Tư tưởng Bác Hồ về “thực” và “đạo” soi sáng cho hôm nay

Thứ Tư, 07/02/2024 07:12

. NGUYỄN HÀ PHAN

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh có mạch nguồn từ Chủ nghĩa Mác nhưng áp dụng sáng tạo, triển khai sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở nước ta. Bác nói về Chủ nghĩa Mác rất cụ thể, dễ hiểu và thiết thực, cứ như là Chủ nghĩa Mác có nguồn gốc ở Việt Nam vậy: “Phải rất chú ý tăng gia sản xuất. Các cô, các chú có khi vì công tác, vì điều kiện, vì trình độ một phần nên chưa nghiên cứu được về chủ nghĩa Mác - Lênin. Bác chỉ nói một điểm rất giản đơn “có thực mới vực được đạo” đó là duy vật, đó là gốc của chủ nghĩa Mác – Lênin”[1]. Thậm chí Bác còn nhấn mạnh “có thực mới vực được đạo” đó là “gốc” của chủ nghĩa Mác! Đây cũng là bài học cho những người giáo điều có khi “thuộc lòng” kinh điển Mác nhưng lại rất xa rời thực tế!

Trong cuốn Đời sống mới được viết xong ngày 20-3-1947 Người hết sức lưu ý chuyện ăn mặc của dân: “nếu công nhân đủ ăn, đủ mặc, thì họ mới đủ sức; đủ sức thì làm được việc. Một con ngựa ăn no mới chạy nhanh. Một cái máy đủ dầu mỡ mới quay đều. Người ta cũng thế”[2].

Thế nên trong mọi thời điểm Người đều yêu cầu Đảng và Chính phủ “giải quyết tốt vấn đề ăn”: “Việt Nam ta có câu tục ngữ: “Có thực mới vực được đạo”. Trung Quốc cũng có câu tục ngữ: “Dân dĩ thực vi thiên”. Hai câu ấy tuy đơn giản, nhưng rất đúng lẽ. Muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ăn (rồi đến vấn đề mặc và các vấn đề khác). Muốn giải quyết tốt vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng[3]. Theo Người “ăn” là vấn đề gốc, là cái nền móng để làm những việc to lớn khác: “Vì không có ăn chẳng làm gì được, như tục ngữ có câu: “Có thực mới vực được đạo”, cho nên chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải chú trọng xây dựng nông nghiệp và công nghiệp”[4]. Dưới cái nhìn biện chứng, người dân no ấm, lương thực đảm bảo sẽ đảm bảo các ngành nghề khác tiến bộ: “Có thực mới vực được đạo”. Sản xuất lương thực làm khá, cho nên các ngành khác (công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, văn hóa, xã hội, v.v.) đều có tiến bộ”[5]. Chú trọng phát triển nông nghiệp, vì “có thực mới vực được đạo”, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, “trồng nhiều lúa, nhiều màu, nhiều bông, để quân và dân đủ ăn, đủ mặc, đủ dùng”[6].

Trong điều kiện nước nhà vừa phải chống lại quân xâm lược vừa phải lo cái ăn cái mặc cho nhân dân nên ngành nông nghiệp đương nhiên phải được coi trọng. bác nhiều lần nhấn mạnh ưu tiên cho “mặt trận hàng đầu” này: “Mặt trận kinh tế gồm có công nghệ, buôn bán, nông nghiệp. Ngành nào cũng quan trọng. Nhưng lúc này, quan trọng nhất là nông nghiệp, vì “có thực mới vực được đạo”. Có đủ cơm ăn áo mặc cho bộ đội và nhân dân, thì kháng chiến mới mau thắng lợi, thống nhất và độc lập mau thành công”[7]. Không chỉ thế, trong quan hệ với văn hóa, “cái ăn” cũng phải đi trước: “Về văn hóa, “có thực mới vực được đạo”, kinh nghiệm các nước bạn cho chúng ta thấy rằng: khi nông dân đã có ruộng cày, đã đủ cơm ăn, áo mặc thì văn hóa nhân dân phát triển rất nhanh. Còn những vấn đề khác, như công an nhân dân, thương binh, bệnh binh, vệ sinh nhân dân, v.v. đều dựa vào lực lượng quần chúng nông dân mà dễ dàng giải quyết”[8].

Ở ngày hôm nay chúng ta gọi là “an ninh lương thực”, nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ Bác đã quan tâm một cách cụ thể, thiết thực, và rất hiệu quả về vấn đề này. Thực tế lịch sử chứng minh quan điểm của Bác là đúng đắn. Học Bác, Đảng ta có những chiến lược lớn về nông nghiệp để có những thành quả Đổi mới vĩ đại sau này!

