. BÍCH NGÂN
Nhà văn hiện diện bằng tác phẩm. Tác phẩm hiện diện bằng ngôn từ. Ngôn từ hiện diện bằng hành trình nhiều chiều kích của thế giới nội tâm. Đó là thế giới không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thế giới không thể bị hủy hoại bởi hận thù và lòng tham. Thế giới không bị vùi chôn dưới sức tàn phá của chiến tranh và vũ khí hạt nhân. Thế giới vừa nhỏ bé, vừa chật hẹp, vừa rộng lớn, vừa sâu thẳm của cuộc đời, của số phận. Thế giới tế vi và huyền ảo của thân phận. Thân phận cá nhân, thân phận cộng đồng, thân phận dân tộc, thân phận nhân loại, cả thân phận của những thời đại được kết nối với nhau, đồng hiện, loại trừ nhau hay hòa quyện nhau, không phải bằng con đường thăm thẳm của lịch sử mà bằng tâm cảm, bằng tâm linh, bằng khát vọng chắp thêm những đôi cánh, mở thêm những chân trời…
Nhưng nhà văn trước hết là một người phàm và cũng là cái “giẻ xương sườn” của càn khôn với đầy đủ những hỉ nộ ái ố cùng những thiếu hụt, phiến diện và phải chịu sự tác động nhiều chiều nhiều mặt của môi trường sống, hoàn cảnh sống. Hơn ai hết, nhà văn luôn ở trong cái tâm thế giằng xé, vừa muốn vượt thoát những ghì kéo của bản năng sinh tồn, vừa lại biết rõ giới hạn của khả năng vượt thoát.
Và, đã là nhà văn, dù sống và viết trong thể chế nào, thời đại nào đi nữa, vẫn phải thực thi sứ mệnh, bằng ngôn từ, sáng tạo ra một thế giới theo kích cỡ tài năng với mĩ cảm và khát vọng của chính mình.
Vượt thoát nỗi sợ hãi
Suốt những năm tháng tuổi thơ, vây bọc tôi là nỗi sợ. Sợ sông sâu. Sợ con nước chảy xiết. Sợ con sóng dữ nhấn chìm chiếc xuồng chở má. Sợ rừng rậm. Sợ rắn rết, muỗi mòng. Sợ đêm đen. Sợ ma, những con ma với vô số hình dạng gớm ghiếc có thể nhảy xổ ra bất kể lúc nào. Sợ tiếng máy bay quần đảo trên đầu. Sợ bom rơi. Sợ đạn lạc. Sợ cha mình không còn được trở về… Và sợ nhất là không dám nói ra nỗi sợ lúc nào như cũng bóp nghẹt trái tim trong lồng ngực non nớt.
Tôi vẫn còn nhớ, nhớ thật rõ, từng tình tiết như không phải đã lùi xa hơn năm mươi năm, mà chỉ xảy ra mới hôm qua. Ba thoát li gia đình, đi kháng chiến biền biệt. Má vừa làm công tác đoàn thể vừa làm người đỡ đẻ cho khắp một vùng sông nước. Ngôi nhà sàn biệt lập bên con sông sâu nép mình dưới cánh rừng âm u. Chín tuổi, tôi làm chị hai đứa em trai, đứa bảy tuổi, đứa lên hai. Mà đâu chỉ làm chị. Có lúc tôi còn làm mẹ của đứa em lên hai. Thức đêm hôm, ẵm bồng, chiều chuộng, hát ầu ơ, cho ăn uống, giặt giũ. Nhưng tôi không cảm thấy vất vả. Bởi tôi yêu thương em tôi. Chị em chúng tôi là những sinh linh có cha có mẹ nhưng nhiều lúc chẳng khác gì những đứa trẻ cút côi.
