. MÃ GIANG LÂN
Hơn hai mươi năm nay, thơ Trần Quang Quý xuất hiện đều, liên tục, mỗi tập thơ là một tìm tòi mới, là một bước tiến, in rõ ý thức hiện đại hóa thơ Việt. Từ Viết tặng em trong ngôi nhà chật (1990), Mắt thẳm (1993), Giấc mơ hình chiếc thớt (2003), Siêu thị mặt (2006), Màu tự do của đất (2012), Ga sáng (2016) đến Namkau (2016)... đã định hình nên một phong cách thơ Trần Quang Quý.
Sáu tập, với nội lực cường tráng, thơ Trần Quang Quý làm giàu khả năng biểu hiện kiến tạo một lối đi, gắn kết nhiều sắc thái thẩm mĩ, gây ấn tượng khó quên về một hồn thơ, một chất giọng, một cách sáng tạo ngôn từ. Thấm đẫm các tập thơ là một hồn thơ luôn hướng về cội nguồn, về quê nhà sáng tươi ấm áp dù đời sống cơ cực đeo bám bao thân phận người. Cánh đồng là những cảm nghĩ sâu sắc về nông dân, về người thân với tính nhân bản, sự hàm ơn và lòng tin bền chặt: Mẹ tôi/ Gieo gặt lòng nhân từ/ Màu mỡ cất từ trái tim khổ hạnh/ Người đã thả tôi lên mặt đất/ Như hạt giống nối luống cày thế hệ/ Xanh lên xanh lên niềm tin cỏ biếc/ Phiêu diêu dằng dặc cánh - đồng - người.
Thơ Trần Quang Quý gắn bó với nông thôn, nông nghiệp với không gian đồi núi trung du. Nhà thơ sống trong kí ức, suy nghĩ, cảm xúc bằng một thứ ngôn ngữ hiện hữu hiện đại mà da diết. Nói đến cánh đồng là cánh đồng châu chấu, cánh đồng cỏ dại, cánh đồng mê cảm, cánh đồng mệt nhoài nằm thở trong rơm rạ, cánh đồng nhân nghĩa: Tháng mười dâng hạt/ Rón rén heo may/ Sương muối gặt hoàng hôn tóc mẹ. Nói đến làng là làng của những ngày xưa, cổ tích làng. Tất cả là hoài niệm. Hoài niệm là tài sản quý giá của nhà thơ. Hoài niệm chỉ giữ lại những gì đẹp nhất, ấn tượng nhất, kể cả những xót xa, buồn tủi; bởi vì hoài niệm thường được bao bọc bằng lung linh mờ ảo có khả năng làm vơi nhẹ đi cái cụ thể nhọc nhằn của hiện tại. Cổ tích làng, với bốn khúc đoạn, thực sự là hồn cốt của nhà thơ: Cổ tích làng tôi tắm ở cầu ao/ Em cứ thả trắng ngần trăng ướt/ Tôi vục xuống lòng tay như hứng được/ Một làn hương bồ kết bay hờ/ Cổ tích làng tôi đựng trong chiếc mủng/ Mẹ bưng tháng năm lệch ngõ/ Bưng những hạt thóc lép đi qua cơn gió/ Bưng những nỗi đời đi giũ ở bờ sông. Đến bây giờ cổ tích làng vẫn chỉ là trống vắng, níu kéo cũng bằng không: Những gương mặt lão nông giờ vơi lắm rồi/ Trên đồng nội thêm nhiều nấm cỏ/ Cổ tích làng tôi vùi trong đất/ Những ngày xưa im mãi không về.
