Hiểu sâu để hòa nhập văn hóa – Bài học của Bác Hồ

Thứ Năm, 01/02/2024 13:05

. NGUYỄN HÀ THANH

 

Là một nhà văn hóa lớn với trước tác đồ sộ, đa dạng, giàu có ý nghĩa cùng một sự nghiệp cách mạng lừng lẫy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một phong cách hòa nhập văn hóa rất đặc biệt. Bài viết xin được bước đầu tìm hiểu

Chúng ta đều biết văn hóa châu Á chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Khổng (Nho giáo thiên về giáo dục con người lòng nhân ái, nhân nghĩa) và đạo Phật. Màu sắc nhân văn của đạo Khổng và lý tưởng từ bi của đạo Phật thấm đẫm vào từng nếp sống, phong tục đến triết học, chính trị và các tác phẩm nghệ thuật, nhất là văn chương các nước. Bác Hồ là một trong số rất ít các vĩ nhân của thế giới đương đại có thể đối thoại với hầu hết các nền văn hóa lớn vì Người có vốn hiểu biết thực sự vĩ đại. Có ba nguồn văn hóa cơ bản để tạo nên Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, một là học tập, kế thừa tinh thần yêu nước thương người trong văn hóa Việt; hai là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Đông, nhất là tư tưởng đạo Nho và giáo lý nhà Phật; ba là nhờ được đi tới hầu khắp các nền văn hóa phương Tây, học tập và thu lượm những điều tiến bộ ở nhiều tôn giáo, ở rất nhiều chủ nghĩa, khuynh hướng, đặc biệt ở chủ nghĩa Mác...Có thể ví Hồ Chí Minh như cây đại thụ văn hóa cường tráng nhờ ba chùm rễ khỏe khoắn cắm sâu vào mảnh đất văn hóa nhân loại để cành lá vươn cao lên bầu trời nhân dân khắp thế giới mà quang hợp ánh sáng của tự do, bình đẳng, bác ái, của trí tuệ, tình thương... Vì lẽ ấy mà ở Hồ Chí Minh đã tạo cho riêng mình một chủ nghĩa nhân văn vừa phương Đông lại rất phương Tây, cổ điển, truyền thống mà mới mẻ, hiện đại; bình dân giản dị mà bác học trí thức; trong sáng hồn nhiên mà sang trọng vương giả... Những điều ấy thể hiện rất rõ ở từng câu chữ. Mà “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng” (Mác) nên tìm hiểu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trước nhất phải đi từ ngôn ngữ.

Trong quan hệ, ứng xử văn hóa, bài học của mọi bài học từ Bác Hồ là bài học về sự chân thành, chân thành đến tận cùng, chân thành một cách trong sáng, vô tư nhất. Sang thăm Ấn Độ, theo phong tục, đại biểu nhân dân Ấn Độ lần lượt choàng những dải hoa tươi lên cổ các vị khách quý để tỏ lòng kính trọng và hiếu khách. Nhiều vị khách nước ngoài thường nhận hoa rồi đưa cho lễ tân nhưng Bác Hồ đã nhận tất cả để cho từng người choàng những dải hoa lên cổ mình mà không gỡ ra. Khi nhân dân Thủ đô Niu Đêli trao tặng tấm thảm len khá lớn, tưởng rằng Bác chỉ nhận tượng trưng nhưng Bác nói: “Quà của tôi, tôi phải tự nhận lấy” và Bác vác cả tấm thảm đó lên vai, rồi nói thật chân tình: “Tôi vác cả tình cảm nhân dân Ấn Độ trên vai” (1).

Trên báo Nhân dân, số 3107, ngày 27-9-1962 với bút danh T.L, Bác Hồ viết bài Sẵn sàng giúp đỡ kêu gọi toàn dân ta đoàn kết với nhân dân các nước Á - Phi đang đấu tranh giành độc lập, có đoạn:

“Trong thời kỳ chúng ta kháng chiến chống đế quốc Pháp, các dân tộc đó đã từng hăng hái giúp đỡ chúng ta, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, hoặc ít, hoặc nhiều. “Một miếng khi đói hơn mười gói khi no”. Bây giờ đến lượt chúng ta có nghĩa vụ giúp đỡ các dân tộc anh em đó.

Cuộc đấu tranh của họ cũng như cuộc đấu tranh của ta, đều nhằm mục đích chung là tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc. Người cùng một hội một thuyền, phải giúp đỡ lẫn nhau. Việt Nam ta lại có vinh dự to lớn, là đã được giải phóng trước, được độc lập trước. “Người đến trước phải rước người đến sau”. Cho nên chúng ta càng có nghĩa vụ giúp đỡ các dân tộc anh em đó” (2). Trong 7 câu văn ngắn mà có tới 3 tục ngữ, thành ngữ nói về đạo lý ở đời, theo lẽ thông thường là cưu mang lẫn nhau “Một miếng khi đói hơn mười gói khi no”, huống hồ bạn trước đây đã từng giúp mình, là “cùng một hội một thuyền” nên ta càng phải có trách nhiệm giúp đỡ “Người đến trước phải rước người đến sau”. Người kêu gọi và gợi ý cách giúp đỡ, cũng rất Việt Nam, mỗi người cùng chân tình, chân thành “Một hào cũng không phải là ít, mấy đồng cũng không phải quá nhiều” để “Góp gió thành bão”. Bài viết khép lại bằng câu tập Kiều ai cũng hiểu, thấm thía: “Trăm năm trong cõi người ta/ Giàu lòng bác ái, ấy là người Việt Nam” (3). Hồ Chí Minh rất dân tộc truyền thống lại rất quốc tế nhân loại, có tầm nhìn sâu vào truyền thống dân tộc và nhìn rộng ra văn hóa nhân loại cần lao. Người là sự kết tinh đẹp nhất truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, và “thương người như thể thương thân”. Theo đúng tinh thần “Lọ là thân thích ruột rà/ Công nông thế giới đều là anh em” (4). Bác coi những đồng chí đảng viên các đảng cách mạng anh em như là người trong nhà. Đây là lời kể của đồng chí Song Tùng, nguyên đại sứ nước ta tại Cộng hoà dân chủ Đức, Bác nói: “Các đồng chí đại diện các đảng bí mật thì không được theo nghi thức ngoại giao nhà nước. Phải đối xử như anh em trong nhà” (5).

