.BÙI THỊ PHƯƠNG LAN
Theo các nhà nghiên cứu, văn học sinh thái là loại văn học lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái.
Nhắc đến văn học sinh thái, nhiều người nghĩ ngay đến những trang viết về thiên nhiên, môi trường. Điều đó có phần đúng, nhưng chưa đủ và dễ gây hiểu lầm. Văn học miêu tả thiên nhiên có từ xa xưa, gắn với văn minh nông nghiệp cổ xưa. Còn văn học sinh thái như quan niệm thời nay thì cần phải phản ánh được những tác động tiêu cực từ tiến trình văn minh hóa quá tải. Chẳng hạn như tác phẩm Dòng suối im lặng (Silent Spring, 1962) của Rachel Carson. Trong cuốn sách này Carson đã đưa ra những tác hại nghiêm trọng của hóa chất công nghiệp xả thải ra sông suối và ngấm vào đất khiến cho môi sinh lâm nguy và gây tác hại khủng khiếp.
Đề tài của văn học sinh thái rất rộng. Tác phẩm có thể không miêu tả cảnh vật tự nhiên, thể hiện tình yêu tự nhiên nhưng chỉ cần có thái độ không đồng tình với các hành vi phá hoại sinh thái, phơi bày căn nguyên văn hóa tư tưởng của nguy cơ sinh thái là có thể được xem là văn học sinh thái. Nói như giáo sư Lawrence Buell của Đại học Harvard, đó là nền văn học “viết vì một thế giới lâm nguy”. Vì thế, không nên đồng nhất văn học miêu tả thiên nhiên với văn học sinh thái.
Văn học sinh thái Việt Nam bắt đầu khởi sắc vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỉ XX. Nguyễn Minh Châu với tác phẩm Sống mãi với cây xanh, Trần Duy Phiên với bộ ba truyện ngắn Kiến và người, Mối và người, Nhện và người cùng tiểu thuyết Trăm năm còn lại đã đặt những viên gạch đầu tiên cho văn học sinh thái Việt Nam. Nội dung của những tác phẩm này xoáy vào tệ nạn khai thác tài nguyên cạn kiệt, vào chiến công và sự hi sinh của những anh hùng thời bình trong cuộc chiến bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên hay sự tương tác giữa tính cách con người và môi trường sống của các loại động vật trong thiên nhiên.
Theo nhà phê bình sinh thái Cheryll Glotfelty, một tác phẩm văn học sinh thái được nhận diện khi tác giả từ bỏ cách viết truyền thống, đó là cách viết hướng đến quyền lợi của con người, lấy con người làm trung tâm. Văn học sinh thái lấy tự nhiên làm trung tâm, đích hướng tới là trân trọng tự nhiên, bảo vệ tự nhiên.
Dù dòng văn học này có vẻ mới mẻ với nhiều bạn đọc, song trên thực tế đã có nhiều tác phẩm thành công, giúp cất lên tiếng nói đa chiều, sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Tiêu biểu như tiểu thuyết Cá hồi của nhà văn Hàn Quốc Ahn Do Hyun. Trong vòng quay tồn tại, cá hồi được sinh ra ở sông, sống ở biển, rồi lại lội ngược dòng tìm về sông - nơi mình đã sinh ra, để đẻ trứng. Như bao đồng loại, hai cô cậu cá hồi Mắt Trong và Ánh Bạc ngày ngày phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sinh tồn. Trải qua nhiều chặng đường gian nan, vượt thoát những cơn sóng dữ ở biển Bering Bắc Thái Bình Dương, hai cô cậu cá, trong sự trưởng thành vừa đớn đau vừa tự hào, đã dần tháo gỡ những thắc mắc về nguồn gốc của loài, về câu hỏi ý nghĩa cuộc đời, về cách nhìn nhận thế giới xung quanh. Thông qua những ẩn dụ về hành trình trở về nguồn cội của loài cá hồi, tác phẩm rung lên hồi chuông về cách nhận thức và ứng xử của con người đối với tự nhiên, phản ánh yêu cầu và tâm thức tất yếu của thời đại khi con người đang gánh chịu sự giận dữ và đáp trả của thiên nhiên.
Tác phẩm đáng chú ý khác là Cuộc đời của Pi của nhà văn người Canada Yann Martel. Cuốn tiểu thuyết kể về sự đối đầu với thiên nhiên để sinh tồn trong những ngày bị trôi dạt trên biển Thái Bình Dương của một cậu bé Ấn Độ 16 tuổi, người sống sót duy nhất sau vụ đắm tàu. Câu chuyện dành khá nhiều trang viết về cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Từ đó cho thấy con người thực sự bé nhỏ khi đứng trước mẹ thiên nhiên với sức mạnh vô cùng tận. Ý thức về môi trường sinh thái cũng từng được thể hiện rõ trong các sáng tác văn chương của Mĩ Latinh như Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez, Vương quốc trần gian của Alejo Carpentier...
