Đại tá, anh hùng Phùng Văn Khầu – Hiện thân của tấm gương học tập và làm theo Bác

Thứ Ba, 20/02/2024 07:05

. ĐẠI TÁ, PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ[1] - TH.S TRỊNH THỊ HẰNG[2]
 

Trong quá trình tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi được tiếp xúc với nhiều nhân chứng, một trong số đó là Anh hùng, Đại tá Phùng Văn Khầu, người vinh dự 5 lần gặp Bác, 1 lần được Bác đến thăm gia đình. Cuộc đời người anh hùng này không thể không viết, không chỉ bởi đó là tấm gương, còn là một sự hấp dẫn tự thân từ tiểu sử cho đến các hoạt động đầy ý nghĩa.

1. Xuất thân nghèo khổ nhưng ý chí và lòng yêu nước thì giàu có

Sinh năm 1930, tại xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng trong một gia đình bần nông. Đã nghèo nhưng cậu bé Khầu lại sớm mồ côi cả bố lẫn mẹ, năm lên 8 tuổi phải đi ở đợ cho nhà giàu. Cách mạng Tháng Tám thành công, quê hương Trùng Khánh được giải phóng, Phùng Văn Khầu thoát kiếp ở đợ kiếm sống. Khầu được tự do, như chim tung cánh, cậu tự nguyện tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, làm liên lạc, làm chiến sĩ an ninh, làm mọi việc có thể để phục vụ chính quyền nhân dân non trẻ. Nhiệm vụ nào cậu cũng hoàn thành tốt. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, như một tất yếu, chàng trai Phùng Văn Khầu khi tròn 16 tuổi xung phong vào bộ đội, và có mặt ở tuyến đầu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vợ chồng Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu hồi trẻ

Hồi tưởng lại quãng đời niên thiếu bần hàn cơ cực, người anh hùng đầu bạc đã ở tuổi bát tuần (năm 2010) không tránh khỏi ngậm ngùi: “Thực ra trước 1945 không chỉ mình tôi cực khổ, mà ai sống ở thời đó, trừ những người quan lại, kẻ giàu có, theo Tây thì ai cũng giống tôi. Tôi khác ở chỗ mồ côi mà thôi. “Mồ côi tội lắm ai ơi”. Tôi phải vác trên vai hai nỗi khổ lớn nhất của một đời người là mất tự do và mất cha mẹ. Con chim có tổ. Con người có cha mẹ. Tôi không được vậy. Bơ vơ mà…”. Kể đến đây, bác nghẹn ngào. Trên khuôn mặt của một người già 80 tuổi, những nếp nhăn xô nhau không đủ sức để ép hai con mắt ứa ra những giọt nước mắt, trông càng xúc động bội phần…

“Đã thế lại mất tự do… Các anh không hiểu đâu. Phải sống ở thời ấy, phải chịu cảnh quan lang đi thu từng hạt bắp, con gà của dân. Phải chứng kiến thằng Tây, thằng Nhật cầm roi đánh nông dân đến vọt máu tươi… mới thấm thía cảnh mất nước. Thế nên ơn Cách mạng lớn lắm. Bây giờ có người không hiểu, vì họ có sống trong cảnh ấy đâu. Thế nên Cách mạng về là tôi theo Cách mạng ngay. Không phải tôi yêu nước. Thời đó cũng chẳng biết yêu nước là thế nào, chỉ biết làm gì cho thỏa cái thời nô lệ thôi… Sau này có người bảo tôi giàu ý chí và lòng yêu nước, tôi có biết gì đâu. Thời ấy ai cũng thế mà…”.

Ngay cách nói chuyện như thế chúng ta cũng đã thấy người anh hùng đầu bạc ấy yêu nước như lẽ tự nhiên của đất trời. Yêu một cách vô tư. Thế là yêu lắm. Vào bộ đội không có một cái chữ, thế mà làm chủ được khí tài hiện đại là pháo binh. Mà pháo binh hồi ấy, và cả sau này, là “vua chiến trường”. Tại sao lại có sự kỳ lạ ấy nếu không được cắt nghĩa bằng lòng yêu nước và ý chí lớn lao!

