. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
Trong xu hướng phủ nhận, hạ thấp ý nghĩa cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc, gần đây, trên một vài trang mạng, tờ báo hải ngoại có những bài viết cố ý xuyên tạc thành quả các tác phẩm văn học nghệ thuật những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Họ cho rằng giai đoạn đó văn học nghệ thuật không có gì đáng chú ý, chỉ là hô hào, minh họa cho Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, do vậy, nội dung rất sơ lược, chung chung, lên gân, thuần túy chính trị… Bài viết xin được phản biện lại những ý kiến cực đoan này.
Đánh giá về tính chất tiên phong, sức mạnh chính nghĩa, biểu hiện tầm văn hóa nhân loại của cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước vĩ đại có lẽ câu thơ trong Tiếng hát con tàu (1960) của Chế Lan Viên mang tính khái quát cao hơn cả: Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa/ Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường. Đúng như vậy! Ngọn lửa ấy sẽ sáng mãi không chỉ soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên đài vinh quang của chủ nghĩa xã hội mà còn soi đường cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng dậy đánh đuổi thực dân đế quốc tháo ách nô lệ giành lấy quyền tự do.
Vâng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch cả nước đứng dậy, cả lịch sử và núi sông cùng kháng chiến. Hà Nội, Thủ đô anh hùng đã bắt đầu sớm nhất từ đêm 19/12/1946. Cũng từ giờ phút ấy có một không gian văn học đặc biệt trong một thời kỳ đặc biệt: Hà Nội anh hùng và quật khởi, lãng mạn và trầm hùng, thiêng liêng và hào hoa cùng dân tộc vùng lên đánh đuổi giặc Pháp cứu Tổ quốc. Cả nước hướng về Hà Nội, từ chiến khu Cao-Bắc-Lạng đến Đồng Tháp Mười yêu dấu hay Mũi Cà Mau mến thương; cho đến mãi mãi sau này Hà Nội trong khói lửa vẫn là đề tài hấp dẫn nhiều cây bút… Một đối tượng thẩm mỹ nhưng được soi chiếu từ nhiều điểm nhìn, nhiều góc độ, khúc xạ qua nhiều tâm trạng sẽ cho ta thấy rõ hơn một Hà Nội lấp lánh trong những sắc màu văn học của tráng ca, tụng ca, bi ca, hoan ca…
Năm 1948 tác phẩm Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đã nêu lên những nguyên lý cơ bản của nền văn học cách mạng đóng vai trò điểm tựa để văn nghệ sỹ sáng tác. Năm 1951 Bác Hồ khẳng định “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy” đã mở ra chân trời sáng tạo cho các nhà văn - chiến sỹ hướng về hiện thực kháng chiến, lấy ngòi bút làm vũ khí đuổi giặc.
Về thơ, có lẽ không ai quên hình ảnh người Hà Nội quyết tâm ra đi kháng chiến trong Đất Nước của Nguyễn Đình Thi được viết từ Việt Bắc: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác heo may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Chúng ta cảm ơn Quang Dũng đã “điêu khắc” hình tượng người lính Tây Tiến, một hình ảnh đầy chất tráng ca, kiêu hùng: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm” nhưng vẫn đậm chất lãng mạn bay bổng: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”…Hoàng Cầm trong Bên kia sông Đuống vẽ lên bức tranh văn hóa đặc sắc của xứ Kinh Bắc xưa thơ mộng, trữ tình, trong kháng chiến lại đầy khói lửa và chia ly. Hoàng Trung Thông trong Bao giờ trở lại khẳng định đi kháng chiến là để trở về. Hồng Nguyên trong Nhớ tái hiện trung thực tình cảm anh em ruột thịt chia ngọt sẻ bùi của những anh vệ quốc…Tiếng thơ kháng chiến đậm tinh thần yêu nước và sâu sắc một lòng căm thù giặc. Những nét ấy rất tiêu biểu trong tập Việt Bắc của Tố Hữu. Việt Bắc như một “tập đại thành” về cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ gian khổ và cực kỳ vẻ vang, đã cho thấy những hình tượng thật sự sinh động về những con người vĩ đại làm nên lịch sử, là Bác Hồ, là anh bộ đội, chị du kích, bà bầm, bà bủ, em thiếu niên…
Các nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tú Mỡ… hòa vào dòng người kháng chiến, đi cùng nhịp với cuộc kháng chiến. Lúc bấy giờ có thể chưa có thơ hay nhưng sau này khi đủ độ chín, đủ độ thấu hiểu và thấu cảm về tình người, tình đời, về ý nghĩa của chiến thắng, đã có những câu thơ đi vào lòng người, như Chế Lan Viên đã dẫn ở trên. Còn đây là thơ Xuân Diệu: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân). Ý thơ vươn tới một tầm phổ quát: tình cảm chân thành và nồng nàn, sâu sắc và đắm say ấy không chỉ riêng của Xuân Diệu mà là tình cảm, tâm trạng và cuộc sống chung của tất cả văn nghệ sỹ cách mạng!
Trước nay người Việt Nam ta vẫn làm thơ và đuổi giặc, mà Bác Hồ là tiêu biểu. Như một lẽ tự nhiên, Bác là hiện thân của đức tính anh hùng và tâm hồn nghệ sỹ, của tình yêu và niềm tin Việt Nam. Các bài Cảnh khuya, Cảnh rừng Việt Bắc, Nguyên tiêu, Đăng sơn…thực sự là những kiệt tác kết hợp hài hòa một cách tuyệt vời nhất những hình tượng con người triết nhân và thi nhân, chiến sỹ và thi sỹ, trần thế và thoát tục, cảnh tiên và cảnh thực, hiện tại và tương lai,…để tạo ra một phong cách Hồ Chí Minh độc đáo.
