân phận của những công chúa triều Lê trong những cuộc hôn phối với các vị vua Tây Sơn đầy cay đắng. “Nàng là công chúa nhà Lê. Nàng là điều duy nhất có thể gắn kết triều đình Tây Sơn với Bắc Hà. Con cái Ngọc Hân mang dòng máu của họ Nguyễn Tây Sơn, là thứ đảm bảo nhất để kết hợp hai miền đất nước. Mặc khác, Tây Sơn vẫn cần danh nghĩa của dòng máu Lê triều”. Lịch sử ghi lại con đường đến với Tây Sơn của hai chị em Lê Ngọc Hân và Lê Ngọc Bình có khác nhau, nhưng tiểu thuyết lịch sử của Trường An cho thấy điểm chung của họ là đều mang bi phận hồng nhan. “Đó là số phận” như lời thoại câm lặng của Phan Huy Ích khi nghĩ về Ngọc Hân, nàng “vùng vẫy trong một nỗi cô đơn không có bến bờ, cùng sự tuyệt vọng ngày càng sâu, bén rễ ăn mòn cả xương tuỷ”. Cuối cùng là cái chết, một cái chết gần như là được báo trước, bởi “...nàng đã thật sự muốn tìm đến cái chết… nhưng nàng cũng không muốn chết. Nàng lại càng không biết phải sống như thế nào”. Cũng như bắc cung hoàng hậu, yểu mệnh, Ngọc Bình sống không quá tuổi 25, sống như chết trong nỗi cô đơn ngang trái.

 

Luận giải quá khứ từ thế giới tâm hồn

Chọn lối viết dòng ý thức, qua bi phận hồng nhan, cuốn tiểu thuyết dựng lại diện mạo của một giai đoạn lịch sử còn nhiều khoảng trống trong sử sách. Lịch sử được nhìn từ những góc khuất nội tâm, qua dòng tâm tư triền miên đứt nối của các nhân vật (Phan Huy Ích, Cảnh Thịnh, Quang Thuỳ, Nguyễn Ánh, đặc biệt là Ngọc Bình). Diện mạo lịch sử được phân mảnh, lắp ghép từ nhiều điểm nhìn; lịch sử và con người được luận giải đa chiều. Dựa vào những sự kiện trong sử sách, tác giả đã nhào nặn một thế giới nhân vật trăn trở, vật lộn giữa đam mê và hận thù, quyền lực và tình yêu, ý chí và bản năng, đớn hèn và chân thật. Quang Toản yếu đuối và tuyệt vọng. Quang Thuỳ lạnh lùng và cháy bỏng. Gia Long kiêu hãnh và cô đơn… Ai cũng mang trong lòng những mâu thuẫn, những mặc cảm giằng xé. Nhân vật nào cũng đắm chìm trong niềm u uất riêng tư với bao nhiêu câu hỏi ngổn ngang. Cảm giác họ sống chỉ để làm cho tròn nhiệm vụ mà lịch sử đã trao cho chính họ và họ không còn lựa chọn. Quang Toản cô đơn, lạc lõng trên ngai vàng và luôn chìm đắm trong một cõi riêng. Lên ngôi lúc 9 tuổi, giữa bao nhiêu tính toán, cân nhắc, “thậm chí đánh giết nhau” của hoàng triều, vị vua trẻ con này luôn đặt ra những câu hỏi muôn thuở của mình. “Ta luôn luôn tự hỏi, tại sao lại là ta?”; “Sự tồn tại này có ý nghĩa gì?”; “Ngai vàng này, những con người bị đốn ngã như cỏ dưới lưỡi liềm. Chỉ vì một kẻ như chàng” có ý nghĩa gì? Mặc cảm tước đoạt ngôi kế vị với anh là Quang Thuỳ, mặc cảm “mình hoàn toàn không phải là một vị vua”, cộng với sự phân chia phe phái, sự ức hiếp của các đại thần khiến vị vua trẻ tuổi căm ghét chính mình. “Ngai vàng trở thành gánh nặng và hoàng thành trở thành một nấm mồ đối với đức vua”. Trong những khoảnh khắc xoay vần của lịch sử, con người không có lựa chọn khác. Lịch sử không có sự lựa chọn. Quang Toản lấy Ngọc Bình chưa một chút cảm xúc của tình yêu. Quang Thuỳ đầy tính toán nhưng cũng đắng lòng trao người mình yêu cho thiên tử. Ngọc Bình câm lặng làm “món hàng” của các vương triều, như lời Quang Toản, “số phận đã đặt nàng nơi đây là để nàng thành chứng nhân của nó”.