Có lần, nửa đêm, em trai út lên cơn nóng giật. May là lúc đó má vừa xong ca đỡ đẻ song thai ở bên Khai Hoang trở về nhà. Má luôn bình tĩnh trước mọi tình huống và là một chiến binh quả cảm. Má tiêm cho em mũi thuốc nhưng thằng bé vẫn sốt cao và co giật. Dù là một y tá cừ, trong lúc cơn co giựt của thằng bé không dứt, má tôi chỉ vào con mèo mướp, bảo tôi và đứa em kế bắt nó lại, đè nó xuống, bà sẽ mổ lấy cái mật. Mật mèo mát có tác dụng làm dịu cơn nóng. Tôi nghe lời má. Tiến về phía con mèo. Trong ánh đèn dầu với quầng sáng mờ mờ, tôi thấy ánh mắt sáng như ánh sao của nó. Ánh sao nơi mắt mèo làm tôi lùi lại. Tôi vội kéo thằng em kế xuống xuồng (đi một mình sợ con ma trong đêm đen nhảy ra...) và bơi qua sông sâu, vừa bơi vừa réo vang cả khúc sông tên người cắt lễ của xóm: “Bà ba Hảo ơi, em con nóng giật… Bà ba Hảo ơi…” Khi đưa được bà ba Hảo về tới bến sông trước nhà, tôi nghe tiếng em tôi: “Chế hai ơi, em bớt nóng rồi!” Nước mắt lã chã, tôi nhào tới ôm đứa em bé bỏng vào lòng.
Mười chín năm sau, năm hai mươi tám tuổi, tôi viết truyện ngắn Đất không cưu mang (truyện ngắn dài hơn tám ngàn chữ in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau đó được nhà văn Nguyên Ngọc chọn là một trong năm mươi truyện ngắn tiêu biểu (1945 - 1995) được Nxb Thế giới dịch và in bằng tiếng Pháp, lấy tên truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao làm tên bộ sách (Les Yeux, tháng 5/2000).
Tâm trạng sợ hãi trước bóng tối, trước những sinh mệnh mong manh cuốn theo guồng máy chiến tranh, trước con quái thú chực chờ nơi bản thể trong sự giằng co lựa chọn giữa sự sống và cái chết, tôi đã vượt lên cái nỗi sợ thường tình, nỗi sợ rất con người để đem cái túi mật của con mèo, một con vật nuôi, lại nuôi giữ một sinh mệnh một con người. Nhưng nếu chỉ có thế, tôi chưa có thể vượt thoát khỏi nỗi sợ, cả nỗi sợ của một kẻ “vấy máu”, dù là máu trong sự tưởng tượng, máu trên trang giấy, máu con vật nuôi và dù có ngàn lần biện minh cho mục đích cao quý là cứu người.
Tôi vượt thoát nỗi sợ bằng tình yêu đối với những nhân vật của mình và để cho họ được sống, được yêu, được hạnh phúc, được đau khổ, tuyệt vọng và hi vọng. Cuối cùng, nỗi đau của họ, thân xác của họ được cưu mang bằng chính mảnh đất của họ, nơi cao xanh đã dành cho họ, nơi họ đã nhỏ từng giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu.
Nhà văn với sứ mệnh của mình, không thể né tránh hay thoát khỏi dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử, dòng xoáy nghiệt ngã của cuộc sống mà người viết dự phần, ngay cả khi dự phần bởi khát vọng lấp đầy những khoảng trống kí ức của bản thân, của cộng đồng, của dân tộc, muốn tìm lại những giá trị bị chôn vùi, lãng quên hay đánh mất.
Lối đi của sự sáng tạo
Kinh thánh là bộ sách gây nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử loài người. Đó là lời của Đức Chúa Trời toàn năng, tạo ra tất cả. Đó còn là áng văn minh triết về sự sống, cái chết và mưu cầu loại bỏ được mọi nguyên nhân gây ra đau khổ cho nhân loại này.
