Người họa sĩ ấy, xuân này tôi nhớ

Thứ Bảy, 17/02/2024 06:06

. NGÔ VĨNH BÌNH
 

Ông không chỉ là người chăm nom cái đẹp của Tạp chí Văn nghệ Quân đội gần như cả cuộc đời mà còn là người bạn thân thiết của các nhà văn ở “phố nhà binh”, với anh em “Nhà số 4”. Với riêng tôi, ông còn tặng cho những bức kí họa chân dung mà mỗi lần giở xem lại rất nhớ! Ông là người trình bày, minh họa cho cuốn sách Chuyện nhặt dọc đường văn (bìa: nhà thơ Đỗ Trung Lai, Nxb Hội Nhà văn, 1994) của tôi với 30 chân dung nhà văn, trong đó có tác giả của cuốn sách. Ông là họa sĩ Quách Đại Hải.

Nhớ ông, tôi lại nhớ những cái tết chưa xa, khi “Nhà số 4” còn những họa sĩ - chiến sĩ như Văn Đa, Huy Toàn, Trương Hạnh và cả bác Hà Trì, người chuyên lo việc in ấn tạp chí. Những năm ấy, khi nhà thơ Thanh Tịnh - vị thủ trưởng cơ quan khả kính - còn “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” chuẩn bị dọn dẹp, bày cỗ tết ông Táo nơi căn phòng vừa là nơi làm việc vừa là nơi ngủ nghỉ của ông trên gác hai phía tây tòa biệt thự cũng là khi các họa sĩ Văn Đa, Trương Hạnh, Quách Đại Hải cùng mấy anh em trẻ trong Ban Trị sự rủ nhau ra chợ hoa Hàng Lược ngắm hoa để chọn những cành đào đẹp chuẩn bị cho tòa soạn đón giao thừa. Tôi cũng được các anh, các bác ấy ới đi cùng. Người được ông Doãn Trung, Trưởng ban Trị sự “tín nhiệm” xông nhà tạp chí trong nhiều năm là nhà văn, bác Tú Hói, ông “bá tước” Xuân Thiều - Phó Tổng biên tập, cũng là người rất kĩ tính trong việc bày cỗ giao thừa. Ông đặc biệt chú ý đến câu đối và cành đào tết. Ông bảo, đó là thông điệp của mùa xuân. Năm mới thành bại cứ nhìn vào đấy sẽ biết. Nhưng hình như năm nào ông cũng gật gù tỏ vẻ hài lòng. Không hài lòng sao được khi cành đào ấy, mâm ngũ quả ấy đã qua con mắt, bàn tay của lão họa sĩ Văn Đa và các đàn em Trương Hạnh, Quách Đại Hải.

Nhớ lại những mùa xuân, những cái tết thời ấy, tôi lại cảm thấy ngậm ngùi vì các bác, các anh ấy đã thành “những người muôn năm cũ”. Tôi còn nhớ như in những lời trong bài điếu họa sĩ Quách Đại Hải (do tôi thay mặt cơ quan viết và đọc) hôm tiễn ông về miền mây trắng: “Hôm nay, ngày 28 tháng 2 năm 2011, nhằm ngày 26 tháng giêng năm Tân Mão, trong niềm tiếc thương vô hạn, chúng ta - những người thân, đồng đội, đồng nghiệp và đồng chí… của trung tá - họa sĩ - chiến sĩ Quách Đại Hải tề tựu đông đủ tại đây - Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng để tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.”

Hoạ sĩ Quách Đại Hải sinh năm Mậu Tý (1948) tại vùng quê bán sơn địa xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ông có tính tự lập và năng khiếu về văn nghệ từ thuở ấu thơ. Cha đi kháng chiến chống Pháp, ông cùng các em sống lần hồi trong sự tảo tần của mẹ, nhưng rất chăm học, thích vẽ và hay hát. Hòa bình lập lại trên miền Bắc Việt Nam, ông được nuôi ăn học hết tú tài, thi đậu và tốt nghiệp trường Cao đẳng Mĩ thuật Công nghiệp hệ 4 năm (1964 - 1968). Ra trường, trở thành họa sĩ công tác tại Ti Văn hóa Ninh Bình.

Chiến tranh lan rộng và ngày càng khốc liệt, ông được gọi nhập ngũ tháng 5/1971, trở thành chiến sĩ bộ binh chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên - Huế. Trải qua các trận đánh ác liệt suốt 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972.