Cách viết của Trường An không khiến người đọc phải giở sử sách để xem lại mức độ chân thật trong phản ánh lịch sử. Với quan niệm “viết là cách để đối thoại, phản biện, hiểu sâu hơn các vấn đề”, nhìn chung, Trường An thường chọn những khoảng mờ lịch sử để hư cấu. Quang Thuỳ là con ai? Vì sao Quang Trung lại không chọn con trưởng kế vị?... Đây là những điều trong sử sách vẫn còn nghi vấn. Từ góc nhìn của nhà văn, Quang Thuỳ “là một khối đá lặng im, ngụp lặn trong cõi mơ hồ đầy u uất của riêng mình”, “là con trai của Nguyễn Huệ, chỉ có hai con đường, sống hoặc chết, thắng hay bại”. Quang Thuỳ mang mặc cảm là đứa con của một người mẹ loạn luân (nhà văn hư cấu: hoàng hậu của Quang Trung tư thông với Nguyễn Nhạc và bị truất phế) nên không được kế ngôi cha. Mặc cảm ám ảnh khiến Quang Thuỳ luôn tìm mọi cách để gìn giữ chút tàn dư của triều đại Tây Sơn; và vì để an lòng dân nên tìm cách gán công chúa Ngọc Bình cho Quang Toản, tàn nhẫn đẩy nàng vào chốn triều đình, “đưa công chúa Lê triều đến Phú Xuân, lập làm hoàng hậu”. Và Ngọc Bình, để trả thù chàng trai yêu mình nhưng vì sự sống còn của hoàng tộc đã biến nàng thành quân cờ trên bàn cờ chính trị, đã hiến thân cho chàng trong mối căm thù và niềm đam mê tột đỉnh, đẩy Quang Thuỳ vào hoàn cảnh loạn luân, tư thông với vợ vua ngay trong đêm tân hôn của em là vua Cảnh Thịnh. Tạo câu chuyện loạn luân, vốn không phải là điều xa lạ trong cung cấm, nhà văn tô đậm thêm bi kịch tranh chấp vương quyền. Cái “tội” loạn luân ấy như một số phận của Quang Thuỳ. Mặc cảm về người mẹ và oái oăm hơn về chính mình khiến Quang Thuỳ luôn đau đớn sau vẻ ngoài lạnh lùng, sắt đá. Tình yêu - mặc cảm - giấc mộng vương quyền - mối hận thù… tất cả luôn giằng xé trong chàng, vị tiết chế, trung thần của dòng họ Tây Sơn.

Đi sâu vào chuỗi mâu thuẫn nội tâm, nhân vật lịch sử thật hơn, đời hơn, kể cả Gia Long, kẻ chiến bại và chiến thắng. Tâm trạng của Gia Long khi đứng trước những phế tích trong ngày chiến thắng chính là cuộc tự bạch, tự vấn đầy đau đớn. Lạc loài, buồn bã dẫu mang trong mình sứ mệnh đế vương. Những ngày tháng lưu vong. Những tổn thất tinh thần khi lần lượt chứng kiến bao cái chết thảm khốc của người thân; mối căm thù dai dẳng, ghim vào tâm não và biến thành những hành động trả thù tàn khốc phi nhân không kém vương triều trước. Quá khứ đau thương của 20 năm lưu lạc tìm cách phục quốc. Những đau đáu vì đất nước, vì vương triều. Những hận thù lưu giữ… Tất cả xâm chiếm tâm trí, lấn át cả niềm vui chiến thắng. Dòng nội tâm miên man của Gia Long khi đối diện với cái đẹp u uất và lịch duyệt của Ngọc Bình cũng là cuộc đối thoại của nhà văn đối với quá khứ. Từ sự ngưỡng mộ của tình yêu, vị vua giành chiến thắng trên những xác người đã tự mình bóc tách những khối mâu thuẫn trong con người đầy tham vọng của ông: “Nhưng ông đang hận thù ai. Một bóng ma. Chỉ là một bóng ma”; “Không phải nỗi oán thù dành cho một con người cụ thể, mà điều gì đó còn lớn lao hơn, phi lí hơn, đau đớn hơn. Nỗi đau tích cóp sau chừng ấy tháng năm, dài như cả một đời”. Lịch sử oái oăm, mọi thứ đều phải đổi bằng máu và hận thù. Thống nhất lãnh thổ rồi tất cả còn là phế tích, kể cả lòng người, khiến ông trở thành vị hoàng đế đầy bản lĩnh nhưng rất cô đơn. Tâm trạng Gia Long còn được nhà văn tiếp tục mổ xẻ qua dòng hồi ức nội tâm của Tống Vương hậu ở phần Ngoại truyện. “Hận thù đã trả xong, đất nước đã liền một dải, sao với Gia Long nỗi cô đơn ngày càng lớn”. Rồi tất cả chỉ là tàn tro. Sau cái chết ông vẫn cô đơn. Cách lí giải của Trường An không phải như của một nhà văn trẻ, mà như một người đã từng trải qua sống chết, qua muôn kiếp để nhận ra cái vô nghĩa vương quyền. Dẫu là ông hoàng bà chúa hay quan triều, suy cho cùng, tất cả đều cô đơn. Họ là nhân vật lịch sử đồng thời cũng chính là nhân vật tiểu thuyết được nhà văn chú trọng ở phần đời tư phức tạp.

“Thì ra lịch sử mở cõi phương Nam lại dung chứa nhiều câu chuyện vừa đau đớn vừa đẹp đẽ đến thế” (Trường An). Ngồn ngộn sự kiện, miên man tâm trạng, sự thật lịch sử có độ tin cậy và hư cấu đủ ngưỡng đã làm nên những trang viết về một thời kì lịch sử quá nhiều bóng tối, nhiều biến động lớn lao. Cuốn tiểu thuyết hấp dẫn ở những lời văn đẹp, ở chất u buồn bàng bạc khó gọi tên; đôi lúc cảm xúc nữ tính khiến câu văn mềm ra, miên man không khỏi làm người đọc liên tưởng đến mĩ cảm aware; buồn, đẹp, trữ tình, tình yêu và tuyệt vọng, ân ái và hận thù, hoàng hôn phủ xuống kinh thành Phú Xuân, giấc mơ đêm và hương hoa quế, kể cả cái chết và cành hoa mạt lị héo khô... Đó là thành công đáng kể của tác giả khi kể chuyện lịch sử bằng lối viết dòng ý thức. Đó cũng là xác tín cho quan niệm viết là hoá thân.

L.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)