Hình tượng Bác Hồ trong thơ Tế Hanh

Thứ Bảy, 18/11/2023 00:40

. TRẦN THỊ HỒNG HOA
 

Theo bờ tư tưởng ta lìa ta/ Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà. Tế Hanh đã viết hai câu thơ như thế để thể hiện rõ quyết tâm của mình trong việc đoạn tuyệt với lối sống cũ (và cả thi hứng cũ) để theo kháng chiến nguyện dùng ngòi bút phục vụ đường lối văn nghệ cách mạng. Thái độ đoạn tuyệt triệt để, dứt khoát của một tên tuổi trong phong trào Thơ mới, người đã sáng tác nên những vần thơ mang nỗi buồn “trong vắt”, đã làm nhiều người ngỡ ngàng. Chặng đường đời và đường thơ sau này chứng minh Tế Hanh đã làm đúng như những gì mình tuyên bố trong bài Đi. Ông hăng hái tham gia mọi công việc mà cách mạng giao phó, dùng ngòi bút sáng tác những vần thơ ngợi ca cách mạng, ngợi ca công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của quân và dân ta. Và trong những áng thơ cách mạng, hiển nhiên không thể thiếu những vần thơ viết về Bác, người lãnh đạo tối cao của cách mạng Việt Nam.

Bác là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ nhà thơ Việt Nam. Cùng thời với Tế Hanh, có rất nhiều nhà thơ viết về Bác như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên… Và những thi phẩm viết về Bác của Tế Hanh cũng không nằm ngoài cảm hứng chung của thời đại, của thế hệ cùng thời. Đó là niềm yêu kính, biết ơn Bác sâu sắc của cá nhân nhà thơ. Nhờ có Bác mà nhà thơ đã nhận thức rõ về bản thân, đã tìm ra con đường nghệ thuật đích thực: Có Bác Hồ ta lại hiểu thêm ta/ Nghe Bác nói: “Chống Mĩ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa”/ Đất bỗng ấm nơi hầm chông chiến lũy/ Trời cuối tầm tên lửa sáng thêm ra/ Tình càng nồng giữa đôi lứa cách xa/ Và chúng ta đi ngày đêm không nghỉ/ Đi suốt con đường, đi suốt bài ca/ Đánh thắng giặc Mĩ/ Thống nhất nước nhà (Đi suốt bài ca). Tế Hanh cũng viết về tình cảm yêu thương quý trọng của đồng bào dành cho Bác. Bác đã đi vào ca dao, tục ngữ, vào kho tàng văn học dân gian của nhân dân một cách tự nhiên nhất: Những bà mẹ ru con trong xóm vắng/ Câu ca dao thêm hai tiếng “Cụ Hồ” (Gửi miền Bắc). Ông cũng viết về tình yêu thiên nhiên, yêu trẻ con của Bác và tình cảm của con trẻ đối với Bác: Vâng theo lời Bác, tết trồng cây/ Từ đấy cành xanh, nhánh biếc đầy/… / Tất cả là ơn của Bác Hồ/ Bác mênh mông quá, phải không con/ Như cả đất trời, cả núi non/ Như lá hoa bốn mùa tươi tốt/ Như rễ sâu tận đáy tâm hồn/… / Và mỗi lần các con nhớ Bác/ Các con im lặng ngẩng đầu lên:/ Một vừng ánh sáng soi trên ngọn/ Lộng gió từng cao - Bác ở trên (Cây Bác Hồ)…

Song trong cảm hứng chung của thời đại, giữa những đề tài quen thuộc khi viết về Bác, Tế Hanh vẫn tìm được cho mình một lối đi riêng, không lẫn với những người khác. Viết về Bác, nhà thơ luôn có những liên tưởng, so sánh độc đáo và giàu tính suy tư. Đến thăm Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi ở ẩn ngày trước, ông đã có những liên tưởng thú vị giữa hai bậc vĩ nhân của đất nước cách nhau tròn 5 thế kỉ. Bác và cụ Ức Trai đều là những nhà văn hóa, quân sự tài ba. Người đánh thắng giặc Minh, người chiến thắng quân Pháp, người viết nên bản “Tuyên ngôn độc lập” bằng chữ Hán, người viết bản Tuyên ngôn độc lập bằng chữ Quốc ngữ: Bác Hồ thăm Côn Sơn/ Nơi ẩn xưa Nguyễn Trãi/ Năm thế kỉ đã qua/ Giữa hai người vĩ đại/ Nhìn mắt Bác chăm chú/ Đọc tấm bia Côn Sơn/ Thấy in hình lịch sử/ Những đỉnh cao tâm hồn/ Nguyễn Trãi xưa đánh Minh/ Bác Hồ nay đánh Mĩ/ Hai cuộc đời soi nhau/ Giữa núi non hùng vĩ/…/ Từ “Bình Ngô Đại Cáo”/ Kết thúc thắng giặc Minh/ Đến “Tuyên ngôn độc lập”/ Mở ra từ Ba Đình/ Bác Hồ thăm Côn Sơn/ Nơi ẩn xưa Nguyễn Trãi/ Năm thế kỉ nối liền/ Hai con người vĩ đại (Bác Hồ thăm Côn Sơn). Trong một lần về thăm lại Pác Bó, nơi Bác đã sống những ngày đầu khi mới về nước, lãnh đạo phong trào cách mạng nước nhà, chứng kiến khung cảnh bình dị, đơn sơ nơi Bác ở: Một miếng ván gập ghềnh trên tảng đá/ Mưa dột dưới chân, gió lọt trên đầu/ Tia nắng nào sưởi ấm hang sâu/ Đây nơi Bác hàng ngày viết lách/ Bàn: hòn đá cao, ghế: hòn đá thấp/ Lần đầu tiên lịch sử Đảng ra đời/ Mỗi một dòng như một ánh dương soi/ Đây bờ suối Bác nấu ăn. Rau măng, cháo bẹ/ Quả mác moong mà ngon đến thế/ Cây ổi đây, Bác nấu lá thay chè/ Nước uống vào thấm một vị the the (Pác Bó), nhà thơ như thấy mình đang đứng trên mảnh đất thiêng của dân tộc. Pác Bó trong tâm tưởng của Tế Hanh có vị trí, vai trò như “đền Hùng” thời hiện đại, là nơi khai sinh ra lần nữa dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX: Tôi đến thăm Pác Bó như đến thăm những gì trước nhất/ Một nguồn nước, một chiếc nôi, một đền Hùng, một Ra-dơ-lip (Pác Bó).

