Chủ động làm hạt cát hay vượt thoát khỏi hố sâu bi kịch?

Thứ Sáu, 27/10/2023 11:39

Người ta nói rằng truyện của Abe Kobo luôn ngập tràn các biểu tượng và ẩn dụ. Bởi thế, chẳng có gì khó để hiểu lí do tại sao Người đàn bà trong cồn cát lại gây cho độc giả một ấn tượng mạnh mẽ đến thế khi nội dung cốt truyện của nó lại đơn giản một cách khiêm nhường.
Câu chuyện kể về Niki Jinpei, một nhà côn trùng học, trong lúc đi tìm một mẫu côn trùng đã lạc bước vào một ngôi làng kì lạ. Anh được một ông lão đưa xuống hố cát qua đêm cùng với một người phụ nữ. Sáng hôm sau người ta rút mất thang dây của anh. Và Jinpei bị mắc kẹt lại tại ngôi làng ấy, bất đắc dĩ trở thành một nô lệ. Kể từ đó, anh luôn đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng và nỗ lực tìm đủ mọi cách để vượt thoát. Có một lần anh đã suýt trốn được thành công. Sau khi bị bắt lại, anh lại tiếp tục lặp lại một cách vô hồn những công việc nặng nhọc và nhạt nhẽo dưới hố cát. Anh chỉ thực sự tìm được niềm vui cho tới khi phát kiến ra cái bẫy nước. Anh cùng với người phụ nữ nảy sinh tình cảm và phát sinh quan hệ. Họ cùng nhau lao động, cùng nhau để dành tiền để mua một chiếc radio. Sau cùng người phụ nữ có thai ngoài tử cung phải đưa đi cấp cứu. Jinpei trong tình thế lưỡng lự giữa trốn thoát và ở lại, có lẽ anh đã chấp thuận ở lại xứ cát…
Có một sự tương đồng trong lối viết giữa Abe Kobo và Murakami Haruki. Đó là những hình ảnh ẩn dụ, những biểu tượng ngập tràn qua các trang viết, sự đào sâu đến tận cùng mọi ngóc ngách trong tâm lí nhân vật để biểu đạt những tư tưởng của mình. Với Người đàn bà trong cồn cát có ba hình ảnh biểu tượng xuất hiện: đó là hình ảnh người đàn bà; những đụn cát và cuối cùng là cái bẫy nước.

Tác phẩm Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo.

Niki Jinpei đột ngột bị ném xuống một hố cát sâu thăm thẳm. Trong thời gian bị giam hãm ở ngôi nhà của người đàn bà, đã bao lần anh vùng vẫy phản kháng. Nói một cách chính xác, anh đang bị “mắc kẹt”. Anh bị mắc kẹt trong nghịch cảnh của số phận và không thể thoát ra. Và nghịch cảnh ấy từ đâu mà có. Chính bản thân anh cũng không thể hiểu nổi lí do tại sao, anh lại bị cưỡng ép để trở thành một phần của ngôi làng này. Một việc làm mà đối với anh, anh cho rằng điều đó thật hết sức vô lí. Họ cưỡng đoạt và lấy đi tự do của một con người. Và tất nhiên, anh không lựa chọn trơ mắt đứng nhìn. Hết lần này đến lần khác, anh phản kháng và bỏ trốn.
Giữa tình thế oái oăm đó, bao quanh anh bốn bề đều là cát. Ở cái ngôi làng hoang vu trơ trọi ấy, cát bỗng chốc trở thành một thứ sinh vật đáng sợ luôn ngày đêm rình rập sự sống còn của những người dân nơi này. Trước đây ta vốn tưởng cát chỉ là một thứ vô hại, thậm chí còn có thể được sử dụng để phục vụ cho nhiều lợi ích của cuộc sống. Nhưng tại đây, nơi quanh năm cát phủ, cát bỗng trở thành một thứ vũ khí mạnh mẽ hủy diệt và nhấn chìm mọi thứ một cách đáng sợ. Đằng sau đó, ta thấy được hai mặt của cùng một vấn đề. Thứ tưởng chừng có ích sẽ luôn chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn.
Người đàn bà bên trong cồn cát không được giới thiệu tên. Chúng ta cũng không biết được chính xác tuổi tác của nàng. Nàng xuất hiện một cách mơ hồ trong một căn nhà lụp xụp dưới hố cát. Chồng và con nàng đã mất trong một trận bão cát, để lại nàng cô đơn trong căn nhà được vây bọc bởi những bức tường cát. Cuộc sống của nàng là những chuỗi ngày dài nối tiếp nhau, đêm đào cát, ngày thì ngủ. Sự có mặt của người đàn ông như một món quà kì diệu dành cho nàng. Bất chấp sự tức giận, thái độ thô lỗ của anh, nàng ân cần chăm sóc, phục tùng anh như một người vợ chân chính.
Nàng giống như hình thái đối nghịch với người đàn ông. Nàng nhẫn nhịn, phục tùng, cam chịu. Nàng thỏa hiệp với nghịch cảnh và ta thấy trong suốt cả quá trình câu chuyện diễn ra, nàng chưa từng một lần phản kháng. Nàng trầm lặng, lẻ loi và đơn độc giống như một hạt cát. Ngay đến cái cách mà chúng ta dùng để gọi nàng cũng là “người đàn bà bên trong cồn cát.” Nàng phải chăng chính là góc cạnh yếu mềm nhất nơi sâu thẳm trong mỗi con người; là sự rụt rè và mong manh khi đối diện với nghịch cảnh.
Người đàn ông xuất hiện bên cạnh nàng như giống một sự đấu tranh, thức tỉnh của ý chí con người khi đối diện với khó khăn. Anh ta chưa khi nào từ bỏ tâm lí phản kháng, kể cả cho đến cuối cùng của câu chuyện, chúng ta cũng chỉ có thể mơ hồ, không thể biết chính xác được khi nào thì Jinpei sẽ rời khỏi ngôi làng. Thế nhưng khác với lúc ban đầu, thay vì bị động trốn chạy, thì cuối cùng anh đứng ở vị thế chủ động chọn lựa. Anh sẽ rời đi bất cứ lúc nào anh ta muốn. Vì sao ta lại có sự thay đổi ấy?

