. NGUYỄN ĐÌNH MINH KHUÊ
Được đặt tựa đề theo tên một tôn giáo bản địa gắn liền với khu vực Bảy Núi, An Giang, song tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022) không tự khép mình trong không gian Thất Sơn, và cũng không chỉ tập trung kể về hành trình lịch sử của một giáo phái. Ngược lại, khởi đi từ đức tin ấy, giáo phái ấy như một cột mốc, một điểm giao, cuốn tiểu thuyết lần tìm, phác họa những mối dây liên hệ, những nền cảnh văn hóa, chính trị phức tạp và rối ren của cả một dải đất Lục châu rộng lớn nửa đầu thế kỉ XIX. Cái căn cước và tâm tính bề sâu của đất và người Nam Bộ cũng từ đó được soi tỏ và diễn đạt một cách sắc sảo, tinh tế trong trang viết Lý Lan.
Chỉ trong hơn ba trăm trang sách, Bửu Sơn Kỳ Hương mở ra câu chuyện về cả một dòng tộc Hoa kiều, họ Huỳnh, nổi tiếng với nghề làm thuốc và thương hiệu Phước Xuân Đường, song tập trung chủ yếu vào thế hệ của hai anh em Ứng Xương, Tế Xương, và thế hệ liền sau mà Vĩnh Xương - con trai ông Ứng Xương - là nhân vật chính. Những lưu dân đầu tiên của dòng họ ấy gắn bó với đất Trấn Biên từ thuở Tổng binh Trần Thượng Xuyên và đoàn người Minh Hương khai phá Cù lao Phố. Con cháu về sau phần ở lại đất đai của tổ tiên, phần tỏa đi khắp nơi. Ông Ứng Xương kế nghiệp ông nội và cha, điều hành Phước Xuân Đường ở Đề Ngạn (Chợ Lớn ngày nay), ông Tế Xương lại lưu lạc đến vùng Châu Đốc, Bảy Núi để lập hiệu thuốc cũng với thương hiệu sẵn có của gia đình, còn Vĩnh Xương thì thậm chí xuất dương, đến tận Tân Gia Ba (Singapore) làm việc cùng người chú họ.
Rồi họ lại gặp gỡ, quen biết, giao thương, xung đột với đủ loại người, từ những kẻ bình dân nhất như chị Hai điên, anh Bình phụ việc trong Phước Xuân Đường, vợ chồng ông Tư ngày ngày đi chài lưới cá tôm… cho đến những nhân vật đã lừng danh trong lịch sử dân tộc như Lê Văn Khôi, Phật thầy Tây An, Trương Minh Giảng, Phan Thanh Giản, Trần Văn Thành… Bao chứa trong Bửu Sơn Kỳ Hương là hàng chục nhân vật khác nhau như thế mà không rõ ai mới thực sự là nhân vật trung tâm, và cùng với đó là những mối quan hệ chồng chéo, phức tạp, rối rắm giữa họ, thách thức trí nhớ và sự kiên trì của độc giả.
Thế giới được dựng nên trong Bửu Sơn Kỳ Hương, vì vậy, là một thế giới của sự. Các sự kiện xuất hiện dày đặc, không ngừng dồn dập, đuổi xô nhau, từ những rối ren tranh chấp chốn quan trường đến những chuyện lạ lùng nơi cồn hoang rừng sâu, từ những biến thiên to lớn làm dời đổi sơn hà cho đến bi kịch của những phận người nhỏ bé tưởng đã chìm khuất trong dòng lũ lịch sử. Chưa kể, trong cuốn tiểu thuyết này, đối thoại trực tiếp giữa các nhân vật gần như biến mất, hoàn toàn được thuật lại qua lời của người trần thuật toàn tri, hoặc chỉ xuất hiện trong những đoạn kể dùng lời nửa trực tiếp, ở đó người kể cố nhập mình vào nhân vật. Hành động kể lại ấy khiến những nghĩ suy và đối thoại cũng hóa thành sự kiện. Thế giới trong cuốn tiểu thuyết không phải là nơi người ta có thể nhẩn nha trò chuyện, tâm tình hay đắm mình trong những dòng suy tưởng không dứt. Người trần thuật tinh ý tách lấy phần nội dung căn bản nhất trong từng ý nghĩ, từng mẩu đối thoại rồi kể lại thật gọn và nhanh, như thể sợ không kịp bám theo những sự kiện, biến cố đang ráo riết diễn ra trong cái thế giới nhiều chuyển động và thậm chí là gấp rút ấy.
