Bác Hồ với giới trí thức Nam Bộ trong Cách mạng mùa thu 1945

Thứ Năm, 01/02/2024 06:06

. NGUYỄN HỮU SƠN
 

Trong bản chất và trên thực tế, tình cảm và sự quan tâm của Bác Hồ với giới trí thức Nam Bộ không bao giờ tách rời vấn đề “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam”, đặc biệt Nam Bộ là nơi “đi trước” trong công cuộc chống xâm lược và trực diện đối đầu với âm mưu chia rẽ Bắc - Nam, tách Nam Bộ ra khỏi nước Việt Nam. Bác Hồ nhấn mạnh điều này với giới trí thức và cũng là với toàn thể đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ ngay từ những ngày đầu khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa thu năm 1945.

Bác Hồ với đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt, tháng 3/1964. Ảnh: TL

Từ phương Nam, ngay sau khởi nghĩa thành công, báo Sài Gòn đưa tin “Hoàng đế Bảo Đại giao cho các thủ lĩnh của Việt Minh liên lạc với các đảng khác để lập Nội các mới” với lời khẳng định: “Sau ngày đảo chánh mồng 9 tháng 3 năm 1945, đức Bảo Đại ra đạo chiếu chỉ đầu tiên, Ngài đã thấy rõ thời cuộc và xu hướng của Quốc dân nên Ngài đã nêu ra ba chữ “dân vi quý”… Và hơn nữa, đạo chiếu chỉ hôm nay, Ngài gởi cho các thủ lãnh Việt Minh liên hiệp với các đảng khác để lập một nội các mới. Trong giờ phút nghiêm trọng nầy, ta phải duy nhứt các đảng phái, hầu đi đến một cuộc độc lập hoàn toàn, để tránh khỏi những cuộc đổ máu đáng tiếc gây ra ở những người trong một nước.”(1) Vào đúng một ngày trước Ngày Độc lập 2/9, nhiều báo đã đưa tin danh sách Chính phủ lâm thời và đặc biệt báo Nước Nam đã in “Bức thư của ông Nguyễn Ái Quốc” có ý nghĩa như một lời kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quý. Bốn năm trước đây, tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập, tự do. (…) Toàn nước, đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta giải phóng cho ta. Tiến lên! Tiến lên! Ở dưới lá cờ Việt Minh. Đồng bào hãy sát cánh tiến lên!”(2) Từ đây, nhân dân dần dần hiểu rõ hơn chân dung nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, cũng chính là Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời.

Ngay sau đó, trong bản Tuyên ngôn độc lập (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đanh thép ý chí độc lập dân tộc trong lời kết: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”…” Người kiên định lập trường: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí đó không bao giờ thay đổi!” Người luôn luôn bày tỏ tình cảm sâu sắc với đồng bào Nam Bộ và quyết tâm hướng tới hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước: “Tôi qua Pháp, đáp lại thịnh tình của Chính phủ Pháp đã mời tôi, mục đích cốt để giải quyết vấn đề Việt Nam độc lập, cùng Trung, Nam, Bắc thống nhất. Vì hoàn cảnh hiện thời ở nước Pháp, mà hai vấn đề chưa giải quyết được, còn phải chờ. Nhưng không trước thì sau, tôi dám quyết rằng: Việt Nam nhất định độc lập, Trung, Nam, Bắc nhất định thống nhất. (…) Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc.”(3) Có thể thấy tinh thần độc lập và thống nhất đất nước của Bác Hồ đã có sức lan tỏa và khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết chống thực dân Pháp của giới trí thức và toàn thể đồng bào Nam Bộ.