Lời Bác Hồ luôn mang tính chân lý vì nói đúng vào bản chất vấn đề: “Bởi vì dân lấy ăn làm gốc, có thực mới vực được đạo. Nếu bụng đói thì các cô, các chú nói gì hay mấy cũng không ai nghe. Vì vậy trước hết phải quyết tâm làm vụ mùa này cho tốt. Làm ruộng thì phải ra sức bón phân, chăm lo này khác, đồng thời phải chống với thiên nhiên, chống lụt, chống bão, sâu, v.v...”[9].

Theo Bác, vì là “đầy tớ” của dân nên Đảng và Chính phủ phải chăm lo miếng ăn cho dân. Trong một buổi nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói, Bác nhấn mạnh: “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả. Vì vậy chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”[10]. Ở mảnh đoạn trên các câu lặp về nội dung được cấu trúc đẳng lập vừa để nhấn mạnh các nhiệm vụ trung tâm vừa nhắc nhở các cơ quan công quyền phải tập trung ở mức cao độ nhất để hoàn thành các nhiệm vụ ấy. Ở mảnh đoạn sau là các giải pháp “tăng gia sản xuất và tiết kiệm” đồng thời nêu ra nguyên lý: dân đủ ăn, đủ mặc, được học hành, khỏe mạnh là sự thể hiện sinh động, cụ thể nhất cho các “chính sách”.

Muốn có ăn phải tăng gia sản xuất, “giồng giọt cho nhiều”. Thời kháng chiến chống Pháp Bác phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất và tự mình là một người “tăng gia” tích cực nhất. Người tự tay cuốc vườn, trồng rau, tưới rau, nuôi gà...Người kêu gọi cán bộ, bộ đội, nhân dân cùng “tăng gia”: “Nhờ tăng gia sản xuất mà đời sống của nông dân, công nhân, bộ đội, cán bộ đều được cải thiện mau hơn. Về văn hóa xã hội, đại đa số nhân dân sẽ đủ ăn đủ mặc, “có thực mới vực được đạo”, sẽ hăng hái học tập hơn và do đó sẽ phát triển mỹ tục thuần phong. Kinh nghiệm những nơi đã phát động quần chúng chứng tỏ rằng: Đồng bào rất ham học và các nhà trí thức sẽ có nhiều cơ hội để phục vụ nhân dân”[11]. Nhưng “tăng gia” cũng phải có “kế hoạch”, “bài bản” chứ không theo kiểu “tiểu nông” tự phát: “Tục ngữ ta nói: "Có thực mới vực được đạo". Muốn "thực" thì phải có lúa, ngô, khoai, sắn, v.v. do nông dân làm ra. Nếu nông dân cung cấp không đủ, thì công nhân, công chức, học sinh, quân đội, nhân dân thành thị sẽ bị đói. Muốn cung cấp đầy đủ thì nông dân phải tăng gia sản xuất. Ai hướng dẫn nông dân tăng gia? Cán bộ sản xuất, cán bộ nông lâm phải hướng dẫn”[12].

Để có một “an ninh lương thực”, trong hoàn cảnh thời chiến thì mô hình hợp tác xã là tối ưu trong sản xuất nông nghiệp. Bác khuyến khích phong trào xây dựng hợp tác xã tốt hơn: “Sự có mặt của các chú bộ đội, dân quân tự vệ, hàng ngũ chỉnh tề ở đây, cũng chứng tỏ lực lượng quốc phòng của ta tiến bộ. Nhưng “có thực mới vực được đạo”. Muốn ăn no, mặc ấm thì phải làm thế nào? Chúng ta đã đi được một bước là xây dựng hợp tác xã. Nhờ có hợp tác xã, đời sống bây giờ khác 3 năm trước. Có đúng không? Đúng, nhưng nếu hợp tác xã được củng cố hơn nữa, phát triển hơn nữa thì đời sống còn hơn bây giờ nữa. Đồng bào có muốn hơn nữa không?”[13].

Ở ngày hôm nay nước ta đang là nước xuất khẩu gạo chủ yếu của thế giới (8 triệu tấn) không chỉ góp phần làm giàu cho ngân khố quốc gia còn đóng góp lớn cho vấn đề an ninh lương thực thế giới. Điều ấy chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh đi trước thời đại.

N.H.P


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 619.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Sđd, tr 123.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 375.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 437.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 442.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6. Sđd, tr 59.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6. Sđd, tr 212.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8. Sđd, tr 32.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10. Sđd, tr 610.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Sđd, tr 518.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8. Sđd, tr 356.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10. Sđd, tr 318.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 263.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)