Ngôn ngữ trả lời phỏng vấn báo giới của Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 25/11/2023 00:05

. PHẠM THỊ THÙY LINH
 

Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là bậc thầy trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, ngoại giao đến văn chương nghệ thuật... Riêng trong lĩnh vực báo chí, những lời chỉ dạy của Người đã, đang và sẽ mãi là kim chỉ nam cho nền báo chí cách mạng nước ta. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhiều lần trả lời phỏng vấn báo giới trong và ngoài nước. Nghiên cứu phong cách trả lời phỏng vấn báo chí của Người, đặc biệt là trên phương diện sử dụng ngôn ngữ, là cơ hội để chúng ta thêm hiểu, thêm khâm phục trí tuệ và nhân cách của Bác, đồng thời rút ra những bài học cần thiết trong việc sử dụng hiệu quả thế mạnh của truyền thông trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Tác giả Vũ Khoan đã thống kê, “kể từ sau Cách mạng tháng Tám thành công đến khi trút hơi thở cuối cùng, Bác đã trả lời phỏng vấn báo chí tới 95 lần”(1). Tính cả một số bài trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế trong thời gian Người đi tìm đường cứu nước và cả các bài Người trả lời các báo bằng văn bản, tác giả Sông Lam và Bình Minh tập hợp được tới 120 bài trả lời phỏng vấn của Bác(2). Qua các bài trả lời báo chí đó, Bác đã thể hiện một bản lĩnh chính trị vững vàng, một nhân cách cao đẹp và đặc biệt là một phong cách ngôn ngữ đặc sắc.

1. Diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, trong sáng

Đây chính là đặc điểm dễ nhận biết nhất và cũng đáng học tập nhất trong ngôn ngữ trả lời phỏng vấn của Bác. Các vấn đề báo chí quan tâm hết sức rộng lớn, từ chính trị đến kinh tế, giáo dục đến quốc phòng, vấn đề trong nước, khu vực và quốc tế, thậm chí cả vấn đề đời tư… Nội dung nào Người cũng trả lời bằng những từ ngữ rất ngắn gọn, nội hàm khái niệm rõ ràng, không sử dụng những từ có thể gây hiểu nhầm hay tranh cãi, giúp người phỏng vấn dễ hiểu, dễ tiếp nhận và không tạo cơ hội cho sự xuyên tạc, bóp méo sự thật.

Trong bối cảnh chính trị phức tạp của thời kì đầu giành độc lập, khi trả lời phỏng vấn của thông tín viên hãng Reuter, trong khi phóng viên hỏi rất dài, mang tính chất gợi ý những giải pháp chính trị đi ngược lại với chủ trương của ta lúc bấy giờ, Bác chỉ trả lời trực tiếp vào nội dung chính: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”, hay “Nếu không hòa bình được, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Toàn dân Việt Nam cương quyết tranh đấu cho thống nhất và độc lập”…

Một ví dụ khác, khi Bác trả lời phỏng vấn của báo Frères D’armes (nội dung đăng trên báo Cứu quốc, số 6, ngày 25/5/1948), khi được hỏi “Chủ tịch ghét gì nhất?”, Bác trả lời “Điều ác”. Lại hỏi “Chủ tịch yêu gì nhất?”, Bác trả lời “Điều thiện”. Lại hỏi “Chủ tịch cầu mong gì nhất?”, Người trả lời “Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên toàn cầu”. Và khi được hỏi “Chủ tịch sợ gì nhất?”, Bác trả lời “Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì”...

Rõ ràng, ngôn ngữ của Bác đã đạt đến độ cô đúc, là sự kết tinh của trí tuệ và tình cảm của Người. Nói dài, nói vòng vo chẳng qua là vì chưa hiểu rõ bản chất vấn đề, chưa đủ năng lực để sử dụng hiệu quả vốn ngôn từ phong phú vô tận của dân tộc. Sự ngắn gọn trong ngôn ngữ của Bác chính là tinh thần “kiệm lời, nhiều ý”, “quý hồ tinh bất quý hồ đa” vậy!