Tròn một tuần sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, Ủy ban nhân dân Nam Bộ đã được thành lập theo thể lệ của Chủ tịch Chính phủ Trung ương Hồ Chí Minh để thay vào Ủy ban hành chính Nam Bộ, gồm có các nhà trí thức xuất thân từ nhiều tầng lớp, ngành nghề khác nhau: “Ủy ban gồm có những vị: Phạm Văn Bạch, trạng sư (không đảng phái) - Chủ tịch; Trần Văn Giàu, giáo sư (Đông Dương Cộng sản); Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ (Thanh niên Tiền phong); Huỳnh Văn Tiểng, cựu sinh viên (Tân Dân chủ đoàn); Ngô Tấn Nhơn, kĩ sư (Quốc gia Độc lập); Hoàng Đôn Văn (Lao động Tổng Công đoàn); Huỳnh Phú Sổ, tức Hòa Hảo (Việt Nam Độc lập vận động Hội); Nguyễn Văn Nghiêm, kĩ sư (không đảng phái); Từ Bảo Hòa, điền chủ (không đảng phái); Dự khuyết: Phan Văn Hùm, Trần Văn Nho, Nguyễn Văn Thủ.” Ngay ngày hôm sau đã kịp thời có thông tin theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ: “Cải tổ và mở rộng Ủy ban hành chính Nam Bộ cho đúng với chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy những nhà nhiệt tâm ái quốc để thành lập một Ủy ban nhân dân Nam Bộ có tính cách quốc gia liên hiệp.”(4) Có thể thấy một vài nhân vật bình dân và chưa thật rõ tiểu sử. Hầu hết thành viên Ủy ban nhân dân Nam Bộ được Bác Hồ tin cậy đã phát huy đầy đủ năng lực, trách nhiệm và vai trò của người trí thức trong sự nghiệp cách mạng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giới trí thức trong việc dẫn dắt quốc dân đồng bào nâng cao hiểu biết, Bác Hồ đã xác định sự dốt là “giặc” và khẩn thiết kêu gọi: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí. Chính phủ đã gia hạn trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ Quốc ngữ. Chính phủ đã lập một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của dân chúng.” Tiếp xúc tầng lớp trí thức sinh viên, Bác Hồ liên hệ tới nhiệm vụ tuyên truyền cứu quốc của Nam Bộ trên tuyến đầu chống xâm lược. “Sau khi nghe hai đại biểu của sinh viên nói về ý nghĩa ngày cứu quốc, Hồ Chủ tịch thay mặt đồng bào Nam Bộ cảm ơn toàn thể sinh viên có sáng kiến tổ chức “Ngày cứu quốc” để khuyến khích lòng yêu nước của quốc dân và ủng hộ đồng bào Nam Bộ. Cụ Hồ mong muốn các sinh viên còn làm việc nhiều hơn nữa. Là một trí thức cao hơn bình dân, sinh viên phải làm thế nào cho lòng ái quốc của quần chúng xứng đáng với một dân tộc đã từng có những trang sử oanh liệt. Cụ muốn sinh viên luôn nêu cao được tinh thần cần kiệm, thanh khiết và luôn lãnh nhiệm vụ tuyên truyền tinh thần đoàn kết cho quốc dân.”(5) Ở đây, gặp gỡ sinh viên, Bác Hồ lại “thay mặt đồng bào Nam Bộ” để cảm ơn tầng lớp trí thức sinh viên Hà Nội. Điều này càng xác nhận rõ hơn tình cảm và mối quan tâm của Bác Hồ dành cho giới trí thức và đồng bào Nam Bộ.

Cần nói thêm, vào giai đoạn đầu năm 1946, Bác Hồ với tư cách Chủ tịch Chính phủ đã viết Giấy ủy nhiệm: “Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam ủy nhiệm hai ông Hoàng Quốc Việt và Huỳnh Văn Tiểng cùng về Nam Bộ với đoàn đại biểu Pháp đặng giải thích và thi hành bản Hiệp định đã kí giữa đại biểu Pháp và Chính phủ Việt Nam trong ngày 6 tháng 3 năm 1946. Nhân dân, đồng bào Nam Bộ phải hết sức giúp hai ông Hoàng Quốc Việt và Huỳnh Văn Tiểng làm tròn phận sự.” Hoàng Quốc Việt sinh 1905, quê Bắc Ninh, đương thời là Ủy viên Thường vụ Trung ương. Huỳnh Văn Tiểng sinh 1920, quê Sài Gòn, mới 26 tuổi đã được Bác Hồ tin cậy giao nhiệm vụ trọng đại. Huỳnh Văn Tiểng là trí thức trẻ tiêu biểu ở Sài Gòn - Nam Bộ, từng tham gia phong trào Đông Dương Đại hội do Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, lập các nhóm học sinh ủng hộ báo Đảng, lập các tủ sách mác-xít, vận động học sinh lấy chữ kí kiến nghị phản đối thực dân Pháp bắt giam các dân biểu cộng sản (1936 - 1939); tham gia Ban Chấp hành Tổng Hội Sinh viên, vận động phong trào sáng tác bài hát, ca kịch, truyền bá chữ Quốc ngữ cho thanh niên và là thành viên nhóm Huỳnh - Mai - Lưu (Huỳnh Văn Tiểng - Mai Văn Bộ - Lưu Hữu Phước) nổi tiếng trong phong trào thanh niên Nam Kì trước Cách mạng tháng Tám (1940 - 1943); tiếp đó tham gia Ủy viên Đảng Đoàn phong trào Thanh niên Tiền phong và trực tiếp đấu tranh giành chính quyền tại Sài Gòn trong Cách mạng tháng Tám 1945, trở thành Ủy viên Ủy ban nhân dân Nam Bộ và Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ (do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch, 1944 - 1946)… Bên cạnh nhiều nhân sĩ, luật gia, giáo sư, kĩ sư, bác sĩ, văn sĩ được đào tạo trong nước và từ Pháp trở về, Huỳnh Văn Tiểng là trí thức trẻ trưởng thành từ phong trào thanh niên Sài Gòn - Nam Bộ đã được Bác Hồ quan tâm, tin tưởng giao trọng trách, đặc biệt liên quan tới nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao với phái đoàn Pháp sau Hiệp định sơ bộ (6/3/1946)…