Ngay từ thế kỉ XIX đã có những nhà văn mạnh dạn đi ngược dòng với số đông khi tạo ra một tổng thể hài hòa và cân bằng giữa con người và thiên nhiên trong tác phẩm của mình. Ví như tiểu thuyết Giữa lòng tăm tối của Joseph Conrad xuất bản năm 1899. Cuốn sách nói về nhân vật Marlow, từ nhỏ anh ta ham phiêu lưu khám phá, bị mê hoặc bởi những câu chuyện về châu Phi và dòng sông Congo và anh ta quyết tới vùng đất đó bằng được. Anh chạy vạy xin việc và cuối cùng cũng được phân nhiệm vụ đi ngược dòng sông để đưa một nhân vật quan trọng tên là Kurtz đang bị ốm trở về. Trên hành trình đó, Marlow chứng kiến tham vọng vơ vét tài nguyên thiên nhiên của chế độ thực dân tàn bạo...
Ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay, vấn đề sinh thái đã nổi lên trong một số tác phẩm tiêu biểu như: Chó Bi, đời lưu lạc (Ma Văn Kháng), Trăm năm còn lại (Trần Duy Phiên), Thập giá giữa rừng sâu (Nguyễn Khắc Phê), Sông (Nguyễn Ngọc Tư), Gần như là sống (Đỗ Phấn), Dòng sông chết (Thiên Sơn), Thiên đường ảo vọng (Nguyễn Trí), Săn cá thần (Đặng Thiều Quang), Biển và chim bói cá (Bùi Ngọc Tấn), Chúa đất (Đỗ Bích Thúy), Con chim joong bay từ A đến Z (Đỗ Tiến Thụy), Linh điểu, Đắm bầy virus (Nguyễn Văn Học)… Các tác phẩm đề cập đến những vấn đề mang tính chất thời sự liên quan đến những vấn đề sống còn trước nguy cơ hủy hoại môi sinh.
Trước hiệu ứng của văn học sinh thái trong phong trào bảo vệ môi trường, nhà văn người Mĩ Victor Montejo cho rằng số lượng tác phẩm văn chương liên quan đến môi trường ngày càng gia tăng đã thể hiện trách nhiệm của người cầm bút. Một tác phẩm văn học sinh thái không chỉ đơn thuần miêu tả, mà quan trọng hơn là phải có đầy đủ tư tưởng và góc nhìn sinh thái. Từ đó, chúng ta lí giải nguyên nhân của các sự vụ hủy hoại môi trường để thúc đẩy ý thức trách nhiệm của con người trong tiến trình bảo vệ tự nhiên. Ngoài ra, bằng sức tưởng tượng và sự nhạy cảm của nhà văn, tác phẩm hoàn toàn có thể dự báo thảm họa, cảnh báo các nguy cơ, khiến con người thức tỉnh và hướng tới việc biết trân trọng tự nhiên một cách tự nguyện.
Theo hầu hết các nhà phê bình sinh thái, để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên, những báo cáo khoa học với các con số khô cứng là chưa đủ. Cần phải tác động vào nhận thức và cảm xúc của con người để họ có trách nhiệm với môi trường từ ngay trong tâm thức. Và đây chính là lợi thế của văn học. Chính điều này đã tạo nên thành công và ý nghĩa thiết thực của văn học sinh thái trong việc đóng góp cho phong trào bảo vệ môi trường. Hi vọng trong thời gian tới, các nhà văn Việt Nam sẽ cho ra đời nhiều hơn những tác phẩm văn học sinh thái vừa có sự lôi cuốn về nghệ thuật viết, vừa bao chứa được những vấn đề môi sinh thiết yếu, góp thêm những tiếng nói hữu hiệu và thuyết phục cho phong trào bảo vệ tự nhiên tại Việt Nam và toàn cầu
B.T.P.L
----------------------------------
Tài liệu tham khảo chính:
1. Chương “Văn học sinh thái”, cuốn Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nxb Khoa học xã hội, 2017.
2. Bài viết “Phê bình sinh thái là gì”, cuốn Phê bình sinh thái là gì, Peter Barry, Hoàng Tố Mai dịch và chủ biên, Nxb Hội Nhà văn, 2017.
VNQD