. NGUYỄN MINH TRƯỜNG
Có một thời kì, giới báo chí phương Tây mặc dù chưa một lần đặt chân tới Việt Nam nhưng nói về con đường mòn ấy nhiều hơn cả người Việt. Nào là “Câu chuyện thần thoại Đông Dương”, là “Con rồng nghìn vảy chặt xong lại mọc”, rồi “Con đường thần thông biến hóa y như được đức Phật chí tôn phù hộ độ trì”... Con đường mang tên Bác khai sinh đúng vào ngày 19 tháng 5. Từ buổi vạch lá tìm đường, nộp máu cho vắt, những người lính Trường Sơn đã gửi vào con đường tất cả niềm tin và nguồn thương nhớ: Đường có tên khi có bàn chân/ Khi có bánh xe đầu tiên lao tới/ Đoàn dân công như nguồn con nước/ Mang hậu phương trên vai, trên lưng (Khúc hát rừng - Lê Thị Mây).
Sức sống thực sự của một vùng đất do chính con người đem lại. Sự hiện diện của dấu chân những người lính tiên phong đi mở đường mòn để đưa lương thực, vũ khí và nhân lực từ hậu phương ra tiền tuyến đã “kéo” rừng núi đại ngàn nhập cuộc, mang cho con đường một cái tên ý nghĩa: Anh gọi tên đường là đường Hồ Chí Minh/ Em gọi nôm na là con đường tuyến… (Đường Hồ Chí Minh - Thanh Hải).
Đường mòn Hồ Chí Minh
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” - khẩu hiệu thiêng liêng ấy trong cảm nhận của các nhà thơ như một cuộc ra quân hùng hậu “bốn ngàn năm dồn lại hôm nay”. Họ đến với Trường Sơn để kháng chiến và “làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” - đó là một lẽ sống đẹp của một thế hệ “xoay trần đánh giặc”. Trường Sơn tự thân đã tạo nên một tấm bia mang chiều kích vũ trụ, sừng sững như dải núi “hình vây cá” “ngửa mặt” nhìn trời. Trên tấm bia khổng lồ Trường Sơn ấy, chữ của nó là những con đường đỏ như son, kẻ chi chít dọc ngang, nhiều “cua chằng chịt” tạc vào mình núi như dấu ấn còn mãi của tinh thần thế hệ: Đường Hồ Chí Minh sáng đỉnh Trường Sơn/ Xe ta qua Trường Sơn là Việt Nam ta tất thắng (Thép Mới).
Trường Sơn rộng lớn bao la “quân đi điệp điệp trùng trùng”, mỗi nhà thơ, tùy vào tạng, vào “địa bàn hoạt động”, lại có một cách khai thác riêng về mảnh đất thiêng liêng này. Nhà thơ Trần Hữu Thung đã ghi lại hình ảnh người chiến sĩ lái xe Trường Sơn bằng những vần thơ xúc động. Thiên nhiên càng khắc nghiệt, địa hình càng hiểm trở càng tạo hứng thú cho người chiến sĩ lái xe: Đường lên miền Tây/ Qua đèo anh Trỗi/ Xe ta như bay/ Trên ngàn đỉnh núi/ Xe ta như nổi/ Bồng bềnh trong mây (Đèo anh Trỗi). Những năm kháng chiến chống Mĩ, đèo anh Trỗi là một đoạn đường vòng đặc biệt, một cái nút trên con đường Q dài hơn 80 cây số do Đội thanh niên xung phong 25 phụ trách. Con đèo leo lên lưng một trái núi, xoắn hai vòng rồi vươn xuống, khúc khuỷu và quanh co, một bên là núi cao, phía kia là vực thẳm. Thực ra trên bản đồ quân sự con đường mang một tên gọi khác, nhưng với những con người từng bám trụ nơi đây, cái tên Nguyễn Văn Trỗi gần gũi và như tiếp thêm sức mạnh cho họ. Nhà thơ Trúc Cương cũng viết về người lính lái xe Trường Sơn: Đoàn xe Zin bốn chiếc/ Bốn tay lái trẻ măng/ Giữa mây chiều trắng đục/ Vượt qua dốc Chà Vằn (Qua dốc Chà Vằn). Những câu thơ 5 chữ hóm hỉnh là lời kể của một chàng lính trẻ đang thảnh thơi sau những giờ ngồi bên vô lăng, mình đẫm mồ hôi băng qua dốc lửa. Chà Vằn, Khe Sanh, Ta Lê, Dốc Khỉ, Ba Pông, Năm Thang, Tùng Chinh…, tất cả những địa danh ấy đã rực sáng chiến công của bộ đội vận tải Trường Sơn.