Dù sao với Trần Quang Quý, làng vẫn là nguồn sống, thân thuộc, ấm áp, đoàn tụ, là nơi lưu giữ vẻ đẹp cổ xưa. Chúng ta thấy trong thơ ông đầy ắp những con đường, ngõ làng, tuổi thơ, ngôi nhà, căn bếp, ngọn lửa, tiếng guốc, ánh trăng… thăm thẳm một nỗi làng: In ta ấu thơ/ Nơi thiên đường cỏ xanh hồi hộp tiếng dế/ Ngõ trăng vàng thôn dã/ Rưng rức quê hương (Đường trăng). Có khi trở về nguồn hòa nhập, có lúc cách xa, từ phố hội nhà thơ cảm nhận làng quê bằng một tình yêu, một tấm lòng tri ân có phần ân hận, cảm thông, chia sẻ và lo lắng trước những phôi pha. Đây là một cái nhìn mới, một cách nghĩ cách nói hiện đại về những điều quen cũ: Chợt một ngày dựng búp/ Chợt một ngày lửa xanh (Những chiếc lá ngụ ngôn); Sân trăng rúc rích dần sàng hay Nắm oản dìu giấc mơ qua bể khổ (Bà); Hoa xoan chợt hoang vu chiều nhớ/ Tóc ai về gợi gió bờ đê (Nhớ nguồn). Chúng ta có thể nhận thêm một khái quát, một nhắc nhở từ thơ Trần Quang Quý: văn minh đô thị đã hủy hoại văn hóa làng quê truyền thống, làm mất đi vẻ đẹp bình dị nhân văn. Cái vật chất, kĩ thuật của thời hiện đại trong cách sinh hoạt, ăn mặc, ứng xử đã lấn át, làm lung lay cái tinh thần gốc rễ lâu đời của dân tộc. Sức vóc thơ ca có níu kéo, ôm giữ thì cái bề dày của quá khứ vẫn cứ chông chênh. Biết vậy, đành lòng nhưng cũng cần một thái độ thích hợp.
Trần Quang Quý thường suy tư, ước vọng “ngược về cổ xưa tiền kiếp” với ý thức về nguồn, về làng quê nơi chôn nhau cắt rốn, về với mẹ. Có sự tương đồng giữa nguồn và mẹ. Cũng như nguồn cội, mẹ chứa đựng nguồn sống, khả năng sinh sản; mẹ là sự nồng ấm, là nơi an toàn cho yêu thương dưỡng dục. Rất nhiều tình cảm trân trọng trong những câu chữ mà nhà thơ dành nói về mẹ: Mẹ tôi/ Gieo gặt lòng nhân từ/ Màu mỡ cất từ trái tim khổ hạnh/ Người đã thả tôi lên mặt đất/ Như hạt giống nối luống cày thế hệ (Cánh đồng); Mẹ gieo vào đất một đời hi vọng (Hát gọi hạt giống). Từ bàn tay mẹ gieo, Tôi nảy mầm trên những luống tư duy (Gieo). Giấc mơ của mẹ, một giấc mơ đời thường giản dị: Người giấu kĩ trong từng bồ thóc/ Trong nút lá chuối khô nút chặt từng lọ giống (Cổ tích làng). Mẹ lo toan, vất vả thu vén không một phút nghỉ ngơi: Trong lớp rạ thơm hăng mùi đất/ Nơi mẹ ta gom góp mùa màng (Con đường trên cánh đồng). Cứ thế, hết ngày hết tháng hết năm, Bóng mẹ tảo tần ngày áp Tết quẩy vườn lên bến chợ/ Lại lo hoa gạo sắp mùa (Ngược Tết). Những lúc khó khăn nhất, chơi vơi và hoang hoải, mẹ vẫn là chỗ dựa, niềm tin: Mẹ vẫn ngồi kia nhóm lửa (Đêm ở làng); Tất cả sẽ bình yên trong cơi trầu của mẹ/ Như chum vại trong nhà đời đời bình yên đựng (Nhớ nguồn). Nhà thơ thú nhận: Tôi học tiếng Người từ mẹ/ Những giọt sữa lúa khoai chắt từ cánh đồng cực nhọc/ Từ giọt mồ hôi nhòe ướt nhân gian (Từng bước về phía thiện). Có lúc ngộ nhận, nhà thơ nghĩ mình đã lớn, đủ sức vượt thoát, vươn xa, nhưng lại chân thành nhận ra không thể ngoài vòng tay mẹ: Tưởng đã quẫy ngang tang đường ra biển/ Lại trở về cõi mẹ/ Mà nghe từng tiếng đất sinh ra (Đất sinh).
Mẹ trong thơ Trần Quang Quý thực sự là một biểu tượng hoàn hảo nhất, hài hòa sâu sắc nhất của bản nguyên sống, bản nguyên sinh sản, nuôi dưỡng, đùm bọc yêu thương. Mẹ và quê hòa làm một. Trong một hình dung nhất quán, tôi vẫn nghĩ viết về mẹ, về làng quê là nét nổi trội trong thơ Trần Quang Quý. Ở đấy chứa đựng sự trải nghiệm với bao biến thiên từ tuổi thơ đến trưởng thành của một thân phận - nhà thơ, biết nghĩ, biết phải làm gì trước những đổi thay khôn lường của xã hội.
