Nhân cách văn hóa tốt đẹp sẽ đẩy lui cái xấu

Thứ Hai, 15/01/2024 07:40

. NGUYỄN MẠNH TIẾN
 

Trong sách “Luận ngữ” thiên “Lý nhân”, Khổng Tử viết “Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ. Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ” (Bậc quân tử nghĩ về đức, kẻ tiểu nhân nghĩ về đất. Quân tử nghĩ về hình pháp, kẻ tiểu nhân nghĩ về ân huệ, lợi lộc). Trong mệnh đề “tiểu nhân hoài thổ” thì chữ “thổ” cần được hiểu rộng rãi ngoài nghĩa chỉ đất cát còn là tài sản, vị trí trong xã hội. Đây là một trong những đoạn được Khổng Tử tập trung phân biệt “định danh” làm rõ thế nào là bậc quân tử, kẻ tiểu nhân. Thực tế lịch sử đã chứng minh những nhận định này rất gần với chân lý!

Theo sách “Việt sử giai thoại” của ta, thời đầu Trần, có kẻ họ hàng với Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung (vợ Trần Thủ Độ) muốn bà xin cho chức Câu đương (chức quan nhỏ ở xã). Nể tình, tìm dịp bà thẽ thọt với chồng, Thủ Độ im lặng gật đầu, còn ghi rõ họ tên quê quán người xin. Thời gian ngắn sau ông cho gọi kẻ đó, anh ta khấp khởi mừng rỡ chạy đến. Trần Thủ Độ bảo: “Công chúa muốn xin cho ngươi được làm chức Câu đương. Ta đồng ý, nhưng để phân biệt với những Câu đương khác, ngươi phải chịu chặt một ngón chân cái để nhận dạng…”. Người run như giẽ, mặt như chàm đổ, người đó quỳ xuống van xin mãi mới được tha!

Từ đó, không ai dám đến cầu cạnh việc riêng với Thù Độ nữa, kể cả vợ.

Những câu chuyện trên cho ta thấy các bậc hiền triết ngày xưa rất coi trọng và đề cao những nhân cách đích thực, đặc biệt khi giao cho họ một vị trí nào đó trong hệ thống quan quyền. Nếu tài đã kém lại luôn nghĩ mưu tham lợi lộc cho cá nhân thì đó là tai họa. Chính vì vậy trong bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 24/11/2021 về chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mở cửa và hội nhập sâu rộng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách là xây dựng đạo đức và nhân cách con người Việt Nam, coi đó là nhân tố chủ lực để chấn hưng và phát triển văn hóa. Theo hướng đó, nhiều ngành, nhiều cơ quan đơn vị, địa phương đã và đang tập trung ra sức tìm giải pháp thực hiện có hiệu quả yêu cầu này.

Nhưng thật đáng suy ngẫm, cùng với sự chuyển biến tích cực ban đầu, những biểu hiện tiêu cực trong nhiều lĩnh vực vẫn tồn tại, thậm chí còn biểu hiện lúc tinh vi lúc trắng trợn, rõ nhất là trong những dịp xem xét, đề bạt, bổ nhiệm, phong chức danh học hàm, học vị… thì cái sự xin xỏ này xuất hiện đa dạng về “thể loại”, phong phú về cách thức, nhiều vẻ về “nhân vật”… Cái sự xin này, dân gian còn gọi là “chạy”: chạy bằng cấp, chạy lên chức, chạy dự án, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy tội… Không phải “chạy” bằng chân mà “chạy” bằng phong bì, bằng quen biết, bằng cửa sau… “Chạy chức, chạy quyền” là nguy hiểm nhất vì nó đẻ ra nhiều kiểu “chạy” khác. Khi “chạy” để có chức vụ, quyền hạn mang lại lợi ích cá nhân nhưng không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện thì phải “chạy bằng cấp”, “chạy thành tích”, thậm chí cả “chạy tuổi”... để cho đủ, cho đẹp “hồ sơ”!

Tưởng rằng chỉ có “chạy” trong lĩnh vực kinh tế, chính trị vì gắn liền với “thổ”, với “huệ” như chữ dùng của Khổng Tử. Nhưng không, vì nhiều lý do mà sự “chạy”, sự xin xỏ này lan sang cả lĩnh vực văn học, nghệ thuật - lĩnh vực của sáng tạo tinh thần, gắn liền với những giá trị tinh thần… Thì ra Khổng Tử “thâm” thật. Ông dùng chữ “thổ” còn là để chỉ chỗ đứng, danh vọng, vị trí trong xã hội, dù chỉ là cái tên!

Đó là chuyện chạy giải thưởng, chạy danh hiệu, chạy hội viên… Vì thuộc lĩnh vực tinh thần nên “chạy” bằng vật chất chắc không nhiều nhưng “chạy” bằng tinh thần thì chắc lắm. Như là cuộc gọi điện thoại xin xỏ “mong… rủ lòng thương”. Như là nhờ bạn bè thân quen, cánh hẩu “móc nối”. Như là cuộc gặp gỡ tưởng rằng ngẫu nhiên… Bao nhiêu kẻ “chạy” sẽ có bấy nhiêu cách “chạy”, vẻ “chạy”…!!! Đáng buồn và cũng đáng phê phán hơn là có người không đạt danh hiệu như ý muốn thì lập tức viết thư nặc danh bịa đặt, vu cáo đồng nghiệp được xét tặng!

Theo nhà văn tài danh Đỗ Chu thì “để có những trang sách hay là cả một cuộc lên đường đầy gian nan, có khi vất vưởng suốt đời mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Người xưa xem văn là một thứ đạo cũng bởi lẽ đó. Đạo làm người, đạo trời đất, đạo văn chương” (Hoa trước thềm văn). Thế mà người ta không lo viết cho hay, lo làm cho tốt, lại cứ lo “chạy” bên ngoài văn chương, nghệ thuật, là sao nhỉ!?

N.M.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)