Ở văn xuôi còn phong phú và đa dạng hơn nhiều. Là Nguyễn Tuân nghệ sỹ ra đi kháng chiến có khi trực tiếp vào trận, có khi gián tiếp qua cây bút. Tập tùy bút Đường vui (1949) viết về hình ảnh mọi làng quê nhưng thấp thoáng sau đó vẫn nhận ra một Hà Nội đặc sắc, tinh tế. Tiếp Đường vui là tập Tình chiến dịch có hẳn một tùy bút Ngoài này trong ấy nói về tâm trạng bao buồn vui hy vọng tự hào của người Hà Nội đi kháng chiến luôn hướng về Thủ đô. Buồn khi tưởng tượng ra một Hà Nội đẹp mong manh đang bị chà nát dưới gót giày giặc Pháp. Hy vọng Hà Nội sẽ sớm giải phóng. Tự hào vì Hà Nội có bao người con anh hùng xứng danh lịch sử đất văn hiến ngàn năm… Cùng cảm hứng với nhà văn, sau này tác giả Trần Văn Thụ trong tập Hà Nội, một thời tuổi trẻ (2015) tái hiện rất sinh động hình ảnh thanh niên sinh viên Hà Nội lên đường kháng chiến “Quyết từ cho tổ quốc quyết sinh”…
Viết về Hà Nội nhưng dưới một góc nhìn khác, Trần Đăng trong Một lần tới Thủ đô lại để cho bốn chiến sỹ về nơi phồn hoa và ánh sáng “theo lối của người đi rừng”, chỉ biết đi mà không để ý đến cái tráng lệ của đất kinh kỳ. Đó lại là lý tưởng của những người anh hùng quyết kháng chiến để sớm giải phóng Hà Nội mến yêu. Văn hóa sinh hoạt, phong tục tập quán Hà Nội trong kháng chiến rất có nét riêng, sau này hiện lên chan hòa chất thơ ở Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, hóm hỉnh có phần tinh quái ở hồi ký của Tô Hoài, tinh tế mà nồng nàn trong Thú ăn chơi người Hà Nội của Băng Sơn… Còn nhiều lắm những áng văn đặc sắc về Hà Nội một thời khói lửa, một thời hào hùng!!!
Dĩ nhiên Hà Nội chỉ là một vùng không gian. Nam Cao với Đôi mắt viết về không gian làng quê tản cư kháng chiến và Nhật ký ở rừng, Trần Đăng với Một cuộc chuẩn bị, Kim Lân với Làng, Hồ Phương với Thư nhà… Sau 1950 văn xuôi nở rộ, dài hơn về dung lượng, đa dạng hơn về đề tài, phong phú hơn về bút pháp thể loại, xa rộng hơn về không gian miêu tả, sáng tạo. Tiêu biểu là Vùng mỏ (Võ Huy Tâm), Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Ký sự Cao Lạng (Nguyễn Huy Tưởng) được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1951-1952. Đặc biệt Nguyễn Huy Tưởng luôn lấy đề tài và cảm hứng từ cuộc sống kháng chiến anh hùng để viết Ở chiến khu, Kịch Bắc Sơn, kịch Những người ở lại, Lũy hoa và Sống mãi với Thủ đô… Không thể không kể tới những tác phẩm đặc sắc của Tô Hoài với Truyện Tây Bắc, của Nguyễn Văn Bổng với Con trâu…
Nền âm nhạc Việt Nam hiện đại có nền móng vững chắc từ những bài hát trong kháng chiến chống Pháp tràn đầy khí thế hào hùng, sôi nổi của tráng ca mà vẫn tha thiết trữ tình. Là Mơ đời chiến sỹ và Trở về của Lương Ngọc Trác, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Tiến về Hà Nội của Văn Cao… Nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam biết ơn sâu sắc cuộc kháng chiến chín năm vì đã nuôi dưỡng, sản sinh ra một đội ngũ họa sỹ đông đảo, hùng hậu, để rồi trong số đó nhiều người trở thành đại thụ che bóng không chỉ ở Việt Nam mà còn ngả bóng sang cả trời Tây. Có thể kể tới các bức họa kinh điển: Sau giờ trực chiến, Bát nước giải lao của Nguyễn Phan Chánh, Du kích La Hay tập bắn của Nguyễn Đỗ Cung, Bộ đội thổi sáo dưới sàn nhà, Chạy giặc trong rừng của Tô Ngọc Vân, Hành quân của Mai Văn Hiến, Cái bát của Sỹ Ngọc, Giặc đốt làng tôi, Kết nạp Đảng ở Điện Biên của Nguyễn Sáng, Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An, Du kích về cứ của Nguyễn Văn Tỵ, Hành quân đêm của Trần Đình Thọ,…
Nghệ thuật vì cuộc sống sẽ sống mãi với thời gian. Văn học nghệ thuật viết về cuộc kháng chiến chống Pháp anh hùng sẽ sống mãi cùng lịch sử vì đã trở thành một phần ký ức của dân tộc Việt anh hùng và nghệ sỹ!
N.T.T
VNQD