Nguyễn Quốc Trung - kí ức huyền thoại

Thứ Sáu, 24/11/2023 00:07

. NGUYỄN THANH TÂM

 

Những câu hỏi từ hiện tại...

Nghĩ về sự ra đi của nhà văn Nguyễn Quốc Trung trong đại dịch Covid-19, trong tôi vọng lên nhiều câu hỏi. Sau những cái tên như Bùi Cát Vũ (Đường vào Phnom Pênh), Nguyễn Trí Huân (Dòng sông Xô Nét), Anh Ngọc (Sông Mê Kong bốn mặt), Thu Bồn (Campuchia hi vọng), Nguyễn Quốc Trung (Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Đất không đổi màu), Văn Lê (Khoảng rừng có những ngôi sao), Thanh Giang (Dòng sông nước mắt), Khuất Quang Thụy (Không phải trò đùa), Lương Hữu Quang (Những câu thơ ngoái lại), Ngân Vịnh (Sương đẫm lá khộp khô), Bùi Thanh Minh (Bên dòng sông Mê), Sương Nguyệt Minh (Miền hoang), Trần Ngọc Phú (Từ biên giới Tây Nam đến đất chùa tháp), Nguyễn Đình Tú (Hoang tâm), Trung Sỹ (Chuyện lính Tây Nam), Đoàn Tuấn (Mùa chinh chiến ấy), Nguyễn Ngọc Tiến (Lính Hà)… và nhiều nhân chứng khác, người ta sẽ viết gì, viết như thế nào về chiến tranh biên giới Tây Nam? Rộng hơn, văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính sẽ vận động và định hình ra sao, khi những con người, những nhà văn đi ra từ cuộc chiến không còn nữa? Kí ức sẽ ở đâu trong sự diễn giải của hiện tại?

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung

Kí ức không phải là những gì đã qua, được sắp xếp ngủ yên trong quá khứ. Kí ức song hành cùng hiện tại, tham dự vào việc kiến tạo hiện tại và định hình nền móng cho tương lai. Bởi thế, những tên tuổi, tác phẩm vừa nêu trên dường như đang rọi vào ta cái nhìn vừa vẫy gọi, chờ đợi, lại vừa như chất vấn, phản biện và phán xét. Trong quan sát chủ quan, tôi nhận ra, văn chương hôm nay viết về đề tài chiến tranh cách mạng - người lính đang vận hành trên sáu dòng chảy chính. Thứ nhất, những bài học của chiến tranh. Thứ hai, những nguy cơ của hòa bình (chủ quan, mất cảnh giác, thỏa hiệp, tha hóa…) Thứ ba, chiến tranh là thảm họa. Thứ tư, chiến tranh "như tôi hình dung" (đây là khuynh hướng khá rộng mở). Thứ năm, những vấn đề hậu chiến (thương binh, liệt sĩ, tìm kiếm, quy tập, tháo gỡ bom mìn, hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa giải, đoàn tụ, tái diễn giải, bạch hóa…) Thứ sáu, cuộc sống học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu nạn cứu hộ, gìn giữ hòa bình thế giới… của người lính hôm nay. Nhưng dường như, có điều gì đó đang biến mất? Không khí sử thi lãng mạn, những huyền thoại, những niềm tin lớn, những giá trị cao cả của lẽ sống con người và thời đại đang dần phai nhạt, ngay cả trong dòng văn chương viết về chiến tranh cách mạng và người lính. Chúng ta đã trả giá cho hòa bình bằng biết bao máu xương, nhưng chúng ta biết lấy gì để trả cho máu xương? Câu hỏi ấy vẫn không ngừng truy vấn hiện tại và cả tương lai. Kí ức, văn chương nghệ thuật, lịch sử và những động thái tri ân của hiện tại có thể là những cách thức để máu xương không bị quên lãng. Và tương lai, nếu có cơ sở nào đó để hình dung, thì chính là nhờ vào những điều không thể lãng quên ấy.