2. Một huyền thoại - Đánh giặc bằng trí thông minh, lòng yêu nước

Chiến dịch Điên Biên Phủ lịch sử được coi là nơi “quyết chiến chiến lược” tức là được mất của cả chiến lược đất nước là ở đây. Tất yếu được quân ta chuẩn bị hết sức kỹ càng. Ngay lời Bác Hồ dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cho thấy tính tất yếu phải thắng: “Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”. Thế mà cậu tân binh Phùng Văn Khầu mù chữ lại là khẩu đội trưởng Sơn pháo 75 ly chiếm giữ đồi E1. Đến khi cả đại đội người hy sinh, người bị thương gần hết, chỉ còn một mình anh với khẩu pháo của mình trụ lại cho đến tận ngày Chiến thắng ĐBP. Sau chiến dịch, Khầu được Bác Hồ trực tiếp gắn tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên, là 1 trong 16 người được phong Anh hùng LLVT trong Chiến dịch ĐBP. Người lình già ấy kể…

“Khi Chiến dịch ĐBP bắt đầu, Đại đội Sơn pháo 755 của tôi đóng quân ở Đồn Vàng (Phú Thọ). Ngày 14-3-1954, Đại đội 755 được lệnh vận động lên tham gia Chiến dịch ĐBP. Đại đội có 3 khẩu đội, mỗi khẩu đội 9 người sử dụng 3 khẩu pháo 75 ly, tầm bắn 6000 met, mỗi khẩu nặng gần 5 tạ. Tất nhiên khi hành quân một khẩu pháo phải tháo rời ra từng bộ phận. Nhưng do yêu cầu của cấp trên khẩu đội tôi phải vào trận địa trước. Thế là 9 người phải vác nặng gấp 3 lần bình thường. Cả tuần liền hành quân, tối 20-3, chúng tôi đã tiếp cận được đồi E1 và bắt đầu chuẩn bị công sự. Chiều 30-3-1954, khẩu đội được giao nhiệm vụ tiêu diệt 4 lô cốt tạo điều kiện cho bộ binh mở cửa vào đánh chiếm đồi E1. Đạn hiếm nên chúng tôi được phép bắn 30 viên, tất nhiên phải có hiệu quả, thừa đạn được khen, bắn quá bị phê bình… Thế mà ngắm bắn quả đầu tiên vào lỗ châu mai, đạn bị trượt, rơi cách xa mục tiêu khoảng 10m. Tôi yêu cầu tăng thước tầm, thay đổi điểm ngắm. Phát bắn thứ 2, trúng mục tiêu… Có kinh nghiệm, khẩu đội bắn liền 20 phát đều trúng. Thế là bằng cách ngắm bắn qua nòng pháo, khẩu đội đánh sập cả 4 lô cốt. Mở được cửa, bộ binh tràn lên chiếm gọn đồi. Hoàn thành nhiệm vụ, khẩu đội tiết kiệm được 8 viên đạn…”.

Cả chiến trường Điện Biên hồi đó, theo các bản Nhật lệnh Chiến dịch và các tờ tin, khẩu đội Phùng Văn Khầu được coi là anh hùng. Riêng khẩu đội trưởng, nhiều người tưởng là được học từ Trung Quốc về, ở trường quân sự Hoàng Phố… Không ai biết, trừ khẩu đội ấy và một số đồng chí, là người khẩu đội trưởng ấy… mù chữ!

Rất nhanh, chỉ 2 ngày sau trận đánh, Bác Hồ đã gửi tặng huy hiệu của Bác cho cả khẩu đội. Riêng Khầu đeo ngay huy hiệu lên ngực và cũng đeo suốt Chiến dịch.

Lịch sử chi tiết của Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết cụ thể ngày 2/4/1954, Đại đội 755 được lệnh đưa 3 khẩu pháo lên đồi E1 có nhiệm vụ yểm trợ các mũi tấn công của bộ binh. 2 khẩu đội được lệnh ngụy trang kỹ, không lộ diện, chỉ 1 khẩu đội (của Khầu) được bắn xuống khu vực trung tâm tiêu hao lực lượng địch và yểm trợ quân ta. Ngày 23/4/1954, địch phản công lớn, có cả xe tăng, pháo 105 nhằm chiếm lại đồi E1 và những điểm cao chiến lược. Địch đã đánh sập hầm ngụy trang 2 khẩu đội. 18 đồng chí hy sinh và bị thương. Chỉ còn khẩu đội của Khầu là chiến đấu được. Vị Đại tá bồi hồi nhớ: “Trận đánh này ác liệt nhất đời tôi. Anh em trong khẩu đội hy sinh và bị thương gần hết. Là khẩu đội trưởng, tôi càng phải quyết tâm cao. Chỉ còn tôi và Lý Văn Pao, pháo thủ. Chúng tôi dồn hết suy nghĩ vào nòng pháo. Địch bắn trả dữ dội, đạn rơi như mưa. Thế mà hai chúng tôi vẫn lần lượt bắn hạ từng mục tiêu. Đến lượt Pao bị thương không chiến đấu được. Tôi một mình vận động, từ quan sát, ngắm mục tiêu, đến nạp đạn, rồi giật cò... Sức ép của đạn pháo địch làm tôi ngất đi sau khi đã diệt gọn cả 4 khẩu pháo 105 ly và 2 khẩu đại liên địch, tạo điều kiện cho quân ta tiến công...”.

