. NGUYỄN HẢI XUÂN
Với Bác Hồ học tập gắn liền với lao động. Học tập để thành quả lao động tốt hơn mà phục vụ tốt hơn nữa cho dân cho nước thì lao động là hạnh phúc: “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Trong xã hội ta, không có nghề nào kém, chỉ những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ. Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”[1]. Bác Hồ là người lao động thực thụ với 12 nghề khác nhau. Thời đi tìm đường cứu nước để có tiền sống và hoạt động Bác làm nghề nấu ăn, quét tuyết, chụp ảnh… Thời kháng chiến chống Pháp Bác làm bài văn vần để các đồng chí cận vệ chọn nơi ở trong rừng: “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta chơi…”. Đến đâu Người cũng trồng rau, nuôi gà tự túc thực phẩm. Sau này làm Chủ tịch Nước Bác vẫn tự tay cuốc đất trồng rau, trồng cây.
Là người có một tâm hồn nghệ sỹ cực kỳ tinh tế, sâu sắc, vô cùng nhân hậu, luôn vì con người, vì cái đẹp, Bác nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”[2]. Người dạy thanh nhiên phải biết cống hiến, hãy nghĩ đến cống hiến trước khi hưởng thụ: “khi làm bất kỳ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước…, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”[3]. Giáo dục tuổi trẻ hôm nay, cũng phải là sự hài hòa cống hiến và hưởng thụ. Hưởng thụ những tiện ích văn hóa nhân loại là quyền lợi, nhưng phải hướng tài năng và ý chí tuổi trẻ vào việc cống hiến cho đất nước là trước hết, sau đó mới nghĩ về cá nhân, như Bác xác định cho thanh niên học tập: “Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”[4].
Bác Hồ dành cả cuộc đời đấu tranh với bọn thực dân đế quốc để đòi lại hạnh phúc cho các dân tộc thuộc địa. Bác đã suy nghĩ và hành động theo đúng quan niệm của Các Mác: Hạnh phúc là đấu tranh. Người đấu tranh để dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức thoát khỏi trạng thái nô lệ để cùng bước lên đài vinh quang của hạnh phúc được làm chủ, điều mà ngay từ thời kỳ đầu ở Pháp Người đã xác định cùng các bạn bè Pháp: “Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta”[5].
Những đóng góp lớn của Hồ Chí Minh vào sự nghiệp giải phóng con người, ở cả hai phương diện lý luận và thực tiễn đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chỉ ra và khẳng định. Từ thực tiễn thời đại ngày nay, chúng ta thấy Người còn có đóng góp lớn vào việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Khi mà hôm nay cả xã hội ta lên án quốc nạn tham nhũng, tệ quan liêu xa dân, hoang phí…thì tất cả những điều ấy đã được Bác Hồ tiên liệu từ trước. Người định nghĩa chủ nghĩa cá nhân “là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu…”[6]. Người phê phán các biểu hiện của chủ nghĩa nguy hiểm này, là kiểu “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, là tham ô, tư lợi: “… có đôi đảng viên như những con lợn, (xin lỗi tiếng đó), họ rúc vào vườn rau của Nhà nước, chén một bữa no say, hoặc họ hy sinh lợi ích của nước nhà, để lên mặt mình là khảng khái”[7]; là bệnh hoang phí mà Người coi đó là tội ác: “…một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác…”; là bệnh giấy tờ lề mề: “Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng… Kết quả nhỏ là: nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần…”[8].
