. BÙI VIỆT THẮNG
“Ôn cố tri tân” như một động hướng tinh thần xã hội tích cực
“Không phải là nhà chép sử, chính nhà văn mới là người chép lại lịch sử cuộc đời.” Ý niệm này không bao giờ cũ khi soi chiếu vào thực trạng văn chương thế giới và Việt Nam từ xưa tới nay. Sự xuất hiện của một số tác phẩm viết về lịch sử thành công gần đây cho phép chúng ta tin tưởng vào tương lai của văn chương nước nhà khi quá khứ không hề là một thứ “băng đóng cứng”, “bóng đè”, hay một “vòng kim cô” như một số người thiển nghĩ và thiếu thiện ý. Có thể kể: Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh (tái bản lần thứ 10), Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, An lạc dưới trời của Nguyễn Xuân Hưng, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Minh sư của Thái Bá Lợi, Trưng Trắc của Hà Phạm Phú, Bắc Cung hoàng hậu của Nguyễn Vũ Tiềm, Thế kỉ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam, Mệnh đế vương của Trương Thị Thanh Hiền, Thị Lộ chính danh của Võ Khắc Nghiêm, Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê, Kim môn vũ thiếp của Trần Gia Ninh, Chim ưng và chàng đan sọt, Chim bằng và nghé hoa của Bùi Việt Sỹ, Mĩ nhân nơi đồng cỏ, Cuộc đời xa khuất của Lê Hoài Nam, Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, Sương mù tháng giêng của Uông Triều, Đất Việt trời Nam của Đan Thành, Mĩ nhân của Văn Lê, Con chim phụng cuối cùng của Nguyễn Thị Kim Hòa, Ngang trời mây đỏ của Ngọc Bái, Cánh cung đỏ của Hà Lâm Kỳ, Đinh Tiên Hoàng của Vũ Xuân Tửu, Kỉ nguyên của Nguyễn Trãi của Trần Thị Thắng, Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, Hùng binh của Đặng Ngọc Hưng, Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn, Nguyên khí ngàn đời của Lục Hường, Nắng Thổ Tang của Đinh Phương... Đặc biệt phải kể đến các tác giả viết nhiều về lịch sử và có đóng góp nghệ thuật là Hoàng Quốc Hải viết hơn 6000 trang tiểu thuyết lịch sử (Tám triều vua Lý - 4 tập, Bão táp triều Trần - 6 tập, Huyền Trân công chúa), Phùng Văn Khai (7 cuốn: Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc, Trưng Nữ Vương - 2 tập) và Trần Thanh Cảnh (3 cuốn: Đức Thánh Trần, Trần Nguyên Hãn, Trần Thủ Độ), Nguyễn Thế Quang (4 cuốn: Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống, Khúc hát những dòng sông, Đường về Thăng Long), Nguyễn Thế Kỷ (2 cuốn: Hừng Đông, Nước non vạn dặm, 3 tập), Nguyễn Trọng Tân (2 cuốn: Thiên mệnh, Thiên thu huyết lệ). Trong tầm quan sát của tôi, tiểu thuyết tư liệu - lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh là một hiện tượng văn học, một tác phẩm góp phần cung cấp những bài học nghệ thuật quý báu khi viết về quá khứ lịch sử gần.