Bản Tổng kết Chiến dịch ngay sau khi thắng lợi công bố, trong thời gian 35 ngày trên đồi E1, khẩu pháo 75 ly của Phùng Văn Khầu đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm lính địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi... Bản Tổng kết không ghi rõ về sau chỉ còn lại một mình khẩu đội trưởng Khầu thao tác thay các vị trí đã hy sinh hoặc bị thương. Nhưng lịch sử thì biết rõ, vì lịch sử vốn công bằng…

3. Cần cù, khiêm tốn, tiết kiệm

Nghiên cứu Chiến dịch Điện Biên Phủ nhiều sử gia Pháp vẫn không cắt nghĩa nổi vì sao người Pháp có lực lượng pháo binh mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, thế mà chỉ bị mấy làn pháo của quân đội Việt Nam dội xuống thì chỉ huy pháo binh Pháp phải tự vẫn[3]. Theo các nghiên cứu về lịch sử Chiến tranh Đông Dương, người Pháp khẳng định: Trung tá Charles Piroth, chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ tự sát sáng sớm ngày 15 tháng 3. Tìm hiểu về Chiến tranh nhân dân của ta, nhất là đọc kỹ về lực lượng pháo binh, các sử gia Pháp đều khó hiểu vì sao có người mù chữ lại bắn pháo – loại vũ khí chính xác, mà trúng đích gần như tuyệt đối được. Điều ấy được “người trong cuộc” Phùng Văn Khầu lý giải:

“Người Pháp thua trước hết là do chưa hiểu đối phương, tức quân ta. Họ kéo quân xuống thung lũng đã là một thất sách. Lại không biết đối phương có trọng pháo. Mà với pháo thì vị trí để bắn mang tính quyết định. Pháo ta từ trên cao rót xuống khác gì giót nước sôi xuống đáy bát có nhiều kiến…

Quan trọng hơn là bộ đội Việt Nam rất cần cù. Anh thấy đấy, 9 người chúng tôi tháo pháo ra, mỗi người vác một ít linh kiện pháo nặng gấp 3 lần bình thường, tất nhiên không đều nhau, có người tới 65 kg. Thế là thay phiên nhau. Hành quân suốt ngày đêm từ Phú Thọ lên Điện Biên. Mà đi đường rừng, dốc cheo leo nguy hiểm. Lại thường đi đêm… Ngày nay con cháu ta cũng khó tưởng tượng ra, huống hồ người Pháp…

Và họ rất thông minh. Trước hết là giấu bí mật. Tình báo Pháp cũng ghê gớm lắm, thế mà không phát hiện ra ta có pháo, “kéo vào kéo ra” cũng không biết. Bây giờ kéo cái xe tải chết máy trên đường cao tốc, chưa có xe chuyên dụng, thì bao nhiêu người kéo, có khi còn dô ta rầm trời… Nhưng ngày ấy chúng tôi kéo pháo phải bí mật tuyệt đối. Kéo xong phải trả lại cành lá sườn núi như cũ. Phải nói là “thiên tài”… Chỉ có bộ đội ta làm được.