Các tập thơ của Trần Quang Quý hấp dẫn còn nhờ sự trợ lực của ngôn ngữ - ngôn ngữ rất đặc trưng: hướng đến hiện đại với những kết hợp từ lạ, những cú đoạn đa nghĩa, tạo cảm giác mạnh, khác biệt hẳn một lối. Từ ngữ không thụ động mà luôn cựa quậy, sống động. Nhà thơ không làm phu chữ, cu li chữ. Ngôn ngữ đồng hiện với nghệ thuật thơ, có trách nhiệm phục vụ ý tưởng của nghệ sĩ. Thật sai lầm, nếu cho rằng ngôn ngữ chỉ là phương tiện giao tiếp, biểu hiện. Với nhà thơ, ngôn ngữ không đơn thuần là những mô hình định sẵn mà còn tham gia vào quá trình hình thành tư duy. Tư duy sáng rõ là dấu hiệu ngôn ngữ diễn đạt sáng rõ. Ở một cấp độ cao hơn, nhà thơ sử dụng ngôn ngữ như là chất liệu phát sáng, làm mới và làm phong phú thêm ngôn ngữ. Trong thơ, Trần Quang Quý đã có một ngôn ngữ riêng của mình, không chịu sức ép của ngôn từ sách vở, tìm cách nói mới thoát thai từ ngôn ngữ dân gian nền nã kết hợp với tư duy hiện đại sáng tạo những văn bản độc đáo. Chúng ta chú ý đến những kết hợp kiểu môi phù sa, môi đêm, môi trăng, môi gió, môi cỏ mềm…; mi đêm, mi mùa thu…; ngực đêm, ngực sóng, ngực sông…: Vừa bắt đầu ngữ điệu trên đôi môi gió (Ga sáng); Một mắt buồn khép mở mi đêm (Hoàng lan); Môi phù sa khép bóng hoàng hôn (Sông Đà)... Các danh từ chỉ vật chất đều được gắn với một bộ phận trên cơ thể người. Một mặt vật chất được nhân hóa, hữu hình gần gũi; mặt khác đều gợi đến những phần nhạy cảm, lan truyền sang người đọc, tạo cảm giác hưng phấn cho người đọc. Rất nhiều câu thơ chứa đựng cú đoạn gợi cảm như thế: Ánh mắt dịu dàng làm lại một cái nhìn/ Có thể kịp ngăn tội lỗi/…/ Sau nụ hôn, rạn nứt yêu thương có cơ lành lại (Làm lại); Mưa Nghi Xuân níu bờ sang Vinh (Mưa Tiên Điền); Chiều cuối năm, mẹ còn mãi lui cui đồng trũng/ Cấy phận mình vào giá lạnh mùa đông (Ngược Tết); Đôi bạn trẻ ngồi tẽ ngô nướng trên cầu Long Biên/ Từng hạt mắt hạt môi nhấm nháp/ Thơm nức mùi tuổi thơ (Hà Nội đêm ngộp gió)... Người đọc có thể thấy cách thao tác từ ngữ, cách lựa chọn kết hợp từ của nhà thơ. Đây là các đơn vị từ biểu hiện hành động của con người: ánh mắt có thể kịp ngăn tội lỗi; nụ hôn có cơ lành lại rạn nứt yêu thương; mưa níu bờ; mẹ cấy phận mình; hạt mắt, hạt môi nhấm nháp...
