Hồ Chí Minh - người kiến tạo hệ hình mĩ học mới

Thứ Tư, 14/02/2024 06:36

. NGUYỄN THANH TÚ - NGUYỄN THỊ VUI
 

Hệ hình mĩ học marxist được xây dựng trên cơ sở phương pháp biện chứng duy vật nghiên cứu sự vận động của các quan hệ thẩm mĩ trong hiện thực, trong tâm hồn, nhất là trong nghệ thuật. Vận dụng một cách sáng tạo mĩ học marxist, kế thừa mĩ học truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa mĩ học nhân loại, Hồ Chí Minh đã kiến tạo một hệ hình mĩ học mới hiện đại, độc đáo, đặc sắc mang một dáng vẻ riêng, một sức sống riêng.

Những mạch nguồn mĩ học dân tộc

Do luôn bị họa xâm lăng đe dọa trong suốt chiều dài lịch sử, nên người Việt rất sùng bái những anh hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi. Đức Thánh Trần Hưng Đạo được thờ trên mọi miền đất nước. Trong các vị “tứ bất tử” của người Việt thì có vị anh hùng Phù Đổng Thiên Vương, biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc đánh đuổi ngoại xâm. Tính cách người Việt luôn hướng tới cái trong sáng, cái cao cả, chết trong còn hơn sống đục. Dù có đang sống nơi giàu sang nhưng vẫn hướng về quê nhà, không đâu bằng quê nhà, có thể là nghèo nhưng trong sáng êm đềm: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Vì lẽ ấy người Việt không chịu làm nô lệ cho ngoại bang, không chịu khuất phục bất kì kẻ thù nào. Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển và nâng cao tinh thần ấy thành châm ngôn bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do.”

Lí tưởng, niềm tin luôn là điểm tựa tinh thần trong cuộc sống mỗi người, mỗi cộng đồng. Trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt, lí tưởng niềm tin luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần chính là một biểu hiện về niềm tin và quyết tâm không gì lay chuyển, cũng là thể hiện một khí phách ngút trời cả nước đồng lòng đuổi giặc Nguyên. Thời đánh giặc Minh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi được dân tin, quân mến coi như cha (“Tướng sĩ một lòng phụ tử hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”) nên mới có thể làm nên “cỗ nhung y chiến thắng”. Một trong những nguyên nhân cơ bản đã giúp dân tộc ta “đánh thắng hai đế quốc to” Pháp và Mĩ là nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo thiên tài của Bác Hồ, của Đảng. Nhìn rộng ra trên thế giới chưa thấy dân tộc nào trở nên hùng cường tự chủ mà lại thiếu lí tưởng, niềm tin. Hồ Chí Minh là sự hội tụ, kết tinh giá trị niềm tin của người Việt. Thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập, cụm từ tôi tin xuất hiện 245 lần, có 205 lần chủ thể phát ngôn là Bác Hồ; hai chữ tin tưởng xuất hiện 348 lần, 302 lần biểu hiện trạng thái tâm lí tích cực của chủ thể tác giả Hồ Chí Minh. Mở đầu Di chúc là một niềm tin chiến thắng:

“Cuộc chống Mĩ, cứu nước của nhân ta dù phải kinh qua gian khổ hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.”

Đặt Di chúc trong bối cảnh công bố (1969) khi mà cuộc kháng chiến chống Mĩ còn đang ở giai đoạn cực kì gian khổ càng thấy đó là một niềm tin của chân lí. Niềm tin luôn đi cùng quyết tâm, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành độc lập. Đó không chỉ là lời Bác Hồ mà còn là lời của lịch sử, của chân lí và đạo lí.

Người Việt quan niệm cái đẹp ở trong đời sống, gắn liền, hài hòa với đời sống. Chịu sự quy định của môi trường nóng ẩm, mưa nhiều bão lắm, canh tác chủ yếu là cây lúa nước phụ thuộc nhiều vào thời tiết… nên thẩm mĩ người Việt không ưa thích cái hoành tráng, bề thế mà thích cái nhỏ nhắn, tiện dụng, bình dị, giản dị. Nhà ở cũng vừa phải, không quá cao to cũng không quá thấp nhỏ, để tránh bão tố nhưng vẫn mát mẻ. Điêu khắc đình chùa miếu mạo vừa tôn nghiêm với các hình ảnh long, ly, quy, phượng… vừa có các hình ảnh sinh hoạt dân dã, đời thường, có cảnh chèo thuyền, đấu vật, có cả cảnh các cô gái đang tắm, cảnh trai gái nô đùa… Cuộc sống, tính cách, phong cách của Hồ Chí Minh rất điển hình cho quan niệm thẩm mĩ gắn với đời sống, hài hòa với đời sống. Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình Bác Hồ luôn chọn nơi ở gần gũi, chan hòa với thiên nhiên. Thậm chí khi là thượng khách của nước Pháp (1946) Người cũng chọn một nơi ở giản dị nhưng có vườn cây, có hoa cỏ. Khi là Chủ tịch nước phải tiếp khách quốc tế Người cũng chọn tầng 1 của căn nhà sàn nhỏ nhắn giữa vườn cây.