Còn tôi không biết chữ mà vẫn bắn trúng. Vì tôi tiết kiệm. Một quả pháo ấy, anh biết không, nuôi được cả một gia đình 6,7 người trong nửa năm. Chúng tôi nghèo nên xót của, cố gắng bảo nhau mà bắn trúng vừa được trên khen lại vừa đỡ xót ruột. Còn căm thù ư? Ai là bộ đội thời ấy cũng “thù” Pháp. Cả dân tộc “thù” Pháp. Vì họ xâm lược. Ác lắm. Nhưng cao hơn cả là tin và yêu Bác Hồ, Cách mạng. Chỉ có thắng Pháp mới đổi đời. Thế nên phải tìm mọi cách mà vượt qua. “Cái khó ló cái khôn”. Phải yêu hết mình cái khẩu pháo ấy nó mới cho mình cách bắn trúng chứ. Khẩu pháo nó “bảo” cách bắn trúng đấy…!!! Sau này nhiều người nói tôi thông minh, thực ra khẩu pháo nó mách tôi phải thế này… thế này!. Rồi học đồng đội, hỏi cấp trên. Cái gì chưa biết phải hỏi kỹ, không giấu dốt. Mà ai chả dốt. Từ dốt đến sáng là do mình thôi…”.

Thực ra sự trả lời của vị Đại tá vẫn chưa làm chúng tôi thỏa mãn nhưng về cơ bản là đã hiểu: chỉ có bộ đội Việt Nam thắng Pháp, sau này thắng Mỹ là nhờ họ tiếp thu truyền thống yêu nước và được sự giáo dục của Bác Hồ, Đảng và Cách mạng!

Lịch sử ghi lại người anh hùng Phùng Văn Khầu chưa biết chữ, chưa sử dụng được máy ngắm, chỉ ngắm qua nòng pháo và bắn 22 phát thì 21 phát trúng mục tiêu. Sau Chiến dịch được Bác Hồ tặng huy hiệu và khen, người lính ấy “báo cáo” Bác: “Thưa Bác cháu có thành tích bước đầu nhỏ bé thôi mà Bác đã quan tâm. Cháu xin hứa tiếp tục chiến đấu dũng cảm hơn nữa để thắng Pháp cho nước ta sớm được độc lập, tự do”.

Ngày 23/4/1954 quân Pháp phản công. Họ tập trung xe tăng, pháo binh tập kích trên đồi E1. Đồng đội ông hy sinh gần hết. Một mình anh lính Khầu bắn trúng 4 khẩu pháo 105 ly, phá 2 khẩu súng máy của địch… Một mình… Đó là huyền thoại mà trong các Giáo trình Pháo binh vẫn chưa cắt nghĩa được dưới góc độ khoa học!

Theo lịch sử Binh chủng Pháo binh, đến tháng 12/1949, đồng chí Phùng Văn Khầu mới được biên chế chính thức vào Trung đoàn 675. Như nhiều đồng chí khác, đồng chí Phùng Văn Khầu không biết chữ nhưng cần cù chịu khó, hăng hái rèn luyện và trưởng thành, đã tham gia bảy chiến dịch lớn với hàng chục trận đánh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

4. Trong sáng, thanh khiết như suối đầu nguồn

15, 16 tuổi Phùng Văn Khầu đã tham gia các hoạt động cách mạng ở địa phương. Việc gì cũng không nề hà dù mưa lũ tràn suối, dù giá rét băng rơi kín đất, rồi bom đạn địch, Khầu đều nhiệt tình hăng hái và rất kỷ luật, sáng tạo, luôn xung phong làm những việc khó. Chính quãng thời gian hoạt động hết mình ở địa phương đã giúp anh chiến sỹ Khầu trưởng thành nhanh chóng trong quân ngũ. Lớn lên trong nghèo khó, đổi đời nhờ cách mạng, Khầu thấm thía điều đó nên mọi việc anh làm như một sự cố gắng đáp lại công ơn cách mạng. Mọi suy nghĩ, hành động của anh cũng đều vì cách mạng. Tấm lòng ấy trong như suối nguồn, hồn nhiên như hoa rừng và cũng mạnh mẽ, cứng cáp như cây lim, cây sến, cây táu mọc chót vót trên đỉnh núi…

Người lính già ấy tâm sự: “So với công lao và hy sinh của đồng đội thì cái mà anh gọi là “công trạng” của tôi có thấm tháp gì đâu. Anh biết đấy, con người ta quý nhất là thân thể, xương máu mình, thế mà có đồng đội tôi lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân mình chèn bánh pháo... Anh không tưởng tượng ra đâu. Khẩu pháo quý lắm. Tôi đã nói một viên đạn pháo nuôi được cả gia đình trong nửa năm, thì một khẩu pháo của tôi nuôi được cả xã tôi trong một năm. Đấy là chưa kể có pháo mới đánh được lôcốt để “mở cửa” cho bộ bình. Không có pháo, khó thắng và sẽ chết nhiều lắm… Thế nên ai cũng như ai, quý pháo hơn quý bản thân mình. Không chỉ một người lấy thân mình chén pháo để khỏi rơi xuống vực đâu, mà có rất nhiều người sẽ như thế, tất nhiên có tôi…”.