Trong một chiều kích khác, nhiều nhà thơ lại tập trung miêu tả những hình ảnh “vi tế”, độc đáo ở Trường Sơn như…bụi. Từ “lớp lớp bụi đường” phủ bạc đầu những “dũng sĩ lái xe trên Trường Sơn” trong thơ Đặng Tính đến “lá mai phủ bụi đất son” trong thơ Nguyễn Xuân Sanh rồi “quân đi sóng lượn nhấp nhô bụi hồng”, “bụi bay bụi đỏ lá rừng” trong thơ Tố Hữu hay “bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” trong thơ Nguyễn Đình Thi… đã giúp người đọc hình dung được phần nào sự gian khổ của một thời xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ .
Chiếc võng, vật dụng thiết yếu không thể thiếu của người lính Trường Sơn, cũng là đề tài khai thác của các nhà thơ. Bài thơ chiếc võng của Nguyễn Trọng Định viết về những ngày gian khó của bộ đội Trường Sơn một cách chân thực và… nhẹ tênh: Tháng ngày mắc võng đỉnh Trường Sơn/ Mưa tuôn, đạn réo chí không sờn/ Cơm vắt, muối rang đời giải phóng/ Nhấp nhô võng nắng, rụng hoa vàng. Những câu thơ kể, có khi còn công thức và hơi cứng nhắc nhưng điều đáng trân trọng là tinh thần của người lính. Chiếc võng dù cũng như cây gậy Trường Sơn trở thành vật bất li thân của người lính trên khắp các nẻo đường chiến dịch. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Thanh Hải lấy tên Dấu võng Trường Sơn đặt cho cả tập thơ 32 bài của mình. Nỗi nhớ về đồng đội, về Trường Sơn được tác giả gửi gắm vào hình ảnh “vết hằn mắc võng in vào sâu trong thớ gỗ” cây rừng. Khám phá thú vị nhất của nhà thơ là tìm ra được đặc điểm của từng đối tượng nằm võng: người chỉ huy hay trằn trọc để “nghĩ nhiều phương án” thì “hai đầu dây” sẽ “in sâu, nằng nặng”; còn với những “người trai tri kỉ” trên “đường ra trận” khi “đọc chung thư nhà” thì sẽ chọn “một thân cây đôi” để “hai đầu võng dây chồng lên dây”... Bài thơ và cả tập thơ như một thông điệp mà Thanh Hải muốn gửi đến đồng đội, cả những lớp người tiếp bước đi sau, rằng mỗi khi bắt gặp một đường vòng tròn trên thân cây hãy nhớ về quá khứ, những ngày tháng hào hùng của cuộc chiến. Cũng giống như Thanh Hải, tác giả Anh Ngọc từng là một người lính Trường Sơn cũng có những kỉ niệm khó phai cùng chiếc võng dã chiến. Một “khoảng đất dưới võng” nhỏ bé mà linh thiêng, giản đơn mà không dễ gì quên được: Có gì đâu một khoảng rừng con/ Đất cằn cỗi mọc đầy gai góc/ Có gì đâu một triền núi dốc/ Võng bồng bềnh bên thấp, bên cao.
