Một phong cách “sống xanh” đi trước thời đại

Thứ Hai, 01/01/2024 15:47

. NGUYỄN THANH HÀ
 

Tháng 12/2009 thế giới tổ chức Hội nghị về chống biến đổi khí hậu toàn cầu (tại Côpenhaghen – Đan Mạch) đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến trái đất nóng lên, thiên tai dồn dập… trong đó có nguyên nhân chủ yếu là làm mất rừng. Thế nhưng, vấn đề này Bác Hồ đã nói trước 51 năm. Ngày 23/5/1958 tại Đại hội chiến sỹ thi đua nông nghiệp lần thứ ba, trong bài phát biểu Bác có câu thơ nói về sự nguy hại của việc không còn rừng: “Núi trọc như đầu bình vôi/ Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng”. Không có rừng thì không giữ được nước. Mưa đến đâu nước trôi đến đấy thành lũ, mùa khô thì hạn hán kéo dài. Không chỉ nói, Bác còn hành động. Tháng 1/1959 Bác phát động “Tết trồng cây”. Từ đó, mỗi dịp Xuân về Bác gương mẫu trồng cây. Tháng 1/1960 Bác trồng cây tại Công viên Thống Nhất. Tháng 1/1965 Bác trồng cây đa ở xã Đông Hội (Đông Anh). Xuân Kỷ Dậu (1969) tại xã Vật Lại (Ba Vì), Bác trồng cây trong mùa xuân cuối cùng… Tháng10/1964, đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bác nhắc cán bộ giáo viên “nên trồng cây nhiều”. Vạch ra nguyên nhân vì sao “cây sống ít”, Bác thẳng thắn “là vì các cô, các chú tham trồng cây nhiều, nhưng không chăm bón cho tốt”. Như vậy Bác quan tâm tới cả quá trình “trồng cây” và “chăm bón” cho cây, coi đó là mối quan hệ hữu cơ, không tách rời, trồng cây nhiều mà không “chăm bón cho tốt” thì cũng chẳng ý nghĩa gì.

Đúng với logich tự nhiên, để có cuộc “sống xanh” trước hết phải tạo ra màu xanh. Bác Hồ cùng toàn dân trồng cây để “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Chữ “xuân” Bác dùng chính là một khía cạnh cơ bản của “sống xanh”, đất nước không chỉ xanh tươi, còn là sự phát triển lâu bền, mãi mãi. Như người nông dân đích thực thân thiết, yêu quý cây trồng, Bác từng “cứu” cây râm bụt ở góc ao bị thối gốc trở lại “khỏe mạnh”. Bác dùng cách kéo dài cái rễ đa đang lơ lửng bén vào đất. Bác nhắc cán bộ đừng bẻ cành, vặt lá cây…

Thế giới đang phát động phong trào “sống xanh” (green lifestyle/ green living/ going green) kêu gọi con người tạo ra cuộc sống “xanh hóa” thân thiện, hòa nhập với môi trường, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên mà vẫn đáp ứng được nhu cầu trong hiện tại, không ảnh hưởng đến tương lai. “Sống xanh” hạn chế tác động xấu đến môi trường từ các thói quen sinh hoạt như xả rác bừa bãi vào môi trường sống, xả khí thải vào bầu khí quyển, chặt cây phá rừng, ngăn dòng chảy…. Lối sống này còn đặt ra những sự lựa chọn rất cụ thể, thiết thực: ăn cái gì, đi lại bằng phương tiện gì, mua vật dụng gì, sử dụng, loại bỏ những đồ dùng cũ thế nào… nhằm hướng tới các giá trị bền vững, an toàn, hạnh phúc. Thật ngạc nhiên khi soi những luận điểm này vào cuộc đời, phong cách sống và trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Bác Hồ đi trước thời đại.

Từ khi về nước (1941) lãnh đạo cách mạng đến khi về với thế giới Người Hiền, cuộc sống của Bác luôn ở giữa thiên nhiên, gần gũi, chan hòa với thiên nhiên. Thời kỳ đầu cách mạng khó khăn, Bác coi núi rừng, hang động, sông suối là nơi ở, cũng là nơi làm việc. Núi rừng coi Bác như người bạn, cưu mang, nuôi Bác bằng sản vật tự nhiên: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. Được sống cạnh Bác thời kỳ ở Việt Bắc những năm kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Diệp Minh Châu khẳng định Bác là con người của thiên nhiên, thích nơi ở có tre trúc rủ trước nhà, có mây vờn lưng núi, có suối khe róc rách gần bên. Trên đường đi công tác, chỗ nào có cảnh đẹp, dù bận Bác cũng cố dừng lại giây lát để thưởng thức. Nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định kể giữa bộn bề công việc nơi ở Phủ Chủ tịch vẫn rất gọn gàng, một ngôi nhà bốn mái lợp bằng cỏ tranh giản dị, rất đẹp ở giữa khu rừng có núi, có đồi, có suối nước bốn mùa trong vắt. Mùa đông kín gió, mùa hè gió nồm nam thổi lồng lộng. Lại có một khoảnh đất rộng để tăng gia, chơi bóng, ai vào cũng có cảm giác Phủ Chủ tịch là nơi đồng bằng thơ mộng. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, người cận vệ thân tín của Bác sau 1955, kể một lần đi công tác, được Bác giao tìm chỗ nào đẹp mà tĩnh để nghỉ trưa mãi vẫn không tìm được, cuối cùng lại phải Bác tìm. Đó là một ngọn đồi nhìn thấy cả biển lúa trập trùng, những mái trường trông xa như những chiếc phao đỏ bập bềnh bên những hòn đảo thôn xóm xanh xanh…