Càng góp phần làm nên sự biến hoạt không ngừng của thế giới trong Bửu Sơn Kỳ Hương là những liên hệ, những sự móc nối đầy tình cờ giữa các nhân vật và tình tiết. Bất thình lình, Bình đang khuấy chảo thuốc Bắc thì bị ông chủ Phước Xuân Đường sai đi tìm người đàn ông bí ẩn vừa từ núi xuống, rồi cứ thế dấn mãi vào một cuộc hành trình li kì kéo dài suốt mấy chục năm. Chị Hai điên cũng tình cờ có mặt trên chuyến đò nơi bến An Châu năm nào, cùng Bình và vị “dã nhân” kia, để rồi ăn ở với Bình, sinh ra cậu bé Hà Bá Chừa, tức Hà Vĩnh Long mà sau này sẽ gia nhập nghĩa quân của Đức Cố Quản ở Láng Linh, tham gia đánh Pháp với niềm tin sắt đá vào sự phò hộ của Phật Thầy. Và không dừng lại ở đây, độc giả sẽ còn chứng kiến nhiều sự bỗng nhiên, bất thình lình khác nữa trong suốt cuốn tiểu thuyết. Cậu bé con của Bình và người đàn bà điên, trong lúc đùa chơi, chợt nhiên rơi xuống giữa dòng nước xiết, đẩy cả gia đình vào cảnh li tán. Tịnh từ Tân Gia Ba mang thư của Vĩnh Xương về cho gia đình bạn thì xui rủi bị cướp chặn đường, lá thư bị hỏng, rồi mẹ Tịnh đột ngột qua đời và dấy loạn bắt đầu nổi lên, nên mọi thông tin về đứa cháu của dòng họ Huỳnh cũng hoàn toàn bị cắt đứt. Rồi trong cơn loạn lạc nơi thành Phiên An, Vĩnh Xương tưởng đã không qua khỏi, thì tình cờ được chú Ba Tế Xương tìm thấy, cứu sống…
Nhiều người sẽ tỏ ý không hài lòng với Bửu Sơn Kỳ Hương khi cuốn tiểu thuyết này có quá nhiều sắp đặt như thế, bởi điều ấy rõ ràng khiến mạch truyện đôi khi chưa thật nhuyễn, nhiều chỗ thậm chí trở nên gượng gạo, khó tin. Song nhìn từ một góc độ nào đó, thực ra lịch sử và cuộc đời nhiều khi cũng chỉ là một tập hợp, một hành trình của những tình cờ như thế, những ngẫu nhiên định mệnh có đôi lúc rẽ ngoặt đời người về những hướng mà khó ai có thể lường trước được, đúng như lời Phật Thầy từng nói và khiến chị Hai điên nhớ mãi: “Gặp nhau, quen nhau, ơn nhau, rồi lạc nhau, tìm nhau, gặp nhau, rồi lại lạc nhau, lại tìm nhau. Đó chẳng phải cuộc đời sao, những vòng xoắn vô tận những hợp tan” (tr.219). Việc Lý Lan sử dụng người trần thuật toàn tri một cách hết sức truyền thống trong Bửu Sơn Kỳ Hương, vì thế, có lẽ cũng là một dụng ý nghệ thuật của bà. Góc nhìn ấy khiến người kể có thể nhìn toàn diện sự diễn tiến của đời sống và lịch sử từ trên cao, quan sát những động cơ, những nhân - quả, những sự va đập, tương tác vi tế và phức tạp làm nên các biến cố và sự kiện trong thế giới mình đang kể, một góc nhìn mà những kiểu người trần thuật khác rõ ràng không có được, và vì thế sẽ không hữu hiệu để biểu đạt điều nhà văn muốn nói.