Trong bối cảnh công việc bộn bề, phải xây dựng đường lối kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao và khối đại đoàn kết toàn dân chống thù trong giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến giới trí thức Nam Bộ và hoạt động báo chí, bao gồm từ công tác quy hoạch, tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn, tuyên truyền, viết bài theo từng vấn đề, nội dung cụ thể. Có thể nói tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giới trí thức Nam Bộ đã tạo nên mối quan hệ đặc biệt khi chính Người được giới trí thức Nam Bộ và đồng bào cả nước tôn xưng với cách gọi kính trọng, thân thương, trìu mến là Bác Hồ.

Vào khoảng nửa năm tính từ Cách mạng tháng Tám 1945, Bác Hồ đã thể hiện tình cảm và sự quan tâm đặc biệt với giới trí thức và đồng bào Nam Bộ. Bấy giờ Nam Bộ đang là tuyến đầu của cả nước trong việc đối phó với dã tâm xâm lược và âm mưu chia rẽ hai miền Nam - Bắc của thực dân Pháp. Có thể xác định tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ với giới trí thức và đồng bào Nam Bộ thể hiện trước hết trong việc lựa chọn những cán bộ trí thức “vừa hồng vừa chuyên” tham gia vào Ủy ban hành chính, Ủy ban nhân dân, xây dựng chính quyền nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ. Tình cảm và sự quan tâm của Bác Hồ ở đây thiên về phát hiện, tin tưởng gắn kết trách nhiệm nhân tài trí thức với sự nghiệp xây dựng chính quyền cách mạng Nam Bộ non trẻ chứ chưa phải hướng đến từng cá nhân cụ thể. Rồi đây Bác Hồ sẽ thể hiện tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, toàn diện hơn với giới trí thức và đồng bào Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ tại miền Nam cũng như với lực lượng tập kết ra Bắc (1954), kể cả niềm tin và ý thức nhìn xa trông rộng nhằm đào tạo đội ngũ trí thức bậc cao, chuyên sâu, sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực tri thức cho Nam Bộ ngày đất nước thống nhất.

N.H.S

--------

1. A.P, Việt Nam Hoàng đế Bảo Đại giao cho các thủ lãnh của Việt Minh liên lạc với các đảng khác để lập Nội các mới, báo Sài Gòn, số 17014, ra ngày 24/8/1945, tr.1.

2. Nguyễn Ái Quốc, Bức thư của ông Nguyễn Ái Quốc, báo Nước Nam, số 281, ra ngày 1/9/1945, tr.2.

3. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh tuyên bố với Quốc dân, báo Cứu quốc, số 384, ra ngày 23/10/1946, tr.1-4.

4. C.Q, Mặt trận Việt Minh Nam Bộ đã thống nhất, báo Cứu quốc, số 41, ra ngày 12/9/1945, tr.2.

5. Công Dân, Hồ Chủ tịch khai mạc Ngày cứu quốc của sinh viên, báo Cứu quốc, số 73, ra ngày 22/10/1945, tr.2.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)