 

2. Làm chủ nội dung

Thách thức lớn đối với người được phỏng vấn - đặc biệt là trên cương vị của một nhà ngoại giao lớn, một vị lãnh tụ - đó chính là khả năng làm chủ tình huống, làm chủ nội dung, làm chủ hoàn cảnh của cuộc phỏng vấn. Báo chí quốc tế cũng như trong nước luôn song song tồn tại nhiều luồng tư tưởng trái ngược nhau. Không ít nhà báo chủ tâm đặt những câu hỏi khó, có ý móc máy, cài bẫy. Nhưng trong bất kì tình huống nào, Hồ Chí Minh luôn thể hiện một thái độ bình tĩnh, tự tin, làm chủ tình thế, đôi khi còn sử dụng cách nói hóm hỉnh, hài hước để “bóc mẽ” người phỏng vấn. Bản lĩnh ấy hẳn là kết quả của một trí tuệ uyên bác, am hiểu sâu sắc các vấn đề chính trị, thời sự trong nước cũng như trong khu vực và trên thế giới, một “tinh thần thép” được rèn đúc qua bao thăng trầm cuộc sống của một người chiến sĩ cách mạng hi sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Trả lời phỏng vấn báo Prance Soir (đăng trên báo Cứu quốc, số 1178, ngày 28/2/1949), khi được hỏi “Theo ý Chủ tịch, giữa chính phủ Chủ tịch với Bảo Đại có thể thỏa ước hay không?”, Bác trả lời rành rọt “Trong một nước, làm gì có thỏa ước giữa một tư nhân công dân với Chính phủ do toàn dân cử ra”. Hỏi tiếp “Nếu có thể thỏa ước, thì điều kiện thỏa ước phải như thế nào?”, câu trả lời của Bác là “Xem câu trả lời trên”. Bản lĩnh kiên định, tư thế của người làm chủ tình hình ấy được thể hiện trong khá nhiều lần trả lời phỏng vấn khi Người không trả lời câu hỏi của nhà báo mà yêu cầu nhà báo xem lại câu trả lời trên vì ở đó đã thể hiện đầy đủ quan điểm của người được hỏi.

Gặp những vấn đề chính trị nhạy cảm, Hồ Chí Minh không bao giờ né tránh, nhưng luôn thận trọng trong cách trả lời. Ngôn ngữ Người sử dụng trong các trường hợp này hết sức uyển chuyển, tinh tế, vừa “lật tẩy” ý đồ của người “hỏi khó”, vừa đạt được mục đích chính trị của mình. Chẳng hạn, khi phóng viên báo Nhân đạo hỏi Bác “Liệu nó (hậu quả của ách thực dân và chiến tranh - P.T.T.L) có làm thương tổn đến mối quan hệ Việt - Pháp không?”, Bác trả lời rất khôn khéo “Mặc dù có cuộc chiến tranh đó và những vết thương do nó gây ra, chúng tôi vẫn luôn là những người bạn của nhân dân Pháp và chúng tôi không bao giờ lầm lẫn nhân dân Pháp với bọn thực dân”…

Một ví dụ khác, khi phóng viên của hãng thông tấn Press Trust of India hỏi “Nay chiến tranh đã kết thúc, Ngài lãnh đạo Chính phủ trên cơ sở thời bình hay là trên cơ sở thời chiến, hay là trên cơ sở nửa hòa bình, nửa giới nghiêm, nửa chiến tranh?”, Bác trả lời “Trên cơ sở thời kì chiến sự chấm dứt và thời kì hòa bình bắt đầu” - vừa ngắn gọn vừa sâu sắc, ý nhị.

3. Nói có sách, mách có chứng

Khi trả lời phỏng vấn, với những câu hỏi “Có hay không...?”, Bác thường xuyên sử dụng từ để khẳng định trước, sau đó mới giải thích cụ thể. Có - vì sao nói có. Không - vì sao lại không. Vừa có vừa không - không ở chỗ nào, có ở chỗ nào… Trong mỗi phần giải thích, Bác lại chia thành các ý nhỏ - một là, hai là, ba là… - rất mạch lạc, dễ hiểu, thuyết phục người nghe bằng những luận chứng, luận cứ “hai năm rõ mười”.