Ở một khái quát, chúng ta rất dễ nhận ra, trong thơ Trần Quang Quý dày đặc ngôn ngữ thân thể, phồn thực, chắc chắn là một kiểu tư duy nghệ thuật: Cặp môi nhớ một nụ hôn dang dở (Sắc màu); Cánh đồng hổn hển bầu ngực trễ nải thiếu phụ (Đêm ở làng); Đã đầy lên chưa vòm ngực mùa xuân (Ru cỏ); Trên bầu ngực mùa thu đang cốm (Bài hát tháng mười); Và em đến bằng bầu vú căng tròn rưng rức mùa xuân (Đến); Buổi chiều bồ kết lõa thể hoàng hôn (Lại nhớ tóc dài); Hổn hển ngực phập phồng đường về bản (Bóc chiều)… Mạnh mẽ, táo bạo hơn, nhiều câu thơ gợi đến những hành vi tính giao: Em có biết cơ thể em chứa bóng tối của tôi/ Chúng mò mẫm bóng đêm dục cảm/ Qua đôi vú căng thơm bình minh/ Và tỏa sáng khát vọng/ Đôi vú, một bầu trời đang cơn chuyển động/ Chứa phồn thực mùa hè giấu mùa đông ngún lửa (Sự hình dung). Người đọc có thể hình dung qua những động từ gợi dục: Lớp lớp bầu vú đất đai dướn lên cơn khát bầu trời (Ngựa đêm); Tiếng hổn hển buổi chiều tuột bờ vai thôn nữ (Châu thổ); Áo em vừa tuột mắt đò khuya (Ngâu Huế); Trăng hổn hển tuột đêm trinh nữ (Bài hát tháng mười); Phong phanh lá vàng thu cởi cuống xiêm y (Cổ Ngư một lát cắt); Quên bình minh biển lên cởi ngực Hải Phòng (Có những điều giản dị); Cởi suốt buổi chiều vẫn eo lưng (Điệu thức Cao Bằng); Mắc cạn bầu ngực em ngõ vắng/ Tôi lần cởi từng nút xuân Xuân Lũng (Ở Xuân Lũng giờ này)…
Trong bài thơ Đời chữ, Trần Quang Quý tự bạch: Tôi ăn ngủ chữ, tháp tùng chữ bước vào những số phận/ Những ngóc ngách cuộc đời, những giao thoa chưa cất thành lời/ Những cuộc phối sinh ngữ nghĩa/ Và khi ấy, những con chữ như không còn là chữ/ Hồn chữ thiên di. Đấy cũng là tuyên ngôn, là phương châm hành động tạo tác cùng chữ trong quá trình nghệ thuật hóa tâm trạng. Để con chữ tự do, từ ngữ được phối sinh ngữ nghĩa - ý thức như thế đã hình thành những văn bản thơ đa dạng gợi nhiều liên tưởng.
Trong thơ Việt hiện đại, Xuân Diệu cũng từng sử dụng ngôn ngữ thân thể trong những bài thơ tình yêu nồng nhiệt, nhưng chỉ thảng hoặc ở một vài bài: Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn/…/ Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực/ Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài/ Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai! (Xa cách). So với thơ Trần Quang Quý, có sự cách xa hai thời đại, hai thế hệ, hai tâm thế, tư thế. Ở thơ Xuân Diệu mới chỉ là khao khát, cầu khẩn, cầu xin: xích lại, hãy sát, hãy kề, hãy trộn, hãy quấn riết…, từ ngữ chưa chuyển thành hành động. Đến thơ Trần Quang Quý, ngôn ngữ đã chủ động, chỉ huy chủ thể hành động, tung hoành “con chữ như không còn là chữ”, nhà thơ chấp nhận để cho con chữ “gọi tôi đi như kẻ mộng du”. Tức là ngôn ngữ tác động, điều hành chủ thể sáng tạo, dù trở về làng quê, ở phố phường hay lãng du qua những miền đất khác. Nhà thơ thực thi nhiều động tác: tôi áp ngực, em áp ngực, ôm ghì em, anh ngồi ôm mưa nghe rỏ từng giọt đắng, tôi lần cởi từng nút xuân, tôi chạm thu, cởi suốt buổi chiều… Kết quả của một ý tưởng và những thực hành là những câu thơ cảm giác, ngồn ngộn hương vị cuộc đời, trẻ hóa tâm hồn người đọc. Người đọc rung động với thơ không phải chỉ bằng mắt, bằng thị giác mà còn được hưng phấn cùng lúc với các giác quan khác, được thăng hoa, như gặp lại tuổi thanh xuân đời mình. Điều đó khẳng định, thơ Trần Quang Quý trẻ trung, tràn đầy cảm xúc, nội lực cường tráng, lôi cuốn, thấm đẫm một nỗi quê, đau đáu trở về cội nguồn để chịu ơn của một tâm hồn - một con người tử tế.
M.G.L
VNQD