Một cách hình dung về huyền thoại - từ Nguyễn Quốc Trung

Huyền thoại có thể được hiểu là những câu chuyện lớn, những niềm tin lớn, có sức lan tỏa, bao trùm, chi phối các thực tại khác. Huyền thoại, theo nghĩa đó, là những diễn ngôn mang quyền lực. Từ góc nhìn này, soi chiếu vào dòng văn chương viết về chiến tranh cách mạng - người lính, có thể nhận thấy, hệ thi pháp sử thi chính là cơ chế để tạo nên huyền thoại. Những tác phẩm của Nguyễn Quốc Trung, ở quan niệm giá trị và hệ thi pháp, về căn bản là sự tiếp nối, kế thừa di sản sử thi, vốn làm nên một thời đại văn học cách mạng rực rỡ.

Trước hết, có thể nhận thấy, trong các tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng - người lính (cụ thể ở đây là chiến tranh biên giới Tây Nam, từ Biên giới - 1985 đến Đất không đổi màu - 2005), Nguyễn Quốc Trung sử dụng cấu trúc truyện kể mang tính huyền thoại của văn học sử thi. Đó là cấu trúc tuyến tính, theo dòng sự kiện: trận đánh, chiến dịch, không gian chiến trường, hậu phương, năm tháng quân ngũ của người lính… Cấu trúc này được hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ thống mạch tự sự khá rõ nét, trong đó mạch chính là chiến tranh biên giới Tây Nam, mạch phụ - nhánh là những câu chuyện, sự kiện liên quan đến người lính (hậu phương, gia đình, tình yêu, nhân dân…) Đằng sau cấu trúc tự sự này là khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc, tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, phẩm giá con người… Có thể nói, Nguyễn Quốc Trung đã bền bỉ duy trì và phục hoạt không khí sử thi huyền thoại trong những áng văn chương thời chiến trước 1975.

Ở trung tâm của truyện kể là người lính - những nhân vật huyền thoại (Nguyễn - Biên giới; Dần, Quyền, Tiếu, Ba Quân, Sáu Tèo - Đất không đổi màu; Tùng - Dòng sông bên chùa). Cùng với họ, những nhân vật khác, từ tướng lĩnh chỉ huy (Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầm, Bùi Cát Vũ) đến chiến sĩ, dân quân, thanh niên xung phong và nhân dân yêu nước… đều mang trong mình ánh sáng của huyền thoại. Họ sống giản dị ngay thẳng, yêu hòa bình, căm thù giặc, mưu trí dũng cảm, chiến đấu kiên cường, xả thân vì dân vì nước, hi sinh quả cảm… Nối kết vào truyền thống xây dựng nhân vật của văn học sử thi, có thể thấy, Nguyễn Quốc Trung đã lĩnh hội và phát huy trọn vẹn những thủ pháp đắc địa nhất, nhằm làm nổi bật hình tượng nhân vật huyền thoại. Người lính trên chiến trường là vàng mười đã qua lửa đỏ, như lời nhân vật Tiếu trong tiểu thuyết Đất không đổi màu: “Không phải vàng thiệt thì chịu thế nào được lửa.” Với cách hình dung này, huyền thoại người lính thực sự quý giá, bền bỉ, đầy hào quang - vinh quang, thách thức những cuộc thử lửa cam go nhất của thời đại và lịch sử. Người lính là người thực hành lí tưởng, biểu tượng của chân lí, phẩm giá. Họ cũng là những tấm gương chính nghĩa giữa thời tao loạn; là đối cực để cân bằng, thanh lọc những chênh vênh, dao động, tiêu cực giữa chiến tranh và hòa bình, sống và chết, vinh và nhục…