Hạnh phúc gắn liền với dân chủ. Một xã hội hạnh phúc là xã hội dân chủ, dân là chủ và dân làm chủ. Một biểu hiện sinh động của dân chủ là đối thoại. Cơ sở triết học của đối thoại là cái tôi mỗi cá nhân với trường nhìn đặc trưng chịu quy định của vốn sống, vốn văn hóa, tài năng, cá tính… Cùng hướng trường nhìn về một vấn đề nhưng mỗi người, với điểm nhìn khác nhau, cái tôi khác nhau, lại có “điểm mù” khác nhau nên không thể có cái nhìn trùng nhau. Có người thấy nhiều, có người thấy ít, người chỉ nhìn thấy mặt này, người lại chỉ thấy được mặt kia, chẳng ai biết hết. Về vấn đề này Bác Hồ cũng là nhà biện chứng khi nhắc nhở những người làm công tác huấn luyện, cũng là nhắc nhở mọi người nói chung, ai mà “tự cho là mình biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”[9]. Qua đối thoại những cái nhìn ấy sẽ làm giàu, bổ sung cho nhau bằng cái mới, cái khác, cái lạ. Cho nên đối thoại chấp nhận sự đa ý kiến, nhiều chiều với những tranh luận, phản biện. Người hạnh phúc là người được đối thoại, được nói ra ý mình để người khác nghe, cật vấn, phản bác, và ngược lại. Nhờ đó mỗi người được mài sắc thêm cái tôi, giàu có thêm tri thức, năng động nhạy bén trong phương pháp. Đấy là cơ sở cho sự cộng cảm, thấu cảm lẫn nhau để thân ái, hòa bình, hợp tác, hữu nghị…
Đối thoại là hạt nhân của giao tiếp mà không có giao tiếp không thể làm nên xã hội. Tinh thần dân chủ của đối thoại thể hiện rõ ở chỗ nâng vị thế của người tiếp nhận từ bị động thành chủ động. Chỉ nghe và làm theo là bị động, như kiểu học trò “tập trung chăm chú nghe giảng” từ thầy được coi là trò ngoan; nghe đúng, làm theo đúng được coi là trò giỏi. Trò “giỏi” nhưng ít sáng tạo vì cái giỏi ấy phần lớn của thầy, chưa phải đích thực của trò. Đấy chưa phải là đối thoại. Đối thoại là tiếp thu với sự phản biện, chọn lọc, đưa ra ý mới… Nhờ đối thoại mà hiểu biết nhân lên hiểu biết, sáng tạo nhân lên sáng tạo, con người được là chính mình, làm chủ mình rồi làm mới mình. Đối thoại làm nên bản chất cuộc sống.
Để có đối thoại, các bên tham gia đều phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Bác Hồ là một trong số rất ít các vĩ nhân của thế giới đương đại có thể đối thoại với hầu hết các nền văn hóa lớn. Có ba nguồn văn hóa cơ bản để tạo nên Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, một là học tập, kế thừa tinh thần yêu nước thương người trong văn hóa Việt; hai là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Đông, nhất là tư tưởng đạo Nho và giáo lý nhà Phật; ba là nhờ được đi tới hầu khắp các nền văn hóa phương Tây, học tập và thu lượm những điều tiến bộ ở nhiều tôn giáo, ở rất nhiều chủ nghĩa, khuynh hướng, đặc biệt ở chủ nghĩa Mác... Như cây đại thụ cường tráng có ba chùm rễ khỏe khoắn cắm sâu vào các mảnh đất văn hóa đương đại, truyền thống dân tộc và nhân loại để hút dưỡng chất văn hóa rồi vươn cao cành lá lên bầu trời tư tưởng quang hợp ánh sáng của tự do, bình đẳng, bác ái, của trí tuệ, tình thương... nên Hồ Chí Minh đã tạo cho riêng mình một chủ nghĩa nhân văn vừa phương Đông lại rất phương Tây, cổ điển, truyền thống mà mới mẻ, hiện đại; bình dân giản dị mà bác học trí thức; trong sáng hồn nhiên mà sang trọng vương giả... Những điều ấy thể hiện rất rõ ở từng câu chữ. Mà “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng” (Mác) nên tìm hiểu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trước nhất phải đi từ ngôn ngữ. Thành thạo 12 ngôn ngữ chính trên thế giới nên Người đã nắm rất chắc và làm chủ các chìa khóa giải mã các nền văn hóa lớn. Phải như vậy thì trong Lời than vãn của Bà Trưng Trắc tác giả mới thật sự hiểu sâu từng “quẻ” trong Kinh Dịch để có thể mỉa mai cực kỳ thâm thúy hình tượng Khải Định, cho rằng “mệnh” Khải Định tương ứng với quẻ Dương Cửu lên ở mức cao nhất (là vua) rồi sẽ tuột xuống thân phận thảm hại đớn hèn nhất (là nô lệ, tay sai). Đối với nước Pháp xâm lược Người luôn cố gắng tìm một cơ hội hoà bình. Sang thăm nước Pháp, đáp từ trong buổi tiệc G.Biđôn, Chủ tịch Chính phủ Pháp chiêu đãi ngày 2-7-1946, Bác Hồ nhắc đến đạo Nho (Bác gọi là đạo Khổng): “Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp”[10]. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” là câu nói nổi tiếng của Khổng Tử, trở thành một ứng xử văn hóa phương Đông: Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Đây chính là mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, giữa người với người, quốc gia này với quốc gia khác. Do vậy nó mang tầm phổ quát toàn nhân loại không riêng gì của phương Đông. Hồ Chí Minh đã nhắc khéo nước Pháp: đã từng đau khổ vì bị Đức xâm lược thì chắc nước Pháp rất hiểu nỗi khổ đau mất nước của quốc gia khác. Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Chả lẽ nước Pháp lại đi xâm lược Việt Nam?