Bằng một hình thức khác, bằng cách biểu hiện của thơ ca, Homer, một nhà văn và người hát rong thời cổ Hy Lạp, đã sáng tạo Iliad và Odyssey, hai bản trường ca cổ nhất và có lẽ hay nhất, không chỉ là trong văn học Tây phương. Hai kiệt tác về chiến tranh, thù hận và tình yêu, trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm đã tạo cảm hứng cho rất nhiều tài năng sáng tạo rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, từ hội họa, kiến trúc, điêu khắc cho đến sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, văn học…
Hơn một trăm hai mươi năm giải Nobel văn học, từ người đầu tiên được Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh là nhà văn Pháp Sully Prudhomme vào năm 1901, đến năm 2023 đã có một trăm hai mươi nhà văn được nhận giải thưởng cao quý này. Chỉ riêng các tác giả đoạt giải Nobel văn học đã tạo nên một di sản chữ nghĩa đồ sộ cho nhân loại. Và di sản chữ nghĩa đó, riêng lẻ hay tất cả, đều viết từ thân phận của con người bé nhỏ với khát vọng được sống, được yêu thương, được yên bình mà khởi thuỷ Thượng đế chỉ muốn ban cho họ phước lành và hạnh phúc.
Nhưng Thượng đế vô hình vô tướng và ở ngôi cao. Chúng sinh bé nhỏ hiện hữu trên mặt đất trong dòng thác của lịch sử, của chiến tranh và trong dòng xoáy quay cuồng của cuộc sống với biết bao sóng gió nổi chìm, bao ngã rẽ, bao lối đi, bao sự lựa chọn. Nhà văn, dù kích cỡ tài năng khác nhau, dù sự tận hiến và khát vọng chữa lành vết thương của tha nhân lặng lẽ hay trào dâng, cũng là con người bé nhỏ và cũng tầm thường như mọi sinh linh trong sự xoay trở của chính mình để không bị dòng thác cuộc đời, dòng thác thời cuộc cuốn trôi hay nhấn chìm.
Nhưng nhà văn còn có sứ mệnh khác. Hẳn nhiên không phải là sứ mệnh dẫn đường của đấng cứu thế hay sứ mệnh soi sáng tinh thần của những bậc hiền triết. Sứ mệnh nhà văn là khám phá vùng đất vừa hoang sơ vừa bí hiểm của tâm hồn. Mà muốn là người khám phá và sục sạo mọi ngõ ngách thầm kín của trái tim, của tâm hồn để tìm thấy thứ ánh sáng tin yêu trong thế giới nhân vật mà mình sáng tạo ra, nhà văn phải vượt thoát khỏi sự tầm thường. Nhà văn phải tạo cho mình một tâm thế. Đó là thế đứng để từ đó có cái nhìn bao quát, nhìn sâu, nhìn thấu cái thực tiễn diễn ra trước mắt. Không nhìn sâu, nhìn thấu sẽ lầm lẫn giữa bản chất và hiện tượng và cũng sẽ khó nhận ra cái ranh giới nhập nhòa giữa trắng và đen, giữa đểu giả và thành thật, giữa thiên thần và quỷ dữ. Và nhà văn phải nỗ lực giữ cho mình thanh sạch, không chỉ trước trang viết mà còn trước cuộc đời. Không kháng cự được cám dỗ, nhà văn có thể đẩy chính mình, đẩy nhân vật mình lạc lối. Lạc lối kiếm tìm, lạc lối đi, lạc cả lối về.
Lạc lối về là tiểu thuyết của nhà văn người Đức Heinrich Boll (1917 - 1985), chủ nhân của giải Nobel văn chương năm 1972. Heinrich Boll không chỉ tái hiện nỗi bi thương của những người phải chịu chết trong Thế chiến thứ hai mà còn khám phá ra được thế giới nội tâm đầy vũng lầy chết chóc bởi những kẻ sống sót sau chiến tranh, những kẻ mãi mãi lạc lối và không tìm thấy nẻo về, về với yêu thương, về với cội nguồn…
Về với yêu thương, về với giá trị chân thiện mĩ là nẻo về mà mỗi người cầm bút chân chính không để mình lạc lối. Một lối về quen thuộc của nhà văn là lối đi tìm sự bình an và tự do bên trong của tâm hồn. Cao Hành Kiện, nhà văn người Trung Quốc lưu vong, đoạt giải Nobel văn học năm 2000, với tiểu thuyết Linh sơn, cho thấy rõ ngọn thái sơn sừng sững của sự tự do nội tại.