Huyền thoại được duy trì như là khí quyển chủ đạo của những tác phẩm viết về người lính, chiến tranh của Nguyễn Quốc Trung. Có được không khí ấy là nhờ cảm hứng sử thi bi tráng xuất phát từ tình cảm, ý thức thường trực của người viết dành cho nhân vật, sự kiện. Nhiệt huyết cách mạng say mê, khát khao dâng hiến mãnh liệt, phẩm giá kiên trung, quả cảm luôn được đề cao, giúp cho người lính vượt lên tất cả trở ngại của chiến tranh và đời sống. Ở những nhân vật như Nguyễn, Thái (Biên giới), Dần, Quyền, Tiếu (Đất không đổi màu), Tùng (Dòng sông bên chùa), người đọc luôn cảm nhận được sắc thái hội tụ của những vẻ đẹp làm nên hình tượng người lính Cụ Hồ đã tỏa bóng kì vĩ trong văn chương sử thi cách mạng những năm chống Pháp, chống Mĩ đến chiến tranh biên giới Tây Nam… Là một người lính, từng đi qua năm tháng đánh Mĩ, chống Pol Pot, bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, chứng kiến cuộc sống chiến đấu hi sinh của đồng chí đồng đội, Nguyễn Quốc Trung luôn dành cho nhân vật người lính sự tôn vinh, lòng mến yêu, cảm phục. Chính cảm hứng này định hình giọng điệu sử thi với âm hưởng bi tráng xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Quốc Trung. Dù là thời chiến hay thời bình, giữa khi đối mặt kẻ thù trên chiến trường hay những toan tính thiệt hơn - tráo trở - vụ lợi - phản trắc giữa đời thường, cảm hứng sử thi, giọng điệu bi tráng vẫn ngân lên như nốt nhạc thanh cao, phẩm tính thanh khiết, vãn hồi, cân bằng lại giá trị làm người. Sức cảm hóa, thanh lọc của hình tượng và cảm hứng được thể hiện rất rõ từ cuộc sống của Nguyễn đối với Quỳnh Dương (vốn là một tiểu thư đài các của Sài thành), Bảy Đởm (vốn là tay anh chị giang hồ khét tiếng (Biên giới), của Dần, Quyền, Tiếu, Sáu Tèo, Ba Quân và nhiều người lính khác đối với những kẻ hèn nhát, trốn tránh nhiệm vụ (Đất không đổi màu), của Tùng đối với Ni Hương - một ni cô ở chùa Thiện Lợi và Phan - một cựu binh phía bên kia (Dòng sông bên chùa)…

Ở mạch tự sự chủ đạo, Nguyễn Quốc Trung đã vận dụng hệ thống ngôn ngữ mang tính huyền thoại. Dù được tiết chế ít nhiều do thời điểm tác phẩm xuất hiện và đặc tính thể loại (văn xuôi), nhưng có thể thấy đó vẫn là lớp ngôn từ cực tả, rắn rỏi, khỏe mạnh, khắc tạc, nhằm phô bày vẻ đẹp của người lính cả về thể chất và tâm hồn: “Vũ Hoàng ôm xác con vào lòng, trông dáng ông lừng lững như pho tượng… Các chiến sĩ đều im lặng, đứng vây quanh. Xung quanh họ, khói của những ngôi nhà bị đốt vẫn cuồn cuộn bốc lên… Nghe Píc Nin kể, lòng sư trưởng Vũ Hoàng quặn đau. Nước mắt Thái rưng rưng. Còn Nguyễn, trong lòng anh như có ngọn lửa cháy rừng rực. Gương mặt hơi gầy của sư trưởng đăm chiêu, nét đanh lại… Buộc chiếc võng dù ngang người, dắt thêm bốn quả lựu đạn cầu quanh thắt lưng, tay cầm khẩu AK báng gấp, Nguyễn lầm lũi xuyên đêm xuống đại đội hai. Những tảng mây đen dồn kín vòm trời, khói và tàn lửa màu hoa cải bay sàn sạt trên đầu. Biên giới Tây Nam chìm trong cảnh chiến tranh” (Biên giới); “Sáu Tèo thấy, bên kia con rạch, mấy tên lính Pôn-Pốt đang tụ lại bên khẩu ĐKZ bờ vùng, anh bò lên một đoạn, giương B40 lên, nhưng không ngắm được. Máu vẫn trào ra má nóng hổi. Tiểu đội trưởng Sáu Tèo vuốt máu và anh kẹp khẩu súng bên mình trườn lên… Cả đại đội hồi hộp dõi theo Sáu Tèo. Bất chợt, tiểu đội trưởng Sáu Tèo đứng thẳng, đặt khẩu B40 lên vai bắn. Một vệt lửa bùng lên, hất khẩu ĐKZ và mấy tên địch văng ra xa. Nhưng liền lúc đó, một tên nấp ở gần đó đã kéo một băng AR15 về phía Sáu Tèo. Sáu Tèo hực lên một tiếng, ngực anh đau nhói, mắt tối sầm, khẩu B40 tuột khỏi tay. Anh chới với và ngã nhào, máu từ ngực anh xối xuống đất khô bong, một lát loang ra đỏ sẫm mặt đất” (Đất không đổi màu).

