(Đọc Biên khu Việt Quế, tiểu thuyết của Phạm Vân Anh, Nxb Văn học, 2023)
. TÂM ANH
Từ xưa đến nay, quân sự luôn là lĩnh vực trọng yếu đối với bất cứ quốc gia nào. Quân sự là nền tảng vững chắc nhất đảm bảo cho sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền dân tộc. Lịch sử quân sự thế giới đã từng ghi nhận nhiều quan hệ hợp tác, liên minh quân sự giữa hai hay nhiều quốc gia nhằm đạt được mục đích chung. Và trong thế kỉ XX đầy biến động, việc hợp tác quân sự giữa quân đội cách mạng Việt Nam với quân đội cách mạng Trung Quốc ở chiến dịch Thập vạn đại sơn là một sự kiện đáng nhớ, mở ra một chương mới trong lịch sử quân đội hai nước, đánh dấu mối quan hệ hữu hảo giữa hai Đảng, hai chính quyền cách mạng. Sự hợp tác này là nguồn cảm hứng cho nhà văn Phạm Vân Anh viết tiểu thuyết Biên khu Việt Quế, tái hiện hành trình 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1949) quân đội cách mạng Việt Nam phối hợp chiến đấu cùng quân giải phóng Trung Quốc giải phóng một số huyện lị giáp biên giới Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cách mạng hai nước.
Là tác phẩm viết về sự hợp tác quân sự của quân đội hai nước, nên theo logic bình thường, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ và người lính giải phóng Trung Quốc phải được tác giả tập trung khắc họa đậm nét. Trong Biên khu Việt Quế, Phạm Vân Anh đã rất chắc tay trong triển khai để vừa khắc họa cái chung giữa quân đội hai nước trong giai đoạn “bốn phương vô sản đều là anh em” vừa toát lên bản sắc riêng của họ, đặc biệt là người lính Cụ Hồ khi tham gia chiến đấu bên nước bạn.
Ở phương diện miêu tả cái chung giữa hai người lính, điểm đầu tiên Phạm Vân Anh hướng tới, như bao tác giả khác, là tạo nên cặp quan hệ đòn bẩy mang tính chất “kinh điển”: gian khổ và đau thương, đẹp đẽ và cao cả. Càng trong gian khổ càng toát lên vẻ đẹp của người lính. Trên hành trình giải phóng các huyện lị, các chiến sĩ quân giải phóng Việt Nam và Trung Quốc phải trải qua vô số những gian khổ vất vả. Họ phải đối mặt với địa hình hiểm trở vùng biên viễn với núi cao, thung sâu, với thời tiết khắc nghiệt (lúc nắng gắt, lúc mưa xối xả), với sự thiếu thốn về lương thực, súng đạn… Tuy nhiên những khó khăn đó chỉ chiếm phần nhỏ, khó khăn chủ yếu đến từ phía con người. Trong Biên khu Việt Quế, người lính Việt Nam và người lính Trung Quốc qua ngòi bút của Phạm Vân Anh phải đối diện với 4 khó khăn lớn, gồm:
Thứ nhất, nạn thổ phỉ hoành hành. Dọc biên giới hai nước thời điểm ấy, thổ phỉ Việt và thổ phỉ Tàu là những thế lực đáng gờm sẵn sàng ngáng chân, gây tổn thất cho đội quân cách mạng để đạt được những lợi ích riêng. Trên đường hành quân sang nước bạn, đoàn quân mang phiên hiệu 35Đ đã phải đối mặt với nhiều toán thổ phỉ Tàu, từ toán thổ phỉ cuồng bạo chỉ biết “gái và tiền” đến những toán phỉ “học thức đầy mình” như phái Uông Tinh Vệ của trùm phỉ Máy Dền. Những toán phỉ ấy lúc dọa dẫm, lúc lại bắn lén, “cắn trộm” gây ra nhiều tổn thất cho quân đội cách mạng.