Tế Hanh cũng viết rất hay về giọt lệ của Bác. Trong một lần tham dự kì họp Quốc hội vào năm 1955, khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, nhà thơ đã chứng kiến Bác Hồ rơi lệ khi phát biểu về miền Nam. Những giọt lệ của Bác thật đặc biệt, những giọt lệ nhà thơ chưa thấy bao giờ: Tôi đã biết bao nhiêu thứ lệ/ Những mẹ già sáu khắc nhắc con thơ/ Những đứa con năm canh nhớ mẹ/ Những cặp tình nhân xa cách đợi chờ/ Nhưng chưa khi nào lòng tôi nghe sâu sắc/ Nghe dạt dào như cả đại dương/ Bằng khi thấy Bác Hồ lau nước mắt/ Nhắc đến miền Nam nửa nước đau thương (Còn nóng giữa lòng tôi). Những giọt lệ ấy đã làm nhà thơ xúc động đến tận đáy lòng. Từ giọt lệ Bác rơi, Tế Hanh thấy được tình yêu thương vô bờ bến của Bác dành cho miền Nam, như được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh trên con đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Như mạch suối non cao lấp lánh/ Bắt nguồn nghị lực những dòng sông/ Nước mắt Người truyền bao nhiêu sức mạnh/ Cho miền Nam đang chống kẻ thù chung/ Nước mắt Người năm năm qua còn đấy/ Đường tôi đi từng bước ánh soi ngời/ Nước mắt Người gồm bao nhiêu lửa cháy/ Năm năm qua còn nóng giữa lòng tôi (Còn nóng giữa lòng tôi).

Khi Bác mất, nhiều nhà thơ đã viết những vần thơ khóc Bác, viếng Bác chứa chan tình cảm. Lăng Bác trở thành một nguồn thi hứng cho nhiều nhà thơ. Tế Hanh cũng viết về lăng Bác. Nhưng khác với Viễn Phương, Chế Lan Viên hay Phạm Ngọc Cảnh…, ông tìm đến một đề tài mới mẻ: hành trình vận chuyển gỗ từ Nam ra Bắc xây dựng lăng Bác. Trên chặng đường hành quân ở Trường Sơn huyền thoại, nhà thơ đã gặp người lái xe chở gỗ ra xây dựng lăng Bác: Tôi gặp anh giữa Trường Sơn bát ngát/ Anh chở gỗ miền Nam ra xây lăng Bác (Trường Sơn dâng Bác). Nhìn cách người lái xe chăm chút cho cây gỗ, nhà thơ cảm nhận được tình cảm mến yêu vô vàn của người lái xe nói riêng và đồng bào miền Nam nói chung dành cho Bác. Ai cũng muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng nơi an nghỉ ngàn thu của Người: Anh như biết mình làm một việc thiêng liêng/ Gỗ quý đây là tình nghĩa giữa hai miền/ Anh lái xe giữa mùa chiến dịch/ Toàn đi đêm đề phòng máy bay địch/ Anh phải lo bảo vệ gỗ an toàn/ Như giữ trọn lời hứa với miền Nam/…/ Dừng bên suối anh chỉ lo gỗ nứt/ Anh xuống khe múc từng thùng nước long lanh/ Tắm cho cây như thể tắm cho mình/ Có những lúc gặp mưa rừng xối xả/ Anh lại vào rừng bẻ từng cành lá/ Anh lấy áo mưa tìm những tấm ni lông/ Đắp cho cây nghe ấm cả trong lòng (Trường Sơn dâng Bác). Khi lăng Bác hoàn thành, vào thăm, nhà thơ cảm nhận đây không chỉ là nơi Bác yên nghỉ đêm ngày mà còn là một điểm đến thiêng liêng của dân tộc, nơi hồn thiêng sông núi ngàn năm tụ hội về: Ôi tấm lòng Trường Sơn sao mà đẹp thế/ Lăng Bác đã hoàn thành giữa mùa xuân đại thắng bảy lăm/ Trong dịp này tôi sung sướng được vào thăm/ Màu đá đẹp như trăng sao tích tụ/ Hương gỗ thơm như non ngàn ấp ủ (Trường Sơn dâng Bác).

“Nhờ có cách mạng, nhờ có nhân dân, Tế Hanh đã đem một chất mới cho bản thân mình, riêng của mình, rất Tế Hanh và cái riêng ấy đã đóng góp vào cái chung của nền văn học chúng ta”, Chế Lan Viên đã nhận định về Tế Hanh như thế trong một bài viết công phu Tế Hanh hay thơ và cách mạng. Chắc chắn trong những đóng góp của ông cho nền văn học cách mạng, những bài thơ viết về Bác có một vị trí xứng đáng như vị trí của ông trong nền thơ Việt Nam.

T.T.H.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)