. ĐẶNG TUỆ LÂM
Trải qua 78 năm thành lập nước, nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã có một kho tàng âm nhạc đồ sộ về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Hoàng Long, tác giả của hai ca khúc nổi tiếng về Bác là Bác Hồ - người cho em tất cả và Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác cho biết: Bác Hồ là nhân vật vĩ đại, được cả dân tộc Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp năm châu kính trọng, mến mộ; vì thế, số lượng bài hát về Bác rất nhiều, khó có thể thống kê chính xác. Ông nhận định: “Trong thời kì Bác Hồ còn sống đã có nhiều bài hát ca ngợi Người, khi Bác qua đời và nhiều năm sau cũng có rất nhiều bài hát hay về Bác. Riêng ca khúc viết cho thiếu nhi về Bác Hồ đã có hàng trăm bài. Hiện nay các bài hát về Bác Hồ của các nhạc sĩ trẻ có ít hơn so với các thế hệ nhạc sĩ đi trước nhưng không phải vì thế mà không có tác phẩm đọng lại sâu đậm trong lòng công chúng.”
Từ gợi ý của người nhạc sĩ lão thành, chúng tôi đã tìm gặp những nhạc sĩ đang sung sức sáng tác trong và ngoài Quân đội để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Thật đáng mừng, những dòng chảy tiếp nối của âm nhạc đề tài Hồ Chủ tịch như sóng ngầm bền bỉ trên khuông nhạc với hàng chục tác phẩm mới được sáng tác trong thời gian gần đây. Đặc biệt nhiều tác phẩm đã được thể hiện theo những khúc thức, thể loại âm nhạc mới trẻ trung, năng động và gần gũi với thị hiếu, mĩ cảm âm nhạc của giới trẻ ngày nay. Mới đây, nhân dịp kỉ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2023), nhạc sĩ Kiên Ninh đã tái hiện hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ bằng âm nhạc qua ca khúc Người đi tìm hình của nước phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Chế Lan Viên. Là thế hệ sinh ra sau chiến tranh, song anh rất hứng thú với đề tài cách mạng. Nhạc sĩ chia sẻ, bản thân đã ấp ủ gần ba năm để chắt chiu lựa chọn những câu từ hay, những hình ảnh “đắt” của bài thơ để đưa vào phần ca từ của bài hát. Nhạc sĩ Kiên Ninh nói: “Bài thơ của nhà thơ Chế Lan Viên rất đặc sắc về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với câu chuyện hành trình đi tìm đường cứu nước. Nó mang đến cho tôi những rung cảm sâu sắc, từ đó có thêm những sáng tạo trong việc khắc họa chân dung của Bác.”
Trên phương diện âm nhạc, có thể nói nhạc sĩ Kiên Ninh đã rất dụng tâm trong việc truyền tải nội dung tư tưởng của thi phẩm bằng một nhạc phẩm về Bác vừa trữ tình, vừa hào sảng. Lúc thủ thỉ tâm tình giãi bày lòng kính yêu với Bác, lúc lại như khúc tráng ca toàn dân tộc dâng lên một con người trọn cuộc đời vì nước vì dân. Được ra mắt với giọng hát tuyệt với của hai nghệ sĩ opera là NSND Quốc Hưng và ca sĩ Đào Tố Loan cùng sự hỗ trợ của dàn hợp xướng, ca khúc này sẽ tạo được sự phong phú và đa dạng về hình thức biểu diễn, chẳng hạn như có thể được phối khí và triển khai biểu diễn đơn ca, song ca, hợp ca có lĩnh xướng...
Nhạc sĩ An Hiếu
Cũng trong tâm thế khắc họa rõ nét những cống hiến vĩ đại, sự hi sinh lặng lẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng âm nhạc, thượng tá - nhạc sĩ An Hiếu (Phó trưởng Khoa Quản lí văn hóa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) đã sáng tác hai ca khúc Vâng lời Bác dạy và Làm theo lời Bác. Anh bày tỏ: “Viết về Bác Hồ, đối với bất kì nhạc sĩ nào cũng là đề tài khó, bởi vì đã có quá nhiều bài hát hay, ca từ đẹp ca ngợi Người của các nhạc sĩ thế hệ trước. Do vậy, khi sáng tác, tôi chủ trương không lên gân, hô khẩu hiệu mà chú trọng tìm ngôn ngữ phù hợp với tuổi trẻ và âm nhạc phải mới mẻ, hiện đại. Tôi hi vọng sau khi nghe bài hát của mình các bạn trẻ sẽ học tập được những nét đẹp của tấm gương đạo đức, lối sống của Bác với cách thẩm thấu thật nhẹ nhàng, nhớ lâu.” Với giai điệu sôi động, hai ca khúc Vâng lời Bác dạy và Làm theo lời Bác có thể biểu diễn đông người trên sân khấu trong các sự kiện chính trị hoặc vừa hát, vừa nhảy trong các buổi giao lưu, hoạt động đoàn thể để tạo không khí chan hòa, đoàn kết cho đoàn viên, thanh niên. Nhờ những yếu tố này, hai ca khúc có thể hòa chung không khí âm nhạc cùng các ca khúc nhạc trẻ mà không bị lạc lõng, vẫn được bạn trẻ đón nhận đồng thời vẫn đảm bảo được tính tuyên truyền, tính chính trị cao. Cả hai ca khúc đều được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lựa chọn làm bài hát chính thức của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác vào các năm 2019, 2021.