Tôi hiểu người chiến binh già ấy sau này về hưu vẫn trong sáng đến tuyệt đối như thời đánh Pháp. Cố gắng đi học cái chữ. Ông kể 27 tuổi mới đi học, khó lắm. Nhưng phải cố mà học. Khó hơn bắn pháo nhiều. Nhưng vẫn cố… Mãi rồi cũng có kết quả!

Đồng đội của Đại tá Phùng Văn Khầu kể ông ấy rất xứng đáng là “anh hùng”. Chữ “anh”, theo nghĩa Hán Việt là “hoa của mọi hoa”. Chữ “hùng” có nghĩa là con vật “mạnh mẽ nhất của mọi con vật”. Khầu vừa trong sáng vừa mạnh mẽ. Theo gương Bác Hồ, học tập và làm theo Bác Hồ từ những việc nhỏ nhất, anh chưa hề đòi hỏi điều gì riêng cho mình, dù một cây kim, sợi chỉ. Mọi quyền lợi anh có là do đơn vị phân… Thế nên không ngẫu nhiên Đại tá Khầu sau này trở thành người lính chiến trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng một số đồng đội, ông quyết tâm đấu tranh với những kẻ tham lam muốn hưởng cái họ không xứng hưởng. Đó là lũ quan tham, cán bộ biến chất, theo lời ông là nhắc lại so sánh của Bác Hồ là như “những con lợn sục vào vườn rau Nhà nước ăn no nê, phè phỡn. No bụng họ nhưng vườn ra Nhà nước bị phá, người trồng là nông dân, là Đảng lại không được ăn”.

5. Một tượng đài được điêu khắc từ nhiều nguồn sáng văn hóa

Lý thuyết liên văn hóa (intercultural) hôm nay quan niệm nhà tư tưởng như một cây xanh cắm sâu chùm rễ khỏe khoắn vào các mảnh đất cuộc sống đương đại, truyền thống dân tộc và nhân loại để hút dưỡng chất văn hóa rồi vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng lý tưởng của thời đại, nhờ vậy những trái cây tác phẩm mới kết tinh được trong nó những giá trị tinh hoa để tỏa ra hương vị tư tưởng đặc sắc. Một anh hùng cũng tương tự, tất yếu phải là sự kết tinh từ nhiều nguồn mạch văn hóa để suy nghĩ, quan niệm, hành động của họ mang tính soi đường.

5.1. Bác Hồ là nguồn sống, là điểm tựa cuộc đời

Sau Chiến dịch Điên Biên, Phùng Văn Khầu được cấp trên cử lên Chiến khu Việt Bắc gặp Bác Hồ. Ông kể: “Bao nhiêu năm ước mơ được gặp Bác Hồ nên những anh em đi ai cũng vui mừng cả. Được Bác gắn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, ôm hôn và dặn chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn khiêm tốn, giản dị, luôn trung thực, thật thà, thẳng thắn học hỏi để tiến bộ mãi...”. Ngày 31/8/1955, anh bộ đội Khầu được gặp Bác Hồ lần thứ 2, tức dịp Phùng Văn Khầu được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Ông hồ hởi nhớ lại: “Lại được Bác Hồ gắn Huân chương Quân công hạng ba và trao danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Được Bác dặn dò không được tự kiêu, tự mãn, luôn khiêm tốn, thật thà, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm... Lòng tôi sung sướng vô cùng”…