 

Mạch nguồn mĩ học phương Đông

Không chỉ được nuôi dưỡng bởi mĩ học dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tiếp thu nhiều mạch nguồn mĩ học lớn trên thế giới, trong đó có mĩ cảm Phật giáo. Trong các lá thư gửi đồng bào Phật tử, Người đã cho thấy sự am hiểu sâu sắc mạch nguồn văn hóa Phật giáo khi viết: “Cuối cùng tôi chúc các vị luôn luôn mạnh khỏe, tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.” Ngoài Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ, Hồ Chí Minh cũng rất am hiểu văn hóa Trung Quốc. Người có những nhận xét, đánh giá rất cao về văn hóa Trung Quốc: “Trung Quốc là một nước vĩ đại, hùng cường và đẹp đẽ. Nền văn hóa lâu đời và ưu tú của Trung Quốc đã có một ảnh hưởng sâu xa ở châu Á và trên thế giới.” Hồ Chí Minh hay dùng những câu chuyện cổ, những tấm gương trong kho tàng văn hóa Trung Quốc để giáo dục cán bộ, nhân dân về đạo đức cách mạng như chuyện Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ, chuyện Tăng Tử chép sách trong Luận ngữ… Người cũng hay bình giảng về thơ Đường, thơ văn Lỗ Tấn cho cán bộ: “Nói về người cách mạng và đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ: Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ/ Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu. Xin tạm dịch là: Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng. “Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mĩ. Cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian khổ. “Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân.”

 

Mạch nguồn mĩ học phương Tây

Hồ Chí Minh tiếp thu mĩ học bác ái “kính Chúa yêu nước”, là yêu “hòa bình, tự do, hạnh phúc” của đạo Công giáo - một tôn giáo lớn ở phương Tây cũng như trên thế giới. Nhân dịp lễ Noel 1955, Người có thư gửi đồng bào công giáo, lá thư có đoạn: “Ngày lễ Nôen lần thứ hai đến trong hoàn cảnh hòa bình. Miền Bắc của ta đã hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ta ở miền Bắc được vui sống tự do, làm ăn yên ổn, đồng bào công giáo thì được tự do thờ Chúa, không còn bị địch đóng chiếm nhà thờ, tàn sát dân lành, gây ra bao nhiêu khổ nhục. Tiếng chuông nhà thờ năm nay mừng sinh nhật Chúa là tiếng chuông hòa bình, tự do, hạnh phúc trong lòng của mọi đồng bào công giáo ở miền Bắc ta.” Hồ Chí Minh còn am hiểu văn hóa của những nước tiên tiến trên thế giới. Năm 1925 Nguyễn Ái Quốc viết Lịch sử cách mạng Mĩ, cho thấy Người đã hiểu biết sâu sắc về nước Mĩ từ rất sớm. Khi con tàu anh Ba làm bồi bếp đi qua cảng New York anh đã được ngắm tượng thần Tự Do và lên thăm thành phố, đi vào các khu ổ chuột ở Harlem. Khi đọc được Chương trình 14 điểm với Hội nghị hòa bình quốc tế của Tổng thống Mĩ, Bác mừng quá vội về Pháp cùng với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam. Bản yêu sách này lấy Chương trình 14 điểm làm điểm tựa pháp lí để gửi Hội nghị. Không chỉ tiếp thu tư tưởng dân chủ, tư tưởng pháp quyền, tư tưởng tự do và bác ái, quyền bình đẳng, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc, trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh còn tiếp thu từ nhiều nguồn văn hóa khác của nước Mĩ. Trong bài báo Hành hình kiểu Linsơ in trên tập san Inprekorr, tiếng Pháp, năm 1924, Nguyễn Ái Quốc thể hiện niềm say mê tiểu thuyết Cái lều của chú Tôm (Uncle Tom’s Cabin) bởi tư tưởng “đã dám bênh vực người da đen”, đặc biệt khâm phục tác giả Harriet Beecher Stowe (1811 - 1896) với tấm lòng nhân văn cao cả, mãnh liệt tình thương yêu con người.

Hồ Chí Minh đặc biệt am hiểu văn hóa Pháp. Người ưa thích ngụ ngôn của La Fontaine, quan tâm đến văn học đương đại Pháp. Tiểu phẩm phê bình văn học đầu tiên của Người in trên báo Le Paria, số 10, ngày 15/1/1923 có tên Những người bản xứ được ưa chuộng (Indigènes à la mode). Không chỉ am hiểu cuộc sống của “những người khốn khổ” ở Pháp, Hồ Chí Minh còn am hiểu sâu sắc giới quý tộc Pháp. Vào một buổi tối năm 1950 tại Việt Bắc, Bác mời Hội đồng Chính phủ họp để trao Huân chương cho bác sĩ Tôn Thất Tùng, Người nói: “Chú Tùng là một xidovan mà nay được Chính phủ ta tặng Huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!” Cidovant là danh từ mà Cách mạng Pháp 1789 dành cho các nhà quý tộc. Chỉ một từ này mà có nhiều ẩn ý: một là rất trân trọng tài năng, nhân cách của “chú Tùng”; hai là “chú Tùng” cũng đã từng là “một nhà quý tộc” Pháp, có công với nước Pháp, nay được Chính phủ ta tặng Huân chương, có nghĩa là Chính phủ rất biết trọng dụng nhân tài, dù người tài đó đã từng phục vụ nước Pháp, mà nay quân Pháp lại đang đánh ta. Và còn toát lên một ý khuyến khích, bác sĩ Tôn Thất Tùng thật đúng như “một xidovan”, một xidovan của cách mạng Việt Nam.