Trong không khí chung đó, các nhạc sĩ công tác tại các đơn vị văn hóa, nghệ thuật phía Nam cũng có nhiều tác phẩm ý nghĩa và có giá trị nghệ thuật cao về Bác. Sinh ra và lớn lên trên quê Bác, nhạc sĩ Chẩm Hồng Giang - sinh năm 1979, hiện là biên tập viên âm nhạc thuộc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh - đã sáng tác ca khúc Dâng Người ngàn hoa chiến công. Năm 2019, ca khúc này - với phần thể hiện xuất sắc của nam ca sĩ Viết Danh - đã được trao giải thưởng “Ca khúc đề tài 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh hay nhất” trong Cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu hướng đến kỉ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019).
Với hai tác phẩm Nguyện theo lời Người và Nắng ấm trong tim hai lần được trao giải A Cuộc vận động sáng tác ca khúc chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhạc sĩ Hồ Vĩnh Trí, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đã góp thêm những bông hoa đẹp trong vườn hoa âm nhạc ca ngợi Bác. Được khơi nguồn cảm hứng âm nhạc từ bài thơ Đôi mắt người lãnh tụ của tác giả Vũ Tuấn (tỉnh Phú Thọ), những giai điệu đầu tiên đã hình thành trong anh và tiếp nối dâng trào. Nhạc sĩ Vĩnh Trí chia sẻ: “Bài thơ lột tả sự day dứt, chia sẻ của Bác trước sự khốn cùng của người dân một đất nước nô lệ, là sự trăn trở, khát khao tột cùng của Người để làm sao giải phóng quê hương, đất nước đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, tháo xiềng gông, thoát kiếp lầm than cho nhân dân. Khi ca khúc hoàn thành, tôi rất tâm đắc và hài lòng với đứa con tinh thần của mình khi thể hiện được gần như đầy đủ ý mình muốn về ca khúc dành tặng Bác.”
Một loạt tác phẩm âm nhạc khác do các nhạc sĩ trẻ trong Quân đội sáng tác cũng đã được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao giấy chứng nhận tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Có thể kể đến những sáng tác tiêu biểu như: Người cán bộ tăng cường của trung tá Nguyễn Bá Đại (phổ thơ của trung tá Phạm Vân Anh), Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ đội Biên phòng; Nghĩ về Bác của trung tá Lê Văn Hà, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân; Gia Lai theo Đảng, Bác Hồ của thiếu tá Thảo Nam Giang, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai; Bố tôi là người lính hải quân của thiếu tá Nguyễn Quang Vinh, Phòng Chính trị, Lữ đoàn 101, Vùng 4, Quân chủng Hải quân… Và không thể không kể đến Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh của thiếu tá - nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Anh viết ca khúc Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh xuất phát từ lòng kính trọng, biết ơn và khâm phục Bác Hồ kính yêu, một vĩ nhân của nhân loại. Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn tâm sự: “Các thế hệ đi trước đã có rất nhiều tác phẩm hay về Bác, có tính nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử to lớn. Là một nhạc sĩ trẻ trong quân đội, tôi rất vinh dự và tự hào khi được viết tiếp, viết thêm về Bác với một góc nhìn và cảm nhận của thế hệ trẻ bây giờ.”
Có thể nói, những nhạc sĩ trẻ trong và ngoài Quân đội hôm nay đã và đang tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước trong việc sáng tác các ca khúc về đề tài Bác Hồ. Tài năng, trí tuệ và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm cảm hứng sáng tác bất tận cho các nhạc sĩ trẻ hôm nay.
Đ.T.L
VNQD