Thiết nghĩ, khi nói có sự trở lại ngoạn mục của đề tài truyền thống - lịch sử trên văn đàn gần đây, cần phải nhắc đến những tác phẩm viết về lịch sử gần - nghĩa là những tác phẩm tái hiện thời kì bão tố cách mạng thế kỉ XX, đặc biệt gắn với sự ra đời của nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Cái thuở ban đầu dân quốc ấy/ nghìn năm hồ dễ mấy ai quên” (Xuân Diệu) được tái hiện sinh động trong các tiểu thuyết Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang và Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn. Không phải ngẫu nghiên gần đây đề tài chiến tranh cách mạng và lịch sử trở lại tích cực và có hiệu ứng nghệ thuật trên văn đàn. Có thể cắt nghĩa hiện tượng này bằng những lí do ngoài văn chương. Nói cách khác là từ phương diện văn hóa. Trước hết, chưa bao giờ như ngày hôm nay vận mệnh của dân tộc buộc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc và tìm câu trả lời chính đáng bằng kinh nghiệm lịch sử. Xã hội thời hiện đại trong cơ chế kĩ trị, thị trường đã khiến nhiều giá trị đạo đức tinh thần bị đảo lộn. Nhân cách con người đang bị biến tướng theo chiều hướng thoái hóa. Dân trí có chiều tăng trưởng nhưng dân khí bị giảm sút. Tinh thần xả thân vì đại nghĩa suy giảm trầm trọng. Tinh thần “dĩ công vi thượng” bị hao mòn, tán phát. Vì thế câu trả lời cho hành xử hiện tại và tương lai có thể và cần thiết phải tìm thấy trong quá khứ hào hùng của dân tộc. Trong nội bộ văn chương, có thể thấy rõ một bộ phận không nhỏ các nhà văn đang thích hướng tới đề tài đương đại với những nhu cầu thường nhật của công chúng nghệ thuật theo đường hướng của văn hóa đại chúng. Một bộ phận không nhỏ nhà văn càng ngày càng xa rời đời sống của nhân dân cần lao. Phương châm “sống đã rồi hãy viết” dường như bị coi là cũ, bị phai mờ, thậm chí ai đó giễu nhại “xưa rồi diễm ơi”. Cơ chế thị trường khiến không ít nhà văn viết theo thị hiếu của một công chúng tự coi “khách hàng là thượng đế”. Văn hóa thị trường, văn hóa đại chúng với cả hai mặt tích cực và tiêu cực giống như một thứ “bùa ngải” điều khiển, dẫn dụ nhà văn trong sáng tác. Một bộ phận không nhỏ trong công chúng thích tính chất giải trí của nghệ thuật như vô hình đặt hàng cho nhà văn chạy theo đề tài đương đại với những “màn”, “pha” li kì và hấp dẫn, hơn là nghiền ngẫm những bài học lịch sử được rút ra từ quá khứ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó vẫn có không ít nhà văn lặn lội, truy tìm, nghiền ngẫm, cật vấn lịch sử nhằm tìm ra cái “chìa khóa” cho thế hệ mới khi họ chập chững bước vào đời với ý nghĩa là hành trang tinh thần không thể thiếu cho mỗi cá thể tự do. Tinh thần “ôn cố tri tân” là cần thiết không chỉ đối với dân tộc Việt Nam hiện tại mà ngay cả với các dân tộc khác nếu không muốn bị tụt hậu, bị đồng hóa, bị thôn tính bởi những cuộc “xâm lăng văn hóa” đôi khi nhẹ tựa lông hồng, thậm chí mang màu sắc của những cuộc cách mạng màu. Tinh thần “dân ta phải biết sử ta” đang được tích cực khôi phục, tựa như trong kinh tế khẩu hiệu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đang được đông đảo nhân dân hưởng ứng.
Mối quan hệ giữa sự thật và hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử
Viết về lịch sử, thông thường nhà văn phải giải quyết bài toán đôi khi hóc búa và mâu thuẫn giữa hư cấu và sự thật. Không ít người chỉ vin vào lịch sử như một “cái đinh”, “cái cớ” để bịa tạc, biến nhân vật và sự kiện lịch sử phục vụ cho một ý đồ nào đó, đôi khi không quang minh chính đại. Có nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử được bê nguyên xi vào tác phẩm biến nó thành một “mớ sử liệu”. Có tác giả thoắt tùy tiện biến một kẻ đầu hàng giặc ngoại xâm thành một nhân vật đáng ca ngợi. Đành rằng truyền thống “văn sử bất phân” vốn hiện thực trong quá khứ. Văn chương là lĩnh vực sáng tạo, nhà văn có quyền hư cấu cao độ. Tuy nhiên hư cấu không phải là bịa đặt tùy tiện bất chấp logic đời sống. Không thiếu sự xuyên tạc lịch sử coi đó là một thứ gánh nặng mà các thế hệ hậu sinh không khả úy cần trút bỏ. Dù sao thì câu châm ngôn sau vẫn luôn gợi mở suy nghĩ cho tất cả chúng ta và các nhà văn viết về lịch sử: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã vào anh bằng đại bác.” Trong bối cảnh tinh thần hiện tại khi “dân ta phải biết sử ta” đang được đề lên như một nhu cầu tinh thần cấp bách thì tác phẩm văn chương về lịch sử là con đường ngắn nhất để lịch sử đi thẳng vào lí trí và tình cảm độc giả. Không ai làm lại được lịch sử. Nhưng nhìn nhận lịch sử khách quan, công bằng thì không phải ai cũng làm được. Lịch sử là kí ức của một dân tộc. Một dân tộc có sức mạnh tồn tại và đứng vững, phát triển, vươn mình như Phù Đổng trong không gian và thời gian là dân tộc bảo tồn được kí ức cộng đồng. Trong kí ức vĩ đại này có kí ức văn hóa, kí ức nghệ thuật và kí ức lịch sử.