Nhà văn Abe Kobo.

Cái bẫy nước xuất hiện chính là sự kiện quyết định những chuyển biến về tâm lí sau này của Jinpei.
Từ sự bất lực, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước được những người dân làng cung cấp thì lúc này, anh đã có thể thay đổi điều đó bằng sự kiên trì và sáng tạo của mình. Phát kiến về cái bẫy nước đã mở ra lối đi cho người đàn ông phải chăng đại diện cho hành trình lao động sáng tạo miệt mài và chinh phục thiên nhiên của con người. Đến bây giờ, nhìn tổng thể, ta thấy mọi sự kiện không chỉ bó hẹp trong ngôi làng mà phải chăng, đích đến của câu chuyện chính là những mâu thuẫn nội tại của con người khi đứng trước thiên nhiên và nghịch cảnh. Và phải chăng đằng sau cái bẫy nước, ta thấy lấp ló những thành tựu của quá trình lao động sáng tạo. Con người không ngừng đấu tranh với thiên nhiên và chính trong nội tâm anh ta cũng chất chứa những mâu thuẫn không ngừng nghỉ giữa đấu tranh và thỏa hiệp. Để cuối cùng, lao động sáng tạo chính là chìa khóa để giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn đó. Con người bé nhỏ khi đứng trước thiên nhiên rộng lớn, nhưng con người luôn luôn xoay chuyển tình thế để giành lấy sự chủ động về phía mình bằng ý chí không ngừng vươn lên.
Sau cùng người đàn ông có trở về hay không? Có thể có và cũng có thể là không. Chỉ có điều khác với khởi điểm xuất phát ban đầu khi ở thế bị động, trong tình thế bất đắc dĩ và không còn sự lựa chọn nào khác thì cuối cùng, sự ở lại của Jinpei là một sự chủ động nối liền mối liên hệ với ngôi làng. Có một sự chuyển biến lớn về tâm lí ở anh, giống như một cái mỉm cười gật đầu khi đối diện với thử thách và đối diện với cuộc sống. Vậy người đàn bà có vai trò gì ở trong tác phẩm? Sự hiện diện của nàng giống như một phần trong cuộc đời mà anh không thể chối bỏ hay khước từ. Bởi nàng mà anh còn lưỡng lự không rời đi hay phải chăng chính trong anh đang có một sự thức tỉnh le lói, rằng anh đã chấp nhận sẵn sàng để đối diện với cuộc sống và hoàn cảnh, kể cả những phần không hoàn hảo của nó.
Sau cùng, khi ngụp lặn giữa những cồn cát bao la với những cái hố sâu thăm thẳm, con người nhỏ bé sẽ chấp nhận điều gì và lựa chọn điều gì? Đó có lẽ là câu hỏi vang lên trong đầu của nhiều độc giả khi đọc xong Người đàn bà trong cồn cát.

HOÀNG THỊ HẠNH

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)