Về việc sử dụng luận chứng, Bác có biệt tài trong việc huy động số liệu khi trả lời phỏng vấn. Những con số Người đưa ra để lập luận, chứng minh một vấn đề luôn rõ ràng, chi tiết, hiệu quả cao. Ví dụ, để phản bác luận điệu xuyên tạc, phản động của bè lũ Mĩ - Diệm, Bác cung cấp cho phóng viên Thông tấn xã Cộng hòa Dân chủ Đức những con số khủng khiếp của 7 năm Ngô Đình Diệm chấp chính: “9 vạn người chết và bị thương, 67 vạn người bị giam trong các nhà tù và trại tập trung, 50 vạn người bị tra tấn…, 7 năm nay không có ngày nào là không có chém giết, cướp bóc, đốt nhà và tra tấn dã man...”. Để chứng minh cho sự phát triển kinh tế và văn hóa nước ta trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội, khi trả lời phỏng vấn của báo Tin tức Moscow, Bác còn lập hẳn một bảng thống kê những số liệu chính xác trên từng lĩnh vực trong sự đối sánh giữa hai năm 1955 và 1959. Để minh chứng cho tình cảm của nhân dân Mĩ đối với Việt Nam, sự phản đối của nhân dân Mĩ với cuộc chiến tranh phi nghĩa, Bác kể tên của từng công dân Mĩ - những tấm gương hi sinh cảm động trong phong trào biểu tình của nhân dân Mĩ chống chiến tranh xâm lược ở Việt Nam…

 

4. Sử dụng hiệu quả chất liệu dân gian

Đây là một đặc điểm quan trọng làm nên phong cách ngôn ngữ báo chí nói chung và phong cách trả lời phỏng vấn báo chí nói riêng của Bác.

Người thường xuyên sử dụng các cách nói so sánh, ví von giản dị, dễ nhớ, dễ hiểu mà lại hợp tình hợp cảnh, làm tăng giá trị biểu cảm cho nội dung. Bên cạnh đó, các thành ngữ, tục ngữ, câu nói dân gian cũng được Người vận dụng khéo léo, cho hiệu quả cao. Chẳng hạn, Người so sánh việc Pháp vu cáo Việt Nam gây ra chiến tranh cũng giống như chuyện kẻ mạnh và kẻ yếu trong truyện ngụ ngôn Con chó sói và con cừu của La Fontaine; việc Pháp loan tin Hiệp ước Mao - Hồ cũng giống như “chó dại cắn quàng”; việc ngăn cản Việt Nam đấu tranh giành hòa bình cũng giống như “ngăn mặt trời mọc”; tình trạng của Mĩ trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam là “rúc trong đường hầm không lối thoát”, dù có “thay ngựa giữa dòng” thì cũng chẳng ăn thua gì; chế độ Nguyễn Khánh ở Sài Gòn và kế hoạch đưa chiến tranh ra miền Bắc cũng giống như “con cáo đã bị mắc kẹt hai chân trong bẫy mà còn muốn nhảy vào một cái bẫy khác”…

Có thể nói, chiều sâu văn hóa của con người Hồ Chí Minh đã kết tinh, lan tỏa và thấm sâu vào mỗi trang viết, mỗi câu nói trong sự nghiệp cách mạng của Người. Tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ trả lời phỏng vấn báo chí của Bác, chúng ta càng khâm phục trí tuệ và nhân cách Người, càng trân quý thêm những bài học quý báu mà Người để lại.

Trong thời đại của công nghệ số và truyền thông số hiện nay, việc sử dụng thế mạnh của báo chí và trả lời báo chí sao cho hiệu quả vẫn là vấn đề của không ít người, kể cả những vị lãnh đạo cấp cao. Học tập bản lĩnh trả lời phỏng vấn báo chí của Bác, rằng phát biểu trước báo giới thì nói phải có sách mách phải có chứng, làm chủ nội dung, làm chủ tình huống, diễn đạt cần trong sáng, tránh tình trạng hiểu sai, hiểu nhầm… là nhiệm vụ của những người làm chính trị, những nhà lãnh đạo, quản lí. Đây là cách để họ nâng bản lĩnh chính trị, thu phục nhân tâm, từ đó xây dựng thương hiệu cá nhân và làm đẹp hình ảnh địa phương, đất nước.

P.T.T.L

--------

1. Xem: Vũ Khoan, Học tập Bác Hồ trả lời phỏng vấn báo chí, Báo Quân đội nhân dân Online, ngày 17/6/2012.

2. Xem: Nguyễn Sông Lam, Bình Minh, 120 bài trả lời phỏng vấn báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, 2010.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)