Trong đối thoại thì tất cả đều bình đẳng, ai cũng có quyền nói, không ai hơn ai, không ai là kẻ lớn, kia là phận nhỏ, cũng không ai có quyền ép người này phải thế này, phải thế kia…Đối thoại văn hóa tối kỵ những câu mệnh lệnh thức hay cầu khiến…Trước một vấn đề các bên đều có chính kiến, phản biện, bảo vệ…Là người hiểu sâu sắc vấn đề này nên Bác từng nói dân chủ là phải để cho dân được “mở miệng”. Không ngẫu nhiên dễ thấy (cả trong trước tác và đời thường) một nguyên tắc đối thoại của Người với dân là luôn đưa ra những câu hỏi để được nghe trả lời. Hỏi để được biết tình hình, là đưa ra vấn đề rồi khơi gợi cho dân nói, hỏi để tôn trọng dân, hiểu dân... Tháng 9-1958 về thăm tỉnh miền núi Yên Bái, Người nói: “Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ: 10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xoè 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào?...”[11]. Có rất nhiều ví dụ tương tự nhưng ví dụ mà ai cũng biết là khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, một vị Chủ tịch Nước hỏi dân: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?” thì chính là một biểu hiện của tinh thần dân chủ, không còn khoảng cách giữa vị Chủ tịch và dân thường.
Được nói ra những điều mình nghĩ, được nghe những điều mình cần, đấy là hạnh phúc. Sống ở thời đại Hồ Chí Minh là hạnh phúc vì được nói và nghe như vậy.
Đối thoại để gần nhau, hiểu và trách nhiệm với nhau hơn nên không thể thiếu sự chân thành. Chỉ có sự chân thành làm sứ giả thì trái tim mới đến được trái tim, mới kết nối được những tâm hồn. Chỉ có chân thành mới làm người ta thấu hiểu nhau để thấu cảm về nhau. Đây là lời Bác Hồ nói với những người mẹ Pháp có con nghe lời bọn thực dân đi xâm lược Việt Nam mà nguy hiểm đến mạng sống: “Các bà yêu đất nước mình, các bà mong muốn nước mình được độc lập và thống nhất. Nếu có kẻ nào tìm cách xâm phạm nền độc lập và sự thống nhất ấy, thì tôi tin chắc rằng các bà sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ nó. Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi cũng muốn Tổ quốc chúng tôi độc lập và thống nhất. Liệu các bà có kết tội chúng tôi vì chúng tôi đã đấu tranh chống những kẻ tìm cách chinh phục và chia cắt Tổ quốc chúng tôi không?”[12]. Có thể coi đây là một mẫu mực về cách lập luận đối thoại phản đề “thấu lý đạt tình”, rất mực chân thành, tình cảm và rất mực sắc sảo, trí tuệ.
Ngày nay đối thoại văn hóa đang là hướng đi chung của thế giới, những quan niệm ấy đã được Bác Hồ thực hành mấy chục năm. Tư tưởng Bác Hồ đi trước thời đại là như vậy!
N.H.X
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 580.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10. Sđd, tr. 589.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11. Sđd, tr. 400.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Sđd, tr. 179.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr. 208.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr. 90.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7. Sđd, tr. 368.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Sđd, tr. 299.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6. Sđd, tr 356.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Sđd, tr. 304.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11. Sđd, 532.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Sđd, tr. 347.
VNQD