Tôi đang tìm kiếm một thành phố cho mình(*)

Thứ Hai, 29/01/2024 12:59

. LÊ QUANG TRẠNG
 

Sinh ra bên cạnh dòng sông, đúng ngày nước rong, tôi học được từ sông sự hồ hởi muốn tìm ra biển lớn. 15 tuổi, tôi tìm ra “biển lớn” lần đầu tiên, khi đọc được những tư liệu về nền văn hóa trầm tích Óc Eo, từ một đống sách cũ. Tôi say mê những bức hình chụp di vật, ngấu nghiến những dòng chữ tư liệu mô tả thô sơ, và tự hình dung ra rằng nơi mình đứng đây xưa kia từng là một thị cảng sầm uất nhất nhì Đông Nam Á. Tôi tưởng tượng mình là một thị dân, bám lấy những tư liệu hiếm hoi về một phế đô sau trận hải xâm, được các nhà khảo cổ mở ra sau hàng nghìn năm bị vùi lấp trong lòng đất. Sự tưởng tượng ấy nuôi cho tôi cả một khung trời bí mật của tuổi thơ, mà mãi đến sau này, khi viết về Óc Eo, tôi vẫn thấy mình dậy lên nỗi say mê rất lạ.

Các nhà văn tham dự Diễn đàn văn học châu Á lần thứ V năm 2023 chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức. Ảnh: TL

Đất nước tôi được biết đến như một nơi liên miên chinh chiến suốt hàng nghìn năm lịch sử. Chính vì thế mà văn học, đặc biệt là từ nửa sau thế kỉ XX, đề tài chiến tranh luôn được ưu tiên. Vừa song song vừa tích hợp với đề tài chiến tranh là đề tài nông thôn. Dân số đa phần là thôn dân, hoặc xuất thân từ thôn dân, cùng nền nông nghiệp có chiều dài lịch sử lâu đời… lí giải cho việc nổi lên hình tượng nhân vật trung tâm đặc biệt ấn tượng của văn học Việt Nam là người nông dân cầm súng.

Ngày nay, tiếng súng đã lùi xa, trước sự phát triển không ngừng của đất nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nông thôn có những đổi thay, nâng cấp về các giá trị đời sống. Những đô thị không ngừng được xây dựng và mở rộng. Như dòng sông luôn trôi chảy qua vùng cù lao bao đời thuần nông. Sông lấy đi những khoảng đất lở và cũng nhanh chóng đắp bồi nên những bãi bờ phù sa mỡ màu. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao một lưu thuỷ văn chương Việt Nam mang cảm hứng phố phường vẫn chưa thực sự được hình thành. Những trang viết ấn tượng về thị dân như của Bảo Ninh, Chu Lai, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà… chưa có nhiều. Phải chăng sự ồn ào của các thành phố không/chưa đủ sức hấp dẫn đối với các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn “ở trọ phố phường”?

Tôi ý thức rằng, nghề viết luôn cần có sự tĩnh lặng, cô đơn để lắng lọc và suy nghiệm. Đành rằng hoa quả của nghề viết có thể trổ ở bất cứ nơi nào mà nhà văn thăng hoa cảm xúc, tuy nhiên, khi đã viết một số tác phẩm về nông thôn - nơi tôi xuất thân, thì tôi vẫn không cưỡng lại được sức hút của các đô thị (xưa và nay). Dường như lúc nào ở những nơi sầm uất ấy cũng có những chất liệu mà tôi có thể mang về. Để khi giữa căn phòng lặng im chỉ còn tôi và trang giấy trắng, những thân phận người sẽ bắt đầu ngoi lên, cất tiếng của mình.

Tôi sinh ra và lớn lên ở quê làng thuần nông, trên cánh đồng còn lác đác linga, yoni và những hố bom. Năm 18 tuổi, tôi mới được đọc tác phẩm của các nhà văn lớn trên thế giới như Patrick Modiano và Orhan Pamuk. Tôi thầm “ganh tị” với những nhà văn lớn ấy khi họ có một thành phố cho mình, một thành phố mang bản sắc riêng, văn hoá nhiều vỉa tầng, trải qua bao thăng trầm biến động. Một thành phố mà nhà văn có thể đắm cả đời viết của mình vào đó. Tôi tự hỏi, mình có thể viết nên một tác phẩm đặc sắc về đời sống phồn hoa và rực rỡ của phố thị không, khi mình chưa tìm được một đô thị để đắm chìm vào. Đêm đêm nhìn phía ánh đèn thành phố, tôi khao khát viết về nó, nhưng có điều gì đó làm tôi ngại ngần. Trước làn sóng phát triển của đô thị, nhiều thành phố gần như sao chép nhau với những cao ốc, những đại lộ, những tiểu cảnh, những tượng đài... Đô thị không bản sắc kéo theo văn chương không có dấu ấn sâu đậm. Vậy nên tôi phải luôn kiếm tìm, hình dung, xây dựng trong tâm tưởng một đô thị lí tưởng, của riêng mình - nơi sẽ có thiên nhiên, chiều sâu văn hóa, cá tính và bản sắc đô thị.