Quan trọng hơn, những tình cờ và ngẫu nhiên này biến thế giới của Bửu Sơn Kỳ Hương trở nên vô cùng hỗn độn, lai ghép, vượt ra khỏi các trật tự và khuôn khổ, dù thế giới ấy, như nói đến ở trên, vốn đã nhiều biến hoạt, đầy hỗn mang với đủ sắc dân, đủ loại người lưu lạc, di cư từ nhiều miền đất, với nhiều cá tính và chủ đích văn hóa, chính trị hết sức khác biệt, thậm chí đối chọi.
Đọc Bửu Sơn Kỳ Hương, trước mắt người ta vì thế hiện lên vừa bàng bạc vừa sắc nét một miền Nam thời kì tân tạo, một miền Nam phong nhiêu, tràn đầy chất sống mà cũng kì bí, hoang sơ và hỗn độn, cái thế giới được những cư dân xứ này mô tả rất chân xác chỉ bằng mấy câu hát bâng quơ khi gặt lúa chèo đò: Rồng chầu ngoài Huế/ Ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây. “Ngựa tế” trong câu ca trên được Đại Nam quấc âm tự vị (1896) của Huỳnh Tịnh Paulus Của giảng là “ngựa chạy mau mà đều bốn chưn”. Như vậy, trong hình dung của người Việt xưa, rất trái ngược với cái tĩnh tại, trầm mặc của những dáng “rồng chầu” gắn liền với đền đài, miếu mạo oai nghiêm xứ thần kinh, càng xuôi về Nam, mọi thứ dường như càng trở nên động, hoạt, tung hoành, mà hình ảnh “ngựa tế Đồng Nai” đã diễn tả rất rõ cái sinh khí cuồn cuộn ấy. Chưa kể, cũng như những sông rạch chằng chịt phương Nam đêm ngày không ngừng chia nước cho nhau, chảy lẫn vào nhau và chảy về các cửa biển để hòa vào đại dương mênh mông, xứ sở này non trẻ, sơ khai nhất so với các vùng miền khác của đất nước, mà cũng nhiều phức hợp, lai tạo và hỗn dung nhất.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, trong tập biên khảo Khi những lưu dân trở lại (Nxb Văn Nghệ tái bản, 1990), hết sức nhấn mạnh những đặc trưng nói trên của cá tính miền Nam. Ông viết: “Miền Nam không đứng yên một chỗ mà luôn luôn di động. Dân chúng cứ phải phiêu lưu, phiêu lưu mãi, nhưng phiêu lưu để đạt được đời sống càng ngày càng phong phú hơn. Một đặc điểm đáng chú ý là các chúa cũng như quan lại, được sinh ra và lớn lên ở một miền đất mới, chỉ thấy có hoạt động và hoạt động nên rất ít thành kiến. Nếu miền Bắc chỉ mở một Phố Hiến để thông thương thế giới bên ngoài sau Kinh kỳ thì miền Trong, cái số cửa ngõ thông thương ấy thật là nhiều” (tr.51).
Trong cách nhìn ấy, Bửu Sơn Kỳ Hương cho thấy một cảm nghiệm thật chân xác và tinh tế của Lý Lan về hồn cốt của vùng đất phương Nam. Vượt khỏi những định danh đã trở thành quán tính của nhiều người khi nói về tính cách của đất và người Nam Bộ (như phóng khoáng, hào hiệp, trượng nghĩa…), trong cuốn tiểu thuyết này, nhà văn tập trung quan sát cái cơ cấu ẩn giấu đằng sau những vận động của lịch sử và văn hóa đã thực sự diễn ra trên vùng đất ấy. Lối viết tiểu thuyết của Lý Lan trong Bửu Sơn Kỳ Hương có phần truyền thống, xa lạ với những thủ pháp tiền phong, và vì vậy có thể “mất điểm” trong mắt của nhiều độc giả đương đại. Dầu vậy, như đã phân tích ở trên, trong chừng mực nào đó, chính lối viết ấy đã giúp bà truyền đạt được, cho thấy được một cách sáng rõ và thuyết phục cái nhìn sâu sắc của mình về sự năng động và hỗn dung không ngừng gần như đã trở thành căn cước độc đáo của xứ sở này.
N.Đ.M.K
VNQD