Đối với nước Pháp xâm lược Người luôn cố gắng tìm một cơ hội hoà bình. Ngày 2-7-1946, G.Biđôn, lúc bấy giờ là Chủ tịch Chính phủ Pháp đã mở tiệc chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp, đáp từ trong buổi chiêu đãi này, Bác Hồ có nhắc đến đạo Khổng: “Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp” (6).

“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” là câu nói nổi tiếng của Khổng Tử, trở thành hạt nhân triết lý của đạo Nho, có nghĩa là: Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Đây chính là mối quan hệ tôn trọng cá nhân giữa người với người, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Do vậy nó đã mang tầm phổ quát cho toàn nhân loại không riêng gì của phương Đông. Hồ Chí Minh đã nhắc khéo nước Pháp: nước Pháp đã từng đau khổ vì bị Đức xâm lược thì chắc nước Pháp rất hiểu nỗi khổ đau mất nước của quốc gia khác. Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Chả lẽ nước Pháp lại đi xâm lược Việt Nam?

Trong Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp, ký tên Đ.H, sau khi thuật lại một tin trên báo Pháp có hai mẹ con người Pháp chết đói, tác giả bình luận:“Người đời xưa nói: “Dân giàu thì nước có, dân quẫn thì nước nghèo”. Pháp là một nước giàu có, nhưng trong cuộc chiến tranh bị tàn phá nhiều. Cho nên dân nghèo, tiền ít”. Lấy điểm tựa là câu nói của Khổng Tử để nêu bật nguyên nhân của một nước Pháp xưa kia giàu có mà nay có người chết đói là do chiến tranh. Lời bình luận toát lên một ý nghĩa sâu sắc, ai cũng hiểu mà không cần phải nói ra: muốn giàu có thì phải tránh để xảy ra chiến tranh.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ tư Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, phóng viên báo Praxa Thipatay (Thái Lan) phỏng vấn Hồ Chí Minh về vấn đề hoà bình trong khu vực. Người nói: “Việt Nam phải kháng chiến tranh lại thống nhất và độc lập thật sự đã, sau mới có thể bàn đến việc khác. Đức Khổng Tử có dạy rằng: Quốc trị, thiên hạ mới bình” (8). Vì Việt Nam và Thái Lan gần gũi nhau về địa lý, văn hoá, cùng chịu ảnh hưởng của đạo Khổng nên Bác Hồ mượn lời Khổng Tử làm toát lên quan điểm không những của mình mà là của cả triết lý phương Đông: mỗi quốc gia hãy thật yên ổn đã thì tự nhiên thế giới sẽ hoà bình!

Bất kỳ ai cũng nằm trong một vùng sinh quyển tiếp biến văn hóa nào đó, do vậy bài học mà Bác Hồ sử dụng ngôn ngữ làm sứ giả văn hóa mang tính phổ quát. Trước hết là bài học mỗi cá nhân văn hóa phải nhập thân vào đời sống để tích lũy vốn sống, chất sống văn hóa. Một lần nhìn Bác cùng bộ đội nướng sắn, ông cụ người Tày cười bảo: “Các đồng chí phải học cái ké bộ đội vớ! Trông cầm củ sắn là biết ngay người có ở núi hay không đấy” (9).

Là bài học phải có hiểu biết sâu sắc truyền thống văn hóa dân tộc mình và dân tộc anh em. Hồi hoạt động ở Thái Lan, Bác làm nhiều nghề, có cả nghề “xem bói” và bốc thuốc, thậm chí cả nghề buôn. Ai cũng nghĩ Bác là một người nông dân Thái. Trong lúc rỗi Bác dạy anh em mình KiềuChinh phụ ngâm.

Văn hóa là ngôn ngữ, ngôn ngữ là văn hóa. Ngôn ngữ văn hóa là sự thấu hiểu và thấu cảm. Với Bác Hồ ngôn ngữ là con đường, là cây cầu văn hóa kỳ diệu gắn kết những tâm hồn, những trái tim!

N.T.H

-------

(1). Trần Đương (1999) Ánh mắt Bác Hồ, Nxb Thanh niên, tr 104.

(2). Hồ Chí Minh toàn tập (2002), Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10,, tr 624; (3), tr 625.

(4). Hồ Chí Minh toàn tập (2002), tập 11, tr 258.

(5) Bác Hồ sống mãi với chúng ta (2006), Nxb Thanh niên, tập 2, tr 644-645.

(6). Hồ Chí Minh toàn tập (2002), Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 5; (7), tr 407.

(8). Hồ Chí Minh toàn tập (2002), Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 676.

(9). Nguyễn Ngọc Châu (2007), Đưa Bác về Pắc Bó, Nxb Lao động Xã hội, tr 192.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)