Bác Hồ vĩ đại lắm, nhưng rất bình dân, vị Đại tá kể tiếp, tháng 7-1965, khi Khầu đang chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế thì Bác Hồ lên thăm Khu Tự trị Việt Bắc có đến thăm gia đình Khầu. Như người ông, Bác Hồ chia kẹo cho 2 con gái, gửi lời thăm chú Khầu và dặn cô Cay nuôi con khỏe, dạy con ngoan, để chồng yên tâm chiến đấu... Ông trầm ngâm: “Bác Hồ rất tình cảm với tôi và gia đình tôi. Điều thiêng liêng, quý giá ấy không phải ai cũng có. Nên suốt đời tôi luôn nhớ lời Bác Hồ dặn dò. Trình độ văn hóa có hạn, tôi giỏi lắm là đến cấp phó. Nhưng không bao giờ tôi bất mãn hay cửa quyền, cậy thế này nọ. Tôi chưa làm gì sai, làm gì trái với những điều mà Bác Hồ đã mấy lần dặn dò tôi... Cũng nhờ Bác mà tôi quyết tâm học cái chữ. Năm 1957, khi đã 27 tuổi, tôi bắt đầu đi học lớp vỡ lòng! Cũng năm đó, tôi được cử tham dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới lần thứ 5 tại Ba Lan. Trong vui chung có vui riêng, tôi gặp gỡ nữ chiến sĩ thi đua toàn quốc Hà Thị Cay, 17 tuổi, người ở Thái Bình…”.

Thế là Bác Hồ và Cách mạng đã đổi đời cho anh lính Khầu và chắp thêm hạnh phúc cho cánh chim Phùng Văn Khầu bay vào bầu trời cuộc sống mới.

5.2. Người vợ hiền là nguồn hạnh phúc, là điểm tựa tinh thần

Vẫn lời Đại tá Khầu kể: “Cô Cay ấy, tức vợ tôi sau này đã sống sót khi cha mẹ, anh, chị, em đều chết vì nạn đói 1945. Thế mà vượt qua mọi khó khăn, gian khổ tưởng chừng không thể để tham gia cách mạng, lao động sản xuất phục vụ chiến trường. Hoàn cảnh đáng thương lắm. Và cũng rất đáng phục...”. Đám cưới của họ được tổ chức tại Tỉnh đoàn Thái Bình, ở ngày hôm nay, thật khó tưởng tượng với vài bao thuốc và ít chè. Ông cười vui, hài hước: “Tất tần tật hết… 12 đồng”.

Với ông, lớn lên nhờ cách mạng, trưởng thành trong chiến đấu, có được hạnh phúc gia đình cũng nhờ “mối duyên cách mạng”. Cùng được cử sang tham dự Hội nghị Liên hoan Sinh viên Thế giới được tại Ba Lan, họ gặp nhau. Theo ông thì do hoàn cảnh nên dễ thông cảm: “Đều mồ côi bố mẹ, hoàn cảnh gia đình đều nghèo khó , nên ngay lúc đầu, cả hai đều đã dành tình cảm cho nhau rồi”. Về Việt Nam, mỗi người một nơi. Ông tiếp quản sân bay Bạch Mai ở thủ đô, bà về công tác tại Tỉnh đoàn Thái Bình. Nhưng “phải duyên phải số” thì vẫn “vồ” lấy nhau. Một lần nữa họ gặp lại nhau trong Đại hội tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Điện Biên Phủ lần thứ 2. Lần ấy, lấy hết can đảm ông “tỏ tình”: “Em có đồng ý lấy anh không?”. Họ nên duyên vợ chồng. Lấy vợ xong, là người lính, “anh chồng” Khầu tiếp tục lên đường vào Nam “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Một mình bà Cay nuôi dạy 4 con nhỏ. Ai đã từng xem Chương trình truyền hình Việc tử tế phát sóng lúc 17h35 thứ ba, năm, bảy hàng tuần trên VTV1, dịp 27/7/2015 kể chuyện tình của họ sẽ càng kính trọng, cảm phục người phụ nữ đảm đang Hà Thị Cay cũng thật xứng đáng anh hùng: “Tôi hạnh phúc lắm khi lấy được một người chồng như ông Khầu. Suốt bao nhiêu năm nay vợ chồng sống với nhau hòa hợp, tôi cũng chỉ nói với con cháu làm sao học tập ông, sống thật hạnh phúc”. Với Đại tá Khầu thì: “Tôi sẽ tiếp tục phát huy thành tích của mình để bà và các con tiến bước theo con đường của tôi, giúp xây dựng đất nước này ngày càng to đẹp, đàng hoàng hơn”. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” là vậy. “Thuận vợ thuận chồng, bể Đông tát cạn là vậy”. Suốt đời quân ngũ Đại tá Khầu có người vợ yêu là hậu phương vũng chắc. Với người lính thì điểm tựa tinh thần ấm áp, tin cậy nhất là người vợ. Ông may mắn được như vậy!