 

Mĩ học Marx - Lenin và văn hóa Nga

Ngay từ năm 1925 Người đã dịch Quốc tế ca ra tiếng Việt, lấy nội dung tác phẩm làm mục đích lí tưởng không chỉ cho mình mà cho cả cách mạng. Sau này Người dùng những ngôn từ đẹp nhất ca ngợi Cách mạng tháng Mười. Ngày 15/7/1969, trả lời báo L’Humanité, Hồ Chí Minh nhắc lại hình ảnh cái “cẩm nang” và lời dạy của Lenin với những người cộng sản phương Đông để khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam đi theo chủ nghĩa Marx - Lenin là tất yếu: “Đồng chí biết truyền thuyết của chúng tôi về cái “cẩm nang”. Khi gặp khó khăn, người ta giở cẩm nang ra và tìm thấy cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin cũng gần như cái cẩm nang thần kì đó.” Các hình ảnh “cẩm nang”, “kim chỉ nam”, “mặt trời”, “tiếng sấm”, “ngọn đuốc”, “ngọn đèn pha” là những ẩn dụ đắt giá, sinh động nhất, đích đáng nhất về ý nghĩa soi đường chỉ lối của Cách mạng tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam.

Về mĩ học văn chương, trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, chính Người đã khẳng định Anatole France và Leo Tolstoy là những người “đỡ đầu văn học” cho mình. Câu nói “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” là Bác mượn ý của hai nhà thơ cộng sản lớn: Paul Vaillant Couturier và Vladimir Vladimirovich Mayakovsky.

Dưới góc nhìn “liên văn hóa” hiện đại, thế giới hôm nay nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc sự hội tụ và kết tinh tuyệt đẹp ba luồng văn hóa, trong đó có hạt nhân mĩ học: văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ, đặc biệt là ở các nước Pháp (châu Âu) và Mĩ (châu Mĩ - Latinh); văn hóa giải phóng con người của chủ nghĩa Marx - Lenin. Đó là tiền đề cơ bản để Hồ Chí Minh kiến tạo một hệ hình mĩ học mới chưa từng có ở Việt Nam.

Những cứ liệu trên cho phép khẳng định, sự tiếp thu, học tập, kế thừa tinh hoa mĩ học Việt Nam và thế giới đã góp phần tạo ra một tư tưởng mĩ học Hồ Chí Minh độc đáo, kiệt xuất sau này.

Là con người của mĩ học nên trong mọi phương diện, ở Hồ Chí Minh, từ ngoại hình, thần thái, phong cách làm việc cho đến tư tưởng đều in đậm dấu ấn cái đẹp. Cái đẹp là bản chất, là gốc, là nền tảng để nhân cách Hồ Chí Minh tỏa sáng. Nhìn một cách chung nhất thì tòa lâu đài nhân cách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có cái nền móng vững chãi là tình yêu thương, cái khung kết cấu là trí tuệ. Nhờ có nhiều ô cửa sổ ngoại ngữ nên đón được nhiều luồng gió nhân văn từ khắp chân trời văn hóa, khiến lâu đài ấy luôn lộng gió thời đại, chan hòa hương thơm và ánh sáng tinh hoa của cả nhân loại. Thế giới hôm nay khẳng định Hồ Chí Minh đi trước thời đại, là người đặt nền móng cũng là tấm gương của đối thoại văn hóa với quan điểm “làm bạn với tất cả các nước dân chủ” và không “gây thù chuốc oán” với một ai. “Vĩnh viễn không bao giờ xâm lược nước khác” và cũng “vĩnh viễn không để nước khác xâm lược”.

Với trường hợp các nhà văn hóa lớn như Hồ Chí Minh thì hình tượng mà họ sáng tạo ra sẽ không có đáy, nói mãi không cùng. Do vậy công việc nghiên cứu sẽ là của nhiều người, nhiều thế hệ tiếp nối nhau mãi mãi. Để mở được mã, nhà nghiên cứu phải có chìa khóa vàng được rèn từ mỏ quặng vốn sống, vốn hiểu biết văn hóa, vốn trải nghiệm. Và không thể thiếu chất vàng ròng của tinh thần cần cù, tâm huyết, của cái tâm thật sự trong sáng. Những tìm tòi của chúng tôi cũng chỉ mới là bước đầu.

N.T.T - N.T.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)