Bài học gần dân, thương dân của Bác Hồ

Thứ Năm, 22/02/2024 14:23

. CAO THANH HẢI


Là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên của Báo Nhân dân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải may mắn được nhiều lần chụp ảnh Bác Hồ. Ông kể những lần được gần Bác càng cảm nhận sâu sắc về con người, tính cách, lối sống, những bài học Người dạy dỗ, chỉ bảo, cho đến hôm nay (2020) vẫn in đậm, tươi nguyên trong trí nhớ của người 90 năm tuổi đời, 70 năm làm nghề ảnh chuyên nghiệp. Lần ấy theo Bác về Nghệ An, Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp mặt để các vị lão thành cách mạng được gặp Bác. Trịnh Hải cầm máy ảnh đứng trên bục sau lưng Bác nên quan sát cả hội trường đã chật kín. Bác hướng về phía một cán bộ trẻ ngồi hàng ghế đầu nói: “Chú có thấy cụ già đứng thập thò mãi ở cửa không? Chú còn trẻ phải ra xin lỗi rồi mời cụ ấy vào”[1]. Thế là không chỉ người cán bộ trẻ ấy mà tất cả cán bộ cấp tỉnh đang ngồi hai hàng ghế đầu lặng lẽ xuống phía dưới. Chỉ một hành động nhỏ ấy thôi nhưng có sức giáo dục rất lớn, về đạo lý kính trọng người cao tuổi, về bài học yêu dân, trọng dân, kính dân, về chức phận người lãnh đạo.

Tiếp thu đạo lý lớn lao lấy dân làm gốc từ Nguyễn Trãi, Bác Hồ viết: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề...là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ bị áp bức”[2]. Từ quan niệm coi con người cao hơn tất cả mà nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh rất trọng hoà bình. Khi cả nư­ớc chuẩn bị phải b­ước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ tuyên bố với thế giới: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh...Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Như­ng cuộc chiến tranh ấy, nếu ngư­ời ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm...”[3]. Rõ ràng để trở thành nhà quân sự kiệt xuất là ngoài ý muốn của Ngư­ời, không hề muốn chiến tranh, như­ng cần thiết thì Người cùng cả dân tộc buộc phải cầm súng để giành độc lập, tự do để cho xứ sở này luôn tràn ngập ánh trăng hoà bình nh­ư trong những áng thơ của Ngư­ời vậy.

Như cây xanh có gốc, cây tình thương có cội gốc là niềm tin. Thương người bắt đầu từ tin người. Nhà văn Đặng Thai Mai kể năm 1946, khi nhóm chuẩn bị bản Dự thảo Hiến Pháp trình Bác, Bác hỏi xem có ai thắc mắc gì không, Đặng Thai Mai thưa: “Không biết chúng ta ban bố quyền bầu cử cho toàn dân có sớm quá không? Dân chúng ta hiện giờ người mù chữ còn tới 80, 90%”. Bác cười, giơ ngón tay chỉ vào tôi, nói: “Chú là người thảo hiến pháp mà không khéo lại phản động đấy, người mạng trước hết phải tin vào nhân dân”[4]. Cuối năm 1963 đồng chí Dương Bá Nuôi cán bộ Quân khu Trị-Thiên-Huế ra báo cáo tình hình cho Bác. Người hỏi đi bằng đường nào. Đồng chí nói đi đường núi, vì đi đường đồng bằng không an toàn. Bác ngạc nhiên: “Làm cách mạng mà đi trong dân lại không an toàn à? Đi trong dân mới ăn chắc!”[5]. Đấy là quan điểm gần dân, thân dân, coi dân như ruột thịt. Thế cho nên chúng ta thấy Bác luôn yêu cầu nghệ sỹ phải luôn hướng về cuộc sống. Nhà văn Vũ Ngọc Phan thuật lại việc một lần đi thăm Triển lãm hội hoạ, Bác nói: “Các chú viết và vẽ thì phải chú ý đến công nông, phải viết về công nông, vẽ về công nông”[6]. Ngày 1-7-1947 gửi thư cho thi sỹ Huyền Kiêu sau khi nhận được bản trường ca Hồ Chí Minh-tinh hoa dân tộc do nhà thơ gửi tặng, Bác Hồ viết: “Tôi đã nhận được bản trường ca của chú với nội dung cổ vũ đồng bào và chiến sỹ ta hăng hái kháng chiến… Thế là rất tốt”[7].