5.3. Đảng, cơ quan, đồng đội, đồng chí, anh em, bà con là nguồn động viên phấn đấu

Cậu bé Phùng Văn Khầu mồ côi mẹ khi mới hơn một tháng tuổi. Nhưng bù lại may mắn được được bà con xóm giềng họ hàng thân thích cưu mang nên tình người lắng trong con người họ Phùng ấy ngày một sâu đậm. Lớn lên đi theo Cách mạng được Đảng, cấp trên giáo dục, đồng chí giúp đỡ mà trưởng thành. Ông nói không có mẹ thì coi Bác Hồ, Đảng, Cách mạng là cha mẹ, coi đồng đội là anh em, coi cơ quan là gia đình. Ông kể, trong chiến đấu tình đồng đội quý lắm. Vì họ là cánh tay, là xương thịt mà. Thế nên khi đồng đội ngã xuống thì mình phải có trách nhiệm làm thay. Ai cũng thế thôi!

Ông cứ nói đi nói lại rằng không có Cách mạng, không có Đảng thì không có Phùng Văn Khầu, không có đồng đội thì không có Anh hùng, Đại tá Phùng Văn Khầu. Thế nên, bây giờ, mình còn sống ngày nào là phải vì Đảng, vì Cách mạng, phải làm thay đồng đội đã ngã xuống… Đó chẳng phải là tư tưởng sao? Thậm chí là một tư tưởng lớn, ân nghĩa, ân tình trọn vẹn, trước sau; vị tha cao cả… những điều mà ở ngày hôm nay đang có nguy cơ trở nên hiếm hoi. Thế nên càng nhìn kỹ vào tấm gương ấy, càng thấy tỏa ra nhiều vẻ đẹp đến huyền thoại, mới mẻ!

Lần gặp nào, cuối câu chuyện ông cũng hồn nhiên hát bài hát “Tiếng hát pháo binh” của nhạc sĩ Huy Du. Ông bảo thích bài hát không phải vì có tên mình mà bởi vì trong đó có tiếng lòng đồng đội, đồng chí, cấp trên, cấp dưới như trong gia đình vậy: “Ngàn trùng xa nghe vinh quang mỗi bước đường ta đi. Gương anh Cư non nước đang còn ghi. Nghe năm xưa pháo dậy rừng sâu. Ta hiên ngang tiến bước theo anh Khầu…”.

Mỗi lần gặp người anh hùng đầu bạc ấy chúng tôi, ai cũng như ai đều bất giác tưởng tượng ông như một vị tiên trong cổ tích. Vị tiên không có thực nhưng ông thì có thực, đang hiện hữu giữa cuộc đời và đang tỏa sáng. Bởi đó là một hiện thân sinh động của tấm gương Học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu!

N.T.T - T.T.H


[1] Tạp chí Văn nghệ Quân đội

[2] Trường Đại học Đại Nam

[3] Từ khi Pháp bắt đầu chiếm đóng Điện biên Phủ, trung tá Charles Piroth chỉ huy pháo binh cứ điểm khẳng định với De Castries rằng Tướng Giáp sẽ không bao giờ đưa được khẩu đội pháo vào những quả đồi trọc phía Đông Nam của Eliane (cứ điểm A1) – một trong những vị trí quan trọng của tập đoàn cứ điểm. Về sau một nhân chứng - Jean Pouget viết trong hồi ký: “Trung tá Piroth đã dành trọn một đêm (13 tháng 3) quan sát hỏa lực dần dần bị đối phương phản pháo chính xác một cách kinh khủng vào trận địa pháo của ông. Hai khẩu pháo 105 ly bị quyét sạch cùng pháo thủ, một khẩu 155 ly bị loại khỏi vòng chiến đấu …”. Trung tá Andre Trancart, chỉ huy phân khu Bắc, bạn thân của Piroth kể lại sau trận Độc Lập: Piroth khóc và nói “Mình đã mất hết danh dự. Mình đã đảm bảo với Castrie và Tổng chỉ huy sẽ không để pháo binh địch giành vai trò quyết định, và bây giờ, ta sẽ thua trận. Mình đi thôi.”

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)