Nhà văn Nguyễn Thế Quang với các tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống, Khúc hát những dòng sông, Đường về Thăng Long đang nổi lên như một cây bút say mê khám phá và tái hiện nghệ thuật thành công quá khứ. Tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống của ông nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2016) và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (ASEAN, 2019). Theo tôi, không riêng Nguyễn Thế Quang, nhà văn nói chung đều sẽ đứng trước ba lựa chọn khi viết lịch sử: minh họa lịch sử bằng ngôn từ văn chương (khi đó lịch sử lớn hơn, quan trọng hơn); lịch sử là cái cớ, “cái đinh” để treo mắc tư tưởng của tác giả (khi đó lịch sử chỉ là phương tiện, Nguyễn Huy Thiệp qua chùm truyện Phẩm tiết, Vàng lửa, Kiếm sắc là một ví dụ tiêu biểu); lịch sử và văn chương bình đẳng (cả lịch sử và văn chương đều hướng vào một mục đích chung, sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng là một ví dụ qua An Tư, Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô). Với Nguyễn Thế Quang, ông quan niệm: “Viết tiểu thuyết lịch sử không chỉ nhằm khám phá bản chất lịch sử mà cần hơn là đối thoại với hiện tại.” Rõ ràng tinh thần đối thoại (thay cho độc thoại) trong đời sống và trong nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng được coi là tiêu chí, thước đo tinh thần dân chủ, đổi mới của sáng tác. Qua Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống, nhà văn muốn đối thoại về vấn đề “nghệ sĩ/ trí thức và thời đại/ thể chế”; qua Khúc hát những dòng sông, tinh thần đối thoại chuyển hướng vào “vai trò của gia đình và sự hình thành nhân cách con người”; đến Đường về Thăng Long, tinh thần đối thoại có tính vĩ mô, có tính nhân loại trường cửu: “vĩ nhân và vận mệnh dân tộc”. Khi bàn về cách thức giải quyết mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật, nhà văn cho rằng: “Từ mục đích tác phẩm, chúng tôi chọn sự thật nhiều hay ít. Viết để giải trí, để giễu nhại thì hư cấu, phóng đại phải nhiều hơn. Viết để người đọc tin thì yếu tố thực phải nhiều hơn. Chúng tôi không tính tỉ lệ, chỉ biết lựa chọn viết cái gì để đạt được ý tưởng của mình.”
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2014; Giải thưởng Văn học ASEAN, 2015) của Trần Mai Hạnh là một cuốn tiểu thuyết đem lại những bài học nghệ thuật hữu ích với văn giới trong ý hướng viết về quá khứ lịch sử: nguồn sử liệu, phương pháp khai thác sử liệu, quyền năng hư cấu của nhà văn, hiệu quả thẩm mĩ của những thông điệp lịch sử bằng hình tượng nghệ thuật ngôn từ. Bàn về quan hệ giữa sự thật và hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử, tác giả nhấn mạnh: “Lịch sử tự nó viết ra - đó chính là sự thật. (...) Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp giá trị sáng tạo, khả năng dung tưởng phong phú và sự hư cấu của nhà văn. (...) Chỉ có điều, khả năng sáng tạo, hư cấu của nhà văn phải hướng tới việc khắc họa trung thực và nâng tầm sự thật của các sự kiện lịch sử chứ không xuyên tạc, bóp méo, đổi trắng thay đen các tình tiết, các sự kiện và các nhân vật lịch sử nhằm phục vụ ý đồ riêng cuả mình.”