Là nhà thơ của thiên nhiên, Bác trân quý thiên nhiên như với con người. Đáp lại, thiên nhiên coi Bác như người bạn tri âm, tri kỷ: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”. Phải thật thân thiết mới có chữ “đòi” gần gũi, đời thường đến vậy. Nhưng không chỉ thụ hưởng bị động, Bác là người biết tạo ra thêm cảnh đẹp cho thiên nhiên, để cả thiên nhiên và con người cùng thưởng thức. Thời ở Pác Bó, tự tay Bác sửa sang chỗ ở, đào đất thành cái hồ nhỏ, lấy nhũ đá xếp thành núi non bộ cũng có hang, khe, đỉnh, có vách đá cheo leo. Một cái cầu bắc bằng cây lau từ bờ hồ ra chân núi. Chung quanh hồ trồng cây, cỏ trông như bức tranh “sơn thuỷ hữu tình”. Một con cò lửa được Bác tự đẽo bằng đá gan gà vươn cổ nhìn xuống hồ như đang rình bắt tép. Một chiếc thuyền gỗ nhỏ bồng bềnh trôi...

Bác đặc biệt thích hoa, thích nhất là hoa hồng và hoa huệ. Không gian nơi ở của Bác đầy hoa, trên bàn làm việc lúc nào cũng có hoa tươi. Bác tiễn khách thường tặng một bông hồng. Hoa là biểu trưng cho cái đẹp đã đi vào đời sống của Bác một cách tự nhiên nhất. Đó cũng là quy luật cái đẹp tìm đến với cái đẹp vậy. Trong thơ Bác, hình tượng hoa mai là một tín hiệu thẩm mỹ đặc sắc. Có một dấu nối tuyệt đẹp giữa Mãn Giác thiền sư - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh, chỉ xét riêng ở hình tượng hoa mai. Cùng một đối tượng thẩm mỹ nhưng là ba miền ý nghĩa ở ba khoảng không thời gian: thơ Mãn Giác đậm sắc thiền, thơ Nguyễn Trãi vượt khỏi cái trần tục vươn tới cái cao cả, thơ Hồ Chí Minh vừa có cái trầm lặng, thư thái của thiền, vừa có cái ung dung trong sáng của tiên, vừa có cái khát khao đời thường về cái thái bình viên mãn. Không gian thơ Hồ Chí Minh trong sáng lạ thường. Có một chút ngỡ ngàng trong thơ làm bừng nở cả một mùa xuân: “Đường về chợt gặp cây mai núi/ Mỗi đoá hoa vàng một nét xuân” (Tìm bạn không gặp). Phiên âm chữ Hán “Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ/ Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân” được dịch rất chuẩn. Chữ “ngẫu” (chợt) diễn tả thần thái chút ngỡ ngàng sững sờ trước cái đẹp của chủ thể. Phải thật nhạy cảm với cái mới, thật yêu vẻ đẹp của mai, phải thật tràn trề giàu có vốn trải đời, lịch lãm, tinh tế mới có chữ “ngẫu” quý giá này!

Bác là tấm gương tiết kiệm, hạn chế thấp nhất việc dùng sản vật từ thiên nhiên. Những năm trước 1945, nơi chiến khu, Bác ở trong căn lán nhỏ núp dưới bóng cây. Sau này, khi làm Chủ tịch Nước, Bác cũng ở ngôi nhà sàn đơn sơ nằm trong không gian xanh mát bóng cây xanh. Bác quen thuộc, giản dị, bình dân, gần gũi trong trang phục của người cán bộ bình thường, của người nông dân chân chất. Thời kháng chiến chống Pháp, có lần một cán bộ cấp cao thấy Bác mặc áo vá, lấy làm áy náy, nói ra lời. Bác khuyên lại, chân tình: “- Chú ạ! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy! Đừng bỏ cái phúc ấy đi! (1). Còn lời nào thấm thía, sâu sắc hơn lời nói ấy? Bác không đi giày da, suốt đời chỉ đi dép cao su. Bác ăn uống như người nông dân xứ Nghệ, thích ăn cà ghém, cá kho, rau muống xào, bát canh… Đi công tác thì ăn cơm nắm, muối vừng. Khi làm việc ban đêm Bác chỉ dùng đèn dầu vặn nhỏ đủ sáng. Thấy tờ giấy mới dùng một mặt Bác vuốt phẳng phiu để dùng tiếp… Thử hỏi trên thế giới này có một Lãnh tụ nào bình dân hơn thế?

Làm sao Bác lại có phong cách “sống xanh” đi trước thời đại như vậy? Xin phép được nhắc lại tên Hội thảo khoa học quốc tế “Hồ Chí Minh toàn cầu” (Global Ho Chi Minh) được tổ chức tháng 10/2019 tại thành phố New York - Mỹ. Chỉ qua tên gọi của Hội thảo đã nói lên chủ đề của hàng trăm tham luận do các học giả trên thế giới trình bày: tư tưởng Hồ Chí Minh tỏa sáng toàn cầu và đi trước thời đại là nhờ sự hội tụ, kết tinh tuyệt đẹp các tư tưởng nhân văn lớn về con người trước nay trên thế giới. Tư tưởng và phong cách “sống xanh” của Người chỉ là một khía cạnh của cả một hệ tư tưởng lớn Hồ Chí Minh. Chúng ta đang hưởng ứng Cuộc vận động lớn Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thiết nghĩ cần có một sự triển khai sâu rộng, thiết thực về học tập và làm theo phong cách “sống xanh” của Người!

N.T.H

-------

(1). Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005.tr 75.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)