Thế giới nghệ thuật là sản phẩm của tư duy nghệ thuật. Thế giới huyền thoại trong tác phẩm viết về chiến tranh - người lính của Nguyễn Quốc Trung, theo cách đó, là sản phẩm của tư duy sử thi với tính chất điển hình hóa, cao cả hóa những nhân vật đại diện cho lí tưởng. Kiểu tư duy này cũng phát huy thế mạnh trong các thao tác phân cực có tính nhị nguyên (ta - địch, tốt - xấu, chính nghĩa - phi nghĩa…) Người đọc sẽ nhận ra, bên cạnh tuyến nhân vật huyền thoại là những nhân vật - thế lực phản huyền thoại. Từ bè lũ Pol Pot tráo trở tàn ác đến những người đàn bà phụ bạc, những quân nhân hèn nhát tự thương, đào ngũ, những kẻ lưu manh cơ hội, những toan tính vụ lợi… càng làm ngời thêm phẩm chất huyền thoại của người lính Cụ Hồ.

Bức tranh chân dung Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ và gửi đến tọa đàm tặng gia đình nhà văn

Thân phận của huyền thoại…

Huyền thoại mang quyền lực, nhưng huyền thoại không phải là tất cả. Trong tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng - người lính của Nguyễn Quốc Trung, người đọc hiện thời có thể nhận ra những chuyển động từ phía ngoại biên, với những sắc thái riêng khác mang đến nhịp điệu mới cho hơi thở thế sự. Đó là biểu hiện tất yếu của quá trình nhà văn sống trải, qua chiến tranh và hòa bình, qua những tình thế khác nhau của cuộc đời. Văn chương Nguyễn Quốc Trung ở mạch chảy này cũng hiện lên những băn khoăn, day trở về thân phận người lính cùng những gì đang diễn ra trong chính cuộc sống của họ. Nhân vật bác sĩ Tuân nhạt nhẽo và thờ ơ với tình thế chiến tranh của đất nước, nhân vật Đẻn sợ chết nên đào ngũ, thầy Nhơn núp bóng nhà chùa để làm chuyện đồi bại và tụ tập bè lũ phản động… (Biên giới), Chinh - người vợ phản bội của trung đoàn trưởng Dần, Khanh - người vợ không giá thú tráo trở của trưởng phòng dân vận Vương Thế, đại đội trưởng Tý hèn nhát tự thương (Đất không đổi màu), nhân vật Đống (vốn là biệt động quân phía bên kia, có nợ máu với nhân dân) khi hòa bình lợi dụng thần Phật để mưu sinh (Dòng sông bên chùa)… là những biểu hiện của thế sự phức tạp, khó lường mà người lính phải đối diện. Trong trận chiến không tiếng súng ấy, không phải lúc nào người lính cũng chiến thắng. Họ phải mang những vết thương, cả trên thân thể và trong tâm hồn. Thế nhưng, gác lại tất cả, vượt qua tất cả, họ vẫn chiến đấu và hiến dâng đời mình cho lí tưởng, cho lẽ phải, cho tình yêu và khát vọng hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Có lẽ, đó là chân lí cuối cùng, thể hiện niềm tin, ý thức người lính, ý thức công dân, trách nhiệm của một nhà văn mặc áo lính mà Nguyễn Quốc Trung suốt đời tôn thờ.

Sự còn - mất của một đời văn đâu phải ở xác thân hữu hạn. Nguyễn Quốc Trung ra đi trong cô độc, dẫu không ngăn được trong ta cảm giác cay đắng, nhưng rõ ràng, văn chương của ông không mất đi. Trong vũ trụ sử thi huyền thoại với hình tượng người lính cao cả cùng âm hưởng hào hùng bi tráng, lấp lánh một ánh sao kiên định mang tên Nguyễn Quốc Trung. Đó là di sản để kí ức sống cùng hiện tại.

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)