Tin dân, thương dân, yêu dân nên khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh thì trong quan niệm của Người là làm sao để tránh được tổn thất cả cho ta cả cho địch. Từ quan niệm thực sự nhân văn này đã hình thành một chiến lược quân sự đánh địch “chủ trương bằng mưu, không dùng đến binh mà thắng được địch nhân”. Tư tưởng của Người ở ngày hôm nay vẫn đậm tính thời sự, không chỉ phù hợp với chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng ta mà còn phù hợp với xu thế chung của bối cảnh toàn cầu hoá, con người ở mọi quốc gia hiểu biết nhau, gần gũi, thân thiện nhau hơn: “Phép dùng binh, giữ toàn nước địch mà ta thắng lợi là khéo nhất. Phá tan nước địch chỉ là khéo thứ hai. Giữ toàn quân đội địch mà ta thắng, là khéo nhất. Phá tan quân đội địch mà ta thắng, chỉ là khéo thứ hai.

Cho nên đánh hơn trăm trận, không phải là giỏi nhất. Giỏi nhất là không phải đánh mà quân địch phải thua.

Cho nên dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới đánh bằng binh. Vây thành mà đánh là kém nhất”[8]. Như vậy điểm quan trọng nhất trong phép dùng binh được Người đánh giá “khéo nhất”, “giỏi nhất” mà là “không phải đánh mà quân địch phải thua”. Ba mảnh đoạn này cấu trúc theo lối nhân quả, hai mảnh đoạn đầu thực ra chỉ là một nguyên nhân, sự có mặt của tất cả các câu trên để dồn vào ý câu cuối: Giỏi nhất là không phải đánh mà quân địch phải thua. Từ nguyên nhân ấy dẫn đến kết quả: “Cho nên dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới đánh bằng binh”. Đánh bằng mưu là đánh như thế nào? Là kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông: Mưu phạt tâm công. Xét đến cùng như thế cũng là vì trọng dân, thương dân, không muốn dân đổ máu.

Bác Hồ có một niềm tin tuyệt đối vào dân vì tìm thấy ở họ những vẻ đẹp tuyệt vời, bền vững nhất. Ngày 1-5-1966, sau khi xem Đoàn văn công Quảng Bình biểu diễn, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Nhân dân ta thật anh hùng. Chiến đấu ác liệt như thế, gian khổ như thế mà vẫn lạc quan ca hát. Một dân tộc như thế không một thế lực hung bạo nào có thể khuất phục được”[9].

Hai chữ “đày tớ” được Người dùng 65 lần (thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập, 15 tập) là một từ ghép, chỉ người phục vụ vô điều kiện, tuyệt đối trung thành. Từ này thì ai cũng hiểu vì đã trở nên quen thuộc trong truyện cổ dân gian, trong tục ngữ ca dao và cả trong đời thường nên được tác giả sử dụng để nói về bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của người cách mạng phục vụ vô điều kiện, tuyệt đối trung thành với nhân dân: “Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đày tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài”[10]. Bác mượn lời Lỗ Tấn để nhắc nhở cán bộ: “Nói về người cách mạng và đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ: “Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ/ Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”. Xin tạm dịch là: “Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”. “Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian khổ. “Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân”[11].

Nguyễn Trãi yêu cầu “phàm người có chức vụ coi quân trị dân... đối dân tận hoà, bỏ thói tham ô, trừ tệ lười biếng; bè đảng riêng tây phải bỏ, thái độ cố phạm phải chừa, coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo của mình”. Bác Hồ, ngay từ những ngày đầu giải phóng đã đề ra nhiệm vụ “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”[12].

Để xứng đáng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”, Bác Hồ yêu cầu cán bộ phải cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Người từng lên tiếng báo động: “Đề phòng hủ hoá...có người hủ hoá, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán...”[13]. Người đề ra một tiêu chuẩn của người cách mạng là “Lo, thì trước thiên hạ; hưởng, thì sau thiên hạ”, học Nguyễn Trãi, Bác Hồ cũng dạy cán bộ “không lợi dụng danh nghĩa Uỷ ban để gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình”[14]. Đó là bài học vẫn luôn mới cho hôm nay!

C.T.H


[1] Bạch Đằng - Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trịnh Hải: Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn! Báo Sức khỏe và đời sống 1/9/2020.

[2]Nhà nước và pháp luật Việt Nam- Nxb Pháp lý, 1990, tr 174. Chuyển dẫn từ sách Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, 2003, tr 378.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 526.

[4] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn 2010, tr 38.

[5] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 8. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 480.

[6] Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) – Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995, tr 60.

[7] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 4. Sđd, tr 98.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3. Sđd, tr 562.

[9] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 9. Sđd, tr 402.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 39.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 50.

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 285.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 20.

[14] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 22.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)