Nhà thơ Hữu Thỉnh với Giấc ngủ trên đường ra trận đã khai thác người lính Trường Sơn khi… đang ngủ. Người lính Trường Sơn sau những trận chiến, sau những chuyến hành quân, sau nỗi nhớ nhà da diết khi mà “cái vấp cũng găm thành nỗi nhớ”, “khi vào giấc ngủ” thì “cứ hồn nhiên như sau buổi chăn trâu”, để rồi khi trở dậy lại bừng bừng sức mạnh, khí thế: Vừa tung bạt đã Trường Sơn dựng đứng/ Như cánh buồm mở biếc đợi đoàn quân. Trong khi đó, nhà thơ Gia Dũng lại tập trung miêu tả hình tượng oai hùng của người lính Trường Sơn trên đường hành quân ra trận: Trường Sơn - đèo vút cao vượt trên mây gió/ Đạp nát đá tai mèo bằng sức pháo nghìn cân/ Đi ta đi! Những trai làng Phù Đổng/ Gì vui hơn đường ra trận mùa xuân (Bài ca Trường Sơn). Nhà thơ đã gắn mình làm một với quần chúng bằng cả trái tim khối óc, đã vui sướng được hoà vào biển người trên “đường ra trận mùa xuân”.
Trường Sơn đâu phải chỉ có đèo cao, vực thẳm, bom đạn, hi sinh. Trường Sơn còn là mảnh đất của sự sống, của tình yêu, nơi rừng núi đã có biết bao mối tình chớm nở. Các nhà thơ nữ khi đến với Trường Sơn đã rất chú ý đến đề tài này. Bài thơ Sợi nhớ sợi thương của nữ thi sĩ Thúy Bắc là sự khẳng định một tình yêu bất tử, ở đó ta thấy được độ mênh mông của trái tim cô gái với Rợp trời thương màu xanh suốt/ Em nghiêng hết về phương anh. Thơ của các nhà thơ nữ viết về tình yêu vốn đã hay, thơ tình yêu viết ở chiến trường lại càng cảm động. Họ nghĩ về nhau trong những phút gian nan nhất: Giây phút này em nghĩ về anh/ Em chợt hiểu: Chính mình mình chưa biết/ Giữa lúc chống kẻ thù, cái chết/ Mình mới đi được hết lòng mình (Viết trên đường 20 - Xuân Quỳnh).
Đến với Trường Sơn, đối mặt với gian khó và sự hi sinh ta mới thấy hết phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam; thơ ca trong những năm tháng ấy đã kịp “xây” những tượng đài bằng ngôn từ để ca ngợi họ. Đó là chiến công của mười cô thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi cùng nằm lại ở ngã ba Đồng Lộc, là ý chí thép của tiểu đội giao liên quanh năm bám trụ trên đèo Bapông, làm bạn với mây gió, trăng và bom đạn: Em sửa đường trên đèo Bapông/ Từng nhát cuốc có mây vào quấn quýt/ Trăng rất gần suối thì xa tít/ Em ở trên này như trên cung mây (Vầng trăng trên đèo Bapông - Trần Nhương). Giọng thơ lạc quan đã che lấp toàn bộ những khó khăn của thực tại. “Vầng trăng trên đèo Bapông” là hình ảnh ẩn dụ, là cách để nhà thơ gọi tên những cô gái “cắm chốt”, thực hiện nhiệm vụ “soi sáng đường chiến sĩ dưới đèo mây” (Nhớ - Nguyễn Đình Thi). Thật hiếm có dân tộc nào mà vai trò của người phụ nữ trong chiến tranh lại được khẳng định mạnh mẽ như ở Việt Nam. Họ ra trận giữa tuổi xuân phơi phới Lúm đồng tiền đôi má/ Mắt trong veo mười tám/ Miệng cười duyên đôi mươi (Em gái giao liên Trường Sơn - Trịnh Đình Khôi) để rồi cả tuổi trẻ dâng tặng cho Trường Sơn; có những cô gái không bao giờ về nữa: Cô gái... đã không bao giờ hát nữa/ Cô nghỉ lại trên đồi đầy hoa mua nở/ Tóc ruổi dài theo hướng gió đêm đêm (Phía bên kia đèo - Thúy Bắc). Cùng với nhịp thở gấp gáp của chiến trường, những cô thanh niên xung phong Trường Sơn không chỉ làm nhiệm vụ phá đá mở đường mà còn sẵn sàng lãnh bất cứ một công việc nào dù là nặng nhọc đến mấy. Họ thay xe tải hàng, tải đạn ra trận. Trường Sơn ngày ấy có cả một đại đội nữ vận tải: Ba lô căng phồng, nặng trĩu đôi vai/ Lên đỉnh dốc lúc hoàng hôn đỏ ối/ Mặt trời xuống thấp hơn đội hình con gái/ Hắt lên nền trời những mái tóc tung bay (Trên đỉnh dốc Năm Thang - Mai Văn Hai).