Chiến tranh đã lùi xa, nền nông nghiệp nơi tôi sống đã có những bước tiến lớn. Tri thức nông nghiệp (hình thức sản xuất) và hạt lúa (sản phẩm) đã vượt ra khỏi “cây đa cầu ngõ, lũy tre cuối làng”. Nhiều vấn đề về xã hội hiện đại hóa dần được bóc tách, nhưng dường như vẫn còn một khoảng trống về văn học đô thị chưa kịp lấp đầy. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, khi các đô thị lớn bị tổn thương, lộ ra sự dễ vỡ, mong manh; đời sống và nỗi cô đơn, lạc lõng của thị dân tầng tầng lớp lớp hiện ra rõ rệt hơn. Những thân phận con người trước biến động bất ngờ ấy sẽ không bao giờ bị quên lãng, bởi văn chương. Tôi cho rằng, không ai sẽ viết tốt về đô thị hơn là những người viết trẻ chúng tôi. Bởi phần nhiều trong số chúng tôi đã bước ra khỏi chiến tranh và làng quê nông nghiệp để hội nhập cùng quá trình đô thị hóa. Chính chúng tôi là thế hệ lao động chính của nền kinh tế. Chúng tôi có nhiều cơ hội để dấn thân, khám phá và thấu cảm thân phận con người dưới guồng quay đô thị hóa đang diễn ra.

Ở các đại đô thị, chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được sự đa dạng dân số, sự bùng nổ của công nghệ, nhưng cũng là nơi thể hiện rõ nhất khoảng cách giàu nghèo, sự va đập giữa các nền văn hoá, cộng sinh và tiêu diệt nhau, nâng đỡ và giẫm đạp nhau. Đó là mảnh đất trù phú của văn học nghệ thuật, mà chỉ cần lắng mình lại sẽ nghe thấy nhịp đập của đô thị. Những người nhập cư trẻ tuổi đến từ nhiều nơi trên thế giới bao gồm cả những nhà văn đầy tham vọng luôn được cư dân thành thị chào đón. Mặt bằng dân trí ở thành thị luôn cao hơn nông thôn, điều kiện học hành đầy đủ và sự nhạy bén với trào lưu, tri thức mới là điều kiện quan trọng để làm nghề viết văn. Hầu hết các nhà xuất bản, tòa soạn lớn đều có trụ sở và hoạt động ở khu vực đô thị, nơi ngoài việc tiếp cận các nhà xuất bản, các cây bút có triển vọng còn có thể giao lưu với nhiều tác giả, tiểu thuyết gia lớn thông qua các diễn đàn, liên hoan văn học uy tín. Và, ngay tại đây, ngày hôm nay là một ví dụ tuyệt vời về điều đó.

Ở đây, vấn đề bản sắc của đô thị cũng không kém phần quan trọng. Tôi cho rằng, chỉ trên cái phông nền bản sắc của các thành phố, thân phận con người (đặc biệt là thị dân) mới được bật lên một cách đa dạng. Một tác giả trẻ tài năng, tham vọng và bản lĩnh không chỉ vượt lên những rào cản của sự đô thị hóa, mà còn biết nắm bắt bản sắc, tiếng nói tinh thần của đô thị mình đang đứng chân, để sáng tạo và chiếm lĩnh đỉnh cao trong nghề.

Những năm gần đây, các giải thưởng Nobel, Oscar hay World Cup tỏa sáng tên tuổi của châu Á đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc rằng, thế giới bắt đầu dịch chuyển sự chú ý về châu Á, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Các thành phố hiện đại, giàu bản sắc như Gwangju - “thành phố ánh sáng và dân chủ”, nơi tôi vinh dự được đến - là một trong những địa chỉ đầy hứa hẹn cho các nhà văn trẻ khám phá và sáng tạo. Người ta thường định danh và vinh danh các đô thị, kiểu như Hà Nội là “thành phố vì hòa bình”, Seoul là “thành phố không ngủ”, Tokyo là “thiên đường mua sắm”, Mumbai là “thành phố của những giấc mơ”… Trầm tích văn hóa ẩn sâu trong lòng các vùng đất, đô thị đang cuồn cuộn những con sóng tươi trẻ, năng động và hấp dẫn luôn là cơ hội vàng cho người viết nắm bắt, chèo lái vượt nhanh và xa.

Gần một thế kỉ trước, người dân quê tôi đào được rất nhiều mảnh vàng, bia đá cổ xưa… chạm khắc những áng văn bằng một loại văn tự đến nay vẫn chưa ai dịch thấu đáo được. Người dân đem những thứ ấy về thờ, và dân gian mường tượng dịch, dệt nên rất nhiều câu chuyện. Chưa có một lời giải đáp thích đáng, nhưng những áng văn như lời muốn nói của thị dân xưa luôn nuôi trong tôi niềm say mê và tưởng tượng. Đã rất nhiều năm trôi qua, sức hút của một đô thị phồn hoa vẫn còn vấn vương mãi đến hậu thế. Tôi nghĩ rằng, ở bất kì một đô thị nào, hiện thực hay quá khứ, đều chứa đựng những điều kì diệu ấy. Và dường như, tinh thần, hơi thở của bản sắc và năng lượng mà các đô thị tỏa ra luôn là điểm thu hút hấp dẫn và là nguồn cảm hứng chuyển điệu, động lực không nhỏ tác động đến quá trình sáng tạo của các nhà văn trẻ châu Á. Trong hành trình đi tìm một đô thị cho riêng mình (như tôi ao ước), tôi nhận ra sự hồi sinh thần kì của các đô thị châu Á sau đại dịch Covid-19. Điều đó làm cho tôi tin tưởng rằng, văn chương đô thị châu Á sẽ phát huy cao độ thiên chức của mình: mang đến hi vọng và vẻ đẹp trong tâm hồn mỗi con người hôm nay và trong tương lai

L.Q.T

--------

*. Tham luận trình bày tại Diễn đàn văn học châu Á lần thứ V, tổ chức tại Gwangju - Hàn Quốc, ngày 16/9/2023.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)