Sau Hiệp định Paris 1973, ông được điều về làm cán bộ tuyên huấn Sư đoàn 320B Binh đoàn Quyết thắng (Quân đoàn I), chuyên sáng tác tranh, chụp ảnh và đi cùng những người lính đang khẩn trương huấn luyện chuẩn bị bước vào trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1975, sau ngày đất nước giải phóng, ông được Quân đội gửi sang Liên Xô học khoa Sơn dầu tại Học viện Mĩ thuật Surikov.

Năm 1978 về nước, ông được phong quân hàm sĩ quan công tác tại Xưởng Mĩ thuật Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới phía Tây Nam nổ ra, từ 1979 - 1989, họa sĩ Quách Đại Hải luôn có mặt cùng bộ đội ở các điểm nóng của chiến trường ghi chép và sáng tác về đề tài quân tình nguyện Việt Nam; một thời gian làm chuyên gia văn hóa tại nước bạn Lào và Campuchia. Năm 1989, ông được điều về làm biên tập viên mĩ thuật tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội đến khi nghỉ hưu (2005)…

Một tranh minh họa của họa sĩ Quách Đại Hải

Cuộc đời 37 năm phục vụ trong quân đội là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của họa sĩ Quách Đại Hải. Đó là những năm tháng đi cùng bộ đội, vẽ về bộ đội, xa cha yếu mẹ già cùng người vợ trẻ và những đứa con thơ, gian khổ thiếu thốn và không ít những thiệt thòi, nhưng đó là những ngày đầy trẻ trung và mê say. Chính nhờ có những năm tháng đó mà ông mới có những tác phẩm hội họa (đa số là tranh lụa) nổi tiếng hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Quân đội Hoàng gia Campuchia và nhiều bộ sưu tập cá nhân khác ở Canada, Anh, Đức, Thuỵ Sĩ, Thái Lan, Myanmar… như: Số phận bọn lấn chiếm, Một vùng biên giới, Chuyện người lính cũ, Bức hoạ nhà sư, Ống đường thốt nốt, Vòng hoa Samăckhơ, Mùa quả chín, Một bức phù điêu, Người công dân mới… Trong số này, nhiều tác phẩm được giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật toàn quốc về đề tài chiến tranh và người lính, giải thưởng văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng.

Ngoài những tác phẩm được cả giới mĩ thuật biết đến, họa sĩ Quách Đại Hải còn để lại dấu ấn trên tờ Văn nghệ Quân đội với những tranh bìa, minh hoạ và bài viết mang bút pháp, phong cách rất riêng. Nhớ hôm nào, trước Tết Nguyên đán có mươi ngày ông bắt xe ôm tới tòa soạn Tạp chí đưa bài và trò chuyện với mọi người rất vui... Có ai ngờ bài viết Tết Tân Mão meo meo chuyện con mèo in trên Văn nghệ Quân đội số Tết năm ấy lại là bài viết cuối cùng của ông, và lần ấy cũng là lần sau chót ông về lại “nhà số 4” - ngôi nhà mà ông đã sống và làm việc nhiều năm với tất cả những vui và buồn, được có và cả thiệt thòi cũng có.

Xem lại những minh họa trong cuốn sách Chuyện nhặt dọc đường văn của tôi với hàng chục chân dung nhà văn, trong đó có mình, bỗng dưng tôi hồi nhớ lại những buổi giao ban cơ quan một thời đã xa. Hoạ sĩ Quách Đại Hải thường đến trễ, có người phê bình ông, ông cười xí xóa nói: “Không phải anh đến muộn mà là chú đến sớm!” Nhiều buổi ông còn bị Tổng biên tập nhắc nhở vì làm việc riêng. Tôi ngồi gần ông, tôi biết ông đang tập trung để chớp lấy những khoảnh khắc độc đáo của một ai đó để caricatuya hay hí họa người đang dự họp. Tôi còn giữ được hàng trăm bức tốc họa chân dung nhà văn của ông mà bức nào cũng sống động, cũng hóm hỉnh; chẳng ai giống ai, mỗi người không lẫn vào đâu được. Có một số bức đã được in trên Văn nghệ Quân đội, một số báo khác và được dùng trong cuốn sách (như trên đã nói) của tôi…

Họa sĩ Quách Đại Hải đã đi xa được hơn mười tết, hơn chục mùa hoa đào. Nhưng mỗi khi tết đến, xuân về hay giở lại những trang Văn nghệ Quân đội cũ, tôi lại nhớ đến ông, nhớ cả cái giọng cái cách hát chèo, hát xẩm tàu điện hay nhại lại một buổi tường thuật bóng đá của ông… rồi bất giác nhoẻn cười.

Thập Tam trại, áp Tết con rồng, 2024
N.V.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)