Đọc thơ viết ở Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mĩ chúng ta mới phần nào hiểu được sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam. Vượt lên bom đạn, hi sinh là tiếng hát, nụ cười của cả một dân tộc đang chiến đấu và tin tưởng chắc chắn vào chiến thắng. Ở những nơi gian khổ và nguy nan nhất thơ vẫn vút lên tiếng hát ấy, nụ cười ấy. Một chủ nghĩa lạc quan cách mạng đã thấm nhuần sâu sắc vào tâm hồn các thế hệ cùng hành quân ra mặt trận. Thơ đã thể hiện một niềm vui từ bên trong trái tim con người đánh Mĩ, hồn nhiên mà không dễ dãi: Tâm hồn ta lộng gió xôn xao/ Nghe đất nước rì rào ca hát/ Nhìn sông núi dưới trăng bát ngát/ Chưa đêm nào đẹp như đêm nay (Tâm sự người chiến sĩ pháo binh Trường Sơn - Diệp Minh Tuyền). Những giây phút thảnh thơi ngay giữa chiến trường, thiên nhiên là tặng vật vô giá cho con người. Vẻ đẹp của một đêm trăng bát ngát, lồng lộng gió giữa non ngàn như gột sạch đi những gian lao mà người lính đã trải. Tinh thần lạc quan ấy biểu hiện trong muôn vàn sắc thái phong phú, đa dạng. Nó là điệu bộ nghịch ngợm, thanh thản, vô tư của người lính trong giây phút yên bình hiếm hoi giữa hai đợt bom đạn: Mấy chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi (Nước non ngàn dặm - Tố Hữu).
Tiếng cười lạc quan là một nét đặc sắc của tâm hồn Việt Nam thể hiện trong văn học qua các thời kì như một biểu hiện của sức sống và sức chống chọi dẻo dai của dân tộc trước mọi thách thức. Trong thơ kháng chiến chống Pháp ta đã gặp nhiều tiếng cười vui. Nhưng phải đến thời kì chống Mĩ, khi cả “dãy Trường Sơn dường đứng dậy” lập nên những kì tích chưa từng có trong lịch sử, ta mới có một tiếng cười hồ hởi, tràn đầy và có ý thức sâu sắc đến thế trong thơ: Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười (Chế Lan Viên). Đó là tiếng cười hồn nhiên, tinh nghịch của các cô thanh niên xung phong đắp đường trong đêm Trường Sơn: Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn (Phạm Tiến Duật). Ở Trường Sơn, giữa tiếng rền vang của hàng trăm loại bom đạn, tiếng cười vẫn vang lên trong sáng và tươi xanh như sự sống, như niềm vui không có gì huỷ diệt được: Ở đây chỉ tiếng bom là đục/ Còn tiếng cười thì nghe rất trong (Một người anh hùng - Ngô Văn Phú).
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, Trường Sơn bây giờ đã khác xưa, những vết thương đã dần kín miệng, những khoảng rừng cháy trụi năm nào giờ đây đã xanh trở lại, nhưng trong tiềm thức của những nhà thơ cựu chiến binh từng một thời ôm súng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì kỉ niệm về Trường Sơn chắc chắn vẫn còn mãi. Gặp lại cảm hứng Trường Sơn qua một số bài thơ viết về Trường Sơn có thể coi như thêm một lần chúng ta nhắc nhớ về vẻ đẹp tâm hồn và giá trị nhân văn cao cả của thế hệ trẻ nói riêng, con người Việt Nam nói chung trong những năm kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, một biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam vốn có truyền thống tự ngàn đời nay.
N.M.T
VNQD