Thứ hai, sự ngờ vực của nhân dân bản địa. Khi phải sống giữa “hai làn đạn”, giữa chiến tranh loạn lạc, khi bên nào cũng tuyên bố mình là “chính nghĩa” thì việc người dân lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ quân đội giải phóng Việt Nam và Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. Nhiều người dân Trung Quốc đối diện với hai đội quân cách mạng với tâm lí lo sợ “đội quân này mà đi thì vườn lê đến quả xanh cũng chả còn” (tr.68). Sự ngờ vực, chưa tin tưởng (thậm chí là thù địch như trường hợp thầy giáo Trịnh Phong) của nhân dân Trung Quốc đã tạo ra những thách thức to lớn cho người lính hai nước trong công tác dân vận nói riêng, trong chiến đấu, chiếm lĩnh địa bàn nói chung.
Thứ ba, quân đội Quốc dân Đảng. Đây là đối tượng tác chiến chủ yếu của người lính Việt Nam và người lính Trung Quốc. Là đội quân chính quy, được trang bị vũ khí hiện đại, huấn luyện bài bản, quân đội Quốc dân Đảng đã gây ra những tổn thất, mất mát không nhỏ cho liên quân giữa hai nước. Nhiều chiến sĩ ưu tú của quân giải phóng Việt Nam, Trung Quốc như Trần Xuân, Trần Bình, Đình Trung, Vũ Lăng, Văn Hai, Sần Dừn… đã hi sinh khi chiến đấu với đội quân này.
Thứ tư, những mâu thuẫn, hiểu lầm giữa chính người lính hai nước với nhau hay những sai lầm, ấu trĩ nơi người lính của từng nước trong chiến dịch. Những người lính Việt Nam đã bức xúc, nổi nóng với quân giải phóng Trung Quốc vì chuyện lương thực. Không rõ vì không hiểu ngôn ngữ hay vì lí do gì, số tiền Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam giao cho phía quân đội Trung Quốc để sắm lương thực, thực phẩm, trang bị hậu cần cho quân ta đã được phía bạn chuyển thành… “súng, bộc phá và đồng hồ, bút bi” (tr.78) đem phát cho nhau. Điều này khiến quân đội Việt Nam bị thiếu đói dai dẳng, dẫn đến bực tức “lời qua tiếng lại” với phía bạn. Thêm nữa về phong tục, sinh hoạt ăn ở, phương thức tác chiến… giữa quân ta và quân bạn cũng có những khác biệt nhất định nên đôi khi xảy ra những bất đồng.
Những khó khăn này một mặt tạo nên một “ảo tưởng về tính chân thực” cho tác phẩm, một mặt như đã nói ở trên, làm thành cái nền vững chắc để tôn vinh vẻ đẹp của người lính giải phóng Việt Nam và Trung Quốc. Người lính Việt Nam sang Trung Quốc là để giúp bạn và cũng là giúp mình. Hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân Trung Quốc Sần Dừn quay lại cứu Lý Ban rồi tình nguyện làm “cảm tử quân”, chi tiết vợ Thống Pháy - Ủy viên Khu ủy Biên khu Việt Quế - phải bán nhẫn vàng mẹ cho để lấy tiền mua nhu yếu phẩm cho quân đội Việt Nam, rồi mối tình của chiến sĩ Văn Hai và cô y tá Phùng Lan của nước bạn…, tất cả đều toát lên vẻ đẹp của tình hữu nghị, của tinh thần quốc tế vô sản cao cả giữa hai Đảng, hai nước, hai quân đội. Đó còn là vẻ đẹp của tình quân dân thắm thiết và của tinh thần chiến đấu anh dũng, không ngại hi sinh gian khổ. Những người lính Việt Nam - Trung Quốc bằng tình cảm chân thành và tài dân vận khôn khéo đã chiếm được cảm tình của nhân dân vùng biên giới theo tinh thần “đi dân nhớ, ở dân thương”. Họ sát cánh bên nhau, cùng “vào sinh ra tử” trong những trận chiến dữ dội và cùng nhau tạo nên những chiến thắng vang dội, giải phóng biên khu Việt Quế. Đặc biệt, chi tiết hai người lính già Thống Pháy và Long Xuyên gặp nhau nơi cửa khẩu biên giới sau 60 năm cuối tiểu thuyết đã phản ánh trọn vẹn vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội cao cả giữa người lính hai nước trong chiến đấu cũng như trong thời bình. Hình ảnh hai người cựu binh đầu bạc ôm lấy đôi vai gầy của nhau ánh bừng lên một khát vọng về hòa bình, hữu nghị mãi bền vững giữa hai dân tộc Việt - Trung.