Phẩm hạnh, ánh sáng chiếu soi
Hơn hai ngàn năm trước, Chúa Jesus chịu nạn để mong cứu chuộc tội lỗi chúng sinh. Cũng hai ngàn năm trước, Hector hay Odysseus là hai nhân vật biểu trưng cho cuộc chiến khốc liệt bảo vệ danh dự, sự tồn sinh không chỉ là của một triều đại, một lãnh thổ và cuộc chinh phục thiên nhiên cùng với hành trình nghiệt ngã của những người mở đất. Cuộc chiến với những chiếc cối xay gió của Don Quijote, câu hỏi của Hamlet “Tồn tại hay không tồn tại” hơn bốn trăm năm trước vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ cho người cầm bút hôm nay. Rồi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bính, Nam Cao, Thạch Lam… hay Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lỗ Tấn, Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa…với trang viết của mình cũng đau đáu những nỗi niềm nhân sinh.
Hai ngàn năm trước, hai ngàn năm sau, và có lẽ còn dài hơn nữa, người cầm bút vẫn tiếp tục thực thi sứ mệnh của mình: dò tìm, khám phá thế giới nội tâm của con người trong một thời đại đầy bất trắc với sự đảo lộn thậm chí là đánh tráo nhiều giá trị tưởng vĩnh hằng và bất biến.
Nhà văn vẫn tiếp tục viết, tiếp tục hành trình sáng tạo của mình trong nỗi cô đơn kì thú và sự lao lực âm thầm. Nhà văn vẫn sẽ phải chịu những cú giằng xóc, rung lắc của thời cuộc và sự vận hành trúc trắc của địa cầu: Trái đất cưu mang/ trái đất khước từ/ trái đất kéo căng/ trái đất xô lệch/ và mong manh/ như quả trứng/ trong sấp ngửa bàn tay… (Nghiêng về phía nỗi đau - thơ Bích Ngân). Dù bất trắc, dù đổi thay, dù bị đẩy xô trong dòng đời vạn biến, nhà văn vẫn viết, lặng lẽ viết.
Viết hay hơn những tác phẩm đã thành kinh điển, thành di sản đồ sộ lộng lẫy là khó lắm, thậm chí chỉ có thể là kì vọng, là mơ ước. Nhưng nhà văn hôm nay sẽ viết khác hơn. Sáng tạo trong sự khác biệt, có lẽ là con đường, là cái đích mà những nhà văn đương đại hướng tới. Nhà văn luôn có mặt và dự phần vào cái thế giới xô lệch bất trắc này bằng sự cân bằng trong nỗ lực sáng tạo, trình diện cho tha nhân, cho nhân loại chiêm ngưỡng thế giới sáng tạo cá thể, riêng biệt và độc đáo của mình.
Thế giới khách quan và chủ thể sáng tạo luôn có sự tương đồng, nâng đỡ nhau, thậm chí khích lệ nhau. Sự sống phong phú vô cùng, cuộc sống đầy những ám ảnh, bất an và bất trắc, thế giới văn chương dù nỗ lực bao nhiêu cũng khó có thể sinh động đến chừng ấy, hấp dẫn đến chừng ấy và cuốn hút đến chừng ấy. Có lẽ vì vậy, những niềm say mê vẫn vẫy gọi nhà văn bước vào thế giới.
Để không lạc lối và luôn đồng hành với tha nhân, với sinh mệnh nhân loại bằng trang viết trước thời đại đầy bất trắc trong sự đổi thay không ngừng của nó, ngoài thế đứng độc lập của một nhân cách tự do, nhà văn còn được soi chiếu bởi thứ ánh sáng từ phẩm hạnh, tình yêu và lòng quả cảm. Bởi, viết văn, cũng chừng ấy kí tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình. Một thế giới soi chiếu và tự soi chiếu.
B.N
VNQD