Lịch sử, văn hóa người Việt trong “Nước Nam một thuở”

Thứ Ba, 06/02/2024 07:03

 Nước Nam một thuở là cuốn sách tập hợp 38 công trình nghiên cứu, bài viết tiêu biểu bằng tiếng Pháp và 60 tranh ảnh phong phú về đất nước, con người An Nam đăng trên các Tạp chí Đông Dương, Tạp chí Viễn Á, Tuần san Đông Dương, Tập san Dân Việt Nam xuất bản từ năm 1894-1948, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tuyển dịch sang tiếng Việt.

Tác giả của những bài viết này là các học giả, nhà khoa học, quan chức người Pháp và người Việt như: Louis Bezacier, Gustave Dumoutier, Cérutti, Henry Bontoux, G. Taboulet, G.Tucat, Ngô Quý Sơn, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Xuân Chữ… Họ đã khảo cứu và đưa ra những luận điểm khá tinh tế về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, giáo dục, các vùng đất, di tích, nhân vật lịch sử của Việt Nam thời Pháp thuộc…

Ấn phẩm chủ yếu khai thác các bài tiểu luận có chất lượng ẩn trong các hồ sơ lưu trữ, trong đó có các ấn phẩm định kì phát hành từ năm 1948 trở về trước… Tác giả của những công trình này là các học giả, nhà khoa học, quan chức người Pháp và người Việt như: Louis Bezacier, Gustave Dumoutier, Pierre Pasquier, Cerutti, Henry Bontoux, Paul Boudet, G. Tucat, Ngô Quý Sơn, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Xuân Chữ... Họ đã nghiên cứu kĩ lưỡng về nhiều lĩnh vực của đời sống: văn hóa, giáo dục, du lịch, quân sự, y tế, ngành nghề truyền thống...

Các bài viết được lựa chọn và sắp xếp, hệ thống hóa theo chủ đề và trình tự thời gian. Mỗi bài viết đều có hình ảnh minh họa, ghi rõ tác giả, kí hiệu tra tìm, niên đại. Đối với những bài viết không có hình ảnh, ban biên soạn đã sưu tầm, bổ sung hình ảnh đồng thời ghi rõ nguồn dẫn để cuốn sách thêm phần sinh động. Đối với tên phố và đường ở Hà Nội và Sài Gòn, giữ nguyên tên gốc tiếng Pháp và bổ sung tên gọi tương đương hiện nay.

Trong quá trình thực hiện, nhóm biên dịch đã gặp không ít khó khăn. Một số bài dịch từ chữ Hán, chữ Nôm, vốn có nhiều khái niệm trừu tượng, khó hiểu cũng như không có câu, từ tương đương trong tiếng Pháp; tác giả đồng thời là người dịch Hán-Nôm chỉ chuyển ý tóm lược, chẳng hạn như bài Thi Hương hay bài Câu đối. Thêm vào đó, một số địa danh hay tên người bị tác giả người Pháp viết sai, hoặc không dấu (tiếng Việt) gây nhiều khó khăn cho người dịch.

Vẫn trong một số bài dịch từ chữ Hán, chữ Nôm, có nhiều sử tích và sự kiện lịch sử quá xa thời đại chúng ta hiện nay. Chẳng hạn, các sự kiện lịch sử, chiến tranh giữa các triều đại của Trung Hoa thể hiện trong các đề thi và bài làm của thí sinh "thi Hương" mà tác giả người Pháp đồng thời là người dịch không chú thích rõ ràng khiến người dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt (qua hai lần chuyển ngữ) rất khó để xác minh đúng hay sai sự kiện.

Trong tất cả các trường hợp trên đây, người dịch cũng như người hiệu đính, biên tập đã phân tích từng trường hợp trong bài viết để chấp thuận các giải pháp chuyển ngữ (có thể): chuyển ý, chuyển câu hoặc dịch từng từ sao cho sát ý, người đọc có thể chấp nhận được và dễ hiểu.

Cuốn sách nghiên cứu các chủ đề như: Phong tục ngày Tết; Các nghi lễ, phong tục tập quán Các đặc điểm văn hoá; Nét văn hóa của các vùng, khu vực; Các danh nhân văn hóa, lịch sử; Các chủ đề khác.

Ảnh minh họa bài viết "Câu đối" đăng trên tuần san Đông Dương năm 1944.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định “…Với chức năng của một cơ quan lưu trữ quản lý khối tư liệu lịch sử phong phú bậc nhất liên quan đến thời kỳ thuộc địa các soạn giả của Trung tâm đã tìm tòi, sưu tầm, dịch thuật, đúng với nguyên lý “gạn đục khơi trong” để giới thiệu với bạn đọc ngày nay tham khảo những tri thức và luận điểm của các tác giả là các nhà học thuật hay nhà cai trị, là người Pháp hay người bản xứ liên quan đến những vấn đề của đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam đương thời, trong đó có cả những truyền thống xa xưa vẫn đang hiện diện trong đời sống đương đại.”

Nghìn năm qua lịch sử nước ta có những trang sử hào hùng và vinh quang khi cố kết được nhân dân, giữ vững quyền tự chủ và xây dựng nền văn hiến dân tộc, nhưng cũng có những trang sử ảm đạm và khổ đau khi lâm vào nạn cát cứ phân tranh hoặc bị ngoại bang xâm lược và đô hộ. Qua trang sách, chúng ta sẽ có cái nhìn trọn vẹn nhất về dân tộc mình qua lịch sử và văn hóa trong những giai đoạn mà ngày nay ít nhiều chúng ta vốn chưa thể cặn kẽ.

Không thể không nhắc đến những trang viết đầy màu sắc và thú vị qua cách hành văn của các tác giả. Điều này góp phần quan trọng vào sự hấp dẫn và giá trị của cuốn sách. Đoạn trích sau đây là một ví dụ: “Niềm khao khát về một cuộc sống ẩn dật đã thúc đẩy người ta đến nương náu dưới sự tĩnh tại của những cây sồi cổ thụ và các bụi cây dương xỉ. Đó là cuộc trốn chạy từ vùng đồng bằng nóng ẩm tới những vùng núi cao nơi gió Lào phất qua mang lại cảm giác mát mẻ chứ không nóng bức như vùng châu thổ, hoặc nơi làn gió biển thổi vào mát lạnh nhờ những lớp khí quyển trên cao. Nhiệt độ dao động từ 15 đến 26 độ từ tháng 6 cho đến tháng 10 và ẩm mốc là chuyện hiếm gặp. Lá phổi khoan khoái. Đôi chân tìm lại sự dẻo dai và khỏe khoắn. Màu hồng ửng lên trên đôi má trẻ thơ” (Bà Nà, L.S.).

Nước Nam một thuở thuộc Tủ sách Lịch sử-Văn hóa, nằm trong dự án hợp tác giữa Omega Plus và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1.

THU LAN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)