Tự sự lịch sử bằng thơ
Đại văn hào Nga L.Tolstoy trong nhật kí văn học đã viết: “Nhân vật mà tôi yêu mến nhất lúc viết không gì khác ngoài SỰ THẬT.” Lãnh tụ V.I.Lenin đã đánh giá rất cao thiên tài văn chương Tolstoy và coi trước tác của ông là “tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”. Hoàn toàn không có gì mâu thuẫn khi viết về sự thật trên nền tảng một trình độ hư cấu nghệ thuật dồi dào, phong phú và mãnh liệt như là dấu chỉ xác nhận thiên tài. Nền tảng nghệ thuật này về sau được các nhà văn Nga tài danh thế kỉ XX như A.Tolstoy tiếp thu và phát huy tối đa khi sáng tạo nên tiểu thuyết bộ ba lừng danh Con đường đau khổ, hay M.Sholokhov (Nobel văn chương, 1965) đã ứng dụng hiệu quả khi viết kiệt tác Sông Đông êm đềm. Gần đây có ý kiến về sự quên lãng của giới nghiên cứu văn học khi coi tự sự lịch sử chỉ được kiến tạo bởi/ bằng sáng tác văn xuôi. Nhưng thực tiễn văn học lại chỉ ra thuyết phục trường ca/ thơ dài đã đảm nhiệm vai trò tự sự lịch sử không “thua em kém chị” so với văn xuôi. Chính trong địa hạt thơ, trường ca/ thơ dài như những thể loại sức vóc đã nhận lấy sứ mệnh tự sự lịch sử bằng ngôn ngữ thơ. Có thể dẫn ra một số ví dụ tiêu biểu: Ba mươi năm đời ta có Đảng, Nước non ngàn dặm, Theo chân Bác của Tố Hữu, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Bài ca chim Chơ-rao của Thu Bồn, Đường tới thành phố, Trường ca biển, Trăng Tân Trào của Hữu Thỉnh, Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo, Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu... Đóng góp đặc biệt vào công việc kiến tạo tự sự lịch sử bằng thơ phải kể đến Thanh Thảo với 8 trường ca: Những người đi tới biển, Những nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bùng nổ của mùa xuân, Đêm trên cát, Trò chuyện với nhân vật của mình, Cỏ vẫn mọc, Những ngọn sóng mặt trời, Trường ca Mêtơrô.
Nhà thơ Mĩ Bruce Weigl được độc giả Việt Nam biết đến với tư cách một cựu binh từng tham gia chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, hơn thế là người Mĩ yêu Việt Nam. Ông đã chia sẻ với độc giả Việt Nam một ý tưởng sáng tác thơ quan trọng: “Khi tìm hiểu về lịch sử tôi khá bi quan về vai trò của chiến tranh. Thơ không thể ngăn cản chiến tranh. Chiến tranh vẫn xảy ra và thơ vẫn tồn tại. Tuy nhiên, thơ nói lên được sự thật lịch sử mà những hình thức khác không nói lên hoặc khó làm được. (...) Vẻ đẹp của thơ ở chỗ nó mang đến bản chất của con người thật nhất. (...) Lịch sử và chiến tranh luôn có những khoảng mờ. Thơ ca không phải mảnh ghép để lấp đầy lỗ hổng của lịch sử mà là cách tiếp cận mang tính thách thức cách hiểu thông thường của chúng ta về lịch sử nói riêng và thế giới khách quan nói chung.” Ý kiến của nhà thơ Mĩ không thuần túy lí thuyết mà được đúc rút từ trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa qua cả hai thời kì chiến tranh và hòa bình trên lãnh thổ hai quốc gia khác nhau.
Viết về quá khứ hào hùng của dân tộc nhưng tựa vững trên cảm hứng tương lai; tiền đồ của đất nước chính là giá đỡ vững chắc của kết cấu tác phẩm. Người Mĩ sáng tạo Một thiên lịch sử bằng truyền hình nhận được sự đón chào nồng nhiệt của khán giả Việt Nam. Hà cớ gì chúng ta lại quay lưng với “một thiên lịch sử bằng thơ” do chính nghệ sĩ ngôn từ Việt Nam sáng tạo nên. Chúng ta có đủ lí do để hi vọng về “thơ nói lên được sự thật lịch sử” trong tương lai gần và xa.
B.V.T
VNQD