Văn hóa là điểm mà Phạm Vân Anh tựa vào khi khắc họa vẻ đẹp riêng của người lính Cụ Hồ những năm tháng chiến đấu xa nhà. Trong một dung lượng vừa phải của tiểu thuyết thời hiện đại, có thể khẳng định Phạm Vân Anh đã rất khéo léo lồng vào đó những màu sắc văn hóa Việt. Bản sắc văn hóa bộ đội Cụ Hồ thể hiện trước nhất ở trang phục. Mặc dù được nước bạn phát cho những bộ quân phục mới tinh, đẹp đẽ nhưng với người lính Cụ Hồ, màu áo thân thuộc nhất vẫn là sắc áo nâu sồng, chiếc mũ nan của những ngày mới thành lập. Với người lính Cụ Hồ thì “quân phục của Mao Chủ tịch dẫu đẹp, nhưng không thể bằng những chiếc áo quê hương” (tr.205). Những bộ quân phục rách ấy mang trong đó cả niềm kiêu hãnh, tự hào về quân đội non trẻ nhưng anh dũng vô song và tinh thần dân tộc quật cường. Bản sắc văn hóa Việt còn được người lính Cụ Hồ thể hiện qua nghệ thuật “ngoại giao cây tre”, vừa ứng xử mềm dẻo, linh hoạt vừa cứng rắn, nguyên tắc trong đối thoại với phỉ, với nhân dân và quân đội Trung Quốc. Nhờ đó những người lính Cụ Hồ một mặt đã hóa giải khéo léo những bất đồng, khác biệt với quân bạn, tránh làm ảnh hưởng đến mục tiêu, lí tưởng chung; một mặt thực hiện chính sách dân vận “tuyệt vời”, tạo được ấn tượng tốt đẹp với nhân dân Trung Quốc, tránh đổ máu thương vong không cần thiết với phỉ. Âm nhạc, thơ ca cũng là những dấu ấn đậm nét của văn hóa Việt mà người lính Cụ Hồ lưu lại nơi đất khách. Tiếng đàn, lời ca của Đức Trọng, những vần thơ khắc trên giáo mác, truyền khẩu vừa tếu táo, vui đùa vừa thể hiện quyết tâm đánh giặc (Cơm này công lính, tình dân/ Anh ăn lấy sức hành quân diệt thù, Nghĩa tình cơm nắm chấm gio/ Quyết tâm chiến đấu, giật cờ thi đua...) là một đặc trưng riêng, văn hóa riêng không lẫn vào đâu được của bộ đội Cụ Hồ - một đội quân mà người lính luôn đóng hai vai chiến sĩ - nghệ sĩ. Và khi họ ngã xuống, những đám tang giản dị với cành tre, cây chuối ở bàn thờ cũng là một chỉ dấu về văn hóa tâm linh Việt trên đất Trung Quốc, giúp an ủi vong linh những liệt sĩ nơi đất khách quê người. Những điểm này làm nổi bật lên bản sắc Việt của bộ đội Cụ Hồ, nhằm tôn vinh người lính Cụ Hồ trong những năm tháng chiến đấu bên nước bạn.
Tác giả là một nhà thơ, lại là người lính biên phòng có nhiều cơ hội hòa mình vào thiên nhiên trữ tình nơi biên cương, nên tính thơ trong Biên khu Việt Quế rất rõ, nhất là trong những trang miêu tả thiên nhiên. Đó là những trang văn đẹp, xua tan đi cái nặng nề mà bất cứ một cuộc chiến nào cũng mang lại.
Là tác phẩm viết về một đề tài khó, ít tư liệu, nhưng Biên khu Việt Quế của Phạm Vân Anh đã có những thành công nhất định, mang lại một góc nhìn mới lạ cho bạn đọc về hình ảnh bộ đội Cụ Hồ. Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo tuyệt đối. Tiểu thuyết vẫn có những chi tiết và một số điểm mà lẽ ra tác giả nên dụng công hơn.
T.A
VNQD